Cà đắng ngọt - Trị phong thấp đau nhức
Cà đắng ngọt là cây thảo bò rồi đứng hay leo; thân mảnh, có lông màu vàng, mọc dọc các đường đi ẩm ướt ở Sapa, tỉnh Lào Cai. Cà có vị ngọt rồi đắng, tính hàn, hơi có độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, được dùng để trị thấp nhiệt hoàng đản, phong thấp đau nhức khớp xương,... Cùng eLib.VN tìm hiểu thông tin về vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục nội dung
Cà đắng ngọt, Dây toàn, Bạch anh - Solanum lyratum Thunb. (S. dulcamara L. var. lyratum (Thunb.) Sieb. et Zuce.), thuộc họ Cà - Solanaceae.
1. Mô tả
Cây thảo bò rồi đứng hay leo; thân mảnh, có lông màu vàng. Lá có phiến xoan, tam giác, có lông, mép nguyên hay có thuỳ tròn ở gốc, gân phụ 3 - 4 cặp; cuống có lông, dài 2 - 2,5cm. Hoa 1 - 3 ở nách lá; cuống 1,5 - 2cm; ðài dầy lông; tràng rộng 2cm, tím. Quả tròn, to cỡ 1cm, màu đỏ, mang đài tồn tại.
Hoa tháng 7 - 9; quả tháng 9 - 11.
2. Bộ phận dùng
Toàn cây - Herba Solani Lyrati, thường gọi là Bạch anh
3. Nơi sống và thu hái
Cây của miền ôn đới châu Âu, châu Á. Ở nước ta cây mọc dọc các đường đi ẩm ướt ở Sapa, tỉnh Lào Cai.
Thu hái toàn cây vào mùa hè - thu, rửa sạch, phơi khô.
4. Thành phần hóa học
Có glucosid, acid dulcamaretic, acid dulcamaric, solacein; còn có soladulcine. Lá tươi chứa vitamin C 60mg%. Quả chứa 0,5% solanin, một sắc tố carotenoid là lycopen, các anthocyanosid và anthocyanidol, các đường mà nhất là fructoza, 9% dầu và một lượng đáng kể vitamin C 200mg%.
Hạt chứa chất béo 24%.
5. Tính vị, tác dụng
Vị ngọt rồi đắng, tính hàn, hơi có độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khư phong lợi thấp, hoá đàm.
6. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Thường dùng trị: 1. Thấp nhiệt hoàng đản; 2. Đau đầu do phong nhiệt; 3. Bạch đới quá nhiều; 4. Phong thấp đau nhức khớp xương.
Trên đây là một số thông tin về cây Cà đắng ngọt mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y.