Hội chứng synesthesia - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bạn có từng nghĩ con người có khả năng cảm nhận màu sắc qua âm thanh hay nếm được mùi vị khi nhìn vào những vật thể khác nhau? Sự thật là có một căn bệnh có khả năng mang lại những khả năng tuyệt vời đó, được gọi là hội chứng synesthesia hay hiện tượng cảm giác đi kèm. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Hội chứng synesthesia - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Hội chứng synesthesia là gì?

Cụm từ “synesthesia” bắt nguồn từ Hy Lạp và có nghĩa đen là “những cảm giác đồng thời”, do đó căn bệnh này còn được gọi là hiện tượng cảm giác kèm hoặc chứng liên kết giác quan. Người mắc phải hội chứng này có những cảm giác độc đáo giữa hai giác quan hay tri giác mà người bình thường không thể cảm nhận được.

Hội chứng synesthesia là một bệnh lý thần kinh khi não xử lý các dữ liệu, thông tin bằng nhiều giác quan trong cùng một lúc. Do vậy, những người mắc phải hội chứng này có thể vừa nghe thấy âm thanh vừa nhìn ra những màu sắc tương ứng, hay họ có thể nếm được vị khi nhìn vào các hình khối khác nhau.

Thực tế, hiện tượng cảm giác đi kèm rất đa dạng, những giác quan được kết hợp với nhau không hề giống nhau ở những người mắc hội chứng này. Với 5 giác quan cơ bản của một người bao gồm thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác và khứu giác thì hội chứng synesthesia có thể là sự giao thoa ngẫu nhiên giữa hai giác quan/tri giác hoặc nhiều hơn thế.

Trong đó, loại hình phổ biến nhất trong hội chứng synesthesia là cảm giác kèm tự vị – màu (color-graphemic) khi mà các ký tự chữ, số hoặc hình dạng hình học được liên kết với màu sắc hay các mẫu hình. Bên cạnh đó, cảm giác kèm màu sắc – âm thanh cũng thường gặp, người bệnh sẽ nhìn thấy màu sắc, hình dạng hoặc kết cấu đặc biệt khi nghe những âm thanh khác nhau.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác mức độ phổ biến của hội chứng này. Một nghiên cứu năm 2006 cho biết căn bệnh này chiếm khoảng 2–4% dân số.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng hội chứng synesthesia

Có nhiều loại cảm giác kèm khác nhau, tất cả đều có những triệu chứng khác nhau. Bạn có thể cùng lúc cảm nhận được chữ cái, con số với màu sắc hay âm thanh với màu sắc…

Những người mắc phải hội chứng synesthesia thường có xu hướng biểu hiện những dấu hiệu và triệu chứng như sau:

  • Nhận thức không chủ ý về sự giao thoa giữa các giác quan (như hình dạng cùng vị giác, màu sắc với thính giác…);
  • Các cảm giác đồng thời liên tục được kích hoạt và có thể dự đoán trước dẫn đến những liên tưởng cụ thể, chẳng hạn như khi bạn nhìn thấy chữ A cũng sẽ nhìn thấy chúng có màu đỏ Khả năng mô tả những thứ nhận thức được sẽ khác biệt so với người bình thường.

Nếu mắc phải hội chứng này, bạn có khả năng cao sẽ thuận tay trái và có niềm yêu thích mạnh mẽ với nghệ thuật thị giác hay âm nhạc.

Theo ghi nhận, hội chứng synesthesia xuất hiện phổ biến ở nữ giới hơn so với nam giới.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân hội chứng synesthesia là gì?

Những người mắc phải căn bệnh này thường là bẩm sinh hoặc hình thành từ rất sớm, trong thời thơ ấu. Các nghiên cứu cho rằng hội chứng synesthesia có thể được di truyền từ cha mẹ sang con cái.

Bình thường, mỗi giác quan được kích thích bởi một khu vực khác nhau trong não bộ. Ví dụ, khi nhìn vào bức tường màu vàng neon, tín hiệu sẽ kích thích vùng thị giác sơ cấp nằm phía sau não bộ. Thế nhưng, người có hiện tượng cảm giác kèm không chỉ nhìn thấy màu sắc mà còn nếm được vị của nó khi nhìn vào bức tường.

Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng người bị hội chứng synesthesia có mức độ liên kết cao giữa các phần não phụ trách kích thích từng giác quan.

Một số chất cũng có khả năng khiến bạn gặp phải hiện tượng cảm giác kèm trong một khoảng thời gian. Sử dụng các chất gây ảo giác có thể khiến thần kinh hưng phấn và kết nối cảm nhận từ các giác quan với nhau.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hội chứng synesthesia?

Bạn có thể thực hiện thử một đánh giá trực tuyến miễn phí để xem bản thân có mắc phải hội chứng synesthesia hay không nhưng chỉ nên dùng để tham khảo. Bạn cũng có thể đến đến gặp một bác sĩ chuyên ngành thần kinh để trao đổi và được chẩn đoán rõ ràng hơn.

Khi hình dung ra chữ “A” trong đầu, liệu bạn có gán một màu sắc nào cho nó không? Nếu lướt qua toàn bộ bảng chữ cái, với từng chữ cái một, các màu sắc có hiện ra tương ứng với từng chữ cái không? Hãy thử và viết những thứ bạn cảm nhận được khi nhìn vào chữ cái hay bất kỳ ký tự nào. Các chữ cái riêng lẻ trông có giống nhau mỗi khi bạn hình dung lại chúng hay không? Nếu có, rất có thể bạn mắc phải hội chứng synesthesia.

Một thử nghiệm khác khi nghe nhạc bạn cũng có thể làm thử. Hãy bật một bài nhạc cổ điển mà bạn chưa từng nghe trước đây, nhắm mắt thư giãn rồi tận hưởng các giai điệu ấy. Liệu bạn có nhìn ra màu sắc nào khi nghe những âm thanh từ bản nhạc đang bật? Mỗi nhạc cụ đôi khi tương ứng với một màu sắc khác nhau? Thị giác của bạn cũng hoạt động mạnh mẽ bên cạnh thính giác không? Nếu đúng như vậy, bạn có khả năng cao thuộc hội chứng synesthesia.

Những phương pháp điều trị hội chứng synesthesia

Sẽ không có cách điều trị nào giúp hiện tượng cảm giác kèm biến mất hoàn toàn. Đa số người bệnh đều cảm thấy thích thú khi họ có thể cảm nhận được thế giới theo một cách khác biệt so với người khác.

Nếu bạn mắc phải hội chứng này và cảm thấy bị tách biệt với số đông còn lại do những giải thích về cảm nhận của bạn không giống ai, hãy thử tìm kiếm cộng đồng những người có chung tình trạng này. Điều này giúp bạn giảm bớt cảm giác cô đơn, lạc lõng.

Bạn cũng có thể tìm gặp một chuyên gia trị liệu sức khỏe tâm thần để thấy được giá trị bản thân. Thay vì chỉ có một bán cầu não (trái hoặc phải) hoạt động, bây giờ cả hai bán cầu đều phối hợp hài hòa và mang lại cho bạn những cảm nhận độc đáo. Hãy xem đó là một món quà bạn được trao tặng để theo đuổi đam mê.

Tuổi thọ tự nhiên của những người mắc hội chứng synesthesia không hề bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Thậm chí, rất nhiều người thành công và nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau đã sống chung với hội chứng này, bao gồm:

  • Kanye West Pharrell Williams ;
  • Ca sĩ nhạc rock và nghệ sĩ dương cầm Tori Amos;
  • Nhà vật lý học Richard Feynman ;
  • Họa sĩ Wassily Kandinsky ;
  • Vladimir Nabokov – đại văn hào người Nga nổi tiếng với cuốn tự truyện về khả năng cảm nhận được màu sắc qua âm thanh xung quanh.
  • Họa sĩ Vincent van Gogh và Joan Mitchell cũng được suy đoán là mắc phải hội chứng này.

Hy vọng với một số thông tin trên đây về Hội chứng synesthesia sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:19/10/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM