Bệnh tay chân miệng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan, thường xảy ra ở trẻ em. Ở Việt Nam, mùa cao điểm phát bệnh là từ tháng 3–5 và tháng 9–12. Trẻ ở mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc phải tay chân miệng nhưng trẻ dưới 3 tuổi có nguy cơ cao hơn vì hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Vậy bệnh tay chân miệng là gì? Đâu là những triệu chứng đặc trưng, nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả? Mời bạn đọc tiếp bài viết dưới đây.

Bệnh tay chân miệng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng (hand, foot and mouth disease – HFMD), hay có khi được gọi là bệnh chân tay miệng, là một bệnh lý do nhiễm virus gây ra, không nghiêm trọng nhưng rất dễ lây lan, nhất là ở trẻ nhỏ. Bệnh đặc trưng bởi các vết loét ở miệng và tình trạng phát ban ở tay, chân.

Tuy căn bệnh này phổ biến ở trẻ em nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn. Các triệu chứng bệnh thường tự hết sau khoảng 7–10 ngày.

2. Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tay chân miệng là gì?

Thời gian ủ bệnh sau khi nhiễm virus thường từ 3–7 ngày. Sau đó, biểu hiện đầu tiên của bệnh tay chân miệng thường là sốt, đau họng, chán ăn và mệt mỏi. Một hoặc hai ngày sau khi sốt, các vết loét đau có thể xuất hiện ở phía trước miệng hay trong cổ họng.

Tình trạng phát ban ở tay và chân, đôi khi có ở mông, thường xảy ra trong vòng 1–2 ngày tiếp theo. Các vết này có thể trông như những đốm đỏ nhỏ, hơi sưng lên hoặc giống như mụn nước.

Vết loét trong miệng khiến việc ăn và nuốt gặp khó khăn, đau đớn, dẫn đến biếng ăn. Vùng da phát ban ban đầu có những mảng đỏ hoặc đóng vảy sau phát triển thành các mụn nước không gây ngứa, thường tồn tại trong khoảng 7 ngày.

Đây là một căn bệnh tương đối không nghiêm trọng, thường chỉ gây sốt vài ngày và các dấu hiệu, triệu chứng cũng khá nhẹ. Tuy nhiên, bạn cần đưa trẻ đi khám bệnh nếu vết loét trong miệng khiến trẻ bị đau họng và không chịu ăn uống.

Ngoài ra, khi nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng bệnh trở nên nặng hơn sau một vài ngày, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay.

3. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là gì?

Nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh này là do nhiễm virus Coxsackie (A16) và Enterovirus 71 (EV71). Con đường chính để lây nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng là đường tiêu hóa.

Sau khi có người bị nhiễm, bệnh lây lan nhanh chóng qua tiếp xúc giữa người với người qua:

Dịch tiết mũi hoặc họng (nước mũi, đờm…);

Nước bọt;

Chất lỏng bên trong mụn nước;

Các giọt hô hấp bắn vào không khí sau khi ho hay hắt hơi;

Chất thải từ cơ thể người bệnh (chẳng hạn như phân);

Tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm virus từ người bệnh như đồ chơi, tay nắm cửa rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

Người bệnh có khả năng lan truyền virus gây bệnh mạnh nhất là ở tuần đầu tiên khi nhiễm. Tuy nhiên, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể trong nhiều tuần, ngay cả sau khi các dấu hiệu và triệu chứng bệnh không còn. Điều đó đồng nghĩa với việc virus vẫn có khả năng lây lan qua người khác.

4. Chẩn đoán bệnh tay chân miệng

Bác sĩ sẽ cần phải phân biệt bệnh tay chân miệng với các bệnh do virus gây ra khác bằng cách đánh giá các yếu tố sau:

Độ tuổi của người nhiễm bệnh;

Các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng;

Hình dạng của các vùng phát ban hoặc vết loét.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu trong cổ họng hoặc lấy mẫu phân và gửi đến phòng thí nghiệm để xác định được loài virus gây bệnh.

5. Các cách điều trị bệnh tay chân miệng là gì?

Sự thật là không có cách điều trị y khoa cụ thể nào dành cho bệnh tay chân miệng. Thế nhưng, bạn có thể thực hiện các cách làm giảm nhẹ triệu chứng và ngăn chặn tình trạng mất nước xảy ra khi bị bệnh. Hầu hết trường hợp, bệnh đều có khả năng tự phục hồi trong vòng 7–10 ngày.

Các thuốc bôi gây tê tại chỗ có thể đem lại tác dụng giảm đau khi bị loét trong miệng. Một số thuốc giảm đau như paracetamol hay ibuprofen cũng thường được sử dụng để giúp giảm bớt cảm giác khó chịu chung. Lưu ý, không sử dụng thuốc aspirin để giảm đau cho trẻ em dưới 18 tuổi vì có khả năng gây ra hội chứng Reye.

Một vấn đề đáng chú ý khác đó là nhiều người thường dùng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh lý này. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là do virus trong khi kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Do đó, kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng, bạn không nên tự ý sử dụng chúng.

Các biện pháp tại nhà

Để giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, bạn có thể thực hiện các cách sau:

Ăn hoặc uống đồ lạnh như kem, nước đá, sữa để lạnh Tránh các thực phẩm và đồ uống có tính axit như trái cây họ cam, quýt, nước ép trái cây hay soda Tránh ăn các thức ăn mặn và cay Ăn những thực phẩm mềm, không cần phải nhai nhiều như cháo Súc miệng bằng nước muối Uống nhiều nước

6. Biến chứng bệnh tay chân miệng

Biến chứng thường gặp nhất là mất nước. Bệnh có thể gây ra các vết lở, loét trong miệng và cổ họng khiến việc nuốt gặp khó khăn và đau đớn. Do đó, người bệnh thường lười ăn, uống, đặc biệt là trẻ em.

Hiếm gặp hơn, một vài trường hợp virus gây bệnh có thể ảnh hưởng đến não và gây ra các biến chứng nghiêm trọng như:

Viêm màng não do virus. Đây là một tình trạng nhiễm trùng và viêm ở màng não và dịch não tủy (bao quanh não cùng tủy sống). Viêm não. Tình trạng này rất nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng, do virus gây ra viêm ở não.

7. Cách phòng bệnh

Một số biện pháp phòng ngừa làm giảm nguy cơ bị nhiễm hoặc lây truyền virus gây bệnh tay chân miệng gồm:

Rửa tay thường xuyên, đúng cách sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã, trước và sau khi chuẩn bị thức ăn hay ăn uống.

Khử trùng các khu vực chung.

Hãy vệ sinh sạch sẽ các bề mặt có nhiều người tiếp xúc bà các vật dụng chung như đồ chơi, bàn ghế…

Giáo dục thói quen giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ nhỏ, giải thích lý do vì sao trẻ không nên ngậm, mút ngón tay hay đưa các đồ vật vào miệng.

Cách ly với người nhiễm bệnh. Bởi vì bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan nên nếu phát hiện có trẻ mắc bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác cho đến khi các triệu chứng hết hoàn toàn.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh tay chân miệng, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:08/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM