Thực hành về lựa chọn trật tự các bộ phận trong câu Ngữ văn 11

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của trật tự các bộ phận câu trong việc thể hiện ý nghĩa và liên kết ý trong văn bản. Từ đó, các em có ý thức cân nhắc, lựa chọn trật tự tối ưu cho các bộ phận câu; có kĩ năng sắp xếp trật tự trong câu khi nói và viết. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Thực hành về lựa chọn trật tự các bộ phận trong câu Ngữ văn 11

1. Trật tự trong câu đơn

- Trong mỗi tình huống giao tiếp, mỗi ngữ cảnh, câu có một mục đích, một nhiệm vụ khác nhau. Người nói (viết ) thực hiện những hành động nói khác nhau. Vì thế cần xác định trọng tâm thông báo của câu ở mỗi tình huống và trật tự sắp xếp các bộ phận trong câu để phục vụ tốt cho mục đích giao tiếp.

- Ví dụ: Trên xe người đàn bà ngồi chỗm chệ.

=> Tác dụng: Nhấn mạnh vào đặc điểm hành động ngồi của chủ thể: người đàn bà.

2. Trật tự trong câu ghép

- Vế chính đặt trước để dễ dàng liên kết với những câu đi trước. Vế phụ đặt sau để dễ dàng liên kết với những câu lập luận phía sau.

- Ví dụ: Thưa cụ, việc đó là việc riêng của chị cháu. Tùy ý chị cháu cư xử. Cháu không có quyền lạm bàn tới, tuy đối với chị cháu cũng như đối với quan huyện, cháu vẫn là người chịu ơn.

=> Trong câu ghép, vế chỉ nhượng bộ (tuy đối với chị cháu cũng như đối với quan huyện) được đặt sau để nhấn mạnh ý cũng như bổ sung một thông tin cần thiết.

3. Luyện tập

Câu 1: Em hãy lựa chọn cách viết tối ưu trong hai câu sau và giải thích sự lựa chọn ấy.

(1) Anh ấy không đẹp trai nhưng rất chung thủy và yêu thương tôi. Vì vậy, tôi đã chọn lấy anh ấy.

(2) Anh ấy rất chung thủy và yêu thương tôi nhưng anh ấy không đẹp trai. Vì vậy, tôi đã chọn lấy anh ấy.

Gợi ý trả lời:

- Chọn cách viết (1) là hợp lí hơn. Trong cách viết (1), cụm từ rất chung thủy và yêu thương tôi là trọng tâm thông báo, là luận cứ quan trọng nhất để dẫn tới kết luận tôi đã chọn lấy anh ấy.

- Viết như câu (2) không phù hợp với lập luận, không làm nổi bật trọng tâm mà người nói muốn nhấn mạnh (rất chung thủy và yêu thương tôi). Trong trường hợp thứ nhất, hai câu diễn đạt một lập luận, câu đầu nêu luận cứ, câu sau là kết luận. 

Câu 2: Em hãy lựa chọn câu văn phù hợp để điền vào vị trí bỏ trống ở đầu đoạn văn sau đây:

[...] nhiều người lao động lương thiện bị xã hội xô đẩy vào con đường cùng, đã phản kháng lại, lưu manh liều mạng để tồn tại. Năm Thọ “đầu bò đầu bướu” vừa đi mất tăm lại có Binh Chức lần về, Binh Chức chết lại nở ra Chí Phèo. Biết đâu thị Nở lại không đẻ nơi lò gạch cũ một Chí Phèo con trong cái váy đụp nữa? Bọn hào lí, một mặt bóp nặn dân lành đến tận xương tủy, mặt khác “lại phải ngậm miệng cung cấp cho những thằng cùng hơn là dân cùng nên liều lĩnh, lúc nào cũng có thể cầm dao đâm người hay đâm mình”. Chừng nào còn bọn cường hào sâu mọt, độc ác, áp bức bóc lột tàn tệ dân lành, thì chừng đó còn người lao động lương thiện bị xô đẩy vào con đường lưu manh tội lỗi, phải kiếm ăn bằng đâm thuê chém mướn, bằng cướp giật. Cái xã hội ấy đã cướp đi của họ cả bộ mặt lẫn linh hồn người, hủy diệt nhân tính và đã cự tuyệt quyền làm người của họ. Nhân vật Chí Phèo đã cho thấy cái quy luật tàn bạo ghê sợ đó trong xã hội cũ.

(1) Qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã phản ánh một hiện thực khá phổ biến có tính quy luật ở nông thôn nước ta dưới thời Pháp thuộc.

(2) Nam Cao đã phản ánh một hiện thực khá phổ biến có tính quy luật ở nông thôn nước ta qua nhân vật Chí Phèo dưới thời Pháp thuộc.

(3) Nam Cao đã phản ánh một hiện thực khá phổ biến có tính quy luật ở nông thôn nước ta dưới thời Pháp thuộc qua nhân vật Chí Phèo.

Gợi ý trả lời:

- Để lựa chọn câu văn có trật tự tối ưu và ứng với vị trí đầu đoạn cả về ngữ pháp và ý nghĩa, cần xem xét quan hệ của nó với các câu còn lại trong đoạn.

- Cụm từ "Qua nhân vật Chí Phèo" là thông tin quan trọng nhất và có tác dụng liên kết ý với các câu sau, nên cần đặt đầu đoạn văn.

- Câu văn thích hợp để điền vào là câu (1) bởi vì nhấn mạnh chủ đề được nói đến trong đoạn văn chính là qua việc xây dựng nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã gửi gắm tư tưởng, nội dung ý nghĩa.

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được vai trò của trật tự các bộ phận trong câu trong việc thể hiện ý nghĩa và liên kết ý trong văn bản.

- Tích hợp với các văn bản và tập làm văn đã học.

- Nhận diện và phân tích vai trò của trật tự của trật tự các bộ phận trong câu.

- Nhận biết sự mơ hồ hay vô nghĩa của các câu do bộ phận trong câu không được xếp đặt ở vị trí thích hợp.

- Rèn kỹ năng viết câu, sửa lỗi câu.

- Có ý thức cân nhắc, lựa chọn trật tự câu, sắp xếp từ ngữ khi nói và viết.

Ngày:05/10/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM