Sinh học 9 Bài 9: Nguyên phân

Trong bài học này các em được tìm hiểu về sự biến đổi của nhiễm sắc thể trong quá trình nguyên phân, cụ thể đó là diễn biến thay đổi của nhiễm sắc thể và các thành phần của tế bào qua chu kì tế bào, 4 kì nguyên phân. Qua đó, các em sẽ biết được vai trò quan trọng của quá trình nguyên phân trong thực tiễn.

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Biến đổi hình thái nhiễm sắc thể trong chu kì tế bào

- Chu kì tế bào gồm:

  • Kì trung gian: Tế bào lớn lên và có nhân đôi NST .
  • Nguyên phân: có sự phân chia NST và chất tế bào, tạo ra 2 tế bào mới.

Hình 9.1 Biến đổi hình thái của NST trong quá trình nguyên phân

- Mức độ đóng xoắn, duỗi xoắn diễn ra các kì của tế bào:

  • Dạng sợi: (Duỗi xoắn) ở kì trung gian.
  • Dạng đặc trưng (đóng xoắn cực đại) ở kì giữa.

Hình 9.2 Mức độ đóng xoắn và duỗi xoắn diễn ra các kì của tế bào

1.2. Những diễn biến cơ bản của NST trong quá trình nguyên phân

- Nguyên phân (hay còn gọi là phân bào nguyên nhiễm) nó chính là pha M của chu kỳ tế bào, tiếp ngay sau pha G2. Quá trình phân bào này được phát hiện lần đầu tiên bởi Straburger và Flemminh từ năm 1882.
- Nguyên phân diễn ra ở tế bào sinh dưỡng và tế bào sinh dục sơ khai.
- Diễn biến của nguyên phân có thể tạm thời chia thành 2 giai đoạn là phân chia nhân (caryokinesis) và phân chia tế bào chât (cytokinesis) được chia thành 4 kỳ cụ thể như sau: kì đầu, kì giữa, kì sau và kỳ cuối.

a. Kì trung gian:

  • NST dài, mảnh, duỗi xoắn.
  • NST nhân đôi thành NST kép.
  • Trung tử nhân đôi thành 2 trung tử.

Hình 9.3 NST ở kì trung gian

b. Qúa trình nguyên phân

- Kì đầu:

  • NST kép đóng xoắn và co ngắn có hình thái rõ rệt.
  • Mỗi NST có hai nhiễm sắc tử gắn với nhau ở tâm động.
  • Thoi phân bào được hình thành, dài ra và đẩy hai trung tử về 2 cực của tế bào.
  • Hạch nhân dần dần biến mất.

Hình 9.4 NST ở kì đầu

- Kì giữa:

  • NST đóng xoắn cực đại.
  • NST kép xếp thành hành ở mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào.

Hình 9.5 NST ở kì giữa

- Kì sau: Từng NST kép tách nhau ở tâm động thành 2 NST đơn phân li về 2 cực của tế bào.

Hình 9.6 NST ở kì sau

- Kì cuối:

  • Các NST đơn duỗi xoắn dài ra ở dạng sợi mảnh dần thành nhiễm sắc chất.
  • Màng nhân và hạch nhân dần được hình thành.

Hình 9.7 NST ở kì cuối

⇒ Kết quả : Từ một tế bào mẹ cho ra 2 tế bào con có bộ NST giống nhau và giống như bộ NST của tế bào mẹ (2n NST)

1.3. Ý nghĩa của nguyên phân

  • Nguyên phân là hình thức sinh sản của tế bào và sự lớn lên của cơ thể.
  • Nguyên phân duy trì sự ổn định bộ NST đặc trưng cho loài qua các thế hệ tế bào.
  • Nguyên phân là cơ sở của hình thức sinh sản vô tính.

2. Bài tập minh họa

 Ở người có bộ NST 2n = 46.

Tổng số tế bào được sinh ra trong các thế hệ tế bào do quá trình nguyên phân từ 1 tế bào lưỡng bội của người là 62.

Xác định số NST có trong thế hệ tế bào cuối cùng ở trạng thái chưa nhân đôi?

Hướng dẫn giải:

Gọi k là số lần nguyên phân của tế bào ban đầu.

Ta có, tổng số tế bào con được sinh ra trong các thế hệ tế bào là: 2k = 62 → k= 5

→ Tế bào ban đầu nguyên phân 5 lần.

→ Số NST trong các tế bào ở thế hệ cuối cùng là: 46.25 = 1472 NST đơn

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Quá trình nguyên phân liên tiếp từ một tế bào lưỡng bội của loài A tạo được 4 tế bào mới với 64 NST ở trạng thái chưa nhân đôi. Xác định số lượng NST trong bộ lưỡng bội của loài?

Câu 2: Ở loài thực vật, bộ NST lưỡng bội là 24. Quá trình nguyên phân liên tiếp từ một tế bào lưỡng bội của loài tạo ra số tế bào ở thế hệ tế bào cuối cùng có tổng số 192 NST ở trạng thái chưa nhân đôi.

Xác định số đợt nguyên phân từ tế bào trên?

Câu 3: Ở người có bộ NST 2n = 46.

Tổng số tế bào được sinh ra trong các thế hệ tế bào do quá trình nguyên phân từ 1 tế bào lưỡng bội của người là 62.

Xác định số NST có trong thế hệ tế bào cuối cùng ở trạng thái chưa nhân đôi?

Câu 4: Cà độc dược có bộ NST 2n = 24.

Quá trình nguyên phân từ một tế bào lá lưỡng bội của cà độc được diễn ra liên tiếp 3 đợt. Nếu các tế bào được tạo ra đang ở.

1. Kì giữa thì có bao nhiêu crômatit và tâm động?

2. Kì sau thì có bao nhiêu NST?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Trong quá trình nguyên phân, sự tự nhân đôi của NST diễn ra ở kì nào?

A. Kì trung gian

B. Kì đầu

C. Kì giữa

D. Kì sau

Câu 2: Ở kì giữa của quá trình nguyên phân, các NST kép xếp thành mấy hàng trên mặt phẳng xích đạo?

A. 1 hàng

B. 2 hàng

C. 3 hàng

D. 4 hàng

Câu 3: Trạng thái của NST ở kì cuối của quá trình Nguyên phân như thế nào?

A. Đóng xoắn cực đại

B. Bắt đầu đóng xoắn

C. Dãn xoắn

D. Bắt đầu tháo xoắn

Câu 4: Kết thúc quá trình Nguyên phân, số NST có trong mỗi tế bào con là:

A. Lưỡng bội ở trạng thái đơn

B. Lưỡng bội ở trạng thái kép

C. Đơn bội ở trạng thái đơn

D. Đơn bội ở trạng thái kép

Câu 5: Ở cà chua 2n=24. Số NST có trong một tế bào của thể một khi đang ở kỳ sau của nguyên phân là:

A. 12.

B. 48.

C. 46.

D. 45.

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Trình bài được sự biến đổi hình thái NST trong chu kì ở tế bào.
  • Trình bày được những biến đổi cơ bản của NST trong các kỳ nguyên phân.
  • Nêu được ý nghĩa nguyên phân đối với sự sinh trưởng cơ thể.  
Ngày:04/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM