Bệnh thoái hóa đốt sống cổ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý suy thoái đốt sống ở khớp và đốt sống cổ do lão hóa. Triệu chứng đặc trưng của thoái hóa đốt sống cổ là đau và cứng khớp cổ kéo dài. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý suy thoái đốt sống ở khớp và đốt sống cổ do lão hóa. Triệu chứng đặc trưng của thoái hóa đốt sống cổ là đau và cứng khớp cổ kéo dài. Xương và sụn vùng đốt sống cổ bị yếu dần theo thời gian. Do đó, bệnh thường phổ biến ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, những đối tượng khác vẫn có thể bị thoái hóa đốt sống nếu tồn tại nguy cơ mắc bệnh.

Thoái hóa đốt sống cổ mặc dù gây đau mạn tính nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Người bệnh đa số không cần phẫu thuật điều trị.

2. Triệu chứng thường gặp

Đa số người bệnh thoái hóa đốt sống cổ không có triệu chứng bệnh rõ ràng. Nếu có, các triệu chứng bao gồm:

Đau ở cổ, bả vai, cánh tay, bàn tay và ngón tay; Cánh tay yếu dần; Tê và nhói ở cánh tay, bàn tay và ngón tay; Cứng cổ; Đau gáy.

Những triệu chứng ít gặp hơn của thoái hóa đốt sống cổ bao gồm:

Mất khả năng thăng bằng; Chóng mặt; Rối loạn chức năng bàng quang gây tiểu tiện không kiểm soát.

Một số các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu người bệnh có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bệnh nhân cần đi khám nếu nhận thấy:

Đau cổ hoặc cứng khớp cổ liên tục, không khỏi khi dùng thuốc giảm đau; Yếu cơ hoặc tê cơ cổ, cơ vai đột ngột; Khó khăn khi đi lại; Yếu hoặc không thể di chuyển chân tay.

Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Thoái hóa đốt sống cổ thường xảy ra ở độ tuổi trên 50 do lão hóa. Ở bệnh này, vùng xương và sụn ở cổ bị yếu và thoái hóa dần do:

Đĩa đệm cổ có nhiệm vụ lót và giảm chấn giữa các đốt sống bị co lại và khô do mất nước; Thoát vị đĩa đệm; Tủy sống và dây thần kinh bị chèn do xương phát triển bị lệch; Dây chằng bị xơ cứng do lão hóa.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải thoái hóa đốt sống cổ?

Cứ 100 người trên 60 tuổi thì có hơn 85 người bị hoặc có nguy cơ bị thoái hóa đốt sống cổ. Số bệnh nhân trẻ tuổi chiếm không nhiều và nguyên nhân gây bệnh không phải do lão hóa tự nhiên. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa đốt sống cổ?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống cổ bao gồm:

Lớn tuổi; Thường xuyên làm những công việc phải ngước đầu lên hoặc có những động tác lặp lại đơn điệu ở vùng cổ, những động tác thường xuyên tạo áp lực lớn lên vùng cổ, tư thế xấu (ví dụ như giáo viên, tài xế,…). Chấn thương cổ; Yếu tố di truyền.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

5. Điều trị hiệu quả

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ?

Các bác sĩ chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ thông qua khám lâm sàng triệu chứng và kết quả X-quang cột sống cổ.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ (MRI) cổ và phân tích tốc độ dẫn truyền điện cơ/thần kinh (EMG). Xét nghiệm điện cơ này có thể giúp chẩn đoán mức độ tổn thương các dây thần kinh do thoái hóa gây ra nhằm xác định bệnh.

Những phương pháp nào dùng để điều trị thoái hóa đốt sống cổ?

Bác sĩ thường dùng nẹp cổ để hạn chế chuyển động cổ và giúp giảm đau. Tuy nhiên, sử dụng nẹp cổ quá lâu sẽ làm yếu cơ cổ. Bạn không nên tự ý nẹp cổ mà không có hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu bị đau đột ngột, người bệnh cần nghỉ ngơi và dùng thuốc theo toa (thuốc gây tê và các loại thuốc kháng viêm). Bác sĩ có thể kê thêm thuốc giãn cơ nhưng chỉ với liều lượng ít và trong thời gian ngắn. Sau khi hết đau, bạn có thể bắt đầu các bài tập cổ luân phiên khi sử dụng nẹp cổ. Các bài tập để di chuyển cổ giúp tăng chuyển động và sức dẻo dai. Bạn nên lưu ý, nắn chỉnh cột sống không được khuyến cáo cho bệnh lý này.

Thoái hóa đốt sống hiếm khi cần phẫu thuật. Phẫu thuật chỉ được xem xét sau khi các liệu pháp khác không có tác dụng hoặc người bệnh cần can thiệp để giảm áp lực lên các dây thần kinh và tủy sống.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng hồi phục của mình nếu lưu ý vài điều sau đây:

Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe; Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê; Nghỉ ngơi thường xuyên; Hạn chế cử động cổ; Tập các bài tập chuyển động cổ và tăng sức bền; Duy trì tư thế tốt trong khi ngồi và đi bộ; Giảm thiểu chấn thương cột sống cổ; Tránh các môn thể thao đối kháng; Tập luyện thường xuyên và giữ cho trọng lượng cơ thể lý tưởng.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh thoát vị đốt sống cổ, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:10/09/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM