Hội chứng bàn chân bẹt - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Người bị bàn chân bẹt có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề như ngón chân hình búa, viêm gân Achilles... nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của hội chứng này, mời các bạn tham khảo.

Hội chứng bàn chân bẹt - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Bàn chân bẹt là gì?

Vòm bàn chân được cấu tạo từ nhiều nhóm cơ cùng dây chằng nên có khả năng hỗ trợ giữ thăng bằng cơ thể và đi đứng nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, bộ phận này còn đóng vai trò giảm bớt áp lực từ mặt đất lên các khớp cổ chân, đầu gối, hông cũng như thắt lưng khi bạn di chuyển.

Một người được xem là mắc hội chứng bàn chân bẹt (flatfeet) thường sẽ không có vòm bàn chân hoặc độ lõm bàn chân quá thấp. Điều này có nghĩa là toàn bộ lòng bàn chân của người bệnh đều tiếp xúc với mặt đất, gây nên những cơn đau nhức khi di chuyển và cản trở cơ thể giữ thăng bằng.

Bệnh bàn chân bẹt ở trẻ em

Mặc dù tình trạng tật bàn chân bẹt ở người lớn cũng được ghi nhận nhưng vấn đề sức khỏe này thường phổ biến ở trẻ em hơn.

Thực tế, bàn chân của trẻ sơ sinh không có vòm vì phần lớn cấu trúc bàn chân là các mô mềm. Vòm bàn chân sẽ phát triển sau 2 – 3 năm kể từ khi bé chào đời. Nếu qua giai đoạn này lõm bàn chân vẫn chưa hình thành, bác sĩ sẽ chẩn đoán là trẻ bị bàn chân bẹt.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh bàn chân bẹt

Triệu chứng phổ biến nhất của tật bàn chân bẹt là các cơn đau nhức khó chịu xuất hiện ở bàn chân, phát sinh bởi cơ và dây chằng bị chèn ép nặng nề.

Thêm vào đó, tình trạng đau nhức khó chịu còn có khả năng ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trên cơ thể, ví dụ như:

  • Mắt cá chân ;
  • Bắp chân ;
  • Đầu gối ;
  • Hông;
  • Thắt lưng;
  • Cẳng chân.

Ngoài ra, trọng lượng cơ thể của người mắc chứng bàn chân bẹt cũng sẽ không phân bố đồng đều. Do đó, bạn nên tranh thủ tìm gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân nếu phát hiện một bên giày có xu hướng bị mài mòn nhanh hơn bên còn lại.

Mặt khác, dáng đi của người có bàn chân bẹt cũng khác so với người bình thường, chẳng hạn như:

  • Chân đi hình chữ V ;
  • Khớp gối xoay lệch và hướng vào nhau ;
  • Cổ chân có thể xoay vào trong hoặc ra ngoài.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra bệnh bàn chân bẹt là gì?

Hội chứng bàn chân bẹt có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất có thể bao gồm:

  • Yếu tố di truyền ;
  • Độ cao của vòm chân quá thấp ;
  • Bàn chân hoặc mắt cá chân từng bị chấn thương;
  • Các tình trạng viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp;
  • Chấn thương, rối loạn chức năng dây chằng giữa lòng bàn chân ;
  • Một số vấn đề sức khỏe liên quan đến hệ thần kinh hoặc cơ, ví dụ như bại não, loạn dưỡng cơ hay tật nứt đốt sống…

Trong một vài trường hợp ít gặp, vòm bàn chân không phát triển còn có thể là do sự hiện diện của cầu xương ở bàn chân. Tình trạng này xảy ra khi các xương bàn chân dính lại với nhau một cách bất thường, khiến bàn chân cứng và mất độ lõm. Trẻ nhỏ thường dễ gặp phải vấn đề này hơn so với người trưởng thành.

Ngoài ra, một số yếu tố tiềm ẩn khác góp phần cản trở sự hình thành của vòm bàn chân có thể nhắc đến như:

  • Thừa cân, béo phì ;
  • Đái tháo đường (tiểu đường) ;
  • Mang thai ;
  • Tuổi tác;
  • Viêm hoặc rách gân chân do thường xuyên hoạt động với cường độ cao trong thời gian dài.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bàn chân bẹt có nguy hiểm không?

Mặc dù trong vài trường hợp hy hữu, tật bàn chân bẹt sẽ không gây tổn hại đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, người bệnh có thể phải đối mặt với những vấn đề sau nếu không sớm được chữa trị:

  • Viêm cân gan chân ;
  • Biến dạng ngón chân cái;
  • Viêm khớp ở mắt cá chân hoặc bàn chân;
  • Ngón chân hình búa;
  • Viêm gân Achilles.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh bàn chân bẹt?

Hầu hết bác sĩ chuyên khoa có khả năng đánh giá một người có bàn chân bẹt hay không bằng cách kiểm tra bàn chân toàn diện và quan sát tư thế đứng cũng như dáng đi của họ.

Tuy nhiên, để củng cố độ tin cậy của kết quả chẩn đoán, các chuyên gia cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, CT hay MRI.

Những phương pháp điều trị bệnh bàn chân bẹt

Ngày nay, mang đế chỉnh hình (giày cho bàn chân bẹt) là một trong nhiều cách điều trị tật bàn chân bẹt phổ biến nhất. Nhiều người bệnh lựa chọn biện pháp này không chỉ vì hiệu quả do đế chỉnh hình bàn chân mang lại mà còn bởi tính an toàn cao. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng cách điều trị bàn chân bẹt này cần nhiều thời gian để đem đến kết quả như mong đợi.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng thường khuyến khích người bệnh chú trọng việc nghỉ ngơi cho đến khi các triệu chứng cải thiện. Đồng thời, hãy hạn chế những hoạt động có nguy cơ tạo thêm áp lực lên bàn chân.

Mặt khác, đối với trường hợp khớp hoặc gân chịu thương tổn, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị bao gồm sử dụng đế chỉnh hình bàn chân kết hợp với thuốc giảm đau với mục đích xoa dịu triệu chứng. Nếu hiệu quả không như mong đợi, người bệnh có thể cần được can thiệp bằng phẫu thuật.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật bàn chân bẹt để tách xương bàn chân trong trường hợp bị dính lại với nhau.

Các bài tập dành cho người bệnh

Ngoài những biện pháp điều trị trên, các chuyên gia cũng có thể hướng dẫn bạn thực hiện một số bài tập trị liệu nhằm kiểm soát tốt các biểu hiện, đồng thời ngăn ngừa bệnh phát triển nặng hơn.

Theo Viện Hàn lâm Chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS), hai bài tập dưới đây có tác dụng cải thiện sức khỏe cũng như độ linh hoạt ở bàn chân và mắt cá chân, từ đó xoa dịu triệu chứng bệnh.

Kéo giãn gót chân

Đứng đối diện với bức tường. Đặt một tay lên tường, ngang tầm mắt. Đưa chân cần kéo giãn gót ra sau, lưu ý luôn giữ gót chân tiếp xúc với mặt đất. Khuỵu chân trước xuống cho đến khi bạn cảm thấy căng ở chân sau. Duy trì tư thế trong 30 giây rồi quay về tư thế ban đầu. Tạm nghỉ trong 30 giây rồi tiếp tục lặp lại các động tác trên thêm 9 lần nữa.

Khi thực hiện bài tập này, bạn nên chú ý giữ lưng thẳng. Bên cạnh đó, bài tập có thể phát huy tối đa hiệu quả nếu bạn tập hai lần mỗi ngày.

Tập vật lý trị liệu với quả bóng nhỏ

Để thực hiện bài tập này, bạn sẽ cần một chiếc ghế cùng quả bóng nhỏ. Bạn có thể chọn quả bóng gai hoặc banh tennis. Các bước tập luyện bao gồm:

Ngồi vững trên ghế và đặt quả bóng dưới một lòng bàn chân. Tập trung lăn bóng ở vòm chân. Lưu ý tư thế ngồi thẳng lưng. Lặp lại động tác lăn bóng liên tục trong ba phút rồi đổi chân.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến hội chứng bàn chân bẹt, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:29/10/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM