Viết bài làm văn số 5: Văn thuyết minh Ngữ văn 10

Nội dung bài viết dưới đây nhằm giúp các em ôn tập văn thuyết minh, đồng thời vận dụng viết văn thuyết minh hay sáng tạo. eLib mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt!

Viết bài làm văn số 5: Văn thuyết minh Ngữ văn 10

1. Đề số 1

Đề bài: Thuyết minh về tấm gương học tốt của lớp em

Bài tham khảo

Nước Việt ta trải qua hàng nghìn năm đấu tranh giữ nước và dựng nước, chính điều đó đã hun đúc cho dân tộc ta ý chí bất khuất, kiên cường, dám đương đầu với khó khăn và không bao giờ đầu hàng trước số phận. Trong cuộc sống đời thường không đó để bắt gặp những tấm gương vượt khó, một trong số đó có Nguyễn Nhật Minh – một bạn học sinh của trường THPT Phạm Văn Đồng, có hoàn cảnh gia đình nhiều éo le nhưng luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình trong học tập.

Minh sinh ra và lớn lên ở Đắk Nông – một tỉnh của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khó, quanh năm chật vật lo cái ăn cái mặc. Minh là con trai lớn trong nhà, đằng sau là ba đứa em đang còn thơ dại, sớm thấu hiểu được sự vất vả của cha mẹ, sau mỗi giờ học bạn đỡ đần công việc nhà và chiều chiều lại lên nương rẫy cùng cha. Những khi vắng việc đồng áng, bạn đạp xe khắp các xã làm thuê cho người ta với hy vọng kiếm ít tiền đỡ đần cho gia đình. Sau một ngày dài mệt mỏi, tối là thời gian Minh vùi đầu vào bài vở, niềm tin nhỏ nhoi về một ngày mai tươi sáng hơn luôn tràn ngập trong suy nghĩ của cậu nam sinh ngày ấy.

Những tưởng cuộc sống dẫu có khăn nhưng vẫn còn gia đình là chỗ dựa, thì biến cố lớn lại xảy đến. Ngày Minh bước vào lớp mười hai cũng là lúc bố Minh bỏ đi theo người phụ nữ khác, mẹ Minh vì quá đau khổ, túng quẫn trước cảnh nhà éo le cũng bỏ nhà đi biệt xứ để lại những đứa con đang còn thơ dại. Bốn anh em dọn về dưới vòng tay cưu mang của bà nội, bà đã gần bảy mươi, tuổi già sức yếu, hàng ngày tiền sinh hoạt chỉ dựa vào tiệm tạp hoá nhỏ ven đường. Cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn, bao nhiêu gánh nặng dồn lên đôi vai của cậu con trai đang đứng trước bước ngoặt cuộc đời.

Sau biến cố, Minh trầm lặng hơn nhưng trong đôi mắt cậu bạn ấy luôn chứa đựng đầy sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua những thử thách cuộc đời. Mọi nơi trong trường đều trở thành góc học tập lý tưởng, bất kể là ghế đá hay gốc cây phượng tôi vẫn thường xuyên bắt gặp dáng vẻ cao gầy của chàng trai ấy đang say sưa học bài. Minh yêu thích và học rất giỏi môn Toán với những xấp bài tập dày cộm, chi chít nét chữ và con số. Nhận thức được sự thiếu thốn của mình không làm Minh tự ti hay chùn bước, cậu biết mình luôn phải cố gắng, nỗ lực gấp đôi bạn bè. Trong khi lũ bạn chiều chiều được đi luyện thi ở các trung tâm lớn nhỏ, được bố mẹ chăm sóc bảo ban thì Minh phải đi làm thuê lo cho các em đỡ đần bà nội, đêm đến chẳng cần nghỉ ngơi Minh lại thức thâu đêm nghiên cứu từng tài liệu mượn của bạn bè, thời gian không còn nhiều đây chính là thời khắc cuối thời học sinh mở ra một trang mới cho cuộc đời mỗi con người. Trong mỗi giờ ra chơi, bạn ấy vẫn ngồi đấy mặc cho bạn bè vui chơi, chăm chú xem lại từng bài giảng của thầy cô. Ba năm liền kết quả học tập luôn đứng đầu lớp và là thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, Minh đã đem về cho mình nhiều giải thưởng của tỉnh cũng như khu vực, đặc biệt là huy chương vàng Toán học cấp khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Chúng tôi ai cũng nhìn bạn ấy với ánh mắt ngưỡng mộ, thán phục, thầy cô cũng thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình Minh nên luôn giúp đỡ, bảo ban tận tình. Vất vả là thế, nhưng chưa một lần tôi thấy Minh vắng mặt trong lớp học, bất kể là mưa bão hay ốm đau bệnh nặng bạn cũng vượt con đường hàng chục cây số từ xã lên thị trấn để học đều đặn hàng ngày.

Trời không phụ lòng người, năm ấy Minh thi đỗ vào đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh ngành công nghệ thông tin với số điểm hai mươi bảy, cũng là thủ khoa của trường cấp ba. Cái tên Nguyễn Nhật Minh năm ấy nổi tiếng khắp vùng, là niềm tự hào của trường, của xã, đặc biệt là những giọt nước mắt hạnh phúc của người bà đã rơi xuống. Rời quê lên Sài Gòn phồn hoa, tấp nập, nỗi lo cơm áo gạo tiền lại dai dẳng bám theo, may mắn thay biết được hoàn cảnh khó khăn và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cậu học trò nghèo, tỉnh đã quyết định trao cho Minh học bổng hỗ trợ suốt bốn năm đại học. Vậy là giờ đây, Minh có thể yên tâm học tập xây dựng một tương lai tươi sáng, mai này có thể phụng dưỡng bà nội, lo cho các em ăn học.

Cuộc sống vốn là những khó khăn, thử thách, con đường tới thành công thì không bao giờ trải đầy hoa hồng. Muốn trở thành một người thành đạt, có địa vị, tạo ra những giá trị cho xã hội thì ta phải biết dấn thân, hy sinh công sức và nỗ lực hết mình cho mục tiêu ấy, đừng bao giờ bỏ cuộc hay đầu hàng trước số phận nghiệt ngã, hãy học tập và làm theo những tấm gương người tốt, giàu nghị lực quanh ta

2. Đề số 2

Đề bài: Thuyết minh về một món ăn đặc sản

Bài tham khảo

Việt Nam được biết đến là đất nước có nền văn hóa ẩm thực khá phong phú. Chúng ta có thể kể tên các món ăn đặc sản của dân tộc như bánh chưng, bánh cốm, phở, bún bò,... và đặc biệt là món nem rán. Đây là món ăn vừa cao quý lại vừa dân dã, bình dị để lại một mùi vị khó phai mờ trong mỗi chúng ta.

Nem rán có nguồn gốc từ Trung Quốc, thuộc nhóm các món Dimsum. Món ăn này đã theo chân những người Hoa khi di cư sang nước ta và được biến đổi thành món ăn phù hợp với khẩu vị người Việt. Nem rán không chỉ phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc mà nó còn góp mặt trong ẩm thực của đất nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Ba Lan và nhiều nước Trung, Nam Mĩ, với các tên gọi khác nhau như Harumaki, Chungwon, Rouleau de printemps, Sajgonki. Ở Việt Nam, tùy theo vùng miền mà món ăn này có những tên gọi riêng. Nem rán là cách gọi của người dân miền Bắc, người miền Trung gọi là chả cuốn và chả giò là cách gọi của người dân miền Nam.

Nguyên liệu chế biến món nem rán khá đa dạng nhưng cũng hết sức dễ tìm. Để món ăn đầy đủ các thành phần dinh dưỡng chúng ta cần chuẩn bị thịt băm, trứng gà hoặc trứng vịt, hành tây, hành lá, cà rốt, su hào, giá đỗ, rau mùi, rau thơm, mộc nhĩ, mì hoặc miến, và một số loại gia vị như mì chính, bột canh, hạt tiêu, nước mắm. Những gia vị này sẽ giúp món ăn thêm phần đậm đà, hấp dẫn. Một thứ không thể thiếu đó chính là bánh đa nem. Bánh đa nem được làm từ gạo và khi chọn ta cần lựa những lá bánh mềm, dẻo để khi gói không bị vỡ.

Để có được món nem rán thơm phức hoàn hảo, trước hết chúng ta cần sơ chế các nguyên liệu đã chuẩn bị. Chúng ta ngâm nấm và mộc nhĩ cho đến khi chúng nở ra rồi rửa sạch, thái nhỏ. Đồng thời các loại rau củ cũng gọt vỏ, rửa sạch và thái. Mì hoặc miến ngâm nước ấm trong khoảng năm phút rồi cũng cắt thành từng đoạn ngắn. Sau đó, cho tất cả các nguyên liệu vào âu hoặc bát to, đập thêm trứng, nêm thêm gia vị rồi trộn đều.

Số trứng dùng để làm nem không nên quá nhiều vì như thế sẽ khiến nhân nem ướt rất khó cuộn và cũng không nên quá ít vì nem sẽ bị khô. Vì vậy, khi đập trứng ta nên đập lần lượt từng quả để ước lượng lượng trứng phù hợp. Màu cam của những sợi cà rốt, màu trắng của mì, màu xanh của rau, màu vàng của trứng, tất cả hòa quyện với nhau trông thật hài hòa. Chúng ta sẽ ướp phần nhân nem từ 5 đến 10 phút để các gia vị ngấm đều.

Tiếp theo, chúng ta trải bánh đa nem trên một mặt phẳng rồi cho nhân nem vào cuộn tròn. Bánh đa nem có loại hình tròn, hình vuông, cũng có loại hình chữ nhật, tùy theo sở thích mà mỗi người lại lựa chọn những loại bánh đa nem khác nhau. Nếu muốn bánh đa nem mềm và giòn thì trước khi cuốn nem nên phết lên bánh đa nem một chút nước giấm pha loãng với đường và nước lọc.

Chúng ta nên gấp hai mép bánh đa nem lại để phần nhân nem không bị chảy ra ngoài. Sau đó, đun sôi dầu ăn rồi cho nem vào rán. Khi rán nên để nhỏ lửa và lật qua lật lại để nem được chín vàng đều rồi vớt ra giấy thấm để nó hút bớt dầu mỡ, tránh cảm giác bị ngấy khi thưởng thức.

Nước chấm là thứ không thể thiếu để món nem trở nên đậm đà. Muốn có nước chấm ngon, chúng ta cần chuẩn bị một chút đường, tỏi, giấm, ớt, chanh và nước mắm. Đầu tiên, ta hòa tan đường bằng nước ấm rồi cho thêm tỏi, ớt đã băm nhỏ. Sau đó đổ từ từ giấm và nước mắm vào rồi khuấy đều cho các gia vị ngấm đều. Ta có thể thay giấm bằng chanh hoặc quất. Tùy khẩu vị của mỗi người mà nước chấm có độ mặn ngọt khác nhau.

Cuối cùng, bày nem ra đĩa, trang trí thêm rau sống, cà chua hay dưa chuột thái lát để đĩa nem trông thật đẹp mắt. Những bông hồng được làm từ cà chua, những bông hoa được tỉa từ dưa chuột sẽ khiến món ăn vô cùng hấp dẫn. Nem rán chấm với nước chấm tỏi ớt sẽ mang lại cảm giác rất thú vị. Bánh đa nem vàng giòn cùng nhân nem thơm phức quyện hòa với nhau cùng vị cay cay của ớt, chua chua của giấm, ngòn ngọt của đường sẽ khiến những ai thưởng thức nó không bao giờ có thể quên được mùi vị đặc biệt này.

Nem rán đã trở thành một món ăn phổ biến trên khắp đất nước Việt Nam. Nó không chỉ có mặt trong những bữa cơm bình dị thường nhật mà còn xuất hiện trong mâm cơm thờ cúng tổ tiên. Đây là món ăn mang ý nghĩa trang trọng, cao quý. Ngoài ra nem rán còn dùng để ăn kèm với bún đậu và các món ăn khác. Giữa tiết trời se lạnh như thế này còn gì tuyệt vời hơn khi thưởng thức món em rán nóng hổi. Sự kết hợp các nguyên liệu làm nên nhân nem như mang một ý nghĩa biểu tượng về sự đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của người dân đất Việt.

Nem rán không chỉ là món ăn giàu chất dinh dưỡng mà còn là món ăn góp phần tạo nên nền ẩm thực Việt với những đặc trưng và sự độc đáo riêng biệt. Món ăn này tuy dễ thực hiện nhưng lại đòi hỏi sự kì công và khéo léo nên người chế biến cần có sự tập trung nhất định. Đây còn là một trong những món ăn thu hút khách quốc tế khi đến thăm Việt Nam. Có thể nói, món nem rán nói riêng và ẩm thực Việt nói chung đang ngày càng khẳng định được giá trị trên thế giới.

3. Đề số 3

Đề bài: Thuyết minh về di tích lịch sử

Bài tham khảo

Từ thành phố Hồ Chí Minh, tại Bến Nhà Rồng, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước vì thế trong 64 tỉnh thành chỉ duy nhất nơi đây được vinh dự mang tên Bác kính yêu và Bến Nhà Rồng được xây dựng thành bảo tàng Hồ Chí Minh trở thành địa chỉ thân thương với nhân dân cả nước nói chung, nhân dân thành phố nói riêng.

Ngót một thế kỉ rưỡi (150 năm) trải qua bao biến cố thăng trầm, Bến Nhà Rồng vẫn sừng sững uy nghi tại số 1 đường Nguyễn Tất Thành quận 4 thành phố Hồ Chí Minh (xưa là đường Trịnh Minh Thế). Ngay một cửa ngõ thương cảng sầm uất nhất nước-cảng Sài Gòn. Bến Nhà Rồng nằm ngay trung tâm, trước mặt là bến Bạch Đằng lộng gió. Khi thành phố lên đèn cả khu vực lung linh huyền ảo góp phần tô điểm thành phố thêm lộng lẫy, xứng danh là “hòn ngọc của Viễn Đông” Ngày 4/3/1863, ngay sau khi chiếm được thành Gia Định, thực dân Pháp tiến hành mở cảng Sài Gòn và xây dựng trụ sở của công ty vận tải Hoàng Đế. Tòa nhà 3 tầng (2 lầu) được xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà được gắn 2 con rồng lớn bằng đất hình trái châu theo mô típ “Lưỡng long chầu nguyệt”. Vì thế tòa nhà được gọi là Nhà Rồng và bến cảng được gọi là Bến Nhà Rồng (giới bình dân gọi là “Sở ông Năm” do viên quân Năm xứ Pháp đứng ra xây dựng). Khi chính quyền Mĩ ngụy tiếp quản thì đã chỉnh sửa đầu rồng quay qua 2 phía. Năm 1979, Ủy ban nhân dân thành phố trao cho Sở văn hóa thông tin thành phố xây dựng nơi đây thành khu lưu niệm Bác Hồ. Tháng 10/1995, Khu lưu niệm tiếp tục chỉnh lí, nâng cấp thành bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây nhưng có kết hợp kiến trúc phương Đông. Trên nóc nhà có kiến trúc đền chùa. Phía trên nóc có gắn phù điêu mang biểu tượng của công ty hình đầu ngựa và hình mỏ neo… Gọi là bến Nhà Rồng nhưng đến tháng 10/1865 nơi đây mới được xây dựng cột cờ thủ ngữ để treo cờ hiệu để tàu thuyền cập bến. năm 1899, mới xây dựng bến bằng ván dày gồm nhiều bến mỗi bến cách nhau 18 m. lúc đầu chỉ xây 1 bến, về sau công ty mới xây bến thứ 3. Năm 1919, mới xây bến bằng bê tông và đến tháng 3/1930 bến mới hoàn thành chỉ có 1 bến dài 430m. Năm 2001, bức tượng Nguyễn Tất Thành được tạc nên ngay chính diện tòa nhà làm bảo tàng thêm uy nghi xứng tầm vóc lớn lao.

Thời gian trôi qua càng ngày Bến Nhà Rồng càng trờ thành địa chỉ được lưu giữ những sự kiện trọng đại gắn liền với vận mệnh dân tộc. Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với 2 bàn tay trắng đã bước xuống con tàu Latouche Treville trong cuộc hành trình “ 30 năm ấy chân không nghỉ”

Đón nhận ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lênin tìm ra mặt trời chân lí rồi trở về lãnh đạo cả dân tộc tổng khởi nghĩa tháng 8/19945 thắng lợi lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Và sau đó vẫn theo tư tưởng của Người, nhân dân ta tiếp tục cuộc hành trình “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để từ mùa xuân 1975 non sông gấm vóc thân thương nối liền một dải. Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ nơi đây được nhân dân thành phố chọn làm địa điểm tổ chức những cuộc mít tinh biểu tình, bãi công… để phản đối chính quyền thực dân và bọn tay sai. Xúc động nhất là sự kiện vào ngày 13/5/1975 con tàu Sông Hồng cập bến chính thức nối con đường biển thông thương giữa 2 miền Nam-Bắc.

Bến Nhà Rồng đã lưu truyền biết bao tư liệu hiện vật quý giá giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ thiên tài, người cha già kính yêu. Qua nhiều lần chỉnh lí về cơ bản bảo tàng xây dựng thành 12 phòng trưng bày khoảng 170 tư liệu, hình ảnh, hiện vật (có những hiện vật lần đầu tiên được trưng bày về quê hương, gia đình, sự nghiệp cách mạng đất nước). Nếu ai đã từng đến với bảo tàng đều lặng người khi nhìn tận mắt chứng kiến những kỉ vật về Người. Ta vừa kính phục vừa xúc động làm sao khi đứng trước đôi dép cao su mòn vẹt-đôi dép Bác đã đi khắp thế thế gian. Đặc biệt là những bút tích trong những văn kiện của người đã làm thay đổi dân tộc. Một số những chuyên đề liên quan: những tuyên ngôn bao quát mọi thời đại: “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước dân chủ cộng hòa. Sáu phòng còn lại trưng bày các hiện vật tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh, tình cảm của Bác đối với miền Nam “Miền Nam luôn trong trái tim tôi…”. Đền thờ Bác Hồ ở miền Nam để nhân dân thể hiện tình cảm. Hiện tại bảo tàng là một trong những địa chỉ để nhân dân đến nghiên cứu, giao lưu, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Hằng năm, bảo tàng thu hút hàng triệu du khách trong nước và ngoài nước.

Hoa viên Với diện tích gần 1500m² xây dựng làm tòa nhà thì diện tích còn lại trong 1200m², 400 gốc cây các loại quanh năm tươi xanh góp một phần làm trong sạch môi trường thành phố. Trong số này có chậu mai chiếu thủy trồng từ năm 1946, có cây đa Tân Trào do chính cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mang từ ngoài Bắc vào, có cây bồ đề do Tổng thống Ấn Ðộ trong lưu niệm trong chuyến thăm chính thức nước ta vào năm 1946. Ngoài ra còn có 23 cây Hoàng nam do sứ quán Thái Lan mang tặng.

Bến Nhà Rồng, bảo tàng Hồ Chí Minh đã vinh dự được chọn làm biểu tượng của thành phố nhân ngày kỉ niệm 300 năm Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày ngày lớp lớp các thế hệ con cháu về đến cúi đầu trước tượng đài của Người thắp nén nhang để bày tỏ lòng tôn vinh và tri ân con người đẹp nhất mọi thời đại của dân tộc để xây dựng đất nước đàng hoàng to đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu.

4. Đề số 4

Đề bài: Thuyết minh về phương pháp học môn ngữ văn

Bài tham khảo

Ngữ văn – tên gọi hiện hành của môn văn trong nhà trường phổ thông hiện nay, là bộ môn đang gặp phải sự lo ngại trước tình trạng đa phần học sinh chán nản, không yêu thích. Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Phải chăng việc học văn không hứng thú là do chương trình quá nặng, phương pháp của thầy cô chưa đáp ứng được hay bởi sự phát triển quá nhanh chóng của xã hội khiến học văn không còn cần thiết? Dù là lý do gì thì trước hết vẫn xuất phát từ người học. Người học chưa tự yêu thích hoặc chưa coi học văn có ý nghĩa giá trị quan trọng không chỉ trong nhà trường mà còn ngoài cuộc sống. Bởi vậy, phương pháp học văn sẽ là khâu trọng yếu giúp học tốt môn này. Và phương pháp học văn theo lối tư duy sau đây sẽ gợi ý giúp các bạn.

Nhắc tới học tập theo phương pháp tư duy, nhiều người nghĩ nó phù hợp với lối học của các môn tự nhiên hơn. Nhưng không phải, đây là kinh nghiệm học tập phù hợp với tất cả các bộ môn khoa học. Riêng với môn văn hiện nay, là một môn rất quan trọng, nhiều bạn học sinh quan tâm vì đó là môn sẽ có mặt trong tất cả các kỳ thi. Bởi vậy việc học, làm văn theo lối tư duy rất cần thiết, đáp ứng được nhu cầu cho cả đối tượng học sinh yêu thích môn văn và học sinh chỉ học văn theo đáp ứng bộ môn.

Vậy học văn, làm văn theo lối tư duy là như thế nào? Là cách học theo hệ thống logic rõ ràng, mạch lạc vừa giúp ghi nhớ kiến thức vừa giúp suy luận. Môn văn là bộ môn khoa học xã hội, khối lượng kiến thức khá nhiều, việc học theo lối tư duy vô cùng phù hợp, giúp người học văn không cần phải “học thuộc lòng” như nhiều người vẫn nghĩ mà vẫn ghi nhớ và đảm bảo được kiến thức của bộ môn này.

Đầu tiên, sử dụng tư duy để xây dựng hệ thống kiến thức cho nội dung bài học. Hiện nay kiến thức môn văn chia làm hai phần là đọc hiểu và tạo lập văn bản. Kiến thức của phần đọc hiểu bao gồm kiến thức tiếng Việt và làm văn. Hầu hết là các khái niệm, các tính chất, đặc điểm đã có sẵn. Vậy chỉ cần phân loại, hệ thống. Ví dụ như phần Tiếng Việt có thể chia thành các đơn vị kiến thức về phong cách ngôn ngữ chức năng, các biện pháp tu từ. Còn Làm văn, có các thao tác lập luận, các phương thức biểu đạt.

Đối với tạo lập văn bản, chủ yếu kiến thức là ở các tác phẩm văn học. Ở nội dung này chú ý đến hai phần là kiến thức chung về tác giả, tác phẩm và kiến thức trọng tâm trong tác phẩm. Chẳng hạn như muốn hệ thống kiến thức về tác giả, để tạo nên cái nhìn tổng quát, so sánh, chúng ta chỉ cần tổng hợp trên hai phương diện là vị trí và đặc điểm sáng tác của tác giả đó. Ví dụ về tác giả Phạm Ngũ Lão (ở bài thơ Tỏ lòng), vị trí của ông là một vị danh tướng tài giỏi của nhà Trần, cũng là một nhà thơ của dân tộc; đặc điểm nổi bật trong sáng tác của ông là lòng yêu nước, mang âm hưởng hào hùng, đậm chất hào khí Đông A. Tương tự các tác giả khác cũng làm như vậy. Còn đối với kiến thức trọng tâm ở mỗi tác phẩm, cần hệ thống theo ý. Việc tạo ý sẽ giúp chúng ta nhìn thấy bao quát toàn bộ nội dung vừa là căn cứ để ghi nhớ và suy luận. Chẳng hạn ở bài Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi, có hai nội dung lớn là vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên cuộc sống và vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi. Trong vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên có thể hệ thống ba ý là: Bút pháp nghệ thuật: miêu tả, cảm nhận qua hình ảnh, màu sắc, âm thanh, trạng thái, vị trí; Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên: sống động, rực rỡ, căng tràn, bao quát và rất gần gũi, đậm chất làng quê; Vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ: tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên. Cách hệ thống đơn giản mà vẫn giúp học sinh móc nối, liên kết các kiến thức.

Tuy nhiên, cần phải đảm bảo một số yêu cầu sau khi học văn theo cách này. Đó là phải đảm bảo các kiến thức hệ thống phải chuẩn xác. Thứ hai, Khi xác lập đơn vị kiến thức cần hệ thống, phải lựa chọn từ khóa, sao cho ngắn gọn, súc tích mà vẫn thể hiện được đầy đủ nội dung tinh thần của tác phẩm. Thứ ba, cách ghi chép, trình bày phải khoa học, dễ nhớ thì nội dung hệ thống mới phát huy tác dụng. Chúng ta có thể sử dụng bảng biểu, sơ đồ tư duy, các hình vẽ,… để thể hiện cách hệ thống. Chẳng hạn hệ thống về tất cả các tác giả văn học có thể dùng bảng biểu gồm: tên tác giả, tác phẩm, vị trí của tác giả, đặc điểm sáng tác. Sau đó sắp xếp theo thứ tự, chúng ta sẽ có một bảng hệ thống tất cả các tác giả, chỉ cần gạch chân những từ khóa đối với mỗi tác giả, sẽ rất dễ nhớ và thậm chí so sánh cũng không khó. Hay sơ đồ tư duy là một trong những cách trình bày hỗ trợ rất tích cực trong phương pháp học văn theo lối tư duy. Từ những kiến thức tác phẩm văn học đã được hệ thống theo cách trình bày thông thường, thay vào đó là sơ đồ tư duy với nhiều màu sắc và các cách kí hiệu sẽ dễ dàng giúp cho người học văn nhớ được kiến thức. Việc tự vẽ sơ đồ tư duy cũng sẽ tạo hứng thú cho việc học văn và ghi nhớ một cách không nhàm chán những kiến thức dài của môn học này.

Có thể thấy, việc học văn theo tư duy không hề phức tạp. Cách làm chỉ giúp người học nhận ra tính chất khoa học của bộ môn. Ngoài việc chiếm lĩnh được, kiến thức khi được trình bày theo hệ thống logic sẽ giúp người học tự khai thác khả năng suy luận. Thậm chí khi nhìn vào hệ thống đó, có thể tập học cách diễn giải mà không cần phải có đầy đủ, chi tiết. Việc hệ thống kiến thức theo tư duy cũng sẽ giúp người học văn hình thành cách viết văn theo lối tư duy. Khi có kiến thức trong tay, theo một hệ thống nhất định sẽ rèn cho người viết văn không còn ngẫu hứng, tùy tiện. Trước khi viết bài cũng cần phải có sự tính toán, sắp xếp và khai thác kiến thức sao cho phù hợp, đúng và trúng vấn đề nhất.

Lợi ích của việc học theo lối tư duy không chỉ phù hợp và có hiệu quả đối với môn văn. Nhưng với đặc thù là một môn xã hội, khối lượng kiến thức nhiều, đa dạng, phương pháp học này rất bổ ích và có lợi cho học sinh. Nếu bạn chỉ là học sinh trung bình khá, cách học này giúp bạn không bị hổng kiến thức, còn nếu bạn là học sinh giỏi sẽ là cơ hội để bạn phát huy năng lực cảm thụ, phân tích, suy luận trong văn chương. Trong khuôn khổ của một bài viết ngắn, việc trình bày, giới thiệu về phương pháp này vẫn còn rất sơ lược. Tuy nhiên sẽ phần nào giúp các bạn học tốt và yêu thích môn văn hơn.

Ngày:15/12/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM