Cà muối - Chữa tê thấp, ghẻ ngứa
Cà muối là cây gỗ nhỏ thuộc họ Xoan, phân bố ở Trung Quốc, Inđônêxia, Philippin và Việt Nam, thường mọc trong rừng lá rộng thường xanh ở độ cao 500 - 1500m, dùng lá sắc uống chữa tê thấp, nấu nước tắm trị ghẻ ngứa. Để nắm được đặc điểm và cách sử dụng của vị thuốc này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết của eLib.VN nhé.
Mục lục nội dung
Cà muối, Dọc khế, Giáng lệ - Cipadessa baccifera (Roth) Miq., thuộc họ Xoan - Meliaceae.
1. Mô tả
Cây gỗ nhỏ, cao tới 10m, vỏ màu nâu xám; cành nhỏ, có lông mềm. Lá kép lông chim lẻ, cuống dài 8 - 25cm, mang 9 - 13 lá chét, mọc đối; phiến lá chét hình ống dài đến bầu dục, dài 1,5 - 8cm, rộng 1 - 3cm, có lông ở các gân, nhất là ở mặt dưới; gân bên 8 - 10 đôi. Cụm hoa hình chuỳ ở nách lá, dài 8 - 13cm, gần như không lông. Hoa màu trắng hoặc vàng nhạt, đường kính 3mm. Quả màu tím đỏ, có 5 khía tròn, đường kính 5mm; hột 5.
Mùa hoa tháng 2 - 9, mùa quả tháng 4 - 12.
2. Bộ phận dùng
Lá - Folium Cipadessae Bacciferae.
3. Nơi sống và thu hái
Loài phân bố ở Trung Quốc, Inđônêxia, Philippin và Việt Nam. Thường mọc trong rừng lá rộng thường xanh ở độ cao 500 - 1500m và cũng gặp ở các trảng cây bụi, từ Cao Bằng, Lạng Sơn tới Kontum, Lâm Đồng.
4. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Dân gian vẫn dùng lá sắc uống chữa tê thấp và nấu nước tắm trị ghẻ ngứa.
Trên đây là một số thông tin về cây Cà muối mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.