Bệnh u thần kinh ngoại biên lành tính - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

U thần kinh ngoại biên lành tính không phải là ung thư nhưng chúng có thể dẫn đến tổn thương thần kinh và mất kiểm soát cơ bắp. Nếu thấy trên cơ thể có bất kỳ khối u nào hay bị đau, ngứa ran hoặc tê bì bất thường thì người bệnh nên nhanh chóng đến viện thăm khám càng sớm càng tốt. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Bệnh u thần kinh ngoại biên lành tính - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Các dây thần kinh ngoại biên liên kết não và tủy sống với các bộ phận khác của cơ thể. Những dây thần kinh này kiểm soát cơ bắp để con người có thể đi bộ, chớp mắt, nuốt, nhặt đồ và làm các hoạt động khác. Một số loại u thần kinh có thể xảy ra mà nguyên nhân thường không rõ, trong đó có thể kể đến yếu tố di truyền.

Hầu hết các khối u này không phải là ung thư (ác tính) nhưng chúng có thể dẫn đến tổn thương thần kinh và mất kiểm soát cơ bắp. Nếu thấy trên cơ thể có bất kỳ khối u nào hay bị đau, ngứa ran hoặc tê bì bất thường thì người bệnh nên nhanh chóng đến viện thăm khám càng sớm càng tốt.

2. Triệu chứng

Triệu chứng và dấu hiệu của một khối u thần kinh ngoại biên xảy ra do tác động trực tiếp của khối u lên bên trong dây thần kinh hoặc khối u tạo áp lực bên ngoài vào các dây thần kinh, mạch máu hoặc mô gần đó.

Khi khối u phát triển, các dấu hiệu và triệu chứng sẽ rõ ràng hơn. Tùy vào vị trí khối u mà bác sĩ có thể xác định nguy cơ tác động đến cơ thể, do đó kích thước khối u không phải là yếu tố chính trong một số biểu hiện bệnh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh là khác nhau tùy thuộc vào vị trí của khối u và mô nào bị ảnh hưởng, chẳng hạn như:

  • Sưng hoặc xuất hiện u cục dưới da;
  • Đau, cảm giác ngứa ran hoặc tê bì;
  • Bị yếu hoặc mất chức năng khu vực ảnh hưởng bởi khối u;
  • Chóng mặt hoặc mất thăng bằng.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của bệnh thường không được xác định rõ. Một số trường hợp là do di truyền, chấn thương hoặc phẫu thuật.

Các khối u này ảnh hưởng đến các dây thần kinh bằng cách phát triển bên trong chúng hoặc chèn ép lên chúng. Các khối u thần kinh ngoại biên lành tính gồm nhiều loại khác nhau như:

Schwannoma. Đây là loại u thần kinh ngoại biên lành tính phổ biến nhất ở người lớn. U schwannoma có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào.

Một số u schwannoma có thể phì đại và gây ra dị dạng ở cột sống hoặc xương chậu, chẳng hạn như u quả tạ (dumbbell tumor). Dù u schwannoma phát triển chậm nhưng nếu chúng trở nên lớn hơn thì việc loại bỏ những u này sẽ khó khăn hơn.

Trong trường hợp hiếm, người bệnh mắc u schwannoma ở gần não (schwannoma tiền đình) có thể gặp rắc rối với sự thăng bằng hoặc thính giác.

U schwannoma thường phát triển dưới dạng đơn lẻ nhưng cũng có trường hợp người bệnh có nhiều khối u schwannoma ở cánh tay, chân hoặc trên cơ thể và được gọi là schwannomatosis – 1 dạng hiếm của u sợi thần kinh.

U xơ thần kinh. Loại khối u thần kinh lành tính phổ biến này có xu hướng hình thành tập trung hơn trong dây thần kinh. Một khối u có thể phát sinh từ một số bó thần kinh và có xu hướng gây ra các triệu chứng nhẹ. Khối u này phát triển phổ biến nhất ở những người mắc bệnh u sợi thần kinh loại 1 (NF1).

Perineurioma. Loại u thần kinh ngoại biên lành tính hiếm gặp này cũng có thể phát triển như một khối u chèn ép dây thần kinh. Perineurioma nội sọ phổ biến nhất ở trẻ em và người trẻ tuổi, thường gây ra suy yếu dần dần và mất cảm giác ở 1 cánh tay hoặc 1 bên chân.

U mỡ. U mỡ hay còn gọi là lipoma do tế bào mỡ phát triển chậm gây ra các khối u mềm lành tính, thường xuất hiện dưới da trên cổ, vai, lưng hoặc cánh tay. Một khối u lipoma xuất hiện gần một dây thần kinh có thể gây chèn ép dây thần kinh này nhưng thường không gây ra đau đớn hoặc các vấn đề khác.

U nang hạch. Một số trường hợp u nang hạch (hay nổi hạch, sưng hạch) là do chấn thương nhưng hầu hết không rõ nguyên nhân. Chúng thường hình thành xung quanh các khớp như cổ tay và có thể gây đau, cản trở các hoạt động hàng ngày.

Một số trường hợp u nang hạch tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng nếu u hạch chèn ép các dây thần kinh lân cận thì nên được loại bỏ.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán u thần kinh ngoại biên lành tính?

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh u thần kinh ngoại biên lành tính bằng các bước như:

  • Hỏi kỹ bệnh sử. Bác sĩ cần xem xét kỹ bệnh sử và tiền sử của bệnh nhân, bao gồm các triệu chứng, lối sống và tiền sử bệnh lý thần kinh của người trong gia đình.
  • Thăm khám lâm sàng. Bác sĩ có thể quan sát các vị trí xuất hiện khối u, đánh giá mức độ đau nếu có.
  • Xét nghiệm máu nhằm kiểm tra mức độ thiếu hụt vitamin, đường trong máu, các bất thường chức năng hệ miễn dịch…
  • Hình ảnh học. Chụp CT hoặc MRI để phân loại được khối u ngoại biên lành tính ở người bệnh.
  • Xét nghiệm đánh giá chức năng thần kinh như điện cơ ký nhằm ghi lại hoạt động dẫn truyền tín hiệu trong thần kinh – cơ.
  • Các xét nghiệm đánh giá chức năng thần kinh khác bao gồm một màn hình phản xạ ghi lại hoạt động của các dây thần kinh tự chủ, xét nghiệm mồ hôi hay xét nghiệm cảm giác ghi lại cảm giác sờ chạm, rung hay về nhiệt (nóng và lạnh) của người bệnh.

Những phương pháp điều trị u thần kinh ngoại biên lành tính

Công tác điều trị phụ thuộc vào các triệu chứng và đặc điểm lâm sàng của các khối u.

Trong một số trường hợp như u schwannoma hay u xơ thần kinh, phẫu thuật cắt bỏ sẽ trở thành sự lựa chọn đầu tiên. Đối với u perineurioma thì vẫn chưa có hướng dẫn điều trị cụ thể và còn gây tranh cãi do bệnh có tỷ lệ tái phát sau cắt bỏ.

Tương tự với u mỡ lipoma, bác sĩ sẽ thực hiện một số biện pháp nhằm kiểm soát triệu chứng nếu có thay vì phẫu thuật bóc tách u.

Với u nang hạch, nếu người bệnh có thể chịu đựng được các triệu chứng thì việc theo dõi bệnh một lựa chọn hợp lý hơn trong điều trị vì đã có báo cáo về các trường hợp hạch tự khỏi (chiếm khoảng 40%).

Việc hút, cắt bỏ u nang hạch cũng có thể được thực hiện nếu gây nhiều đau đớn. Tuy nhiên, cần lưu ý là tỷ lệ tái phát của u nang hạch tương đối cao.

Nếu không thể cắt bỏ các khối u mà chúng cũng không làm tổn thương các mô và dây thần kinh khỏe mạnh gần đó thì những phương pháp điều trị khác có thể được khuyến nghị thay cho phẫu thuật.

5. Biến chứng

U thần kinh ngoại biên lành tính có thể chèn ép các dây thần kinh dẫn đến các biến chứng, một số trong đó có thể là vĩnh viễn:

  • Tê và yếu ở vùng bị ảnh hưởng;
  • Mất chức năng ở vùng bị ảnh hưởng;
  • Gặp khó khăn trong khả năng giữ thăng bằng;
  • Đau đớn.

U thần kinh ngoại biên lành tính có thể phát triển và việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ là điều cần thực hiện nếu “sống chung” với bệnh. Trong trường hợp có những triệu chứng bất thường, người bệnh không nên chủ quan và cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh U thần kinh ngoại biên lành tính, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:16/09/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM