Bệnh nhiễm vi khuẩn acinetobacter baumannii - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Vi khuẩn acinetobacter baumannii (A. baumannii) là loại vi khuẩn gram âm có thể gây ra nhiều bệnh. Chúng sống trên cơ thể của một số người khỏe mạnh và trú ngụ ở họng, da hay dịch tiết cơ thể mà không gây bệnh. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi như sức đề kháng của bị suy giảm thì chúng trở thành một tác nhân gây bệnh. Dưới đây là bài viết chi tiết về bệnh, mời các bạn tham khảo!

Bệnh nhiễm vi khuẩn acinetobacter baumannii - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Vi khuẩn acinetobacter baumannii (A. baumannii) là loại vi khuẩn gram âm có thể gây ra nhiều bệnh. Chúng sống trên cơ thể của một số người khỏe mạnh và trú ngụ ở họng, da hay dịch tiết cơ thể mà không gây bệnh. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi như sức đề kháng của bị suy giảm thì chúng trở thành một tác nhân gây bệnh.

Vi khuẩn acinetobacter baumannii có thể tồn tại rất lâu ở môi trường bên ngoài và có khả năng chống lại một số thuốc dùng để diệt khuẩn. Do đó, việc sử dụng nước tẩy trong bệnh viện ít có hiệu quả với loại vi khuẩn này. Chúng thường lây nhiễm cho những người công tác hoặc chữa trị tại cơ sở chăm sóc sức khỏe, gây ra 1 tình trạng gọi là “nhiễm khuẩn bệnh viện”.

Đặc biệt loại vi khuẩn này có khả năng kháng rất nhiều loại kháng sinh do chúng mang gene kháng kháng sinh. Điều này gây khó khăn trong việc điều trị nhiễm vi khuẩn acinetobacter baumannii và khiến tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện tăng cao.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), có nhiều loại acinetobacter khác nhau có thể gây bệnh nhưng acinetobacter baumannii chiếm khoảng 80% các trường hợp nhiễm trùng được báo cáo ở nước này.

2. Triệu chứng

Acinetobacter baumannii là một loại vi khuẩn cơ hội gây ra nhiều loại bệnh khác nhau với các triệu chứng khác nhau, bao gồm:

  • Viêm phổi. Viêm phổi có thể gây ra một loạt các triệu chứng như ớn lạnh, sốt, đau đầu, vấn đề về hô hấp, đau cơ và đau ngực, ho – đôi khi có đờm vàng, xanh hoặc lẫn máu.
  • Nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết). Nhiễm trùng máu ban đầu thường gây ra các triệu chứng như sốt và ớn lạnh, phát ban, trạng thái lơ mơ hoặc thay đổi tinh thần.
  • Viêm màng não. Viêm màng não có thể gây ra một số triệu chứng giống như cúm, bao gồm sốt, nhức đầu, hay nhầm lẫn, nhạy cảm với ánh sáng và buồn nôn (có hoặc không có nôn).
  • Nhiễm trùng vết thương và vết mổ, trong đó có viêm cân mạc hoại tử do vi khuẩn “ăn thịt” .
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Nhiễm trùng niệu thường gây ra các triệu chứng tiết niệu khác nhau như đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu, nước tiểu có mùi lạ, có thể đục hoặc có máu, cảm giác muốn đi tiểu nhiều lần.

Các triệu chứng của nhiễm vi khuẩn acinetobacter baumannii thường không thể phân biệt được về mặt lâm sàng với những bệnh nhiễm trùng do các vi khuẩn cơ hội khác, chẳng hạn như Klebsiella pneumoniae và Streptococcus pneumoniae. 

Trong một số trường hợp, A. baumannii có thể xâm chiếm một vị trí chẳng hạn như vết thương hở hoặc vị trí mổ mở khí quản mà không gây ra bất kỳ nhiễm trùng hoặc triệu chứng nào.

3. Nguyên nhân

Nhiễm khuẩn acinetobacter baumannii là do vi khuẩn acinetobacter baumannii gây ra. Vi khuẩn này có thể lây truyền qua lại dễ dàng giữa người và người qua tiếp xúc tay hoặc tiếp xúc với bề mặt, vật thể bị nhiễm bẩn (bao gồm cả quần áo và drap trải giường). Khi đã xâm nhập vào trong cơ thể, người có hệ thống miễn dịch đã bị tổn thương như những bệnh nhân ở bệnh viện rất dễ phát sinh triệu chứng.

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn acinetobacter baumannii. Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ cao nhất bao gồm:

Người mắc các bệnh như tiểu đường, bệnh phổi, rối loạn tự miễn Người có thời gian sử dụng kháng sinh hoặc nằm viện dài Người đã thực hiện thủ thuật y tế xâm lấn như đặt ống thông hoặc máy thở Người có hệ thống miễn dịch yếu Người có thói quen vệ sinh kém (không thường xuyên rửa tay, rửa tay không đúng cách) Người có vết thương hở do tai nạn hoặc chấn thương Người đã tiếp xúc gần với người nhiễm acinetobacter baumannii

4. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán nhiễm vi khuẩn acinetobacter baumannii?

Bác sĩ có thể thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây để đánh giá tình trạng nhiễm trùng của người bệnh:

  • Nuôi cấy, phân lập vi khuẩn: Một mẫu máu, nước tiểu hoặc mô sẽ được trích lấy và đưa đến phòng thí nghiệm. Nuôi cấy, phân lập vi khuẩn có thể định danh loại khuẩn gây ra nhiễm trùng.
  • Chụp X-quang ngực: Kỹ thuật cho phép thu thập hình ảnh của phổi và tim người bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện chụp X-quang để xác định các dấu hiệu của viêm phổi hoặc nhiễm trùng khác.
  • Chọc dò tủy sống: Bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật này để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng, chảy máu quanh tủy sống và các vấn đề khác.

Những phương pháp điều trị nhiễm vi khuẩn acinetobacter baumannii

Phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào vị trí nhiễm trùng trong cơ thể người bệnh.

  • Thuốc kháng sinh: Bác sĩ có thể kết hợp nhiều loại kháng sinh cùng lúc cho người bệnh để điều trị nhiễm trùng. Sau đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh lại đơn thuốc theo thời gian.
  • Thuốc giảm đau: Người bệnh có thể cần dùng thuốc giảm đau. Hãy thông báo cho bác sĩ nếu cơn đau không thuyên giảm. Các loại thuốc giảm đau có thể gây tác dụng phụ là chóng mặt hoặc buồn ngủ. 
  • Thuốc hạ sốt: Giảm sốt là bước quan trọng đầu tiên trong điều trị nhiễm trùng nói chung và nhiễm vi khuẩn acinetobacter baumannii nói riêng.

5. Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa nhiễm vi khuẩn acinetobacter baumannii?

Tình trạng nhiễm vi khuẩn acinetobacter baumannii đã trở nên rất phổ biến ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe, y tế nên nhiều chủng có khả năng kháng kháng sinh, khó ngăn ngừa lây lan hơn. Tuy nhiên, những biện pháp đơn giản sau lại rất hữu ích trong việc phòng nhiễm vi khuẩn acinetobacter baumannii:

  • Rửa tay: Sử dụng xà phòng và nước để rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn uống và sau khi ho hoặc hắt hơi. Trong trường hợp không có nước, gel rửa tay có chứa cồn (nước rửa tay khô) cũng có thể là một lựa chọn thay thế. Hãy thường xuyên giữ sạch bàn tay.
  • Băng kín vết thương hở: Sát khuẩn vị trí các vết thương và băng lại, thay băng sạch hàng ngày cho đến khi lành miệng vết thương.
  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc kháng sinh: Uống thuốc đầy đủ loại và liều theo toa, ngay cả khi đã cảm thấy sức khỏe có cải thiện. Vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc (khó tiêu diệt hơn) nếu người bệnh đột ngột ngừng dùng thuốc kháng sinh hoặc dùng sai loại. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh nếu không được bác sĩ chỉ định.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Nhiễm vi khuẩn acinetobacter baumannii, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:19/09/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM