Bệnh Rickettsia - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Rickettsia là bệnh do vi khuẩn thuộc nhóm Rickettsia gây ra. Tùy theo việc bạn mắc phải loại vi khuẩn nào mà biểu hiện lâm sàng thay đổi từ nhẹ đến nặng, nhưng nhìn chung người phát bệnh thường có các triệu chứng giống nhau. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo.

Bệnh Rickettsia - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Bệnh Rickettsia là một bệnh do nhiễm vi khuẩn Rickettsia. Bọ chét, mạc (ấu trùng mạc), chấy rận sẽ truyền bệnh khi chúng cắn đốt bạn. Nếu bạn gãi vết cắn sẽ làm xước da và cho phép vi khuẩn xâm nhập vào máu. Khi ở trong máu, các vi khuẩn sẽ sinh sản và phát triển.

Có ba loại bệnh Rickettsia khác nhau:

  • Bệnh Rickettsia sốt phát ban dịch tễ;

  • Bệnh Rickettsia địa phương;

  • Bệnh Rickettsia bụi rậm.

Việc bạn mắc phải loại bệnh Rickettsia nào phụ thuộc vào loài động vật cắn bạn. Động vật chân đốt thường là các vật mang bệnh Rickettsia đặc trưng cho các loài của chúng.

2. Triệu chứng thường gặp

Các triệu chứng có thể thay đổi đôi chút tùy thuộc vào loại bệnh Rickettsia, nhưng cả ba loại Rickettsia cùng có các triệu chứng như: Nhức đầu; Sốt; Ớn lạnh; Phát ban.

Các triệu chứng của bệnh Rickettsia sốt phát ban do lây qua chấy rận thường xuất hiện đột ngột và bao gồm:

  • Đau đầu dữ dội;

  • Sốt cao (trên 40°C);

  • Phát ban bắt đầu ở lưng hoặc ngực và lan ra;

  • Lú lẫn;

  • Lơ mơ;

  • Huyết áp thấp (hạ huyết áp);

  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng;

  • Đau cơ dữ dội.

Các triệu chứng của bệnh Rickettsia địa phương kéo dài từ 10 đến 12 ngày và rất giống với các triệu chứng của bệnh Rickettsia sốt phát ban do lây qua chấy rận nhưng thường ít nghiêm trọng hơn, bao gồm: Ho khan; Buồn nôn và nôn mửa; Tiêu chảy.

Triệu chứng thường thấy ở người bị bệnh Rickettsia bụi rậm bao gồm: Sưng hạch bạch huyết; Mệt mỏi; Vết thương đỏ hoặc đau trên da tại vết cắn; Ho; Phát ban.

Thời gian ủ bệnh trung bình từ 10 đến 14 ngày. Điều này có nghĩa là các triệu chứng sẽ không xuất hiện trong 10 đến 14 ngày sau khi bạn bị cắn. Khách du lịch bị sốt cao khi đi du lịch ở nước ngoài có thể không gặp triệu chứng cho đến khi về nhà. Vì vậy, bạn cần cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ triệu chứng trên và gần đây có bất kỳ chuyến đi nào.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh Rickettsia không lây truyền từ người sang người như cảm lạnh hoặc cúm. Có ba loại bệnh sốt Rickettsia khác nhau và mỗi loại do một loại vi khuẩn khác gây ra và được truyền qua một loại động vật chân đốt khác nhau.

Bệnh Rickettsia sốt phát ban do lây qua chấy rận

Loại này là do vi khuẩn Rickettsia prowazekii gây ra, được lây qua đường chấy rận cắn. Bệnh thường gặp ở các khu vực có mật độ dân số cao và vệ sinh kém, nơi điều kiện thúc đẩy sự lây lan của chấy rận.

Bệnh Rickettsia địa phương

Bệnh còn được gọi là bệnh Rickettsia chuột. Loại bệnh này do Rickettsia typhi gây ra, trung gian bởi bọ chét ở chuột hoặc mèo. Bệnh thường gặp ở những người tiếp xúc gần gũi với chuột hoặc khu vực nơi chuột sống.

Bệnh Rickettsia bụi rậm

Loại này do Orientia tsutsugamushi gây ra và trung gian bởi ve bét (mạc). Loại bệnh Rickettsia này thường gặp ở châu Á, Úc, Papua New Guinea và quần đảo Thái Bình Dương. Bệnh còn được gọi là bệnh tsutsugamushi.

Chấy rận, bọ chét, ve hoặc ve bét (mạc) bị nhiễm vi khuẩn khi chúng hút máu của người bị nhiễm bệnh hoặc loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh (trong trường hợp bệnh Rickettsia đặc hữu). Nếu bạn tiếp xúc với các động vật chân đốt bị nhiễm bệnh (ví dụ như khi ngủ ở nơi có chấy rận), phân của chúng có thể tích tụ trên da khi chúng tiếp xúc với máu. Nếu bạn gãi vết cắn, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu qua vết thương trên da.

4. Nguy cơ mắc phải

Bệnh Rickettsia phổ biến như thế nào?

Các đợt bùng phát của bệnh Rickettsia thường chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển hoặc trong các khu vực nghèo đói, vệ sinh kém và tiếp xúc gần gũi với con người. Bạn có thể bị nhiễm bệnh khi đi du lịch nước ngoài.

Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết. 

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh Rickettsia?

Các yếu tố nguy cơ của bệnh Rickettsia bao gồm sống hoặc đi thăm các khu vực nơi bệnh đặc hữu, bao gồm nhiều thành phố cảng, nơi có số lượng chuột cao và các khu vực mà rác thải tích tụ và vệ sinh kém. Các khu vực thiên tai, trại vô gia cư, các khu vực nghèo đói và các trường hợp tương tự khác cho phép loài gặm nhấm tiếp xúc gần gũi với con người cũng là những mối đe dọa lớn và cũng là điều kiện dẫn đến sự bùng phát dịch tả, bệnh lao và các bệnh do virus như cúm. Các tháng mùa xuân và mùa hè là khi các bọ chét (và mạc) hoạt động nhiều nhất, nhưng nhiễm trùng có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào trong năm.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ. 

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh Rickettsia?

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị nhiễm Rickettsia, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử. Để giúp chẩn đoán, bạn hãy nói với bác sĩ nếu bạn:

  • Sống trong một môi trường đông đúc;

  • Biết có dịch bệnh sốt thương hàn trong khu vực bạn sinh sống;

  • Đã đi ra nước ngoài gần đây.

Chẩn đoán là rất khó vì triệu chứng cũng thường gặp ở các bệnh khác, bao gồm: Sốt Dengue (sốt xuất huyết); Sốt rét; Brucellosis (bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn brucella gây ra).

Các xét nghiệm chẩn đoán cho bệnh Rickettsia bao gồm:

  • Sinh thiết da (mẫu da từ chỗ phát ban của bạn sẽ được xét nghiệm trong phòng thí nghiệm);

  • Western blot (kiểm tra để xác định sự hiện diện của vi khuẩn trong bệnh Rickettsia);

  • Xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang (sử dụng thuốc nhuộm huỳnh quang để phát hiện bệnh Rickettsia trong các mẫu đờm hoặc chất nhầy tìm thấy trong phổi và đường thở);

  • Xét nghiệm máu (kết quả có thể cho biết sự hiện diện của nhiễm trùng).

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh Rickettsia?

Thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị bệnh Rickettsia gồm: Doxycyclin (điều trị ưu tiên); Cholramphenicol (dùng cho những người không mang thai hoặc cho con bú); Ciprofloxacin (dùng cho những người không thể dùng doxycycline).

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Các lối sống và biện pháp tại nhà sau đây có thể giúp bạn phòng tránh bệnh Rickettsia:

  • Giữ vệ sinh cá nhân (giúp bảo vệ chống lại chấy rận mang bệnh);

  • Kiểm soát sự gia tăng của loài gặm nhấm;

  • Tránh đi du lịch đến những nơi có nguy cơ bệnh Rickettsia hay những nước có nguy cơ cao do vệ sinh kém;

  • Điều trị dự phòng bằng doxycycline (chỉ dùng để phòng ngừa ở những người có nguy cơ cao do tham gia các hoạt động như các chiến dịch nhân đạo ở những khu vực nghèo đói và ít hoặc không vệ sinh);

  • Sử dụng thuốc đuổi côn trùng và ve.

  • Bạn nên kiểm tra định kỳ xem có chấy rận hay không và mặc quần áo bảo hộ nếu bạn đang đi du lịch gần khu vực đã có dịch bệnh Rickettsia.

Bệnh Rickettsia ngày này rất ít gặp. Chỉ thi thoảng vài ca mắc bệnh khi đi du lịch đến những vùng vệ sinh môi trường kém hoặc tình cờ bị chấy rận cắn. Bệnh điều trị đáp ứng khá tốt với kháng sinh nhưng cũng có những trường hợp nặng nguy hiểm tính mạng. Để phòng ngừa bệnh, bạn hãy loại trừ côn trùng trung gian truyền bệnh và chữa trị cho cả động vật tàng trữ chấy rận như chó mèo.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về bệnh Rickettsia để biết cách điều trị và phòng tránh bệnh hiệu quả.

Ngày:31/10/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM