Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 - Văn tự sự Ngữ văn 9 đầy đủ

Bài soạn Viết bài tập làm văn số 2 - Văn tự sự giúp các em rèn luyện kĩ năng viết văn tự sự. eLib đã biên soạn một số đề văn để các em tham khảo. Chúc các em đạt được kết quả cao trong bài kiểm tra sắp tới.

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 - Văn tự sự Ngữ văn 9 đầy đủ

1. Đề 1: Tưởng tượng 20 năm sau, vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ. Hãy viết thư cho một bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó

Bảo Định, 10 tháng 10 năm 2026.
Loan thân mến,
Bồ có ngạc nhiên không khi lá thư này được gởi đến bồ từ làng Bảo định, quê hương tụi mình? Cũng đơn giản thôi bởi như bồ biết, mình về Việt nam đã được 10 ngày. Ở Đà nẵng, quê nội của Cu Tí một tuần thì mình và " ông xã" quyết định " hành phương nam", nghĩa là đưa cháu về thăm quê ngoại. Bồ biết đấy, mình phải thắp hương cho ba mẹ mình vì khi ông bà mất, mình không có mặt. Hơn nữa, mình muốn Cu Tí hiểu được trọn vẹn hai tiếng " quê hương".
" Về phương nam thiết tha câu hò..." Không hiểu sao câu hát ngày nào còn bé cứ hiện lên dai dẳng trong tâm trí mình. Ra đi thấm thoắt đã gần 20 năm. Học hành, làm ăn, lấy chồng, sinh con...cuộc sống cứ như là cơn lốc cuốn mình trôi đi chẳng lúc nào dừng.Bởi vậy, về nước, bước xuống sân bay, mình có cảm tưởng như vừa sống lại. Mình chỉ còn là cô bé 17 tuổi ngày nào bước chân đi du học với bao hăm hở. Giờ đây đến lúc trở về, tuổi gần 40 mà sự hăm hở, háo hức vẫn còn nguyên vẹn. Cu Tý, con mình thì ngẩn ngẩn, ngơ ngơ. Cháu luôn miệng hỏi: " Tới rồi hả mẹ", " Mình đi đâu mẹ"? Mình trả lời con mà thực ra là nói với bản thân mình: Về quê! Về quê con ạ!". Hai tiếng ấy giờ đây mình mới cảm nhận hết được ý nghĩa thiêng liêng!
Rồi mình cũng đặt chân về tới quê mình, làng Bảo Định bên bờ sông Tiền yêu dấu. Mình lại được trở về với mái nhà xưa, nơi ba mẹ mình yên nghỉ. Đứng trước mộ song thân, đốt nén hương tạ tội mình thấy lòng vô cùng xúc động. Giá như ngày này mình còn gặp được ông bà...
Nhưng chưa hết Loan ơi, một điều xúc động bất ngờ ngoài dự kiến đã xảy đến với mình trong chuyến về thăm quê ấy. Đó là tình cờ mình qua lại ngôi trường tiểu học ngày xưa của bọn mình, nơi đã từng " khai tâm mở trí " cho lũ con nít làng mình hồi đó. Loan biết không? Trường vẫn nép mìng bên dòng sông Bảo Định như xưa. Có điều dòng sông hiền hòa ngày ấy của mình bé xíu giờ được khơi dòng đẹp đến ngất ngây. Sông không rộng lắm, không dạt dào cuồn cuộn sóng xô, cũng không trong xanh soi bóng da trời. Nhưng sông vẫn thơ, vẫn mộng, vẫn hiền hòa như một người tình chung thủy. Trước sao, sau vậy, đôi bờ sông, giờ đã đựoc kè đá phẳng phiu, sạch sẽ vẫn là những hàng dừa ngăn ngát một màu xanh, vẫn là nhũng vườn cây trái sum xuê, những canh đồng lúa xanh mơn mởn. Và dòng sông nữa, vẫn đục ngầu đặc quánh phù sa như ngày nào mình thường tắm mát, chơi đùa... Không có con sông ấy định vị và cái bảng tên trường không đổi thì có lẽ mình đã không nhận ra trường cũ được rồi. Bồ biết tại sao không? Bởi nó không còn như trong kí ức của bọn mình nữa, nghĩa là không phải là một dãy nhà lợp ngói, vách cây , xây trên nền xi măng cao nhằm tranh lũ. Giờ đây trường được mở rộng, xây tầng, sơn vôi, ốp đá...hiện đại chẳng kém gì trường của Cu Tí nhà mình bên ấy nữa đâu . Nhìn cảnh ấy mình vừa vui, vừa buồn lẫn lộn. Vui vì quê mình tiến bộ, thoát cảnh nghèo nàn. Vui vì thế hệ đàn em giờ được học hành trong trường lớp khang trang, đẹp đẽ. Nhưng buồn vì tâm trạng " người cũ" nhưng " cảnh đã khác xưa rồi". Hai cây phượng mà hồi đó lớp mình trồng bên cổng , giờ chỉ còn có một cây. Cây kia không biết sao rồi. Chỉ có điều sân trường mở rộng nên nó thụt vào sừng sững giữa sân. Nó to lắm bồ ơi. Gốc nó phải đến hai vòng tay ôm mới xuể. Nhớ hồi tụi mình trồng nó thay cho cây gòn trốc gốc, nó mới chỉ là một nhánh cây non. Vậy mà giờ đây đa là " cổ thụ".Tán nó đẹp mê hồn Loan ạ. Cứ như những cánh tay dài, vươn mình ra trước, vẫy vẫy, chào chào. Mùa này nó nở hoa đỏ rực, cứ như một ngọn đuốc cháy giữa trời, như thi gan cùng nắng lửa. Sân trường bây giờ càng rộng mênh mông, lại được trải nhựa, tinh tươm đẹp đẽ. Trên sân còn hằn rõ vạch sơn để tập bóng rổ, thi chạy...Nhìn khoảnh sân ấy mình lại nhớ cái sân đất ngày nào, bọn mình vẫn thường nhảy dây, đánh đũa, lò cò...Ngày ấy mùa nắng thì bụi mù, mùa mưa thì tha hồ mà lội. Thậm chí khi lũ tràn về, trường đóng cửa nghỉ học, tụi mình còn có thể vào trường bắt cua, hái bông điên điển nữa. Nhớ không? Nói như thế nhưng mình vẫn thấy sân trường ngày ấy của mình đẹp. Đẹp vì rất, rất nhiều cây xanh.. Nào là trứng cá, nào là cây bàng, rồi chuối, rồi tre ...Ngày ấy ở sân sau còn có hai cây sầu đông mà mình vẫn gọi là hoa anh đào nữa. Mỗi khi trời trở lạnh, cây trổ bông đầy cành là mình biết sắp được nghỉ Tết. Lúc ấy lòng mình náo nức làm sao! Giờ trường vẫn có cây xanh, nhưng bao bọc khuôn viên không còn là hàng rào dâm bụt và me keo rủ bóng. Thay vào đó là hàng rào sắt và những bồn hoa uốn lượn cặp vòng. Cũng đẹp lắm vì hoa lá được tỉa cành, chăm bón công phu. Tuy vậy mình vẫn thích cái dân dã, đơn sơ của ngôi trường mình hồi ấy.Nó gần gũi, ấm áp làm sao đó!
Trường bây giờ cũng có sân sau. Khoảng sân này cặp sát mé sông. Có một khu vườn cỏ xanh mát mắt. Một sân chơi với cầu tuột, xích đu... Thậm chí có một hồ bơi xinh xắn cùng một vườn chim rộn rã, tưng bừng. Nhìn cảnh đó mình chợt nghĩ trẻ con sướng thật. Sướng hơn tụi mình.
Trường vắng lắm bồ ơi. Mùa hè mà. Hơn nữa là buổi trưa nhân viên về nghỉ hết. Học trò cũng không thấy bóng. Các lớp học dường như đang nằm say ngủ. Thỉnh thoảng , đâu đó vọng về tiếng chim ríu rít chuyền cành. Và nắng. Nắng ngập sân trường, rọi vào hành lang sâu hun hút. Nhìn bóng nắng in thành vệt dài trên tường, mình lại nhớ đến cái bóng nắng trứng gà rọi từ mái ngói lớp mình ngày cũ. Ngày ấy chuyện nắng rọi loang lổ và mưa dột tứ tung là chuyện bình thường, ngày nào cũng gặp. Trong cái lớp học như vậy tụi mình vẫn cứ là học đọc, học viết ê a. Mà bồ nhớ không, hồi đó lớp năm, mình học với thầy gì nhỉ? Lâu quá mình quên mất tên rồi. Chỉ nhớ thầy đã đứng tuổi, tóc hoa râm, kính trễ xuống mũi, dáng cao cao, gầy gầy...Thầy hay gọi mình lên bảng. Thầy dạy bọn mình tính nhẩm, tính đố thiệt hay. Thầy cho mình thi đua. Trò nào giải đúng, giải nhanh, thầy cho con mười thật đỏ, thật to vào tập. Con 10 ấy không chỉ làm mắt bọn mình tròn xoe, rạng rỡ mà còn khiến cả mắt thầy cũng mãn nguyện, long lanh. Bây giờ thì chắc thầy đã chẳng còn. Nhưng những chuyện kể cuối tuần của thầy mình vẫn còn nhớ mãi. Ngày ấy thầy hay kể cho tụi mình nghe những chuyện nói về" Tâm hồn cao thượng". Mình nhớ nhất là câu chuyện của " chú phó nề" với lời nhắn nhủ kèm theo của thầy:" Bàn tay con có thể lấm lem bùn đất, tấm áo con có thể loang lổ dầu sơn vì con phải kiếm ăn nhọc nhằn vất vả. Nhưng chớ để lòng mình hoen ố, lấm lem. Chớ để tâm hồn nhuốc nhơ, bẩn thỉu!" Những lời thầy dạy mìnhh ghi khắc trong lòng, để rồi bôn ba xứ người, mình phải đổ mồ hôi đổi lấy chén cơm nhưng không bao giờ đánh đổi lương tâm lấy vinh hoa, phú quý. Mình luôn tự nhủ với lòng không thể bán rẻ linh hồn để làm điều sằng bậy! Ôi thầy yêu quý của con. Ước gì thầy có thể hiểu được thầy có ý nghĩa to lớn như thế nào trong sự trưởng thành của con hôm nay. Ước gì con cứ mãi là bé bỏng bên thầy. Ước gì con đựơc gặp thầy lần nữa...
Thôi Loan nhé, thông cảm cho sự " lắm lời" của mình bởi cảm xúc cứ dâng trào ngập ứ. Mình cần tâm sự, sẻ chia. Và Loan, bạn thân, bạn cũ, đồng cảnh, đồng hương...với mình sẽ hiểu được mình hơn ai hết. Một ngày nào đó, bạn hãy trở về, hãy đem con theo và nói với nó rằng: " Đây là ngôi trường của mẹ, là nơi mà mẹ được tắm mát trong tình yêu thương, nơi tuổi thơ mẹ xanh tươi như màu lá, nơi các thầy cô dạy mẹ làm người. Chính tai nơi này, mẹ đã" lớn lên"..

2. Đề 2: Kể lại một giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày

Tôi choàng tỉnh dậy sau giấc mơ. Giấc mơ khiến tôi nghĩ về cái cảnh tượng kinh hoàng ngày hôm ấy khi mà bố tôi thu dọn đồ đạc dời khỏi nhà. Tôi không biết có chuyện gì xảy ra, tôi hỏi mẹ, mẹ không nói chỉ khóc. Mãi về sau nghe bà kể tôi mới biết bố và mẹ cãi nhau, bố đã chuyển hẳn vào Sài Gòn sinh sống. Trong tâm trí tôi bố vẫn luôn là người đẹp trai nhất, hiền nhất, chiều con gái nhất. Vậy mà tôi lại mơ...

Bố hiện lên trước mắt tôi, trông vẫn khỏe khoăn, cao lớn như ngày nào. Ánh mắt trìu mến, nụ cười âu yếm, khuôn mặt hiền từ của bố khiến tôi vẫn chắc chắn rằng: tôi là đứa con gái mà bố tôi yêu quý nhất, dù bố ở xa nhưng vẫn luôn nhớ về con gái bố.

Tôi đã đinh ninh như vậy đấy thế nhưng khi bố tôi dắt tôi về căn nhà nhỏ ở giữa lòng Sài Gòn, mọi niềm vui, mọi niềm hi vọng... tất cả dường như đã tan biến.
Tôi bước vào căn nhà hai tầng sơn màu vàng nằm trong ngõ nhỏ trên con đường NKKN, trong nhà chỉ có một người phụ nữ trung niên tẩm khoảng 50 tuổi với một đứa bé khoảng hai tuổi. Chưa để tôi kịp nói câu nào, bố chỉ người phụ nữ kia và giới thiệu luôn: "Kia là bác Ánh, con ở đây có gì không quen hay muốn mua cái gì thì nói với bác". Rồi bố quay sang nói với bác Ánh: "Đây là cháu nhà e đấy, bác giúp cháu nó cất đồ lên phòng nhé". Còn về đứa trẻ kia, bố không hề nói với tôi một câu nào về nó. Sau đó bố quay ra cửa, nổ xe máy rồi dặn tôi với bác Ánh rằng bố phải đi làm tới chiều mới về, rồi bố phóng xe đi. Cứ như thế suốt từ sáng đến chiều tôi ở trong căn nhà ấy, lạ lắm, buồn tẻ, bác Ánh hỏi gì tôi đáp đấy, rồi lại rúc lên căn phòng mà bố bảo là phòng của tôi ngồi một mình. Tự nhiên tôi bật khóc... tôi nhớ mẹ... rồi tôi lại nghĩ về bố: bố vẫn vậy, đối với tôi bố vẫn ân cần như thế nhưng sao tự nhiên tôi lại có cảm giác rằng giữa hai bố con tôi đang có một khoảng cách... rồi tôi lại suy nghĩ lung tung. Trong đầu tôi lúc ấy có bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu thắc mắc: "đứa nhỏ kia là ai nhỉ? Nó là gì của bố tôi? Sao nó lại ở trong nhà của bố?...???".
Có tiếng xe máy trước cửa nhà, bố đi làm về nhưng không phải một mình, về cùng bố là một người phụ nữ trẻ đẹp có lẽ kém mẹ khoảng 4-5 tuổi gì đó. Bố tôi hơi cúi mặt xuống, dáng vẻ như một cậu học sinh vô cùng ngoan ngoãn nhưng lần đầu tiên quên làm bài tập ở nhà. Bố tôi nói với tôi một cách ngượng ngùng: "Đây là ... vợ bố, cô tên là T, con cứ gọi là cô cũng được rồi...". Bố tôi chỉ nói đến đây tôi sững sờ, đầu óc tôi như muốn vỡ ra, tôi chực khóc nhưng không hiểu sao lúc ấy lại có một ý nghĩ xuất hiện trong tôi: "Không được khóc! Mày còn có mẹ luôn yêu thương mày cơ mà. Bố mày đã có vợ khác rồi thì còn khóc lóc gì! Điều này đâu đáng để mày phải khóc", đấy tôi đã nghĩ như thế đấy và lúc đó tôi cũng biết đứa trẻ kia là con trai của bố tôi, nó là em trai tôi.
Cho đến tận buổi tối khi ăn cơm xong, bố cho đứa bé kia uống sữa, chơi với nó, dỗ dành nó, lấy truyện tranh ra đọc cho nó nghe. Lúc ấy trông bố tôi hiền lắm, ánh mắt bố ngập tràn niềm hạnh phúc. Trong ánh mắt ấy tôi nhận ra được niềm yêu thương của bố với đứa con trai bé bỏng, nhận ra được niềm vui sự đầm ấm của một gia đình hạnh phúc. Trong ánh mắt ấy, tôi cũng nhận thấy một tình yêu mãnh liệt mà bố đã dành cho người vợ kia và cậu con trai bé nhỏ. Ở bên cái gia đình ấy bố dường như đã quên đi những mệt nhọc, căng thẳng của công việc và tôi thấy bố cởi mở hơn, tự nhiên hơn, bố tôi như biến thành con người khác, lúc đó bố tôi mới thực sự là "bố" ! Tất cả những điều đó tôi chưa bao giờ thấy được khi mà bố đang sống cùng mẹ và tôi. Vì thế tôi biết rằng cô T mới thực sự là tình yêu của bố và đây mới là tổ ấm mang lại cho bố niềm vui, niềm hạnh phúc.
Chính những cơn gió nhẹ và những tia nắng mặt trời đã cắt đứt giấc mơ của tôi. Hình ảnh bố biến mất, nhớ đến giấc mơ vừa trải qua tôi khóc nấc lên từng tiếng. Tôi càng nhớ bố hơn, bất chợt tôi ngước lên trên đầu giường đọc được những dòng viết trong một lá thư bố đã gửi ra cho hai mẹ con tôi khoảng nửa năm sau khi bố vào Sài Gòn, đã được tôi lồng vào khung và treo lên trang trọng trên tường:

"Anh một mình nói trước đám đông
Rồi một mình lặng lẽ trở về căn phòng vắng
Nắng chiều đứng nhìn anh sao buồn thế
Cún nhỏ bơ vơ chơi trước sân nhà
...
Anh một mình lặng lẽ nhớ em
Và nhớ con, nơi phương xa đầy nắng..."

Đọc đến đây lòng tôi nghẹn lại. Những dòng này chứng tỏ rằng bố còn thương và nhớ tôi với mẹ tôi lắm.
Những gì đã xảy ra... đó chỉ là.. giấc mơ thôi!

3. Đề 3: Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã học, đã nghe kể hoặc đã xem trên màn ảnh

"Dấu tích con đường nay đã bị cây cối, nhà cửa che lấp", ông Cẩm nói
Có những sự kiện viết lên trang sử mới. Sự kiện Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam như một địa danh huyền thoại, là tượng đài về ý chí sắt đá và sự hy sinh cao cả của 10 cô gái trẻ cũng như lực lượng thanh niên xung phong trong cả nước. Lễ kỷ niệm 40 năm Huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc đã được tổ chức từ 16-24/7/2008 bằng một chương trình hoành tráng, tôn nghiêm. Lễ kỷ niệm cũng là ngày hội dành cho lực lượng thanh niên xung phong 40 năm về trước cùng hội ngộ nhớ về một thời máu lửa của dân tộc. Hôm nay đây, viết tiếp “khúc hát khải hoàn” đó có những con người đang là nhân chứng sống của lịch sử lại kể tiếp cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm của cha ông ta cho con cháu mình nghe...
“Nếu trong đêm ấy không thoát khỏi làng này, thì hôm sau, 130 chiếc xe chở xăng dầu ấy sẽ biến thành biển lửa. Mệnh lệnh cấp trên: mở một đường tránh, bắc cầu qua sông Dà cho xe ra chiến trường”, kể về làng chiến đấu K130 (làng Hạ Lôi) đến đây ông chững lại, bao nhiêu ký ức về làng mình ập đến...
Ông là Trần Đình Cẩm, 75 tuổi. Năm 1968, ông là Chủ tịch xã Tiến Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) - người trực tiếp chỉ huy chiến dịch làm đường giải thoát 130 chiếc xe.
Tuổi tác, thời gian tưởng như ông không còn nhớ tường tận nữa. Nhưng hễ có đoàn học sinh, sinh viên hay cánh nhà báo muốn tìm hiểu làng thời chiến K130, thì làng thời chiến ấy lại được sống lại qua những thước phim hồi tưởng của ông.
Năm ông lên làm Chủ tịch xã Tiến Lộc, cũng là năm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt Ngã Ba Đồng Lộc. Để lên huyện công tác được, ông phải đi bộ từ bốn giờ sáng, mới tránh được máy bay địch.
Những tháng mùa thu năm 1968, từ Thạch Hà ra Hồng Lĩnh, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt ngày đêm. Quốc lộ 1A bị tắc nghẽn, hệ thống cầu cống bị máy bay địch phá hủy hoàn toàn. 130 chiếc xe chở xăng dầu vào Nam bị tắc lại ở phía Nam huyện Can Lộc, do cầu Dà bị cắt đứt. Đoàn xe phải tấp vào làng Hạ Lôi, xã Tiến Lộc. Trước hoàn cảnh đó, Bộ Chính trị, Bộ Giao thông Vận tải cùng với Ban đường bộ giao thông của tỉnh Hà Tĩnh đưa ra quyết định bất ngờ: Chia làng Hạ Lôi ra làm đôi. “Sáng ngày 13/8/1968, sau khi tiếp thu mệnh lệnh từ cấp trên, tôi cùng với mấy người trong ban lãnh đạo xã tiến hành họp dân, với khẩu hiệu: xe chưa qua là nhà không tiếc. Sau đó các công tác như bố trí người già, trẻ em đến chỗ an toàn, tất cả các lực lượng được tập trung khẩn trương để chuẩn bị phá nhà, mở đường cho cho xe qua”, ông Cẩm nhớ lại.
Ông Cẩm kể về cuộc họp giữa ủy ban xã Tiến Lộc với người dân làng Hạ Lôi và một số người dân đã hiến nhà cửa, nương vườn cho việc mở đường. Nhưng khi nhắc đến bà Đinh Thị Trí, ông lại rơm rớm nước mắt: “Chồng con mất sớm, sống một mình, trong nhà còn bốn tấm gỗ để đóng quan tài, bà cũng đưa ra hiến tặng. Thấy hoàn cảnh bà như vậy, tôi đã khuyên bà nên để lại lo ma chay sau này. Bà ấy nhất quyết không chịu và nói: giờ chiến tranh đang đòi hỏi, tui có bốn tấm ván gác trên trần, các anh vào khiêng ra làm đường cho xe qua. Nếu các anh không lấy, tui nằm xuống lót đường cho xe chạy”.
Kể đến đây khuôn mặt ông chợt bừng sáng: “Bà Trí đến cả bốn tấm ván để dành lo hậu sự còn không tiếc nữa. Thôi chúng ta nhanh về nhà. Nói rồi dân làng Hạ Lôi giải tán, bắt tay ngay vào việc. Nhà dỡ đến đâu thì các lực lượng công binh, thanh niên xung phong làm đường đến đó. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, 130 ngôi nhà đã được tháo dỡ, đường xe đã mở xong”.
Ngồi nghe ông kể chuyện, mà như đang xem những thước phim tài liệu: Đến 3 giờ sáng, con đường xuyên qua làng đã hoàn tất. Chiếc xe đầu tiên đã lăn bánh đến phà và qua cầu an toàn. Để bảo vệ bí mật và che mắt địch, bộ phận dân quân và nhân dân Hạ Lôi bắt khum những ngọn tre lại với nhau, làm ngụy trang. Con đường chạy trong làng được giữ bí mật cho đến ngày ngừng bắn.
“Còn ai thay tui”...
Buổi sáng gặp nhau, chúng tôi được ông dẫn ra xem dấu tích của con đường huyền thoại. Cây cối, nhà cửa đã mọc lên. Ký ức còn, nhưng dấu tích đã mai một.
Ông đứng thẫn thờ nhìn một lúc, rồi quay sang nói với chúng tôi: “Trong một đêm, người dân dời, dọn 130 nóc nhà, làm đường cho 130 xe chở hàng ra tiền tuyến, Ban đảm bảo giao thông tỉnh đặt tên làng Hạ Lôi là làng K130. Thế mà, nay tên làng từ thời chiến đang còn, con đường thời chiến lại không”. Hiểu được ý ông, chúng tôi đã cùng ông rẽ cây, lần theo con đường mà ông chỉ. Càng đi sâu, chỉ thấy cây cối, nhà cửa mọc trên con đường, không thấy một dấu tích của con đường để lại. Ông cố tìm từng tấm ván lót đường từ thời chiến để lại, nhưng chỉ thấy cỏ tranh mọc um tùm.
Thời gian, ý thức con người đã làm mất đi dấu tích con đường. Nhưng ký ức về con đường trong ông không bao giờ phai. Ông nhớ con đường đã đi qua nhà nào đầu tiên. Và hình ảnh về từng đoàn xe lăn bánh trên con đường bí mật mà không bị máy bay địch phát hiện

4. Đề 4: Đã có lần em cùng bố, mẹ (hoặc anh, chị) đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết. Hãy viết bài văn kể lại buổi đi thăm đáng nhớ đó

“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”.

Từ lâu lắm Nguyễn Du đã viết như thế về phong tục tảo mộ ngày thanh minh,và tôi chờ đợi ngày ấy để được đi thăm mộ bà với biết bao nỗi niềm, cảm xúc.
Trời đất vạn vật choàng tỉnh sau giấc ngủ đông, khoác tấm áo mùa xuân tươi tắn. Những giọt nắng đầu tiên trải trên nẻo đường làng nâu sậm thành từng vùng ấm dịu. Những bông lau bên đường khẽ đưa mình trong gió, gợn sóng mềm mại. Hương mùa xuân thoảng nhẹ đâu đây.... Đường làng đẹp đến lạ lùng! 
Tôi và gia đình bước vào khu yên nghỉ của những người đã khuất. Gió ở đây lạnh, heo hút và hoang vắng. Những nấm mộ trắng nằm lặng yên tưởng chừng như không gian ở đây ngưng lại trong sự vĩnh hằng. Mẹ tôi đã chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết trong chiếc làn nặng trĩu: nào nhang, hoa và cả đồ lễ nữa. Bà tôi nằm ở đây. Mẹ và chị tôi sửa sang phần mộ bà chu đáo, cẩn thận. Đưa mấy nén nhang đã đốt sẵn, mẹ bảo chị tôi đi thắp nhang cho các ngôi mộ xung quanh. Mẹ bày đồ lễ, tôi đứng lặng trước mộ bà, trong hương trầm nghi ngút, những kỷ niệm ngày xưa tràn về …Tất cả chỉ như vừa mới hôm qua thôi. Tôi nhớ những ngày bà bế tôi rong chơi khắp làng. Nhớ hơi ấm đặc biệt của bà, hình bóng bà mỗi sớm tinh sương, thổi bếp rạ, nướng củ khoai thơm phức. Tôi thường theo bà dậy sớm, thích ngồi cuộn lại trong lòng bà như một con mèo nhỏ, với tay đun bếp cùng bà. Hơi lửa làm nóng bừng hai má, tôi vừa thổi vừa ăn miếng khoai nướng ngọt đến mềm môi...Thuở bé thơ, hai chị em tôi thường dành nhau chải tóc cho bà. Tóc bà dài, lốm đốm sợi bạc, thoảng mùi sả thơm…Tôi nhớ khôn nguôi mùi hương ấm nồng làm cay sống mũi ấy. Lúc nhỏ, tôi là đứa trẻ hậu đậu, vụng về nhưng bà chẳng bao giờ mắng tôi. Bà dạy tôi mọi thứ, cẩn trọng, rõ ràng như người ta truyền cho nhau kinh nghiệm đã được chắt chiu cả một đời. Thuở ấy, mỗi lúc đông về, bà thường nhắc tôi mặc áo cho thật ấm, vậy mà giờ đây bà nằm một mình trong lòng đất lạnh, trống trải và cô đơn…Tôi yêu bà, gắn bó bên bà cả một thời thơ bé. Tâm hồn tôi trong trẻo hơn, trái tim hiểu thế nào là nhân ái từ sự dạy dỗ của bà, từ những câu chuỵên cổ tích mà bà đã kể. Bây giờ tôi đã lớn khôn. Đông về biết tự mặc áo ấm, làm việc nhà không còn hậu đậu vụng về, bà tôi lại chẳng còn có dịp nhìn thấy thành quả của mình được nữa.
Tiếng mẹ gọi hoá vàng, tro tiền giấy bay kéo tôi ra khỏi thế giới tuổi thơ tràn ngập hình bóng của bà. Tôi trở về nhà trên con đường cũ nhưng sao thấy không gian như ảm đạm hơn. Dường như tôi đang mong chờ một điều kỳ diệu vẫn thường xảy ra trong các câu chuyện cổ tích để không gian buồn trên con đường về nhạt bớt đi chăng?
Có thể bà đã đi xa mãi nhưng bà vẫn sống trong lòng tôi và tất cả mọi người trong gia đình. Tôi tin bà đang dõi theo từng bước đường đời của đứa cháu yêu và nhất định sẽ để bà được mỉm cười về tôi nơi chín suối.

Ngày:25/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM