Hội chứng liệt tối thứ bảy - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

“Liệt tối thứ bảy” thực ra mô tả tình trạng dây thần kinh quay ở cánh tay bị chèn ép do chịu tác động trực tiếp từ ngoại lực. Điều này thường diễn ra khi dùng tay để làm gối kê đầu khi ngủ, thường là sau khi đã say rượu. Do đó, nguồn gốc của cụm từ này là từ mối liên hệ dễ thấy giữa một “tối thứ bảy” và tình trạng “say sưa”. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về hội chứng này, mời các bạn tham khảo!

Hội chứng liệt tối thứ bảy - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Liệt tối thứ bảy là gì?

Liệt tối thứ bảy là tình trạng liệt nhánh sâu của dây thần kinh quay ở cánh tay. Khi dây thần kinh này bị chèn ép, tín hiệu thần kinh từ cánh tay truyền đi hoặc đến cánh tay bị gián đoạn dẫn đến cảm giác tê cứng, đau buốt.

Không giống như liệt thực thể do tổn thương thần kinh, liệt tối thứ bảy là trạng thái liệt cơ năng xảy ra khi dây thần kinh chính bị chèn ép hay kéo căng trong thời gian dài. Từ đó, tín hiệu dẫn truyền thần kinh bị gián đoạn, suy giảm lưu lượng máu gây tổn thương mô, phát sinh tê bì, suy yếu cơ.

Tình trạng này thường xảy ra ở những người uống nhiều rượu, bia, say xỉn khiến họ không kiểm soát được vị trí, tư thế ngủ dẫn đến tác động làm căng hay chèn ép dây thần kinh quay, chẳng hạn như ngủ trên ghế, kê tay dưới đầu hoặc có tư thế ngủ bất thường.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng liệt tối thứ bảy

Dây thần kinh quay bị tổn thương thường gây ra những triệu chứng ở mu bàn tay, khu vực gần ngón tay cái và ở ngón trỏ, ngón giữa.

Bạn có thể cảm thấy các cảm giác đau nhói hay nhức buốt cũng như cảm thấy không bình thường ở giữa ngón tay cái với những ngón khác.

Ngoài ra, cảm giác tê, ngứa ran và gặp khó khăn khi duỗi thẳng cánh tay cũng là những triệu chứng phổ biến. Bạn cũng không dễ dàng gì mà duỗi dài hay duỗi thẳng cổ tay và các ngón tay.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân liệt tối thứ bảy là gì?

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng liệt tối thứ bảy chính là tác động chèn ép kéo dài lên dây thần kinh quay ở cánh tay. Thông thường, tình trạng chèn ép do tác động lực từ bên ngoài xảy ra khi ngủ sâu với cánh tay tỳ vào một bề mặt cứng, chắc (như ghế đá công viên, bàn, ghế, sàn nhà…) và gây gián đoạn sự dẫn truyền cục bộ (tổn thương thần kinh).

Kiểu tư thế ngủ như trên thường liên quan đến tình trạng say rượu hoặc do hôn mê.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán liệt tối thứ bảy?

Hãy đến gặp bác sĩ và trình bày về các triệu chứng mà bạn nghĩ rằng mình có thể bị chứng liệt tối thứ bảy cũng như thời gian xuất hiện. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng chẩn đoán được tình trạng của bạn.

Họ cũng sẽ thực hiện vài bước kiểm tra thể chất. Bạn sẽ được yêu cầu đưa cánh tay bị tê, khó cử động lên để so sánh với cánh tay khỏe mạnh còn lại. Bác sĩ cũng muốn bạn thực hiện các động tác mở rộng hay xoay cánh tay để xem mức độ ảnh hưởng của tổn thương đến phạm vi chuyển động. Cử động cổ tay và ngón tay cũng cần được quan sát để đánh giá trương lực cơ.

Đôi khi, một vài xét nghiệm khác cần được thực hiện để loại trừ những nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng tương tự. Ví dụ, xét nghiệm máu để kiểm tra mức đường huyết và nồng độ các vitamin, kiểm tra chức năng thận và tuyến giáp.

Chụp CT hoặc MRI cũng giúp tìm kiếm các tổn thương trong não bộ, cổ hay vai. Đó có thể là nguyên nhân tạo ra áp lực lên dây thần kinh quay.

Bác sĩ có khả năng đề nghị tiến hành đo điện cơ (EMG) và xét nghiệm dẫn truyền thần kinh để xác định xem bạn có đang gặp vấn đề ở dây thần kinh hay trong cơ bắp không.

Những phương pháp điều trị liệt tối thứ bảy

Mục tiêu chung trong điều trị các tổn thương ở dây thần kinh quay là làm giảm bớt các triệu chứng và phục hồi lại chức năng cho cổ tay, bàn tay. Ở trường hợp nhẹ, các triệu chứng có thể tự hết mà không cần can thiệp y tế.

Điều trị không phẫu thuật

Một số lựa chọn ban đầu cho điều trị liệt tối thứ bảy bao gồm:

  • Sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng viêm ;
  • Tiêm corticoid;
  • Kem hoặc miếng dán gây tê ;
  • Băng quấn cánh tay ;
  • Vật lý trị liệu để phục hồi sức mạnh cơ bắp ;
  • Massage ;
  • Châm cứu.

Một số người còn thực hiện liệu pháp kích thích thần kinh bằng dòng điện xuyên qua da (TENS) để điều trị tổn thương thần kinh.

Điều trị bằng phẫu thuật

Trường hợp dây thần kinh bị tổn thương nặng, bạn có thể trải qua phẫu thuật để điều trị. Bác sĩ sẽ can thiệp để hồi phục thương tổn thần kinh. Đôi khi, phẫu thuật chuyển gân (tendon transfer) được thực hiện để khôi phục lại chức năng cử động tay.

Sau phẫu thuật, bạn sẽ cần đeo nẹp tay cho đến khi vết mổ lành lặn hẳn. Đồng thời, bác sĩ cũng giới thiệu cho bạn chương trình vật lý trị liệu để quá trình hồi phục chức năng cử động và sức mạnh hiệu quả hơn.

5. Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa liệt tối thứ bảy?

Do nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hội chứng này là do chèn ép cơ học khi lớp cơ bảo vệ bên ngoài bị chùng xuống, dãn ra do rượu, thuốc mê, nằm sai tư thế… nên hạn chế các các yếu tố trên là cách phòng tránh tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh liệt tối thứ bảy, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:07/10/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM