Bệnh sốt xuất huyết kèm suy thận do virus Hanta - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Sốt xuất huyết kèm suy thận do virus Hanta (HFRS) là một nhóm các bệnh tương tự về mặt lâm sàng gây ra bởi virus Hanta thuộc họ Bunyaviridae. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Bệnh sốt xuất huyết kèm suy thận do virus Hanta - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Hantavirus là một virus lây lan chủ yếu bởi loài gặm nhấm và có thể gây ra các hội chứng khác nhau ở người bệnh.

Sốt xuất huyết kèm suy thận do virus Hanta (HFRS) là một nhóm các bệnh tương tự về mặt lâm sàng gây ra bởi virus Hanta thuộc họ Bunyaviridae.

2. Triệu chứng

Các triệu chứng bệnh thường phát triển trong vòng 1 – 2 tuần sau khi tiếp xúc với loài vật truyền nhiễm. Tuy nhiên, trong những trường hợp hiếm gặp, các dấu hiệu có thể mất đến 8 tuần để phát triển.

Các triệu chứng ban đầu thường bắt đầu đột ngột, bao gồm đau đầu dữ dội, đau lưng và bụng, sốt, ớn lạnh, buồn nôn và mờ mắt.

Người bệnh cũng có thể bị đỏ bừng mặt, viêm/đỏ mắt hoặc phát ban. Các triệu chứng tiếp theo có thể gồm huyết áp thấp, sốc cấp tính, rò rỉ mạch máu và suy thận cấp, có thể gây ra tình trạng ứ dịch trong cơ thể.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh thay đổi tùy theo virus gây ra nhiễm trùng. Nhiễm virus Hantaan và Dobrava thường gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, trong khi nhiễm virus Seoul, Saaremaa và Puumala thường gây ra các dấu hiệu với mức độ trung bình hơn. Quá trình phục hồi hoàn toàn có thể mất vài tuần hoặc vài tháng.

3. Nguyên nhân

Virus Hanta thường cư trú ở các loài động vật gặm nhấm, đặc biệt là chuột. Các con đường chính lây nhiễm virus Hanta gồm:

Tiếp xúc với các phân tử từ sản phẩm bài tiết của động vật gặm nhấm bị nhiễm bệnh, như nước tiểu, phân và nước bọt trong không khí. Tiếp xúc với bụi từ ổ các loài động vật gặm nhấm nhiễm bệnh. Nước tiểu hoặc các đồ vật có dính phân tử bài tiết của động vật nhiễm bệnh tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở, mắt, mũi hoặc miệng. Vết cắn từ động vật gặm nhấm nhiễm bệnh. Tiếp xúc với người bệnh (hiếm khi xảy ra).

4. Nguy cơ mắc phải

Theo báo cáo, bệnh thường xuất hiện ở người trên 15 tuổi, đặc biệt là người trong độ tuổi từ 20-60. Ở trẻ em dưới 15 tuổi, các triệu chứng bệnh thường nhẹ và cận lâm sàng.

5. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán sốt xuất huyết kèm suy thận do virus Hanta?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh này nếu bạn có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với virus Hanta, có kháng nguyên virus Hanta trong mô hoặc trình tự ARN của virus này trong máu hoặc mô.

Những phương pháp nào giúp điều trị sốt xuất huyết kèm suy thận do virus Hanta?

Liệu pháp hỗ trợ là phương pháp chính giúp điều trị bệnh nhân bị nhiễm virus Hanta, gồm bổ sung đủ dịch và chất điện giải (như natri, kali…), duy trì mức oxy và huyết áp chính xác, điều trị đúng cách cho các bệnh nhiễm trùng thứ cấp.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị lọc máu để điều trị tình trạng ứ nước nghiêm trọng. Ngoài ra, trong giai đoạn rất sớm của bệnh, bác sĩ có thể tiêm tĩnh mạch ribavirin để giảm nguy cơ tử vong và mắc các bệnh lý khác.

6. Phòng ngừa

Một số biện pháp có thể giúp phòng ngừa bệnh nhiễm virus Hanta này như:

Tránh đến thăm hoặc sống ở những nơi có vệ sinh môi trường kém. Không tiếp xúc với loài gặm nhấm hoặc phân bài tiết của chúng. Không ngồi hoặc nghỉ ngơi trên đồng cỏ. Khi cắm trại, chọn các địa điểm thoáng và khô ráo để giảm nguy cơ tiếp xúc với các loài động vật gặm nhấm.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến hội chứng Sốt xuất huyết kèm suy thận do virus Hanta, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:12/09/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM