Hội chứng xung nhiệt đột ngột - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Xung nhiệt đột ngột (nóng bừng) là những cảm giác ấm lên đột ngột, thường dữ dội nhất trên mặt, cổ và ngực. Da có thể đỏ lên, như bạn đang đỏ mặt. Nóng bừng cũng có thể làm bạn đổ mồ hôi và ớn lạnh. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của hội chứng, mời các bạn tham khảo!
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung
Xung nhiệt đột ngột là bệnh gì?
Xung nhiệt đột ngột (nóng bừng) là những cảm giác ấm lên đột ngột, thường dữ dội nhất trên mặt, cổ và ngực. Da có thể đỏ lên, như bạn đang đỏ mặt. Nóng bừng cũng có thể làm bạn đổ mồ hôi và ớn lạnh.
Mặc dù các bệnh về hormone có thể gây ra tình trạng này, nhưng cơn nóng bừng thường do thời kỳ mãn kinh gây ra – thời gian khi kinh nguyệt của phụ nữ dừng lại. Trong thực tế, các cơn nóng bừng là những triệu chứng phổ biến nhất của quá trình chuyển sang mãn kinh. Số lần nóng bừng sẽ thay đổi ở những người phụ nữ khác nhau, nhưng thường giới hạn từ 1-2 lần một ngày hoặc một lần trong một giờ.
2. Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh xung nhiệt đột ngột?
Các triệu chứng thường gặp của xung nhiệt đột ngột bao gồm:
Cảm giác ấm lên đột ngột lan khắp phần trên cơ thể và mặt; Mặt đỏ bừng, đầy vết loang lổ; Tim đập nhanh; Mồ hôi, chủ yếu phần trên cơ thể; Cảm giác ớn lạnh khi cơn nóng bừng giảm xuống.
Bạn có thể mắc tình trạng này ít hoặc nhiều hơn một lần trong ngày và mỗi cơn thường sẽ giảm trong một vài phút. Bệnh đặc biệt phổ biến vào ban đêm. Hầu hết các trường hợp, bệnh thường tự hết trong vòng 4-5 năm.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh xung nhiệt đột ngột?
Nguyên nhân chính xác gây ra các cơn nóng bừng vẫn chưa rõ ràng, nhưng có thể liên quan đến một số yếu tố, bao gồm thay đổi về hormone sinh sản và cơ quan điều nhiệt của cơ thể (hạ đồi).
Một số thuốc và thực phẩm cũng là nguyên nhân gây ra bệnh, như:
Tác dụng phụ của một số thuốc kê toa. Raloxifene (Evista®), thường được chỉ định cho bệnh loãng xương và tamoxifen (Tamoxifen®, Nolvadex®) dùng để điều trị bệnh ung thư vú, có thể gây đỏ da và nóng bừng. Nóng bừng có thể là một tác dụng phụ của hóa trị liệu quá mức. Bạn cũng có thể cảm thấy đỏ mặt sau khi uống tramadol -thuốc giảm đau theo toa. Tuy nhiên, tác dụng phụ này rất hiếm; Một số thuốc không theo toa cũng có thể gây ra các triệu chứng giống như những cơn nóng bừng liên quan mãn kinh. Bạn hãy kiểm tra nhãn hiệu của tất cả các loại thuốc mà mình có. Ngoài ra, hãy thảo luận về các triệu chứng với bác sĩ; Một số loại thực phẩm nhiều gia vị – đặc biệt là ớt – chính là nguyên nhân rất phổ biến gây ra bệnh. Các loại thực phẩm ướp với rượu nồng có thể làm giãn mạch máu và kích thích dây thần kinh. Những thay đổi sinh học này tạo ra cảm giác nóng cực độ. Rượu, đối với một số người, cũng có tác dụng tương tự như nóng bừng.
Bên cạnh đó, căng thẳng và cảm xúc cũng là nguyên nhân gây ra nóng bừng. Cơ thể tiết ra những hormone (epinephrine và norepinephrine) khi bị stress, lo lắng hay buồn bã. Những hormone này làm tăng lưu lượng máu và tạo cảm giác nóng khắp cơ thể. Tương tự như đỏ mặt, “đỏ ửng” có thể là kết quả của một loạt các yếu tố – từ stress đến tổn thương tủy sống và chứng đau nửa đầu. Đỏ ửng khiến toàn bộ các phần của cơ thể chuyển sang màu đỏ và cảm thấy vô cùng ấm. Tuy nhiên, đôi khi, đỏ ửng chỉ đơn giản là phản ứng dị ứng ở da với thức ăn hoặc các yếu tố môi trường mà không liên quan đến stress.
Ngoài ra, nóng bừng có thể do hormone, ngay cả khi bệnh không liên quan đến thời kỳ mãn kinh hoặc tiền mãn kinh.
4. Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh xung nhiệt đột ngột?
Xung nhiệt đột ngột có thể cảnh hưởng bất kì ai trong mọi lứa tuổi.
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh xung nhiệt đột ngột?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xung nhiệt đột ngột, chẳng hạn như:
Hút thuốc: phụ nữ hút thuốc có nhiều khả năng bị nóng bừng; Béo phì: nếu cơ thể có chỉ số khối BMI cao thì bạn sẽ bị nóng bừng nhiều lần; Hoạt động thể chất: nếu không tập thể dục, bạn có thể dễ bị nóng trong thời kỳ mãn kinh; Chủng tộc: nhiều phụ nữ Mỹ gốc Phi bị nóng bừng do mãn kinh so với những phụ nữ gốc Âu. Nóng bừng ít phổ biến hơn ở phụ nữ gốc Nhật Bản và Trung Quốc so với phụ nữ da trắng châu Âu.
Không phải tất cả những phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh đều mắc nóng bừng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra lý do rõ ràng tại sao chỉ có một số người bị các cơn nóng bừng.
5. Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh xung nhiệt đột ngột?
Bác sĩ thường có thể chẩn đoán các cơn nóng bừng dựa trên các triệu chứng được miêu tả. Để xác định nguyên nhân gây ra các cơn nóng bừng, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để kiểm tra xem bạn có ở trong quá trình chuyển sang mãn kinh hay không.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh xung nhiệt đột ngột?
Việc điều trị hiệu quả nhất cho các cơn nóng bừng là sử dụng estrogen, nhưng dùng hormone này có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề sức khỏe khác. Các thuốc như thuốc chống trầm cảm, chống động kinh cũng có thể giúp giảm các cơn nóng bừng.
Bạn nên thảo luận về ưu và nhược điểm của các phương pháp điều trị khác nhau với bác sĩ. Nếu các cơn nóng bừng không ảnh hưởng cuộc sống, bạn có thể không cần điều trị. Đối với hầu hết phụ nữ, các cơn nóng bừng sẽ tự hết trong vòng một vài năm.
Liệu pháp hormone
Estrogen và progesterone là hormone được sử dụng để giảm tình trạng nóng bừng. Những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung có thể chỉ cần dùng estrogen. Tuy nhiên, nếu vẫn còn tử cung, bạn nên dùng progesterone cùng với estrogen để chống lại bệnh ung thư niêm mạc tử cung (ung thư nội mạc tử cung). Một loại thuốc kết hợp giữa bazedoxifene với estrogen liên hợp (Duavee®) sẽ được bác sĩ chỉ định để điều trị các triệu chứng mãn kinh. Thuốc này có thể tránh được nguy cơ ung thư, nhưng vẫn cần được nghiên cứu thêm. Liệu pháp estrogen không phải là một lựa chọn tốt nếu bạn đã từng bị máu đông hoặc ung thư vú.
Thuốc chống trầm cảm
Liều lượng thấp của một số thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm các cơn nóng bừng, ví dụ như venlafaxine (Effexor XR®, Pristiq®), paroxetine (Brisdelle®, Paxil®, Pexeva®), fluoxetine (Prozac®, Sarafem®). Brisdelle là thuốc chống trầm cảm duy nhất để điều trị các cơn nóng bừng, được chấp thuận bởi Cục quản lý thuốc và thực phẩm. Nhưng, thuốc này đắt tiền so với các thuốc có chung công thức. Thuốc chống trầm cảm không hiệu quả như liệu pháp hormone đối với cơn nóng nghiêm trọng, nhưng chúng có thể giúp ích cho những người phụ nữ không thể hoặc không muốn sử dụng hormone. Các tác dụng phụ bao gồm đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, tăng cân, khô miệng, rối loạn chức năng tình dục, tự sát và hội chứng nghiện nếu dừng thuốc đột ngột. Một số tác dụng phụ có thể giảm theo thời gian hoặc do việc điều chỉnh liều lượng. Nếu bạn có ý nghĩ tự tử trong khi dùng một trong các loại thuốc này, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức.
Các thuốc theo toa khác
Những thuốc có thể làm bạn cảm thấy thoải mái hơn bao gồm:
Gabapentin (Neurontin®, Gralise®): gabapentin là một thuốc chống động kinh có hiệu quả vừa phải trong việc làm giảm các cơn nóng bừng. Các tác dụng phụ có thể bao gồm buồn ngủ, chóng mặt và nhức đầu; Clonidine (Catapres®, Kapvay® và các biệt dược khác): clonidine, dạng viên hoặc miếng dán thường được sử dụng để điều trị cao huyết áp, có thể làm nhẹ triệu chứng nóng bừng. Các tác dụng phụ bao gồm chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng và táo bón.
6. Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh xung nhiệt đột ngột?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
Giữ cơ thể mát: nhiệt độ của cơ thể tăng nhẹ có thể kích hoạt các cơn nóng bừng. Bạn hãy mặc nhiều lớp áo, vì bạn có thể loại bỏ bớt quần áo khi bắt đầu cảm thấy ấm lên. Bạn hãy mở cửa sổ hoặc dùng quạt hoặc máy điều hòa không khí hay hạ nhiệt độ phòng. Nếu bạn cảm thấy cơn nóng bừng bắt đầu đến, hãy dùng đồ uống lạnh; Không dùng một số thực phẩm: thức ăn nóng và cay, đồ uống có chứa cafein và rượu có thể gây nóng bừng. Bạn hãy tìm hiểu để nhận ra yếu tố gây cơn nóng bừng và tránh xa chúng; Thư giãn: một số phụ nữ cảm thấy dễ chịu khi bị cơn nóng bừng nhẹ bằng cách thiền; thở sâu, chậm hoặc các kỹ thuật giảm stress khác. Thậm chí, các phương pháp này có thể mang tới các lợi ích khác, chẳng hạn như giảm bớt rối loạn giấc ngủ có xu hướng xảy trong thời kỳ mãn kinh; Không hút thuốc: hút thuốc lá có liên quan đến tăng nguy cơ mắc nóng bừng. Nếu không hút thuốc, bạn có thể làm giảm các cơn nóng bừng, cũng như nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, chẳng hạn như bệnh tim, đột quỵ và ung thư; Giảm cân: Nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì, giảm cân có thể giúp giảm bớt cơn nóng.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Trên đây là một số thông tin về hội chứng xung nhiệt đột ngột, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị. Chúc các bạn sức khỏe!
Tham khảo thêm
- doc Alanine aminotransferase - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Aldosterone - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh Basedow - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh bướu giáp hạt - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh bướu tuyến giáp - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Cơn bão giáp trạng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh cường cận giáp - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh cường giáp - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh giả suy cận giáp - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Đa u tuyến nội tiết tuýp 1 - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh đề kháng insulin - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Hội chứng Froehlich - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh đau tuyến nội tiết tuýp 2 - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Hội chứng lông rậm ở phụ nữ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh nhân giáp - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh ung thư tuyến giáp - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh ung thư tuyến cận giáp - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- doc Bệnh rối loạn hệ thống nội tiết - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị