Bệnh bỏng giác mạc do tia cực tím - triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Khi tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời hay các nguồn chiếu sáng phát ra bức xạ cực tím khác đều có thể khiến bạn bị bỏng giác mạc do tia cực tím. Hiện tượng này cũng giống như cháy nắng trên da nhưng chúng gây tổn thương đến lớp giác mạc bên ngoài mắt. Cùng eLib.VN tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung
Bỏng giác mạc do tia cực tím (corneal flash burn) là tình trạng giác mạc bị bỏng do tiếp xúc tia cực tím (UV) cường độ mạnh từ mặt trời hoặc các nguồn khác như máy hàn hồ quang điện, đèn chiếu sáng khi chụp ảnh, đèn chiếu tia cực tím hay thậm chí là đèn bàn halogen.
Giác mạc là một lớp mô trong suốt bao phủ phía bên ngoài nhãn cầu và dễ bị tổn thương nặng nếu bạn không đeo kính bảo hộ cho mắt đúng cách, chẳng hạn như khi trượt tuyết dưới ánh nắng mặt trời. Vết bỏng giác mạc do tia cực tím có thể hiểu như hiện tượng cháy nắng xảy ra ở bề mặt mắt.
Khi giác mạc tổn thương do bỏng tia cực tím hoặc bệnh lý khác có thể gây đau, thay đổi thị lực hoặc mất thị lực.
2. Triệu chứng
Sau khoảng 3–12 tiếng đồng hồ tiếp xúc quá mức với tia cực tím, bạn có thể nhận thấy những triệu chứng như sau:
Đau mắt từ nhẹ đến nặng Mắt đỏ ngầu Nhạy cảm với ánh sáng Chảy nước mắt quá mức Tầm nhìn mờ đi Cảm giác như có vật lạ bên trong mắt
Hầu hết trường hợp, hai mắt đều có những triệu chứng tương đồng với nhau nhưng đôi khi một bên mắt có thể có biểu hiện nặng hơn do tiếp xúc nhiều hơn với tia cực tím. Đây cũng là điểm khác biệt so với trầy xước giác mạc do chấn thương, thường chỉ ảnh hưởng đến một bên mắt.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Mắt rất nhạy cảm với các tổn thương hay bệnh lý liên quan nên bất kỳ khi nào có cảm giác mờ mắt, thay đổi thị lực hoặc đau mắt, bạn cần đến gặp bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt.
3. Nguyên nhân
Bất kỳ nguồn sáng nào phát ra một lượng tia cực tím đủ mạnh đều có khả năng gây bỏng giác mạc, chẳng hạn như:
Ánh sáng mặt trời (ánh nắng). Bạn có thể bị bỏng giác mạc do nhìn trực tiếp vào mặt trời ở khoảng cách gần. Nguy cơ càng tăng lên khi bạn càng lên cao. Đèn tắm nắng. Ánh sáng quá mức của đèn chiếu trong các cơ sở dịch vụ tắm nắng cũng có khả năng gây bỏng giác mạc khi nhìn vào. Đèn hàn hồ quang. Đèn hàn hồ quang tạo ra những tia sáng mạnh cũng có thể gây bỏng giác mạc. Đèn chiếu sáng. Đèn laser hay đèn halogen là những loại đèn chiếu sáng có nguy cơ gây bỏng giác mạc. Biển hiệu hay đèn chiếu sáng trong phòng thí nghiệm hoặc phòng khám nha khoa cũng có thể khiến giác mạc bị bỏng nếu bạn nhìn trực tiếp vào chúng quá lâu.
Tiếp xúc lâu dài với một lượng nhỏ bức xạ UV cũng làm tăng nguy cơ phát triển đục thủy tinh thể hoặc thoái hóa điểm vàng.
Những người thường hay tham gia các hoạt động ngoài trời như đi leo núi, đi bộ đường dài hay bơi lội có thể dễ bị viêm hay bỏng giác mạc do tia cực tím nếu như không sử dụng kính bảo vệ mắt phù hợp.
4. Chẩn đoán và điều trị
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bỏng giác mạc do tia cực tím?
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng ở mắt đang gặp phải và hoàn cảnh xuất hiện các biểu hiện đó. Họ cũng có thể xem qua tiền sử bệnh án rồi bắt đầu kiểm tra mí mắt, đồng tử.
Bạn có thể được yêu cầu thực hiện một vài thử nghiệm sau:
Kiểm tra mắt bằng kính hiển vi (slit-lamp test). Bác sĩ sẽ dùng kính hiển vi để nhìn được cấu trúc của mắt bạn và kiểm tra mức độ thương tổn. Đôi khi một loại thuốc nhuộm (như fluorescein) được sử dụng để hỗ trợ quá trình kiểm tra mắt. Kiểm tra thị lực. Bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp giúp kiểm tra thị lực và chuyển động của mắt.
Những phương pháp điều trị bỏng giác mạc do tia cực tím
Ở mức độ nhẹ, các dấu hiệu và triệu chứng bỏng giác mạc có thể tự hết mà không cần can thiệp. Tuy nhiên, khi các triệu chứng không giảm bớt, bạn có thể cần thực hiện các cách sau đây:
Sử dụng nước mắt nhân tạo và thuốc mỡ. Nước mắt nhân tạo sẽ giúp giữ độ ẩm cần thiết cho đôi mắt. Thuốc mỡ dùng để làm dịu và bảo vệ mắt. Từ đó, cơn đau sẽ dịu bớt và tình trạng mí mắt dính vào giác mạc cũng được phòng ngừa. Chườm mát. Dùng một túi nước mát nhỏ chườm lên trên mắt để giảm đau. Băng mắt hoặc dùng tấm chắn mắt. Việc này giúp bảo vệ mắt cho đến khi tổn thương lành lại. Dùng thuốc điều trị: Thuốc giảm đau. Bạn có thể sử dụng một vài loại thuốc giảm đau theo toa để xoa dịu cơn đau ở mắt. Thuốc có thể dùng dưới dạng thuốc nhỏ mắt, kem bôi hoặc thuốc viên. Thuốc kháng sinh. Nhóm thuốc này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng mắt, có thể ở dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ tra mắt. Thuốc cycloplegic. Loại thuốc này giúp làm giãn đồng tử và làm thư giãn cơ mắt. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy bớt đau hơn. Phẫu thuật. Bác sĩ có thể đề nghị làm phẫu thuật nếu tình trạng bỏng giác mạc gây tổn thương mắt nghiêm trọng. Giác mạc có khi cần được thay thế bằng một giác mạc mới.
5. Phòng ngừa
Để ngăn ngừa tình trạng tổn thương giác mạc, hãy đeo kính bảo hộ được tráng lớp chống tia cực tím. Một số sản phẩm kính râm có dán nhãn cho biết mức độ bảo vệ mắt khỏi tia cực tím A (UVA) và tia cực tím B (UVB).
Những loại kính giúp bảo vệ mắt bao gồm:
Kính râm chống tia UVA và UVB Kính dùng khi trượt tuyết, đặc biệt khi ở trên cao Kính tối màu dùng khi đi tắm nắng Mặt nạ cho thợ hàn trong khi hàn hồ quang điện
Ngoài ra, khi đi dưới trời nắng gắt, bạn cũng nên đội mũ rộng vành, đeo kính râm để hạn chế tiếp xúc với tia cực tím.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh bỏng giác mạc do tia cực tím, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!
Tham khảo thêm
- doc Bệnh bạch biến - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh bạch cầu cấp - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh bạch cầu đơn nhân - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh bạch cầu tăng lympho bào cấp tính - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh bạch cầu tế bào tóc - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh bầm tím mắt - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Đặt ống thông tim
- doc Men tim
- doc Mẹo ăn uống tốt cho tim mạch khi đi làm
- doc Thay van tim
- doc Thông tim