Hội chứng nấm candida miệng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Nấm miệng hay còn gọi là nấm lưỡi, tưa lưỡi hoặc nấm candida miệng, là tình trạng nấm Candida albicans tích tụ trên niêm mạc miệng. Thông thường, trong miệng vẫn có nấm candida với số lượng vừa phải, nhưng đôi khi nó có thể phát triển quá mức và gây ra các triệu chứng. Cùng eLib.VN tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý này nhé!

Hội chứng nấm candida miệng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Nấm miệng gây ra các tổn thương màu trắng kem, thường ở lưỡi hoặc má trong. Đôi khi, bệnh tưa miệng có thể lan đến vòm miệng, nướu, amidan hoặc sau cổ họng.

Mặc dù bệnh tưa miệng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng nó có nhiều khả năng xảy ra ở trẻ sơ sinh và người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch bị ức chế hoặc một số tình trạng sức khỏe, những người đang dùng một số loại thuốc.

Thực tế, bệnh nấm miệng là một vấn đề nhỏ nếu bạn khỏe mạnh, nhưng nếu có hệ thống miễn dịch yếu, các triệu chứng có thể nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn.

2. Triệu chứng nấm candida miệng

Đối với nấm miệng ở người lớn, phần bên trong miệng sẽ đỏ và có các mảng trắng. Khi cạo những mảng trắng này, bạn sẽ thấy những đốm đỏ như máu.

Ngoài ra, bạn cũng có một số dấu hiệu sau:

Vết nứt ở khóe miệng Vị giác thay đổi Vị khó chịu trong miệng Đau bên trong miệng (như đau lưỡi hoặc đau nướu) Khó ăn uống

Thực tế, bệnh nấm miệng ở người lớn thường không lây nhiễm.

Nấm miệng ở trẻ em

Trẻ bị nấm miệng sẽ có các mảng trắng trên lưỡi và thường rất khó để cạo chúng. Đôi khi, trẻ cũng có những đốm trắng trong miệng.

Các triệu chứng nấm miệng khác ở trẻ em gồm:

Trẻ không muốn ăn uống Hăm tã

Trẻ có thể truyền nấm candida khi đang bú sữa mẹ. Điều này sẽ khiến mẹ bị nhiễm nấm candida ở vú.

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn hoặc con bạn có các mảng màu trắng bên trong miệng, hãy đi khám bác sĩ hoặc nha sĩ.

Bệnh nấm candida miệng thường không phổ biến ở trẻ lớn, thanh thiếu niên và người lớn khỏe mạnh, vì vậy nếu bệnh phát triển, hãy gặp bác sĩ để được kiểm tra các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc nguyên nhân khác.

3. Nguyên nhân gây nấm candida miệng

Thông thường, hệ miễn dịch hoạt động để đẩy lùi các sinh vật xâm nhập có hại, chẳng hạn như virus, vi khuẩn và nấm, đồng thời duy trì sự cân bằng giữa các vi khuẩn “tốt” và “xấu” sống trong cơ thể. Tuy nhiên, đôi khi các cơ chế bảo vệ này thất bại, làm tăng số lượng nấm candida và dẫn đến nhiễm trùng trong miệng.

Loại nấm candida phổ biến nhất gây tưa miệng là Candida albicans. Một số yếu tố, chẳng hạn như hệ miễn dịch bị suy yếu, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài ra, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu có các yếu tố sau:

Miễn dịch suy yếu. Nấm miệng ở trẻ sơ sinh và nấm miệng ở người lớn tuổi là những vấn đề phổ biến do hệ miễn dịch ở những đối tượng này yếu, không có khả năng chống lại vi sinh vật. Bên cạnh đó, một số tình trạng y tế và phương pháp điều trị có thể ức chế hệ miễn dịch, chẳng hạn như ung thư, điều trị ung thư, ghép tạng, các loại thuốc ức chế hệ miễn dịch và HIV/AIDS.

Bệnh tiểu đường. Nếu không điều trị tiểu đường hoặc kiểm soát bệnh tốt, nấm candida có nguy cơ phát triển mạnh trong miệng do nước bọt có chứa một lượng lớn đường.

Nhiễm nấm âm đạo. Nấm âm đạo là do cùng một loại nấm gây ra bệnh nấm miệng. Mẹ bầu nhiễm nấm âm đạo có thể truyền bệnh sang con.

Thuốc. Các loại thuốc như prednisone, corticosteroid dạng hít hoặc kháng sinh làm xáo trộn sự cân bằng tự nhiên của các vi sinh vật trong cơ thể, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm miệng.

Các tình trạng răng miệng khác. Đeo răng giả, đặc biệt là răng giả hàm trên hoặc các tình trạng gây khô miệng, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm candida miệng.

4. Chẩn đoán nấm candida miệng

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh nấm miệng chỉ bằng cách nhìn vào miệng của bạn để tìm ra những vết sưng đặc trưng mà nó gây ra.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể làm sinh thiết vùng bị ảnh hưởng để xác định chẩn đoán.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị nấm miệng trong thực quản, họ có thể quết niêm mạc họng hoặc nội soi để xác định chẩn đoán.

5. Điều trị nấm candida miệng

Để điều trị bệnh nấm miệng, bác sĩ có thể kê toa một hoặc nhiều loại thuốc sau:

Fluconazole Clotrimazole Nystatin Itraconazole: dùng để điều trị cho những người không có phản ứng với các phương pháp điều trị khác và người nhiễm HIV Amphotericin B: dùng để điều trị nấm miệng nghiêm trọng

Khi bạn bắt đầu điều trị, bệnh tưa miệng thường sẽ hết sau vài tuần. Nhưng trong một số trường hợp, nó có thể trở lại.

Đối với những người trưởng thành bị tái phát nấm miệng mà không rõ nguyên nhân, bác sĩ sẽ tìm ra tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có thể góp phần gây ra bệnh.

Các biện pháp tại nhà cũng giúp kiểm soát tình trạng nấm candida miệng như:

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ Thường xuyên vệ sinh và khử trùng răng giả đúng cách Súc miệng bằng nước muối sinh lý

6. Biến chứng nấm candida miệng

Thực tế, nấm miệng hiếm khi là một vấn đề nghiêm trọng đối với trẻ em và người lớn khỏ mạnh.

Đối với những người có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn do điều trị ung thư, HIV/AIDS, tình trạng nhiễm nấm candida có thể nghiêm trọng hơn.

Nếu không điều trị nấm miệng, bạn có thể bị nhiễm trùng candida toàn thân. Đây là một tình trạng nguy hiểm. Nếu hệ miễn dịch của bạn yếu, nấm candida có thể lan đến thực quản và các bộ phận khác trên cơ thể.

7. Phòng ngừa nấm miệng

Những biện pháp sau có thể giúp giảm nguy cơ phát triển nhiễm nấm candida:

Súc miệng bằng nước hoặc đánh răng sau khi ăn hoặc dùng thuốc Đánh răng ít nhất hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa hàng ngày Không đeo răng giả khi đi ngủ. Đảm bảo răng giả vừa vặn và không gây kích ứng. Làm sạch răng giả hàng ngày. Khám răng thường xuyên, đặc biệt nếu bạn bị tiểu đường hoặc đeo răng giả. Hạn chế ăn nhiều đồ ngọt vì có thể khuyến khích sự phát triển của candida. Duy trì kiểm soát lượng đường trong máu tốt nếu bạn bị tiểu đường. Lượng đường trong máu được kiểm soát tốt có thể làm giảm lượng đường trong nước bọt. Điều trị nhiễm nấm âm đạo càng sớm càng tốt. Điều trị khô miệng.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến hội chứng nấm candida miệng (nấm lưỡi, tưa lưỡi), hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:08/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM