Bìm bìm ba răng - Tác dụng tăng trương lực và nhuận tràng
Bìm bìm ba răng là cây như thế nào, mọc ở đâu, bộ phận nào dùng để làm thuốc, tác dụng chữa bệnh như thế nào? Cùng eLib.VN tìm hiểu qua bài viết dưới đây để biết thêm thông tin về vị thuốc này nhé!
Mục lục nội dung
Bìm bìm ba răng hay Dây lưỡi đòng - Xenostegia tridentata (L.) D.F. Austin et Staples (Merremia trilentata (L.) Hall.f.) thuộc họ Khoai lang - Comvolvulaceae.
1. Mô tả
Cây leo thuộc thảo, không quấn. Thân mịn, không lông. Lá hẹp, gốc hình tim và có 2 tai ở hai bên, mỗi tai có 3 răng. Cụm hoa gồm 1 - 2 hoa. Hoa màu vàng vàng sữa, với trung tâm đỏ; lá đài bằng nhau; nhị đính gần gốc. Quả nang cao 7mm. Hạt không có lông.
Ra hoa quanh năm.
2. Bộ phận dùng
Toàn dây - Herba Xenostegiae.
3. Nơi sống và thu hái
Loài liên nhiệt đới, gặp thông thường ở nhiều nơi vùng đồng bằng ở sân cỏ, trên cát từ vùng thấp đến độ cao 500m.
4. Tính vị, tác dụng
Vị đắng, se, có tác dụng tăng trương lực và nhuận tràng.
5. Công dụng
Ở Ân Độ, cây và rễ sắc uống dùng chữa thấp khớp, liệt nửa người, trĩ, sưng phù và các rối loạn đường tiết niệu. Ở Campuchia, nhân dân một số nơi sử dụng toàn cây để chế một loại thuốc dùng trị đau mình mẩy. Ở nước ta nhân dân sử dụng Bìm bìm ba răng phối hợp với các vị thuốc khác dùng chữa sốt rét và chữa ban xuất huyết. Bìm bìm ba răng, Dây chân chó, Cây keo ta, Cây đầu ma, Cành lá me nước, Gừng sống. Thường sơn (lá to, hoa nâu) liều lượng bằng nhau, sắc nước uống trường phục. Khi dùng, kỵ ăn măng tre. (An Giang).
Trên đây là hình ảnh, đặc điểm tự nhiên và công dụng làm thuốc của cây bìm bìm ba răng. Ngoài ra, để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, nên tham khảo và thực hiện bài thuốc theo hướng dẫn của lương y.