Sinh học 9 Bài 16: ADN và Bản chất của gen

Qua nội dung Bài 16: ADN và Bản chất của gen nhằm giúp các em được tìm hiểu về cơ chế quá trình tự nhân đôi của ADN, gen và bản chất của gen. Biết được vai trò quan trọng của ADN trong bộ máy di truyền của tế bào và cơ thể.

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. ADN tự nhân đôi theo những nguyên tắc nào?

- ADN tự nhân đôi diễn ra trong nhân tế bào, tại các NST ở kỳ trung gian.
- ADN tự nhân đôi theo đúng mẫu ban đầu.
- Quá trình tự nhân đôi:

  • 2 mạch ADN tách nhau dần theo chiều dọc.
  • Các nuclêotit trên 2 mạch ADN liên kết với nuclêôtit tự do trong môi trường nội bào theo NTBS.
  • 2 mạch mới của 2 ADN dần được hình thành dựa trên mạch khuôn của ADN mẹ và ngược chiều nhau.

Hình 16.1 Qúa trình tự nhân đôi ADN

- Kết quả: 2 ADN con được hình thành giống nhau và giống ADN mẹ, trong đó mỗi ADN con có 1 mạch của mẹ, 1 mạch mới tổng hợp từ nguyên liệu nội bào. (Đây là cơ sở phát triển của hiện tượng di truyền).

- Quá trình tự nhân đôi của phân tử ADN theo những nguyên tắc sau :

  • Nguyên tắc bổ sung: Mạch mới của ADN con được tổng hợp dựa trên mạch khuôn của ADN mẹ.
  • Nguyên tắc giữ lại 1 nửa (bán bảo toàn): Trong mỗi ADN con có 1 mạch mới được tổng hợp từ các Nucleôtit tự do trong môi trường nội bào và một mạch khuôn của ADN mẹ.

1.2. Bản chất của gen

Hình 16.2 Bản chất của gen

  • Gen là 1 đoạn của phân tử ADN có chức năng di truyền xác định.
  • Bản chất hóa học của gen là ADN – Mỗi gen cấu trúc là một một đoạn mạch của phân tử ADN, lưu giữ thông quy định cấu trúc của một loại prôtêin.
  • Chức năng: gen là cấu trúc mang thông tin quy định cấu trúc của 1 loại prôtêin.

1.3. Chức năng của ADN

  • Mang thông tin di truyền là số lượng, thành phần, trình tự các nucleotid trên ADN.
  • Bảo quản thông tin di truyền là mọi sai sót trên phân tử ADN hầu hết đều được các hệ thống enzim sửa sai trong tế bào sửa chữa.
  • Truyền đạt thông tin di truyền (qua nhân đôi ADN) từ tế bào này sang tế bào khác.

2. Bài tập minh họa

Một đoạn phân tử ADN có A = 1600 nu, có X = 2A

a. Tìm số lượng Nu loại T, G, X. 

b. Phân tử ADN có bao nhiêu vòng xoắn?

c. Tính chiều dài của phân tử ADN nói trên.

d. Khi đoạn phân tử ADN trên tự nhân đôi để tạo ra 2 phân tử ADN con mới, môi trường nội bào cần cung cấp số nu mỗi loại là bao nhiêu?

Hướng dẫn giải:

a. T = A = 1600 (Nu); G = X = 2 A = 1600 x 2 = 3200 (Nu)

b. Số vòng xoắn:

N = 2A + 2G = 2 x 1600 + 2 x 3200 = 9600 (Nu)

⇒ Số vòng xoắn: C = N : 20 =  480 (vòng)

c. Tính chiều dài (L):

L =  (N/2) x 3,4 = (9600: 2) 3,4 = 16320 (A0)

d. Khi đoạn phân tử ADN trên tự nhân đôi, số lượng nu môi trường nội bào cần cung cấp bằng chính số nu có trong phân tử ADN mẹ

⇒ Amt = Tmt = 1600 Nu; Gmt = Xmt = 3200 Nu

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Mô tả sơ lược quá trình tự nhân đôi ADN

Câu 2: Giải thích vì sao hai ADN con được tạo ra qua cơ chế nhân đôi lại giống ADN mẹ

Câu 3: Nêu bản chất hoá học và chức năng của gen.

Câu 4: Một đoạn mạch ADN có cấu trúc như sau:

Mạch 1: A-G-T-X-X-T

Mạch 2: T-X-A-G-G-A

Viết cấu trúc của 2 đoạn ADN con được tạo thành sau khi đoạn mạch ADN mẹ nói trên kết thúc quá trình tự nhân đôi.

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Trong mỗi phân tử ADN con được tạo ra từ sự nhân đôi thì:

A. Cả 2 mạch đều nhận từ ADN mẹ

B. Cả 2 mạch đều được tổng hợp từ nuclêôtit môi trường

C. Có 1 mạch nhận từ ADN mẹ

D. Có nửa mạch được tổng hợp từ nuclêôtit môi trường

Câu 2: Trong nhân đôi ADN thì nuclêôtittự do loại T của môi trường đến liên kết với:

A. T mạch khuôn

B. G mạch khuôn

C. A mạch khuôn

D. X mạch khuôn

Câu 3: Trong nhân đôi của gen thì nuclêôtit tự do loại G trên mach khuôn sẽ liên kết với:

A. T của môi trường

B. A của môi trường

C. G của môi trường

D. X của môi trường

Câu 4: Chức năng của ADN là:

A. Mang thông tin di truyền

B. Giúp trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường

C. Truyền thông tin di truyền

D. Mang và truyền thông tin di truyền

Câu 5: Một gen có chiều dài 3570 Å. Hãy tính số chu kì xoắn của gen.

A. 210

B. 119

C. 105

D. 238

Câu 6: Một phân tử ADN ở sinh vật nhân thực có số nuclêôtit loại X chiếm 15% tổng số nuclêôtit. Hãy tính tỉ lệ số nuclêôtit loại T trong phân tử ADN này.

A. 35%

B. 15%

C. 20%

D. 25%

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Nêu được cơ chế tự sao của ADN diễn ra theo nguyên tắc: bổ sung, bán bảo toàn.
  • Hiểu được bản chất của gen.
  • Nêu được chức năng của ADN.
Ngày:04/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM