Bệnh bướu sợi tuyến - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Bướu sợi tuyến vú là khối u lành tính ở vú, chúng không to lên và xâm lấn đến các cơ quan khác như ung thư vú mà chỉ giới hạn trong các mô vú. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo!
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung
Bướu sợi tuyến là bệnh gì?
Bướu sợi tuyến là khối u lành tính ở vú. Không phải tất cả khối u xuất hiện trong vú là bướu sợi tuyến. Mọi người thường nhầm lẫn bướu này với ung thư vú. Bướu sợi tuyến khác ung thư vú là tế bào bướu tăng sinh lành tính có giới hạn và không xâm lấn đến các cơ quan khác như ung thư vú, chúng chỉ giới hạn trong các mô vú. Thành phần bướu gồm có mô tuyến vú, mô sợi và mô liên kết.
Khoảng 10% phụ nữ có bướu sợi tuyến vú, trong đó 10-15% trường hợp có nhiều hơn một bướu tại thời điểm phát hiện hoặc về sau này.
Bạn có thể nhận thấy khối u khi thực hiện khám vú. Nếu bạn cảm thấy trong vú có các khối u cứng, dai và rõ hình dạng, bạn nên đi khám vì có thể bạn đang bị bướu.
2. Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng bướu sợi tuyến vú là gì?
Người bị bệnh này khi ấn vào da có thể cảm thấy khối u trong vú. Các dấu hiệu và triệu chứng bướu sợi tuyến vú là các khối chắc và hình dạng rõ ràng. Bướu thường không đau và có thể di chuyển.
Bướu sợi tuyến có thể có các kích thước khác nhau. Tuy nhiên, chúng thường nhỏ, chỉ khoảng 1 hoặc 2cm, một số trường hợp nhỏ không thể sờ thấy.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?
Bạn nên đến khám bác sĩ ngay lập tức khi bạn phát hiện ra một khối u mới ở vú hoặc có bất kỳ sự thay đổi nào ở vú, hoặc nếu một khối u vú đã được phát hiện trước đây nay bỗng to lên.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bướu sợi tuyến vú?
Mặc dù chưa thể tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh, nhưng các nhà nghiên cứu nghi ngờ hormone đóng vai trò trong việc hình thành bướu. Bướu sợi tuyến có thể có liên quan đến các hormone sinh sản vì bệnh này có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn trong độ tuổi sinh sản. Sau đó, các khối u có thể to hơn trong khi mang thai hoặc khi sử dụng liệu pháp hormone. Sau khi mãn kinh, cùng với sự sụt giảm của lượng hormone, các khối u có thể thu nhỏ.
Các nguyên nhân khác có thể góp phần gây bệnh là uống thuốc tránh thai trước tuổi 20 có thể làm cho bướu phát triển và tăng trưởng.
Có 2 loại bướu sợi tuyến vú: bướu đơn giản và bướu phức tạp.
Bướu đơn giản không làm tăng nguy cơ ung thư vú, quan sát dưới kính hiển vi thấy các thành phần trong bướu khá đồng nhất.
Bướu phức tạp có thể có các thành phần khác nhau và lắng đọng canxi, bướu này làm tăng nhẹ 1,5 lần nguy cơ ung thư vú so với phụ nữ không mang bướu.
4. Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bướu sợi tuyến vú?
Tình trạng này khá phổ biến ở phụ nữ trẻ, thường ở những bé gái vị thành niên và phụ nữ dưới 30 tuổi nhưng bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bướu bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bệnh?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:
- Liệu pháp estrogen hoặc liệu pháp hormone khác;
- Mang thai ;
- Cho con bú;
- Sử dụng thuốc tránh thai.
5. Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bướu sợi tuyến?
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bằng cách khám bằng tay. Tùy thuộc vào tình hình của bạn, bạn có thể cần phải thực hiện siêu âm vú hoặc chụp nhũ ảnh. Khi thực hiện siêu âm vú, bệnh nhân được yêu cầu nằm trên mặt phẳng, sau đó bác sĩ sẽ dùng thiết bị đầu dò cầm tay để tái tạo hình ảnh bên trong vú lên màn hình. Đối với chụp nhũ ảnh, vú bệnh nhân sẽ được ép bởi hai mặt phẳng để cho ra hình ảnh chính xác nhất.
Để kiểm tra xem đó có phải là khối u ung thư hay không, bác sĩ có thể đề nghị chọc hút vú bằng kim nhỏ hoặc sinh thiết vú. Đây là thủ thuật chọc kim nhỏ vào mô vú và lấy một vài mảnh nhỏ của khối u để gửi đến phòng xét nghiệm. Qua kiểm tra bằng kính hiển vi, bác sĩ có thể xác định đó là bướu hay ung thư.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bướu sợi tuyến?
Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn bị bướu, bạn có thể không cần phẫu thuật. Bởi vì bướu có liên quan đến nồng độ hormone, chúng có thể teo nhỏ sau khi hormone sinh sản giảm. Bạn có thể không cần điều trị bệnh này trong một số trường hợp vì bướu có thể tự thu nhỏ hoặc tự khỏi. Bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố như triệu chứng, tiền sử gia đình, tiền căn bản thân để xem xét việc điều trị cắt bỏ bướu.
Việc quyết định cắt bỏ bướu tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Ảnh hưởng thẩm mỹ bên ngoài của vú;
- Gây đau ;
- Bạn có nguy cơ bản thân bị ung thư vú;
- Bạn có tiền căn gia đình bị ung thư vú ;
- Nếu kết quả sinh thiết bướu trước đó không rõ ràng.
Trước khi thực hiện phẫu thuật, bạn cần phải theo dõi các bướu qua nhiều lần siêu âm vú. Điều này giúp bạn biết được bất kỳ sự thay đổi hình dạng hoặc kích thước của khối u. Nếu bạn cảm thấy lo ngại về bướu, bạn có thể xem xét thực hiện phẫu thuật để loại bỏ nó.
Nếu bạn có tiền sử đã phẫu thuật bướu sợi tuyến vú trước đó, bác sĩ sẽ hạn chế việc phẫu thuật cắt bỏ lần này do khả năng bạn bị đa bướu sợi tuyến vú.
Có nhiều cách loại bỏ bướu sợi tuyến vú:
Phẫu thuật cắt bỏ bướu Một phương pháp loại bỏ khối u bướu sợi tuyến là đốt bằng nhiệt lạnh. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một ống mảnh qua da đến các bướu sợi tuyến và bơm một chất khí để đóng băng các mô. VABB: là phương pháp lấy bướu (có thể lấy cùng lúc nhiều bướu) bằng kim hút áp lực âm dưới hướng dẫn của đầu dò siêu âm.
Bướu sợi tuyến có thể phát triển thêm một hoặc nhiều bướu ở những bệnh nhân đã được phẫu thuật lấy bướu trước đó.
6. Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bướu sợi tuyến nếu áp dụng các biện pháp sau:
Tái khám và chụp nhũ ảnh định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ nếu bạn có bướu sợi tuyến. Tự khám vú thường xuyên để kiểm tra xem có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hay không. Chú ý tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tập thể dục thường xuyên và thực hiện chế độ ăn uống thích hợp.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh bướu sợi tuyến, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!