Bệnh về tình dục - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh lây truyền qua đường tình dục, là các bệnh lây lan do quan hệ tình dục với người mắc bệnh. Vậy bệnh về tình dục có nguy hiểm không? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung
Bệnh về tình dục là gì?
Bệnh về tình dục là các bệnh hoặc rối loạn liên quan đến tình dục, thường bao gồm:
Bệnh lây truyền qua đường tình dục, là các bệnh lây lan do quan hệ tình dục với người mắc bệnh. Bạn có thể mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục từ hoạt động tình dục theo đường miệng, hậu môn, âm đạo hoặc dương vật; Các vấn đề tình dục của phụ nữ; Rối loạn dương vật.
2. Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của các bệnh về tình dục là gì?
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm:
Vết loét hoặc khối sưng ở bộ phận sinh dục, vùng miệng hoặc trực tràng; Tiểu đau hoặc rát buốt; Dương vật chảy dịch; Chảy dịch âm đạo hôi hoặc dịch bất thường; Xuất huyết âm đạo bất thường; Đau khi quan hệ tình dục; Đau, sưng hạch đặc biệt là ở háng nhưng đôi khi lan rộng hơn; Đau bụng dưới; Sốt; Phát ban ở thân mình, bàn tay hoặc bàn chân.
Các vấn đề tình dục của phụ nữ và rối loạn dương vật
Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp là:
Ít ham muốn. Bạn ít có hứng thú với những suy nghĩ về tình dục. Bạn có thể không muốn quan hệ tình dục; Ít kích thích. Bạn không quan tâm khi bạn tình đề nghị làm tình, không cảm thấy hoặc muốn duy trì hứng thú tình dục; Không thể đạt cực khoái; Đau trong khi quan hệ.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra các bệnh về tình dục?
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục có thể do:
Vi khuẩn (lậu, giang mai, chlamydia); Ký sinh trùng (trichomoniasis); Virus (virus u nhú, herpes sinh dục, HIV);
Hoạt động tình dục đóng vai trò trong việc lây truyền rất nhiều các tác nhân truyền nhiễm khác nhưng bạn có thể bị nhiễm bệnh mà không phải thông qua quan hệ tình dục, ví dụ như viêm gan virut A, B và C, nhiễm khuẩn đường ruột do shigella và Giardia.
Các vấn đề tình dục của phụ nữ và rối loạn dương vật
Tình dục là sự hòa quyện của tinh thần, tình cảm và thể chất. Vấn đề ở một vị trí có thể ảnh hưởng đến các vị trí khác, vì vậy đôi khi bạn không thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Các nguyên nhân thể chất. Chúng bao gồm thay đổi kích thích tố tự nhiên, chẳng hạn như liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, thuốc ngừa thai hoặc thai kỳ. Nguyên nhân thể chất cũng bao gồm chấn thương, đau trong quan hệ tình dục và một số vấn đề sức khỏe chẳng hạn như bệnh tiểu đường, lạc nội mạc hay viêm khớp; Các nguyên nhân tâm thần và tình cảm. Chúng bao gồm sự căng thẳng, trầm cảm, vấn đề mối quan hệ, sợ hãi, tiền sử bị lạm dụng tình dục hoặc cưỡng hiếp và không hài lòng về cơ thể của mình.
4. Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh về tình dục?
Bệnh về tình dục ngày càng trở nên phổ biến và được quan tâm ở nhiều quốc gia khác nhau trên toàn thế giới.
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tình dục?
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Bất cứ ai tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục thì đều có nguy cơ mắc bệnh. Yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bao gồm:
Quan hệ tình dục không an toàn. Quan hệ tình dục đường âm đạo hoặc hậu môn với bạn tình mắc bệnh mà không đeo bao cao su thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh một cách đáng kể. Sử dụng bao cao su không đúng cách hoặc không phù hợp cũng có thể làm tăng nguy cơ. Quan hệ tình dục đường miệng có ít rủi ro hơn nhưng nhiễm trùng vẫn có thể xảy ra nếu không dùng bao cao su cao su hoặc màng chắn nha khoa. Màng chắn nha khoa-mỏng, miếng hình vuông dẻo làm bằng latex hay silicone, ngăn không cho tiếp xúc da với da; Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình. Càng quan hệ tình dục với nhiều người, nguy cơ của bạn càng cao; Tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu bạn từng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục thì có nguy cơ mắc bệnh lần nữa; Bị ép buộc phải giao hợp hoặc có hoạt động tình dục. Nếu gặp bạn phải trường hợp này, bạn nên đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Tầm soát, điều trị và hỗ trợ tinh thần có thể sẽ giúp ích; Lạm dụng rượu hoặc sử dụng ma túy. Các chất này có thể ức chế sự minh mẫn, làm cho bạn sẵn sàng tham gia vào hành vi nguy hiểm; Các thuốc tiêm. Dùng chung kim tiêm sẽ làm lây truyền nhiều bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, bao gồm HIV, viêm gan B và C; Trẻ tuổi. Một nửa bệnh nhận mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục nằm trong độ tuổi 15-24; Đàn ông đang dùng các loại thuốc để điều trị rối loạn cương dương. Đàn ông sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như sildenafil (Viagra®), tadalafil (Cialis®) và vardenafil (Levitra®), có tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao. Bạn hãy đảm bảo quan hệ tình dục an toàn nếu yêu cầu bác sĩ kê toa các loại thuốc này.
Các vấn đề tình dục của phụ nữ và các rối loạn dương vật
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề tình dục là:
Sức khỏe tinh thần yếu; Gặp vấn đề trong truyện tình cảm; Có bạn tình bị các vấn đề về chức năng tình dục; Kiệt sức, thường do chăm em bé hoặc con nhỏ/cha mẹ, công việc từ sáng tới tối; Thay đổi nội tiết bình thường liên quan đến thai kỳ, phục hồi sau mang thai, mãn kinh hoặc lão hóa; Dùng thuốc có khả năng làm giảm ham muốn tình dục; Các vấn đề sức khỏe gây đau trong khi quan hệ tình dục hoặc gây khó khăn trong vấn đề hưởng thụ quá trình quan hệ tình dục. Vấn đề sức khỏe như vậy bao gồm: các vấn đề về hệ thần kinh như đột quỵ, chấn thương tủy sống và bệnh Parkinson, phẫu thuật ảnh hưởng đến các bộ phận vùng chậu hoặc bộ phận sinh dục, bệnh tiểu đường hay bệnh gan, bệnh động mạch ngoại vi.
5. Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán các bệnh về tình dục?
Chẩn đoán bệnh lây truyền qua đường tình dục
Nếu tiền sử tình dục và các dấu hiệu, triệu chứng hiện tại cho thấy bạn bị bệnh lây truyền qua đường tình dục thì xét nghiệm có thể xác định nguyên nhân và phát hiện các nhiễm trùng, bao gồm:
Xét nghiệm máu. Thủ thuật này có thể chẩn đoán HIV hoặc bệnh giang mai giai đoạn cuối; Thử nước tiểu. Phương pháp này có thể phát hiện một số bệnh lây truyền qua đường tình dục; Thử chất dịch. Nếu bạn có vết loét sinh dục, bác sĩ sẽ kiểm tra chất dịch và mẫu mô từ các vết loét để chẩn đoán loại nhiễm trùng, sau đó xét nghiệm mẫu mô từ vết loét bộ phận sinh dục hoặc dịch tiết để chẩn đoán một số bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Các vấn đề tình dục của phụ nữ và các rối loạn dương vật
Bác sĩ sẽ khám để xác định các triệu chứng. Bác sĩ sẽ:
Hỏi bệnh sử và các loại thuốc bạn đang dùng; Hỏi về tiền sử hoạt động tình dục; Kiểm tra cơ thể trong một số trường hợp, có thể bao gồm khám khung chậu nếu bạn đau trong khi quan hệ tình dục; Tiến hành xét nghiệm, nếu cần thiết, ví dụ như xét nghiệm máu có thể kiểm tra nồng độ hormone và chức năng tuyến giáp.
Những phương pháp nào dùng để điều trị các bệnh về tình dục?
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Tùy vào tình trạng lây nhiễm, điều trị thường bao gồm:
Thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh, thường là liều duy nhất, có thể chữa trị nhiều nhiễm khuẩn do vi khuẩn và ký sinh trùng lây truyền qua đường tình dục, bao gồm bệnh lậu, bệnh giang mai, chlamydia và trichomoniasis. Thông thường, bạn sẽ được điều trị bệnh lậu và chlamydia cùng lúc vì hai nhiễm trùng này thường xuyên xuất hiện cùng nhau. Một khi bạn bắt đầu điều trị bằng kháng sinh thì phải theo dõi chặt chẽ. Nếu bạn không thể uống thuốc theo quy định thì hãy cho bác sĩ biết. Ngoài ra, bạn hãy tránh quan hệ tình dục cho đến khi hoàn tất điều trị và các vết loét đã được chữa lành; Thuốc kháng virus. Bạn sẽ có ít mụn rộp tái phát hơn nếu bạn điều trị hàng ngày bằng loại thuốc kháng virus theo toa. Thuốc kháng virut làm giảm nguy cơ lây nhiễm nhưng vẫn có thể lây nhiễm herpes cho bạn tình. Thuốc kháng virus có thể kiểm soát tình trạng nhiễm HIV trong nhiều năm. Tuy nhiên, virus vẫn tồn tại và có thể lây truyền, mặc dù nguy cơ thấp hơn.
Các vấn đề tình dục của phụ nữ và các rối loạn dương vật
Phương pháp điều trị có thể bao gồm:
Điều trị bất kỳ nguyên nhân thực thể nào; Giáo dục về cơ thể, tình dục và các thay đổi trong tình dục khi bạn lớn tuổi; Tư vấn; Trị liệu tâm lý, bao gồm trị liệu nhận thức hành vi; Trị liệu tình dục.
6. Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của các bệnh về tình dục?
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Có rất nhiều cách để tránh hoặc giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm:
Tránh quan hệ tình dục; Ở chung với bạn tình không bị nhiễm; Chờ đợi và xác minh. Tránh giao hợp qua đường âm đạo và hậu môn với bạn tình mới cho đến khi cả hai được xét nghiệm không mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Làm tình bằng miệng ít rủi ro hơn, nhưng chỉ khi bạn sử dụng bao cao su hoặc màn chắn nha khoa để tránh tiếp xúc trực tiếp giữa miệng và dịch sinh dục. Hãy nhớ rằng không có xét nghiệm sàng lọc nào hiệu quả trong việc chẩn đoán bệnh herpes sinh dục ở cả hai giới và virus u nhú (HPV) ở nam giới; Tiêm phòng. Tiêm phòng sớm, trước khi tiếp xúc tình dục, cũng là cách hiệu quả trong việc ngăn ngừa một số loại bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vắc-xin có thể ngăn ngừa HPV, viêm gan A và viêm gan B; Luôn sử dụng bao cao su và màn chắn nha khoa đúng cách. Bạn hãy sử dụng bao cao su hoặc màn chắn nha khoa mới cho mỗi lần hoạt động tình dục, cho dù bằng miệng, âm đạo hoặc hậu môn. Không bao giờ sử dụng chất bôi trơn có dầu, chẳng hạn như sáp với bao cao su hoặc màn chắn nha khoa làm bằng latex; Không được uống rượu quá mức hoặc sử dụng ma túy.
Các vấn đề tình dục của phụ nữ và các rối loạn dương vật
Tăng mức độ gần gũi và dạo đầu với bạn tình trước khi quan hệ tình dục; Thử nghiệm với các tư thế quan hệ tình dục khác nhau để tìm ra tư thế thoải mái nhất; Suy nghĩ về việc thay đổi lịch trình và thói quen để tăng thời gian bên nhau; Cố gắng nói chuyện và lắng nghe nhau nhiều hơn, bao gồm cuộc trò chuyện cởi mở về tình dục, những gì mỗi bên mong muốn và những gì bạn muốn làm với nhau.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh về tình dục, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!