Bệnh đa niệu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đa niệu là tình trạng cơ thể bài tiết một lượng nước tiểu nhiều hơn thông thường (thường từ 3l trở lên) và kéo dài trong nhiều ngày. Trường hợp tình trạng xảy ra vào buổi tối thì được gọi là đa niệu về đêm (tiểu đêm). Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo!

Bệnh đa niệu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Đa niệu là gì?

Tuy còn phụ thuộc vào tuổi và giới tính nhưng 2 lít nước tiểu thải ra mỗi ngày thường được coi là bình thường. Trong một số trường hợp lượng nước tiểu mà cơ thể thải ra nhiều hơn bình thường – khoảng từ 3 lít trở lên mỗi ngày thì được gọi là đa niệu. Tình trạng này cần phải được phân biệt với tần suất đi tiểu cao – tiểu nhiều lần trong ngày hoặc đêm nhưng với thể tích nước tiểu bình thường hoặc ít hơn bình thường.

Bài tiết lượng nước tiểu quá nhiều là một tình trạng phổ biến và không có vấn đề nghiêm trọng nếu chỉ kéo dài 1-2 ngày. Trường hợp tình trạng xảy ra vào buổi tối thì được gọi là đa niệu về đêm (tiểu đêm).

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đa niệu là gì?

Bên cạnh việc đi tiểu nhiều, người bị đa niệu bạn cũng có thể có những dấu hiệu như:

  • Cảm thấy khát. Việc bài tiết một lượng nước tiểu lớn khiến cơ thể người bệnh mất rất nhiều chất lỏng, có thể dẫn đến mất nước.
  • Thức dậy thường xuyên vào ban đêm để đi tiểu và bàng quang tốn nhiều thời gian hơn bình thường để làm rỗng trở lại.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của đa niệu là gì?

Đa niệu có thể là do bệnh lý hoặc các yếu tố bên ngoài.

  • Bệnh tiểu đường týp 1 và týp 2. Đa niệu thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường. Tình trạng này làm cho đường tích tụ trong máu người bệnh. Nếu thận không thể lọc được, nó sẽ thoát ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, khiến người bệnh đi tiểu nhiều hơn..
  • Đái tháo nhạt. Đây là tình trạng hiếm gặp hơn, khiến người bệnh rất khát dù cho uống rất nhiều nước. Bệnh có thể xảy ra do các vấn đề về thận hoặc não do phẫu thuật, khối u, nhiễm trùng hoặc chấn thương đầu.
  • Thai kỳ. Các bà mẹ tương lai có thể bị tiểu đường thai kỳ. Tình trạng này thường sẽ hết sau khi sinh.
  • Bệnh lý về thận như viêm mô kẽ thận, suy thận. Thận bị tổn thương không còn đảm bảo chức năng như bình thường và đa niệu thường có thể là một dấu hiệu sớm của các vấn đề về thận.
  • Bệnh gan. Các vấn đề với gan cũng có thể ảnh hưởng đến thận. Gan có chức năng giải độc, là cơ quan duy nhất có khả năng tái tạo. Tổn thương gan làm giảm lưu lượng máu đến thận, khiến thận khó có thể thực hiện chức năng của mình thật hoàn hảo.
  • Hội chứng Cushing. Đây là tình trạng khi có quá nhiều cortisol trong cơ thể. Lượng cortisol dư thừa này ảnh hưởng đến ADH (hormone chống bài niệu), một loại hormone liên quan đến việc bài tiết nước tiểu.
  • Tăng canxi máu. Quá nhiều canxi trong máu cũng có thể ảnh hưởng đến nồng độ ADH cũng như phản ứng hay chức năng xử lý nước tiểu của thận.
  • Tâm lý lo âu. Trên thực tế có tồn tại một mối liên hệ giữa tâm lý lo âu, bồn chồn và vasopressin – một chất giúp thận giữ nước. Bạn có thể dễ gặp triệu chứng đa niệu khi đang căng thẳng, lo lắng.
  • Nhiễm trùng bàng quang. Bệnh thường gặp ở trẻ em và phụ nữ nhiều hơn.
  • Chứng tiểu không tự chủ Chứng khát nước (polydipsia). Nếu thường xuyên cảm thấy khát nước, lượng nước tiểu bài tiết nhiều thì rất có thể đó là triệu chứng sớm nhất của bệnh tiểu đường.
  • Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm. Biến chứng của bệnh có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.
  • Phì đại tiền liệt tuyến, còn được gọi là tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Bệnh phổ biến nhất ở nam giới trên 50 tuổi.
  • Một số loại bệnh ung thư

Bên cạnh đó, sau khi chụp CT hoặc thực hiện bất kỳ loại xét nghiệm nào có sử dụng chất đánh dấu phóng xạ dạng tiêm, người bệnh có thể gặp tình trạng đa niệu do cần uống nhiều nước nhằm thải bỏ vật liệu phóng xạ. Tuy nhiên, nếu lượng nước tiểu bài tiết vẫn nhiều sau vài ngày, người bệnh nên đến phòng khám kiểm tra lại.

Đa niệu cũng có thể là kết quả từ lối sống như uống rượu và caffeine (cà phê, trà) thường xuyên. Ngoài ra, một số loại thuốc chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc trị cao huyết áp và chống phù nề cũng làm tăng lượng nước tiểu, chẳng hạn như:

  • Thuốc lợi tiểu thiazide như chlorothiazide và hydrochlorothiazide;
  • Thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali như eplerenone và triamterene ;
  • Thuốc lợi tiểu quai như bumetanide và furosemide  ;

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán đa niệu?

Bác sĩ sẽ dựa trên nhiều điều kiện để chẩn đoán tình trạng đa niệu, chẳng hạn như:

  • Triệu chứng. Bác sĩ cần biết lượng nước tiểu thải ra cũng như độ khát của người bệnh.
  • Bệnh sử. Bác sĩ có thể hỏi người bệnh về thời gian bắt đầu xuất hiện triệu chứng, các bệnh lý hay các phương pháp điều trị y tế có thể ảnh hưởng như truyền nước, cho ăn bằng ống, tắc nghẽn đường tiểu, phẫu thuật, đột quỵ hoặc chấn thương đầu.
  • Khám lâm sàng. Bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu sưng ở tay, chân hoặc bụng, triệu chứng của bệnh tiểu đường hay đái tháo nhạt, ung thư, hội chứng Sjogren, tăng canxi máu hay tác dụng từ thuốc chống trầm cảm,…
  • Xét nghiệm nước tiểu. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm 8, 12 hoặc 24 giờ. Việc thu thập mẫu nước tiểu trong một thời gian dài hơn cho phép bác sĩ có cơ sở chẩn đoán tốt hơn về tính chất nước tiểu, từ đó chẩn đoán các bệnh thận.
  • Xét nghiệm máu. Xét nghiệm giúp kiểm tra nồng độ các chất điện giải, canxi và natri trong máu.
  • Đo đường huyết (xét nghiệm glucose). Bác sĩ có thể cần kiểm tra lượng đường trong máu của người bệnh để chẩn đoán bệnh tiểu đường.
  • Xét nghiệm các chức năng tuyến yên – tuyến sản xuất hormone ADH. Khi cơ thể có rối loạn, việc sản xuất hormone chống bài niệu này có thể bị cản trở.

Những phương pháp điều trị đa niệu

Việc điều trị đa niệu phụ thuộc vào nguyên nhân như do bệnh lý hay do thuốc và thói quen sinh hoạt. Hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ để được cân nhắc thay đổi sang loại thuốc khác hoặc điều chỉnh liều dùng. Ngoài ra, người bệnh có thể cần cắt giảm lượng nước uống vào trước khi đi ngủ, đặc biệt là những loại có cồn và caffeine.

5. Tiên lượng

Tiên lượng của bệnh đa niệu là gì?

Người bệnh nên cởi mở và trung thực với bác sĩ về việc nhận thấy lượng nước tiểu thải được trong ngày nhiều hơn bình thường. Hãy chia sẻ với bác sĩ về thói quen đi tiểu của bản thân. Nhìn chung, tiên lượng cho chứng đa niệu thường tốt, đặc biệt nếu người bệnh không có bệnh lý nghiêm trọng. Khi đó, việc thay đổi lối sống và điều chỉnh một số yếu tố ngoại cảnh tác động sẽ giải quyết đáng kể tình trạng đa niệu. Trong trường hợp nguyên nhân dẫn đến đa niệu có nguồn gốc từ bệnh, người bệnh sẽ được điều trị theo phác đồ phù hợp. Khi bệnh có đáp ứng tốt với các phương pháp chữa trị, tình trạng đa niệu cũng sẽ cải thiện.

Hy vọng với một số thông tin trên đây về bệnh đa niệu sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:19/10/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM