Chiến lược Marketing cho sản phẩm mới
Với lĩnh vực marketing rất khó để đưa ra một quy chuẩn cho việc làm marketing như thế nào để đạt hiệu quả. Tuy nhiên dù sản phẩm/dịch vụ của bạn là gì, doanh nghiệp của bạn đặt mục tiêu như thế nào và đầu tư chi phí bao nhiêu thì trước hết đều phải đi đúng tuần tự các bước xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm được eLib chia sẻ dưới đây. Mời các bạn cùng tham khảo.
Mục lục nội dung
1. Xây dựng chiến lược marketing có quan trọng?
2. 6 bước xây dựng chiến lược marketing
2.1 Nghiên cứu khách hàng, đối thủ
2.2 Xác định mục tiêu, thông điệp truyền thông
2.4 Xây dựng kế hoạch trong giai đoạn đầu
2.6 Đo lường, giám sát và điều chỉnh
3. Chiến lược Marketing cho sản phẩm mới
3.2 Tạo ra/tăng thêm giá trị gia tăng sản phẩm
3.3 Khai thác các lợi thế về sự tiện dụng
1. Tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm ngay từ đầu
Trong thời đại ngày hôm nay, khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày một mạnh mẽ thì marketing online cũng ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết đối với các doanh nghiệp.
Điều này dường như tất cả các doanh nghiệp đều hiểu nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng. Rất nhiều đơn vị chỉ dừng lại ở xây dựng website sao cho bắt mắt hay đổ tiền thật nhiều vào chạy quảng cáo dẫn đến thất bại nối tiếp thất bại.
Trong khi đó, những đầu việc quan trọng như hiểu lợi thế của chính bạn, hiểu khách hàng của bạn là ai, khách hàng muốn gì ở bạn… lại chưa được xác định.
Việc đưa ra một chiến lược cụ thể ngay từ đầu từ những điều nhỏ nhất sẽ giúp bạn định hình hướng đi và mục tiêu phát triển, giúp doanh nghiệp của bạn vừa phát triển nhanh vừa phát triển vững chắc.
2. 6 bước xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm
Có thể bạn đang lo lắng và cho rằng việc lên một chiến lược marketing khó khăn như việc đốn một cây đại thụ vậy. Nhưng thực tế không quá khó nếu bạn thực hiện theo 6 bước xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm dưới đây.
2.1 Bước 1 – Nghiên cứu khách hàng, đối thủ và rà soát hiện trạng truyền thông
Đầu tiên là nghiên cứu khách hàng. Hãy áp dụng mô hình phổ biến nhất – 5W1H (Who, What, Why, When, Where và How). Với mô hình 5W1H này, hãy tự trả lời khách hàng của bạn là ai, họ mua gì và mong muốn gì ở sản phẩm/dịch vụ của bạn, tại sao họ mong muốn như vậy, họ phát sinh nhu cầu về sản phẩm/dịch vụ khi nào, họ tham khảo thông tin ở đâu trước khi quyết định mua sản phẩm, hành trình đưa ra quyết định diễn ra như thế nào.
Tiếp theo, phân tích đối thủ cạnh tranh sẽ giúp bạn đánh giá được hoạt động truyền thông của đối thủ đồng thời tiếp thu được những ý tưởng hay cho kế hoạch của mình. Bên cạnh đó, việc phân tích đối thủ sẽ giúp bạn dự đoán được đường đi nước bước của đối thủ, hiểu khách hàng đang nói gì về đối thủ…
Để hoàn thành bước 1 trong xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm, hãy thực hiện rà soát lại chính hiện trạng truyền thông mà bạn đã và đang thực hiện. Hãy trả lời các câu hỏi sau:
- Chiến lược marketing bạn đã và đang thực hiện là gì?
- Tình trạng các kênh truyền thông bạn sở hữu đang ra sao?
- Tình trạng các kênh truyền thông mất phí đang như thế nào?
- Quy mô nhân sự đang thực hiện marketing gặp vấn đề gì?
2.2 Bước 2 – Xác định mục tiêu, thông điệp truyền thông và công chúng mục tiêu
Đích đến của việc xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm chính là việc xác định đúng mục tiêu truyền thông. Mục tiêu truyền thông của doanh nghiệp phải thật cụ thể, dễ hiểu, đo lường được, khả quan có thể đạt được, thực tế. Bên cạnh đó cần xác định được thời gian để hoàn thành mục tiêu là bao lâu.
Về công chúng mục tiêu, bạn cần phải xác định được những đối tượng có khả năng là khách hàng mục tiêu của bạn. Sau đó hãy cân nhắc thật kỹ và đi đến quyết định chọn một đến một vài đối tượng trong số đó hoặc tất cả.
Công chúng mục tiêu có thể là người dùng sản phẩm/dịch vụ hoặc là người mua sản phẩm/dịch vụ hoặc người ảnh hướng đến quyết định tiêu dùng sản phẩm. Từ việc xác định được công chúng mục tiêu, bạn sẽ định hướng được thông điệp truyền thông.
Thông điệp truyền thông chúng ta đang nói đến được xây dựng từ những giá trị của doanh nghiệp, của sản phẩm hoặc thương hiệu. Có thể sản phẩm, thương hiệu hay doanh nghiệp của bạn có rất nhiều giá trị tốt nhưng nếu thông điệp về tất cả các giá trị thì bạn đã sai. Bởi khách hàng khó có thể ghi nhớ tất cả các giá trị của bạn và khiến giá trị lớn nhất bị mờ nhạt đi.
Hãy lựa chọn một vài giá trị lớn nhất để thực hiện thông điệp nhất quán trên sản phẩm và các phương tiện truyền thông ở thời điểm cụ thể.
2.3 Bước 3 – Sáng tạo ý tưởng – mấu chốt quan trọng trong xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm
Bất kỳ thương hiệu hay sản phẩm nào khi đưa ra thị trường đều gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể như bạn thực hiện quảng cáo nhưng người tiêu dùng không muốn xem, thậm chí rất ghét. Họ ghét những chương trình quảng cáo chen vào khi đang xem phim, họ ghét bị làm phiền bởi những tờ rơi khi đi dường… Và điều khó khăn hơn cả đó việc quảng cáo ngày càng rầm rộ khiến người tiêu dùng không thể ghi nhớ bạn là ai.
Đến đây chắc chắn bạn đã hiểu vai trò của việc sáng tạo ý tưởng. Vậy làm sao để tạo ra ý tưởng?
Hãy hình dung ý tưởng truyền thông không thể xuất phát từ giá trị thương hiệu mà phải từ một giá trị khác bên ngoài thương hiệu và có thể thu hút khách hàng. Thế nhưng để có một ý tưởng đầy đủ thì phải kết hợp giữa giá trị thương hiệu với giá trị ngoài thương hiệu.
Để đạt được điều này, trước hết bạn cần vạch ra những cách mà bạn cho rằng có thể gây sự chú ý từ công chúng mục tiêu. Tiếp theo hãy kết hợp những cách đó với thông điệp truyền thông hay chính là giá trị thương hiệu của bạn. Cuối cùng, hãy đặt ra những câu hỏi như: đối tượng A, đối tượng B, các đối thủ của bạn, cánh nhà báo sẽ phản ứng thế nào trước ý tưởng của bạn.
Nếu bạn đang rơi vào tình trạng cạn kiệt ý tưởng sáng tạo, hãy ngồi lại một chút và tìm ý tưởng từ chính thông điệp truyền thông, từ việc nghiên cứu các công chúng mục tiêu, từ các yếu tố ngữ cảnh xã hội và từ việc học hỏi, tổng hợp thành quả truyền thông đã có…
2.4 Bước 4 – Xây dựng kế hoạch cụ thể trong giai đoạn đầu
Sau khi đã đi qua 3 bước đầu trong xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm, bước tiếp theo hãy kết nối tất cả lại để tạo nên một kế hoạch tổng thể.
Cụ thể lúc này bạn cần thực hiện các đầu việc sau:
- Từ ý tưởng lớn để lên ý tưởng chi tiết hơn
- Lên kế hoạch sản xuất nội dung và chọn phương tiện truyền thông để đăng tải nội dung.
- Đề ra thời gian thực hiện
Tiếp theo, hãy lên kế hoạch phương tiện truyền thông (Media plan) với 4 phần rõ ràng: phương tiện & hình thức truyền thông, thời gian truyền thông, ngân sách truyền thông và chỉ số đo lường hiệu quả truyền thông.
2.5 Bước 5 – Thực thi theo kế hoạch
Sau khi đã có bản kế hoạch Media Plan, bạn cần tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động hay còn gọi là Action Plan để đưa ra những đầu việc cụ thể cho nhân sự thực hiện.
Action Plan sẽ bao gồm các đầu việc cụ thể, deadline hoàn thành các đầu việc đó và người hoặc nhóm người thực hiện.
Đây là bước rất quan trọng trong xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm để kiểm soát chất lượng công việc của nhân sự trong từng mảng công việc đang triển khai.
2.6 Bước 6 – Đo lường, giám sát và điều chỉnh tối ưu hiệu quả
Một khó khăn mà hầu như doanh nghiệp nào cũng gặp phải đó là giữa bộ phận marketing và bộ phận kinh doanh xảy ra mâu thuẫn. Họ thường đổ lỗi cho nhau khi làm việc không hiệu quả, cụ thể bộ phận marketing thường cho rằng bộ phận truyền thông đang lãng phí ngân sách.
Vì vậy người quản lý cần phải có công cụ theo dõi, đo lường chính xác trên các nền tảng trực tuyến đồng thời theo dõi báo cáo về nguồn khách hàng từ bộ phận kinh doanh để đánh giá hiệu quả truyền thông.
Từ kết quả được đánh giá bạn sẽ nhận thấy mình có đang lãng phí ngân sách cho truyền thông hay không để từ đó điều chỉnh ngân sách cũng như chiến lược để đạt hiệu quả tối ưu nhất trong khoản ngân sách hợp lý.
3. Chiến lược Marketing cho sản phẩm mới
Rất nhiều chuyên gia Marketing cho rằng, một trong những tình thế cạnh tranh bất lợi nhất đối với hầu hết các doanh nghiệp là tung ra thị trường một sản phẩm hay một dịch vụ muộn màng, trong khi những đối thủ cạnh tranh khác đã nhanh chân hơn trong việc chiếm lĩnh thị trường. Và nhiều người tin rằng, với vị thế sản phẩm mới hay “sinh sau đẻ muộn”, doanh nghiệp khó có thể để len chân vào cuộc cạnh tranh khốc liệt này.
Trên thực tế, “cái bóng” của những người đi trước vẫn có thể bị các công ty, chỉ tham gia sau khi thị trường đã phát triển mạnh mẽ, dẫm lên và “qua mặt”. Điều này đặc biệt đúng nếu thị trường có một trong số các đặc tính sau:
- Thị trường gồm những sản phẩm đem lại những tiện ích tương tự nhau mà không có sản phẩm nào nổi trội hơn hẳn;
- Sự tăng trưởng của thị trường tương đối chậm nhưng được kỳ vọng sẽ tăng tốc khi ngày càng có nhiều khách hàng nhận ra ích lợi của sản phẩm;
- Khách hàng mua sản phẩm không hài lòng lắm với những sản phẩm hiện có;
- Phần lớn các nhà phân phối sản phẩm chưa đưa sản phẩm này vào những hàng hóa của họ hoặc chưa cần ganh đua để tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng.
Trong phần lớn các trường hợp, chìa khoá thành công cho những người đến sau là chấp nhận vị thế “chậm chân” của mình và thừa nhận rằng, trở thành người dẫn đầu thị trường có thể không nằm trong chiến lược phát triển của họ (mặc dù không phải là không thể). Thông thường, những người đi sau sẽ phải hoạt động tốt hơn để giành vị trí ở hàng thứ hai hoặc tập trung khai thác lỗ hổng thị trường. Mặc dù không có được vị trí bao quát của người đi trước, nhưng vị trí thứ hai cũng có khả năng thu được lợi nhuận đáng kể, ít nhất là khi thị trường đang tăng trưởng tốt.
Có một số chiến lược để đạt thành công với những sản phẩm được tung ra thị trường muộn hơn. Các doanh nhân hãy xem xét các lợi thế sau đây:
3.1 Lợi thế giá thấp
Chiến lược rõ ràng nhất cho những người đến sau là giành lấy thị phần nhờ bán sản phẩm với giá thấp hơn giá đã được đối thủ cạnh tranh thiết lập. Nếu đối thủ chưa đạt được sự trung thành của người tiêu dùng, thì một sản phẩm có cùng công dụng nhưng lại được bán với giá thấp hơn sẽ có ưu thế và có cơ hội giành phần lớn thị phần – ít nhất là trong thời gian ngắn. Nếu một công ty lập kế hoạch cạnh tranh bằng giá cả, họ nên chuẩn bị sẵn sàng đối phó với hành động trả đũa của đối thủ cạnh tranh, những người chắc chắn không dễ dàng nhượng bộ doanh số bán hàng bởi vì có một “lính mới tò te” bán giá thấp. Các doanh nghiệp đi trước thường đáp lại bằng cách tăng cường khuyến mãi và giảm giá cho khách hàng. Nếu công ty đến sau đủ mạnh để tồn tại được trong cuộc chiến giá cả đó, họ có thể giành được chỗ đứng trên thị trường và buộc các doanh nghiệp đi trước phải chia sẻ thị phần với mình. Nhưng trong trường hợp này, khả năng rủi ro là khá cao.
3.2 Tạo ra hoặc tăng thêm giá trị gia tăng của sản phẩm
Vì tham gia cuộc chiến giá cả là một chiến lược có tính mạo hiểm lớn, nên chúng tôi xin đưa ra một lựa chọn khác có khả năng mang lại thành công lớn hơn và bền vững hơn: đó là đưa ra các tiện ích khác kèm theo sản phẩm chính. Ví dụ, công ty có thể tăng giá trị cho sản phẩm của mình bằng cách sử dụng bao bì bắt mắt, hướng dẫn sử dụng sản phẩm chi tiết, dễ hiểu, xây dựng các trung tâm dịch vụ hậu mãi ở những địa điểm khách hàng dễ dàng tiếp cận và các chương trình bảo hành mở rộng. Ngoài ra, công ty đến sau có thể không cần tạo thêm giá trị bằng cách bổ sung công dụng mới, mà nhà tiếp thị chỉ cần tập trung quảng bá các đặc tính sản phẩm đã có nhưng chưa được khai thác nhiều, chẳng hạn, bằng cách so sánh sản phẩm mới với những sản phẩm đã có trên thị trường hoặc hướng sự chú ý của khách hàng tới các ưu thế trong qui trình sản xuất (chẳng hạn như sản xuất ngay tại địa phương, công nghệ sản xuất tiên tiến, lao động lành nghề…).
3.3 Khai thác các lợi thế về sự tiện dụng
Khái niệm cổ điển về chu kỳ sống của một sản phẩm cho rằng, các sản phẩm mới thu hút sự chú ý của các nhóm người sử dụng khác nhau tại các thời điểm khác nhau. Một thị trường nhỏ sẽ bao gồm những khách mua đầu tiên (thường gọi là những người đi tiên phong) sẵn lòng thử nghiệm sản phẩm trước và đa số khách hàng khác (gọi là số đông sử dụng sau). Những người mua trong giai đoạn đầu thường tìm kiếm những lợi ích mang tính cá nhân hơn, như mùi vị hấp dẫn, hình thức đẹp, trong khi nhóm khách hàng ở giai đoạn sau thường bị hấp dẫn bởi các tiện ích nổi bật của sản phẩm so với các sản phẩm khác đang có mặt trên thị trường, ví dụ sản phẩm mới có thể giúp họ tiết kiệm được thời gian hay tiền bạc chẳng hạn. Tuy nhiên, nhóm này thường “có kháng thể” mạnh nếu các thông tin được tung ra quá nhiều, ở một mức độ nào đó, có thể coi đây là nhóm khách hàng đa nghi. Đối với nhóm này, nên chỉ ra mức độ dễ dàng khi sử dụng sản phẩm mới.
3.4 Các chiến dịch khuyến mãi… cho không
Một chiến lược khác cho những doanh nghiệp mới ra nhập thị trường là đưa ra những chương trình khuyến mãi mà các hãng khác không cung cấp nhằm chiếm được sự quan tâm và lòng tin của người mua. Như trên đã nói, cạnh tranh trực tiếp bằng giá cả thường chỉ là giải pháp ngắn hạn, vì các đối thủ cạnh tranh chắc chắn sẽ trả đũa rất quyết liệt. Tuy nhiên, các nhà tiếp thị có thể xem xét việc đưa ra các đợt khuyến mãi về tài chính nhưng không trực tiếp giảm giá bán mà vẫn giảm tổng chi phí, chẳng hạn như đổi các sản phẩm cũ lấy sản phẩm mới, tặng phiếu giảm giá cho người mua hay miễn phí các sản phẩm và dịch vụ kèm theo…. Người mua sẽ tính toán và so sánh chi phí trọn gói với các sản phẩm tương tự của đối thủ cạnh tranh. Cũng có thể xem xét thực hiện các kiểu khuyến mãi khác để thu hút những khách hàng còn đang lưỡng lự và thiếu lòng tin đối với sản phẩm của mình, ví dụ, áp dụng chế độ bảo hành cho phép hoàn lại tiền mua hàng, lắp ráp miễn phí và cung cấp các chỉ dẫn sử dụng dễ hiểu…
3.5 Cạnh tranh chơi trội
Cuối cùng, thay vì bỏ ra khoản đầu tư đáng kể để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình so với những sản phẩm tương tự đã từ lâu hiện diện trên thị trường, tại sao bạn lại không cố gắng sáng tạo hơn và làm việc chăm chỉ hơn đối thủ cạnh tranh?. Hãy nghiên cứu các cơ hội mà đối thủ cạnh tranh chưa khai thác, như bán hàng qua các kênh phân phối mới chẳng hạn. Hoặc hãy nghĩ cách xây dựng các phương pháp khuyến mãi mới dễ thu hút sự chú ý của người tiêu dùng cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng.
3.6 Bủa vây thị trường bằng mạng lưới phân phối dày đặc
Một trong những cách thức marketing nhanh nhất cho sản phẩm mới chính là xây dựng hệ thống phân phối thật lớn mạnh. Xu hướng hiện nay các doanh nghiệp đang tập trung nhiều vào việc phát triển các kênh MT (kênh phân phối hiện đại: siêu thị, cửa hàng tiện lợi), trong khi vẫn bền bỉ với các cửa hàng, đại lý, kiot,…
Tuy nhiên, với xu hướng phát triển của nền kinh tế, vai trò của cửa hàng, đại lý dần lên ngôi thay thế cho vị chí “ông vua trong vùng” của các nhà phân phối dẫn đến vai trò của nhân viên bán hàng càng trở nên đặc biệt quan trọng và chiếm tới 50% quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Vậy nếu không quản lý và hỗ trợ bán hàng tốt cho đội ngũ Sales ngoài thị trường, hệ thống phân phối của doanh nghiệp sẽ đi về đâu? Cách tốt nhất là trang bị thêm cho hệ thống phân phối một ứng dụng quản lý và nâng cao hiệu quả từng mắt xích tham gia.
Đối với nhân viên bán hàng đó nên là công cụ cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết khi viếng thăm điểm bán nhân viên có thể sử dụng như: lịch sử mua hàng, tồn kho, công nợ, các trao đổi liên quan đến điểm bán,... Và đặc biệt, nhân viên phải tự theo dõi được hoạt động bán hàng, đi tuyến và kết quả thực hiện chỉ tiêu KPIs của mình để từ đó biết được bản thân nên làm gì để tăng hiệu quả làm việc.
Trăn trở lớn nhất Giám sát và nhà Quản lý là làm sao để biết hàng ngày Salesman hoạt động ra sao? Salesman nào, có đi bán hàng không? Bán ở những cửa hàng nào, lúc nào, được bao nhiêu đơn, đơn giá trị bao nhiêu? Các công cụ hỗ trợ trưng bày tại cửa hàng hiệu quả ra sao? Sales nào cần hỗ trợ?
Tham khảo thêm
- docx Tổng quan về hoạch định và chiến lược
- docx Hoạch định chiến lược là gì?
- docx Hoạch định chiến lược Marketing
- doc Công tác hoạch định chiến lược trong các tổ chức
- docx Chiến lược Marketing cạnh tranh
- doc Chiến lược Marketing cho cửa hàng kinh doanh thời trang
- doc 10 chiến lược marketing online trên mạng xã hội dành cho B2B
- docx Chiến lược Marketing nổi tiếng đến từ những thương hiệu lớn