Sinh học 9 Bài 24 : Đột biến số lượng nhiễm sắc thể (tt)

Trong bài học này các em sẽ được tìm hiểu về khái niệm và cơ chế phát sinh thể đa bội. Các em sẽ biết các tác nhân đa bội hóa được điều chỉnh như thế nào để tạo ra các sản phẩm mà con người mong muốn.

1. Tóm tắt lý thuyết

1.2. Thể đa bội

a. Khái niệm

- Thể đa bội là cơ thể mà cả bộ NST trong tế bào sinh dưỡng tăng theo bội số của bộ NST đơn bội n (lớn hơn 2n).
- Trong tế bào đa bội có bộ NST tăng lên gấp bội do đó số lượng ADN cũng tăng lên tương ứng vì thế quá trình tổng hợp các chất hữu cơ diễn ra mạnh mẽ hơn, làm cho cơ thể đa bội lớn nhanh, cơ quan sinh dưỡng to và sức chống chịu lớn.

  • Khả năng này ở cây đa bội được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực trồng trọt.

- Hiện tượng đa bội thể khá phổ biến ở thực vật và đã được áp dụng trong chọn giống cây trồng:

  • Tăng kích thước cây trồng để tăng sản lượng gỗ.
  • Tăng kích thước thân, lá, củ để tăng năng suất nông sản.
  • Tạo giống có năng suất cao để tăng khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi của môi trường.

- Hiện tượng đa bội chỉ được thực hiện ở một số động vật và không tìm thấy ở người.

Hình 24.1 Nho tứ bội (4n)

Hình 24.2 Bí ngô khổng lồ

Hình 24.3 Rau bắp cải khổng lồ

b. Cơ chế phát sinh thể đa bội

- Có nhiều tác nhân dẫn đến hình thành thể đa bội, chia ra làm hai loại tác nhân chính:

+ Tác nhân môi trường bên ngoài:

  • Tác nhân vật lý: tia phóng xạ, nhiệt độ...
  • Tác nhân hóa học: Cônsixin, thuốc trừ sâu...

+ Tác nhân môi trường bên trong: Sự rối loạn nội bào...

+ Có hai cơ chế hình thành thể đa bội:

  • Sự nhân đôi của NST trong hợp tử nhưng không phân ly hình thành thể đa bội (a).
  • Sự hình thành giao tử không qua giảm nhiễm và sự kết hợp giữa chúng trong thụ tinh (b).

Hình 24.4 Cơ chế hình thành thể đa bội

c. Ý nghĩa của hiện tượng đa bội

- Tạo các giống cây trồng có năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người.
- Góp phần hình thành loài mới.

2. Bài tập minh họa

Loài củ cải có 2n=18. Xác định số NST ở thể đơn bội của loài, số NST trong tế bào sinh dưỡng của thể tam bội và thể tứ bội của loài?

Hướng dẫn giải:

  • Số NST trong thể đơn bội của loài là: n=9.
  • Số NST trong tế bào sinh dưỡng của thể tam bội của loài là: 3n=27.
  • Số NST trong tế bào sinh dưỡng của thể tứ bội của loài là: 4n=36.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Sự hình thành thể đa bội do nguyên phân và giảm phân không bình thường như thế nào?

Câu 2: Có thể nhận biết các thể đa bội bằng mắt thường hay qua những dấu hiệu gì? Có thể ứng dụng các đặc điểm của chúng trong chọn giống cây trồng như thế nào?

Câu 3: So sánh sự hình thành thể đa bội và thể dị bội

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Đột biến đa bội là dạng đột biến nào?

A. NST bị thay đổi về cấu trúc
B. Bộ NST bị thừa hoặc thiếu 1 vài NST
C. Bộ NST tăng theo bội số của n và lớn hơn 2n
D. Bộ NST tăng, giảm theo bội số của n

Câu 2: Thể đa bội trên thực tế thường gặp ở nhóm sinh vật nào?

A. Động vật
B. Thực vật
C. Nấm
D. Vi khuẩn

Câu 3: Thể dị bội là những biến đổi vể số lượng NST thường -

A. một cặp NST.

B. một số cặp NST.

C. một hay một số cặp NST.

D. tất cả các cặp NST.

Câu 4: Trường hợp nào đúng khi nói về hiện tượng đa bội hoá và thể đa bội:

a) Đa bội hoá là hiện tượng đột biến số lượng ở tất cả các cặp NST, có bộ NST trong tế bào sinh dưỡng là bội số của n (3n, 4n, 5n…).

b) Cơ thể mang các tế bào có bộ NST là bội số của n được gọi là thể đa bội.

c) Thể đa bội chỉ xuất hiện trong tự nhiên, không có ở các vật nuôi, cây trồng.

d) Thể đa bội có khả năng làm tăng đồng hoá, làm kích thước biến đổi và tăng sức chống chịu của sinh vật đối với điều kiện bất lợi.

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này, các em cần phải:

  • Trình bày được khái niệm, đặc điểm của thể đa bội.
  • Liệt kê một số ứng dụng trong thực tế về thể đa bội.
  • Phân tích được cơ chế hình thành thể đa bội. 
Ngày:07/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM