Bầu nâu - Chữa táo bón
Cây bầu nâu là cây như thế nào, mọc ở đâu, bộ phận nào dùng để làm thuốc, tác dụng chữa bệnh như thế nào? Cùng eLib.VN tìm hiểu qua bài viết dưới đây để biết thêm thông tin về vị thuốc này nhé!
Mục lục nội dung
Bầu nâu, Cây trái nấm - Aegle marmelos (L.) Correa, thuộc họ Cam - Rutaceae.
1. Mô tả
Cây gỗ rụng lá có thân hình trụ cao đến 15m, vỏ thơm màu vàng đen đen lại trên thân già, có nhánh mảnh, hơi thòng, với gai to ở nách, đơn hay xếp từng đôi màu vàng, có mũi nhọn đen. Lá có 3 lá chét thuôn, hình ngọn giáo, có mũi cứng cong ở đầu, có mép uốn lượn, cái cuối cùng lớn hơn, có mùi của lá cam. Hoa lớn, màu trắng, rất thơm, xếp thành chùm ở nách lá, đơn hay kép. Quả mọng, treo, đường kính 6-8cm, hình cầu dẹp hay dạng trứng, màu lục. Vỏ quả nhẵn và cứng bao phủ một lớp cơm nhầy, chia ra 10 - 15 ô, chứa mỗi ô 6 - 10 hạt thuôn, dẹp, có lớp lông màu trắng.
2. Bộ phận dùng
Quả, lá và vỏ - Fructus, Folium et Cortex Aegles.
3. Nơi sống và thu hái
Cây trồng ở các tỉnh phía Nam của nước ta, ở Campuchia và Lào. Ở Ân Độ, cây mọc hoang khá phổ biến ở phần Nam dãy Himalaya và được trồng khắp cả nước.
4. Thành phần hoá học
Cây có hàm lượng tanin cao; 9% trong thịt, 20% trong vỏ cây. vỏ thân non chứa coumarin 0,03%, alcaloid 0,003% và umbelliferon. Vỏ già chứa umbelliferon và coumarin 0,6% - fragrine 0,3%, marmesin 0,6%.. Lõi gỗ chứa một alcaloid feroquinoline, dictamin, một dihydrofurocoumarin, marmesin và - sitosterol. Quả chứa marmalosin là hoạt chất chính, nó tương đồng với imperatorin; còn có một tinh dầu có d-(-phellandren và cả allo-imperatorin và b-sitosterol; còn là có cả carbohydrat.
5. Tính vị, tác dụng
Quả xanh làm săn da. Thịt quả nhuận tràng giúp tiêu hoá, lại chỉ tả, trừ lỵ.
6. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Thịt quả chín thơm, ăn mát, chữa táo bón, lỵ, trị lao và bệnh về gan. Quả chưa chín hay mới chín tới, se, bổ tiêu hoá, dùng trị ỉa chảy. Thịt quả có thể ăn tươi hay chế xirô. Lá nón ăn được như rau gia vị, nhưng khó tiêu, làm cho phụ nữ khó thụ thai, tuy nhiên các lá này lại gây sẩy thai ở phụ nữ mang thai. Ở các nước Đông Dương, Ân Độ, Inđônêxia, lá được dùng trị sốt rét. Còn dùng phối hợp với trầu không, chanh trị ghẻ và vết thương. Giã ra, hơ nóng làm thuốc đắp trị đau mắt, ở Ân Độ, vỏ rễ được dùng trị sốt rét gián cách và làm thuốc duốc cá.
Bầu nâu có nhiều công dụng và được tận dụng để điều trị các chứng bệnh thường gặp. Tuy nhiên một số bài thuốc từ dược liệu này chưa được chứng minh trên cơ sở khoa học. Vì vậy để giảm thiểu rủi ro khi áp dụng, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc.