Tập đọc: Chú đi tuần Tiếng Việt 5
Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được kiến thức cơ bản của bài Tập đọc "Chú đi tuần". eLib mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.
Mục lục nội dung
1. Kiến thức cần nhớ
1.1. Văn bản "Chú đi tuần"
Chú đi tuần
Thân yêu tặng các cháu học sinh miền Nam
Gió hun hút lạnh lùng
Trong đêm khuya phố vắng
Súng tròng tay im lặng,
Chú đi tuần đêm nay
Hải Phòng yên giấc ngủ say
Cây rung theo gió, lá bay xuống đường...
Chú đi qua cổng trường
Các cháu miền Nam yêu mến.
Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến
Các cháu ơi! Giấc ngủ có ngon không?
Cửa đóng che gió kín, ấm áp dưới mền bông
Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé!
Trong đêm khuya vắng vẻ,
Chú đi tuần đêm nay
Nép mình dưới bóng hàng cây
Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi!
Rét thì mặc rét cháu ơi!
Chú đi giữ mãi ấm nơi cháu nằm.
Mai các cháu học hành tiến bộ
Đời đẹp tươi khăn đỏ tung bay
Cháu ơi! Ngủ nhé, cho say...
TRẦN NGỌC
1.2. Nội dung chính của văn bản
- Nhìn chung bài học thể hiện nội dung chính là ở các chiến sĩ công an luôn hiện lên tình yêu thương vô bờ bến cho các cháu học sinh thân yêu, thậm chí các chiến sĩ công an luôn sẵn sàng chịu mọi gian khổ, khó khăn để bảo vệ cuộc sống bình yên và tương lai tươi đẹp của các cháu.
- Ngôn ngữ thơ đa dạng tạo nên sắc thái riêng cho bài thơ.
1.3. Giải thích các cụm từ khó
- Học sinh miền Nam: học sinh là con em cán bộ, nhân dân miền Nam ra miền Bắc, học ở các trường nội trú trong thời kì nước ta bị chia cắt (1954 - 1975).
- Đi tuần: đi để quan sát, xem xét tình hình trong một khu vực, nhằm giữ gìn trật tự, đề phòng bất trắc.
2. Câu hỏi và hướng dẫn giải
2.1. Giải câu 1 trang 52 SGK Tiếng Việt lớp 5
Câu hỏi:
Người chiến sĩ đi tuần trong hoàn cảnh như thế nào?
Hướng dẫn giải:
Người chiến sĩ đi tuần giữa đêm khuya, gió rét, mọi người đều đã yên giấc ngủ say.
2.2. Giải câu 2 trang 52 SGK Tiếng Việt lớp 5
Câu hỏi:
Đặt hình ảnh người chiến sĩ đi tuần bên hình ảnh giấc ngủ yên bình của học sinh, tác giả bài thơ muốn nói lên điều gì?
Hướng dẫn giải:
Tác giả đặt hình ảnh người chiến sĩ bên hình ảnh giấc ngủ bình yên của học sinh nói lên rằng sự hi sinh anh dũng của các anh chiến sĩ để bảo vệ giấc ngủ của trẻ thơ, tương lai của đất nước, và của cả dân tộc Việt Nam.
2.3. Giải câu 3 trang 52 SGK Tiếng Việt lớp 5
Câu hỏi:
Tình cảm và mong ước của người chiến sĩ đối với các cháu học sinh được thể hiện qua những từ ngữ và chi tiết nào?
Hướng dẫn giải:
Những chi tiết thông qua từ ngữ thể hiện tình cảm và mong ước của người chiến sĩ đối với học sinh:
- Về phương diện tình cảm thể hiện ở những mặt sau:
+ Thứ nhất về mặt từ ngữ chúng ta bắt gặp từ xưng hô thân mật (chú, cháu, các cháu ơi) các từ "yêu mến", "lưu luyến"
+ Thứ hai là các chi tiết thể hiện sự thân mật như hỏi thăm "giấc ngủ có ngon không", dặn "cứ yên tâm ngủ nhé", tự nhủ tuần tra "để giữ mái ấm nơi cháu nằm".
- Về sự mong ước chúng ta thấy thể hiện trong chi tiết cụ thể sau “Mai các cháu học hành tiến bộ. Đời đẹp tươi khăn đỏ tung bay” ..
3. Tổng kết
Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:
- Nắm được nội dung chính bài Tập đọc "Chú đi tuần".
- Vận dụng trả lời câu hỏi SGK một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
Tham khảo thêm
- doc Tập đọc: Phân xử tài tình Tiếng Việt 5
- doc Chính tả Nhớ - viết: Cao Bằng Tiếng Việt 5
- doc Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Trật tự - An ninh Tiếng Việt lớp 5
- doc Kể chuyện: Đã nghe, đã đọc Tiếng Việt 5
- doc Tập làm văn: Lập chương trình hoạt động Tiếng Việt 5
- doc Luyện từ và câu: Nối các vế câu ghép bằng quan hệ từ Tiếng Việt 5