Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân (tiếp) Ngữ Văn 11

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được ngôn ngữ chung là cơ sở để sản sinh và lĩnh hội lời nói cá nhân. Từ đó, các em sẽ nắm được quan hệ giữa ngôn ngữ chung và lời nói cá nhân. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân (tiếp) Ngữ Văn 11

1. Quan hệ giữa ngôn ngữ chung và lời nói cá nhân

- Giữa ngôn ngữ chung của cộng đồng xã hội và lời nói của cá nhân có mối quan hệ ahi chiều.

- Ngôn ngữ chung là cơ sở để sản sinh ra lời nói cụ thể của mình đồng thời để lĩnh hội lời nói cá nhân khác. Muốn tạo ra lời nói (khi nói, khi viết) để thỏa mãn nhu cầu biểu hiện và giao tiếp trong những tình huống cụ thể, mỗi cá nhân phải huy động các yếu tố ngôn ngữ chung và vận dụng các quy tắc hoặc phương thức chung.

- Mặt khác, khi nghe, khi đọc, mỗi cá nhân cần tiếp nhận, lĩnh hội nội dung và mục đích giao tiếp trong lời nói của người khác, lúc đó cá nhân cũng cần dựa trên cơ sở những yếu tố chung, những quy tắc và phương thức chung thuộc ngôn ngữ của cộng đồng xã hội.

- Ngược lại lời nói cá nhân vừa là biểu hiện của ngôn ngữ chung, vừa có những nét riêng. Hơn nữa, cá nhân có thể sáng tạo góp phần làm biến đổi và phát triển ngôn ngữ chung.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy nêu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và lời nói.

Gợi ý trả lời:

- Ngôn ngữ (các đơn vị và qui tắc kết hợp) tồn tại hiện thực, nhưng ở dạng tiềm năng, trừu tượng. Nó vừa có mặt trong mọi lời nói của các thành viên trong xã hội, nhưng lại vừa không cụ thể. Hàng ngày, chúng ta chỉ lĩnh hội những lời nói cá nhân với tất cả nội dung ý nghĩa cụ thể lẫn sắc thái cá nhân cụ thể của người nói.

- Thực tế giao tiếp cho thấy, khi ta nghe một câu ca, một lời nói, một âm thanh (tiếng hỏi, lời chào…) của anh A hoặc chị B mà ta đã quen biết (dù không trông thấy người đó), nhưng ta vẫn nhận ra đó là tiếng của anh A hoặc chị B.

- Như vậy, tính cụ thể của nội dung, đặc điểm tâm sinh lý cá nhân của người nói là đặc trưng nổi bật giúp ta nhận hiểu lời nói. Thực tế ấy buộc ta phải tìm hiểu quan hệ giữa ngôn ngữ (cái chung, cái trừu tượng) và lời nói (cái riêng, cái có tính cụ thể, tính cá nhân).

- Trong lịch sử hình thành và phát triển của ngôn ngữ học không phải ngay từ đầu người ta đã tìm thấy sự khác nhau nhưng rất biện chứng giữa hai sự kiện ngôn ngữ và lời nói. Người ta hoặc là chỉ thừa nhận sự tồn tại của ngôn ngữ hoặc là sự tồn tại của lời nói cá nhân Ngay cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, để khắc phục chủ nghĩa phổ niệm và chủ nghĩa giáo điều của phái tự nhiên chủ nghĩa, nhiều nhà ngôn ngữ học đã nghiên cứu các hiện tượng ngôn ngữ riêng và lời nói cá nhân. Nhưng họ dẫn đến cực đoan, phủ nhận ngôn ngữ là tài sản của tập thể, nghi ngờ sự tồn tại của ngôn ngữ chung, như O. Sakhmatốp đã phát biểu: "Ngôn ngữ của từng cá nhân mới tồn tại thực sự, còn ngôn ngữ của làng mạc, thành thị, tịnh khu dân tộc chỉ là những giả định khoa học". 

Câu 2: Tìm thêm những ví dụ thể hiện được quan hệ giữa cái chung và cái riêng như quan hệ giữa ngôn ngữ chung của xã hội và lời nói riêng của cá nhân.

Gợi ý trả lời:

- Quan hệ giữa giống loài (chung) và từng cá thể động vật. Mỗi cá thể động vật, chẳng hạn một con cá cụ thể, là sự hiện thực hoá của loài cá, đồng thời mỗi con cá có thể có những nét riêng (về kích thước, về màu sắc,...) so với những đặc trưng chung của loài cá.

- Quan hệ giữa một mô hình thiết kế chung với một sản phẩm cụ thể được tạo ra, chẳng hạn một kiểu áo sơ mi, là cơ sở chung để may ra những cái áo cụ thể (có thể khác biệt nhau về chất liệu vải, về màu sắc,...).

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được biểu hiện của cái chung trong ngôn ngữ của xã hội và cái riêng trong lời nói cá nhân cùng mối tương quan giữa chúng.

- Rèn luyện và nâng cao năng lực sáng tạo cá nhân trong việc sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt.

- Ý thức tôn trọng những qui tắc ngôn ngữ chung của xã hội, góp phần vào việc phát triển ngôn ngữ nước nhà.

Ngày:16/10/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM