Bồng bồng - Tác dụng giải nhiệt giải độc
Bồng bồng còn được biết đến với tên gọi khác là cây lá hen hay bàng biển, được dân gian xem như khắc tinh của các chứng bệnh hen suyễn hay ho do phế quản. Tuy nhiên, cần sử dụng đúng cách mới có thể phát huy tốt tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh. Để biết thêm thông tin về vị thuốc cây bồng bồng, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN
Mục lục nội dung
Bồng bồng, Phất dũ sậy, Phất dũ lá hẹp, Phú quý, Bánh tét - Dracaena angustifolia Roxb. thuộc họ Bồng bồng - Dracaenaceae.
1. Mô tả
Cây dạng thảo sống dai, cao 1 - 3m, mang lá ở ngọn; trên thân thường có vết sẹo của những lá đã rụng. Lá hẹp, ôm thân, không cuống, dài 20 - 35 cm, rộng 1,2 - 4cm, thon lại thành mũi ở đầu, có rạch theo các gân. Hoa hình ống, dài 20 - 25 cm, màu lam ở ngoài, trắng ở trong xếp nhóm 1 - 3 cái, thành chuỳ ở ngọn dài 40cm hay hơn, có nhánh trải ra, dài 10 - 20 cm. Quả dạng quả mọng, hình cầu, đường kính 10 - 15cm, tuỳ theo quả có 1 hay 2 hạt.
Ra hoa tháng 2 - 4.
2. Bộ phận dùng
Rễ, lá và hoa - Radix, Folium et Flos Dracaenae.
3. Nơi sống và thu hái
Loài phân bố từ Ân Độ, nam Trung Quốc qua Việt Nam đến Malaixia. Cây mọc ở nhiều nơi của nước ta, từ Lào Cai đến Ninh Bình... cũng thường được trồng. Thu hái rễ vào mùa thu, cạo bỏ vỏ ngoài, nấu chín, thái nhỏ, phơi khô. Thu hái hoa khi mới chớm nở, dùng tươi.
4. Tính vị, tác dụng
Rễ và hoa có tính giải nhiệt, giải độc.
5. Công dụng
Cụm hoa non ăn được. Rễ nghiền ra lẫn với các chất thơm khác, dùng làm hương thơm. Nước sắc lá dùng chữa lỵ, chữa bệnh bạch đới và bệnh lậu. Kinh nghiệm dân gian dùng rễ và hoa trị lỵ ra máu. Hoa sao vàng sắc đặc trị hen.
Lá giã nát, vắt lấy nước để nhuộm xanh bánh đúc.
Trên đây là bài viết của eLib.VN về vị thuốc cây bồng bồng. Cây bồng bồng mặc dù là vị thuốc có giá trị dược lý cao nhưng cần thận trọng khi dùng. Nên trao đổi kỹ lưỡng với thầy thuốc hay những người có chuyên môn trước khi ứng dụng những bài thuốc trị bệnh có vị thuốc bồng bồng.