Tổng hợp 10 kết bài về bài thơ Hầu trời của Tản Đà

eLib xin gửi đến các em những đoạn kết bài mẫu dưới đây nhằm giúp các em có thể tham khảo và dễ dàng hơn khi viết kết bài cho tác phẩm Hầu trời. Chúc các em sẽ có được những kết bài thật như ý!

Tổng hợp 10 kết bài về bài thơ Hầu trời của Tản Đà

1. Kết bài 1

Bài thơ Hầu trời thể hiện rất rõ phong cách sáng tác của Tản Đà, bài thơ mang đến cho người đọc cảm nhận được cái tôi đầy mạnh mẽ và ý nghĩa. Kết lại rằng, Tản Đà - "người của hai thế kỷ" (Hoài Thanh), nên lối viết và lối suy nghĩ có phần khác biệt và nổi trội bởi khi đứng giữa hai dòng nước, con người ta thường bị ép bật ra cái khác biệt, một là bị nhấn chìm và hai là ngược dòng để vươn lên, Tản Đà là kiểu thứ hai ấy. Và một khi đã bật lên được thì người thi nhân lại mang đến những nguồn cảm hứng mới mẻ, điển hình là cái "ngông" xuất phát từ khao khát được khẳng định tài năng, khẳng định cái tôi cá nhân mạnh mẽ giữa dòng đời phức tạp, nhiều biến động. Nhưng đáng buồn rằng, khoảng thời gian đầu thế kỷ XX Tản Đà vẫn còn phải vật lộn, bươn chải nhiều và thơ ông cũng chưa tìm được cho mình một vị thế xứng đáng mà nó cần có, thế nên ông phải tìm một nơi chốn khác để khẳng định giá trị thực của bản thân, dù chỉ là trong mơ, một giấc mơ tên Hầu trời.

2. Kết bài 2

Từ một câu chuyện dường như không có thật, "hầu trời" đã phản ánh khá rõ tính cách của Tản Đà, ông đã mạnh dạn tự biểu hiện "cái tôi" cá nhân, một "cái tôi" ngông, phóng túng. Qua đó tác giả cũng ý thức rất rõ về tài năng, dám công khai cái tài văn chương hơn người của mình. Bài thơ "Hầu trời" là một bài thơ hay và độc đáo, tiêu biểu cho tính chất giao thời giữa cái mới và cái cũ trong nghệ thuật thơ Tản Đà, một trong những tác phẩm tiêu biểu cho cả hồn thơ Tản Đà và cả phong trào thơ mới.

3. Kết bài 3

"Hầu Trời" là một bài thơ độc đáo và đặc sắc, tuy khá dài nhưng bố cục chặt chẽ, giọng thơ liền mạch, nhất khí, cảnh và tình rất tự nhiên, diễn biến theo câu chuyện, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Bài thơ trường thiên "Hầu Trời" giúp ta cảm nhận thêm chất lài tử, tài hoa và cái ngông của Tản Đà thi sĩ.

4. Kết bài 4

Được đón tiếp nồng nhiệt, trang trọng, ngồi ghế bành như tuyết vân như mây, uống chè trời nhấp giọng, thi nhân bước vào một cuộc thể hiện tài năng, mà khán giả không ai khác là Trời và các chư tiên. Chỉ nghĩ đến đây thôi đã thấy quả là một câu chuyện hư cấu đầy thú vị, độc đáo chưa từng có. Việc lên tiên, lên trời không phải là một đề tài xa lạ, ngay cả với bản thân thi sĩ Tản Đà, nhưng việc lên đó để ngâm văn, đọc thơ thì chắc chắn là chỉ có ông mà thôi. Bởi vậy với bút pháp lãng mạn, nhà thơ đã tái hiện lại cảnh đọc thơ cho Trời và các chư tiên nghe đầy hứng khởi, tự hào.

5. Kết bài 5

Nét độc đáo trong cái tôi của Tản Đà là sự dung hòa nhiều yếu tố khác nhau. Tất cả tạo nên ở thi sĩ tính cách của một nhà Nho tài tử, đa tình, ngông và xê dịch. Cái cũ và mới, xưa và nay đan xen đưa Tàn Đà trở thành người nối kết hai thời đại thi ca, trở thành ngôi sao sáng với vẻ đẹp rất riêng trên bầu Trời văn học Việt Nam.

6. Kết bài 6

Bài thơ "Hầu trời" đã mang đến cho văn học Việt Nam một tác phẩm với một câu chuyện không chỉ hóm hỉnh vui tươi mà còn mang đầy tính triết lý về cái tôi của người nghệ sĩ. Có thể nói, với tác phẩm này, Tản Đà đã thổi một làn gió mới vào văn học Việt lúc bây giờ nên có thể hiểu tại sao ông được coi là "dấu gạch nối giữa hai nền văn học". Và cũng ở tác phẩm này, với lối thơ của mình, ông đã thể hiện cái tôi vô cùng sâu sắc với cái ngông hiếm thấy trong nền thi ca Việt.Có thể nói, với văn học Việt, Tản Đà quả là một cái tên sáng, một thi nhân chân chính và tài năng nhất.

7. Kết bài 7

Nhà thơ Xuân Diệu từng nói rằng: “Tản Đà là thi sĩ đầu tiên, mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một cái tôi”. Lời nhận định đó chỉ khác ở chỗ là thay vào đó bằng một chữ ngông. Bản lĩnh của thi nhân, cái tôi độc đáo, mới mẻ là những gì Tản Đà góp mặt vào thơ ca thời kì đó. Nhưng chắc chắn với Hầu Trời ông đã làm cho bản ngã của mình được khẳng định một cách tài hoa như thế.

8. Kết bài 8

Như vậy cái tôi ngông của Tản Đà đã làm nên một dấu ấn cá nhân riêng biệt trong nền văn học dân tộc khiến cho ai đọc thơ ông không thể quên được cái ngông ngạo nghễ với đời thật xác đáng với lời nhận xét của Lê Thanh: “Ông Tản Đà là người thứ nhất và là người độc nhất của thế hệ ông đã làm sống lại cái hồn thơ Việt Nam đang hấp hối, tôi không muốn nói đến đã chết rồi. Ông ra đời đem cho chúng ta một thi sĩ thành thực dám ca hát cái đời sống của lòng; ông đã mơ mộng, đã chán đời, yêu đời, thiết tha với đời một cách tự do, ông đã dám ngông, dám có một bản ngã, dám công nhiên để cho cái chữ tình mê man của mình rãi trong văn thơ”.

9. Kết bài 9

Thể thơ thất ngôn trường thiên, đã cho phép tác giả thể hiện một cách thoải mái cảm xúc của bản thân. Bài thơ Hầu trời đã thể hiện một cách đầy đủ cái tôi đầy ngông ngạo của Tản Đà trước cuộc đời. Ông ý thức sâu sắc về tài năng của bản thân, ông thời cũng ý thức hiện thực xã hội thối nát lúc bấy giờ. Qua đó cũng cho người đọc thấy một cái tôi ngông nhưng cũng đầy cô đơn, bế tắc trước thời cuộc.

10. Kết bài 10

Sáng tạo độc đáo về mặt nghệ thuật của Tản Đà là đã đưa ngôn ngữ đời thường nôm na, dễ hiểu, dung dị mà vẫn rất gợi cảm vào thơ ca. Ngôn ngữ thơ ở Hầu Trời đã có sự xâm nhập của giọng điệu văn xuôi và ngôn ngữ bình dân. Không quá câu nệ vào vần luật nên mạch cảm xúc được phát triển rất tự nhiên và cái Tôi cá nhân đã thoả sức bộc lộ và thể hiện mình. Điểm độc đáo và thành công của bài thơ còn thể hiện ở chỗ tạo ra cái cớ là tình huống hầu Trời để tự khẳng định tài năng và quan niệm của mình. Đó là một kiểu ngông rất nghệ sĩ, vui vẻ và đáng yêu. Bài thơ cũng đã phác hoạ một chân dung thi sĩ Tản Đà với phong cách ngông độc đáo, đó là cái ngông của một nhà nho tài tử ở thời kì mà ý thức cá nhân bắt đầu được trân trọng và khẳng định.

Ngày:22/01/2021 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM