Cách cỏ - Trị bò cạp cắn và rắn cắn
Cách cỏ là cây thảo nhỏ sống nhiều năm thành bụi thấp, cao 9 - 20cm, mọc ở Thừa Thiên - Huế và Lâm Đồng, trong các trảng cỏ ẩm. Người ta thường dùng rễ trị tê thấp, trị bò cạp cắn, rắn cắn, suyễn, cúm,... Để nắm được đặc điểm và cách sử dụng của vị thuốc này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết của eLib.VN nhé.
Mục lục nội dung
Cách cỏ - Premna herbacea Roxb. (Pygmaeopremna herbacea (Roxb) Moldenke), thuộc họ Cỏ roi ngựa - Verbenaceae.
1. Mô tả
Cây thảo nhỏ sống nhiều năm thành bụi thấp, cao 9 - 20cm. Lá hình trái xoan dài 4 - 12cm, rộng 2 - 6cm, có lông mịn, nhất là lúc non, mép có răng, cuống ngắn. Ngù hoa đỏ, hoa xám trắng; đài có 5 răng, có lông mịn; tràng có hai môi không rõ, với 4 thuỳ gần bằng nhau, nhị 4, không thò ra. Quả hạch to 6mm, tròn.
2. Bộ phận dùng
Rễ và toàn cây - Radix et Herba Premnae Herbaceae.
3. Nơi sống và thu hái
Loài của Ấn Độ, Nam Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Đông, Hải Nam), Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở Thừa Thiên - Huế và Lâm Đồng, trong các trảng cỏ ẩm.
4. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Rễ được dùng ở Ấn Độ làm một chế phẩm trị tê thấp; cây được dùng làm thuốc trị bò cạp và rắn cắn. Có người dùng rễ trị suyễn, cúm, ho khan. Ở Trung Quốc, dân gian dùng rễ nấu nước uống tiêu viêm, giảm đau. Ở Quảng Tây, người ta dùng rễ chữa ỉa chảy, có thể dùng giải các chất thuốc có độc, lại có thể dùng cắt cơn sốt rét.
Trên đây là một số thông tin về cây Cách cỏ mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y.