Bệnh đau đỏ đầu chi - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh đau đỏ đầu chi là một tình trạng hiếm gặp, đặc trưng bởi biểu hiện đau, nóng rát dữ dội, sưng và đỏ, thường thấy nhất ở bàn chân. Vậy làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh đau đỏ đầu chi - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Bệnh đau đỏ đầu chi là gì?

Bệnh đau đỏ đầu chi (erythromelalgia) là một tình trạng hiếm gặp, đặc trưng bởi biểu hiện đau, nóng rát dữ dội, sưng và đỏ ở một khu vực cơ thể, thường thấy nhất ở bàn chân. Các triệu chứng có thể khởi phát theo cơn/đợt hoặc diễn ra gần như liên tục ở người bệnh.

Triệu chứng đau đỏ đầu chi có thể khởi phát ở bất kỳ độ tuổi nào. Một vài người có thể nhận thấy các dấu hiệu từ lúc bé trong khi một số khác lại bị ảnh hưởng ở độ tuổi trưởng thành.

Bệnh đau đỏ đầu chi được phân chia thành 2 loại: nguyên phát và thứ phát. Trường hợp nguyên phát thường có tính gia đình, còn được biết đến với tên gọi là bệnh Weir-Mitchell.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh đau đỏ đầu chi là gì?

Ba triệu chứng điển hình nhất trong bệnh lý này là cảm giác nóng, đau và đỏ ở vùng da bị ảnh hưởng. Bàn chân là khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất, ngoài ra bàn tay, cánh tay, chân, tai và mặt cũng có khả năng.

Cơn đau ở mỗi người có thể rất đa dạng, từ nhẹ như có cảm giác ngứa ran như bị châm chích cho đến đau, nóng rát dữ dội, đủ để ảnh hưởng đến hoạt động như đi đứng, giao tiếp xã hội, tập thể dục và ngủ.

Người bệnh đau đỏ đầu chi thường trải qua các đợt bùng phát khiến cơn đau kéo dài từ vài phút đến vài ngày. Khi đó, bạn sẽ bắt đầu có cảm giác ngứa ngáy, cơn đau dần nghiêm trọng hơn và trên da xuất hiện các vết chấm đỏ, khi chạm vào thấy ấm, nóng.

Các triệu chứng có thể gặp phải gồm:

  • Sưng ở vùng da bị ảnh hưởng;
  • Đổ mồ hôi ở vùng bị ảnh hưởng nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường;
  • Khi không bùng phát các triệu chứng, vùng da bị ảnh hưởng chuyển sang màu tím . 

Triệu chứng bệnh thường bị kích hoạt khi nhiệt độ cơ thể tăng lên. Điều này thường xảy ra khi:

  • Sau khi tập thể dục;
  • Khi mang vớ, găng tay hoặc giày chật ;
  • Sau khi vào một căn phòng ấm áp;
  • Cảm thấy căng thẳng;
  • Uống rượu hoặc ăn thức ăn cay;
  • Cơ thể bị mất nước.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh đau đỏ đầu chi là gì?

Khoảng 15% trường hợp đau đỏ đầu chi là do đột biến gene ở gene SCN9A gây nên. Đoạn gene này mã hóa để tạo ra một phần của kênh natri, giúp mang ion natri vào trong tế bào và giúp tạo cũng như truyền đi các tín hiệu điện.

Những kênh natri này được tìm thấy trong các tế bào thần kinh mà truyền đi tín hiệu đau đến cột sống và não bộ. Đột biến gây ra bệnh đau đỏ đầu chi cũng làm khuếch đại tín hiệu đau được truyền đi, dẫn đến xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng bệnh.

Một số trường hợp, người bệnh nhận được gene di truyền bị đột biến từ bố mẹ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đột biến mới xuất hiện lần đầu ở một người mà không có tiền sử gia đình mắc bệnh.

Trong những trường hợp còn lại, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này không được tìm thấy. Có những bằng chứng cho rằng đau đỏ đầu chi là kết quả từ những bất thường trong quá trình co giãn của một số mạch máu, dẫn đến lưu lượng máu đến bàn tay và bàn chân không ổn định. Biết đâu, có thể có nhiều nguyên nhân không liên quan đến di truyền hoặc đột biến ở các gene khác vẫn chưa được xác định.

Đau đỏ đầu chi thứ phát thường có liên quan đến rối loạn tăng sinh tủy xương (myeloproliferative disorder). Trong rối loạn này, tủy xương sản xuất quá mức các tế bào máu, như tăng tế bào hồng cầu (bệnh đa hồng cầu), tăng tiểu cầu. Khoảng 85% trường hợp, bệnh đau đỏ đầu chi xuất hiện trước khi có rối loạn tăng sinh tủy xương.

Đôi khi, bệnh lý này có thể xảy ra cùng hội chứng cận ung thư, bệnh thần kinh tự miễn hay đái tháo đường, thấp khớpbệnh truyền nhiễm (hiếm xảy ra).

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh đau đỏ đầu chi?

Không có xét nghiệm cụ thể nào giúp chẩn đoán cho mọi trường hợp đau đỏ đầu chi. Do đó, bác sĩ thường dựa vào các triệu chứng, thăm khám lâm sàng và tiền sử bệnh.

Các xét nghiệm có thể được tiến hành để hỗ trợ chẩn đoán hay loại trừ các tình trạng khác bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn phần để tìm dấu hiệu rối loạn tăng sinh tủy xương;
  • Chụp X-quang ở bàn tay, bàn chân thường không cho thấy điểm bất thường ;
  • Đo nhiệt độ ở những vùng da bị ảnh hưởng có thể thấy nhiệt độ tăng lên (tuy nhiên việc này không cần thiết cho chẩn đoán);
  • Sinh thiết có thể giúp phát hiện những điểm đặc trưng ở người bị đau đỏ đầu chi nguyên phát.

Khi bệnh liên quan đến gene di truyền SCN9A, bác sĩ sẽ xác nhận lại bằng xét nghiệm di truyền.

Những phương pháp điều trị bệnh đau đỏ đầu chi

Không có một liệu pháp điều trị riêng lẻ nào mang lại tác dụng tốt với tất cả người bệnh đau đỏ đầu chi. Thông thường, bác sĩ sẽ thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau hoặc kết hợp nhiều biện pháp để tìm ra cách chữa trị tốt nhất.

Một số trường hợp, các triệu chứng bệnh có thể tự biến mất. Đối với cả loại nguyên phát hay thứ phát, bạn cũng cần phải tránh các tác nhân có thể gây kích hoạt triệu chứng bệnh bùng phát.

Điều trị bệnh đau đỏ đầu chi thứ phát có khi liên quan đến việc điều trị bệnh lý tiềm ẩn có liên quan. Việc này cũng hữu ích trong kiểm soát triệu chứng bệnh ở một vài người. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đều có kết quả tốt như nhau.

Các phương pháp điều trị căn bệnh này bao gồm:

  • Sử dụng kem bôi da;
  • Dùng thuốc uống ;
  • Truyền một số thuốc qua đường tĩnh mạch;
  • Liệu pháp hành vi – nhận thức.

Bạn có thể thử một số cách tại nhà để giảm nhẹ các triệu chứng, như:

  • Làm mát vùng da bị ảnh hưởng bằng quạt, nước mát hay gói gel mát;
  • Nâng cao khu vực bị ảnh hưởng.

Hãy nhớ, tránh sử dụng nước đá hoặc thứ gì quá lạnh áp lên vùng da bị ảnh hưởng. Không ngâm tay hoặc chân trong nước lạnh thời gian dài vì có thể làm hạ thân nhiệt hay tổn thương da. Không những thế, khi thân nhiệt ấm trở lại cũng khiến nguy cơ bùng phát tăng lên.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh đau đỏ đầu chi, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:29/10/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM