Bệnh bàng quang thần kinh - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Bạn có biết về bệnh bàng quang thần kinh? Bàng quang thần kinh là thuật ngữ dùng chỉ bệnh lý gây mất chức năng của bàng quang do tổn thương một phần của hệ thống thần kinh. Vậy bệnh này thường gặp phải ở lứa tuổi nào? Cùng eLib tham khảo bài viết nhé.
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung
Chức năng bình thường của bàng quang tiết niệu là lưu trữ và loại bỏ nước tiểu theo cách phối hợp và kiểm soát. Hoạt động phối hợp này được điều chỉnh bởi hệ thống thần kinh trung ương và ngoại vi. Bàng quang thần kinh là một thuật ngữ dùng chỉ bệnh lý gây mất chức năng của bàng quang do tổn thương một phần của hệ thống thần kinh (không được hình thành từ hệ thống niệu đạo hay bàng quang). Bệnh có thể làm cho bàng quang hoạt động kém, không thể co lại và tống hoàn toàn nước tiểu ra ngoài.
Trong trường hợp khác, bàng quang lại hoạt động quá mức, co lại thường xuyên, không có khả năng phối hợp với các cơ co thắt bàng quang. Theo thống kê của các tổ chức y khoa thế giới, hội chứng bàng quang thần kinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Triệu chứng
Người bệnh bàng quang thần kinh thường không có khả năng kiểm soát việc đi tiểu hay còn gọi là tình trạng tiểu không tự chủ. Các triệu chứng dễ nhận biết nhất là: Tiểu nhỏ giọt, Tiểu khó, Bí tiểu, Ứ nước tiểu, Tăng khả năng nhiễm khuẩn tiểu hay nhiễm trùng đường tiết niệu, Thận ứ nước, cảm giác chưa đi tiểu hết hoàn toàn.
Khi cơ bàng quang giãn để lưu trữ nước tiểu mà không có khả năng phối hợp với sự thả lỏng của cơ thắt niệu đạo hoặc mất khả năng giãn cơ vòng niệu đạo sẽ dẫn đến tăng áp lực bàng quang. Tình trạng này đồng nghĩa với tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiểu và viêm đài bể thận, tổn thương thận. Người bệnh cũng có khả năng mắc sỏi niệu quản.
3. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bàng quang thần kinh gồm các dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến tủy sống và chức năng của bàng quang, chẳng hạn như:
Nứt đốt sống hoặc bất sản xương cùng và các bất thường cột sống khác Khối u trong tủy sống hoặc xương chậu Chấn thương, tổn thương tủy sống Phát sinh bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh như sau tai nạn, đột quỵ, phẫu thuật cột sống… Bệnh Parkinson U hệ thống thần kinh trung ương Dị tật bẩm sinh cột sống Ngộ độc kim loại nặng Biến chứng của các bệnh như giang mai, bệnh đái tháo đường và bại liệt
4. Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bàng quang thần kinh?
Một số kỹ thuật được sử dụng để chẩn đoán bàng quang thần kinh có thể bao gồm:
-
Đo thể tích nước tiểu tồn lưu Niệu dòng đồ (uroflow) Đo áp lực bàng quang (cystometrogram)
-
Chụp X-quang bàng quang – niệu đạo
-
Chụp cắt lớp vi tính CT, chụp cộng hưởng từ MRI Điện cơ (EMG) Nội soi bàng quang
-
Niệu động học video (videourodynamics)
Những phương pháp điều trị bàng quang thần kinh
Nguyên tắc điều trị là nhằm mục tiêu ngăn chặn tổn thương thận, giảm thiểu các biến chứng, đảm bảo chất lượng sống cho người bệnh, đảm bảo người bệnh có thể sinh hoạt độc lập khi trưởng thành (đối với các bệnh nhi).
Phương pháp trị liệu gồm:
-
Liệu pháp tâm lý. Có thể làm giảm sự hoạt động quá mức của bàng quang nhờ kết hợp sức mạnh ý chí và việc tập thể dục. Người bệnh được hướng dẫn ghi nhật ký “bài tiết” để nắm thời gian và lượng chất lỏng uống vào cũng như số lần đi tiểu, nhờ đó có thể xác định thời gian để chuẩn bị đi tiểu. Ngoài ra, tập Kegel cũng là một phần của liệu pháp, chủ yếu giúp tăng cường vận động cơ sàn chậu.
-
Liệu pháp điện kích thích. Các điện cực được đặt gần dây thần kinh, gây ra các kích thích giống những xung điện mà thông thường sẽ được dẫn truyền bởi dây thần kinh nếu chúng không bị tổn thương. Khi đó não bộ sẽ nhận được tín hiệu cần được làm trống bàng quang để người bệnh có thể đi tiểu.
-
Dùng thuốc điều trị. Tuy không có thuốc đặc trị bệnh bàng quang thần kinh nhưng một số loại thuốc có thể làm giảm hoặc tăng cường các cơn co thắt cơ bắp, giúp hỗ trợ làm trống bàng quang một cách thích hợp hơn.
-
Phẫu thuật. Bác sĩ có thể chèn một cơ vòng nhân tạo vào niệu đạo để ngăn chặn việc nước tiểu rò rỉ, thiết bị này có thể dùng tay để giải phóng nước tiểu, làm rỗng bàng quang. Ngoài ra còn có phẫu thuật tạo hình bàng quang. Bác sĩ sẽ cân nhắc những biện pháp tốt nhất, phù hợp nhất cho tình trạng của người bệnh.
-
Đặt ống thông. Bác sĩ có thể chỉ định đặt ống thông để đảm bảo làm trống bàng quang hoàn toàn. Người bệnh có thể được kê đơn thuốc kháng sinh với liều thấp để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Trong một số trường hợp có thể phải kết hợp các phương pháp điều trị tùy thuộc vào triệu chứng và mức độ tổn thương thần kinh.
5. Phòng tránh
Bàng quang thần kinh là bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân mắc phải. Vì vậy, để phòng tránh bệnh cần khám sàng lọc các dị tật bẩm sinh có ảnh hưởng đến chức năng của bàng quang cũng như theo dõi những dấu hiệu bất thường của hệ tiết niệu để có biện pháp xử trí kịp thời trước khi các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
6. Tiên lượng
Với điều kiện y học tiên tiến hiện nay, người bệnh bàng quang thần kinh hoàn toàn có thể mong đợi vào tiên lượng tốt của bệnh. Người bệnh cần được theo dõi đánh giá chức năng của bàng quang và thận bằng việc đánh giá lại liên tục qua các xét nghiệm X-quang, siêu âm, xét nghiệm máu và xét nghiệm chức năng bàng quang.
Người bệnh cần chủ động kiểm soát để làm giảm nguy cơ tổn hại cho bàng quang và thận. Từ đó có thể hạn chế phải can thiệp bằng các biện pháp xâm lấn trong tương lai.
Hy vọng bài viết trên đây về bàng quang thần kinh sẽ giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này nhé.