Soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều Ngữ văn 9 đầy đủ

Bài soạn Mã Giám Sinh mua Kiều Ngữ văn 9 sẽ giúp các em nắm được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật mà tác giả mang lại. Nàng Kiều bị rơi vào hoàn cảnh đau thương phải bán mình chuộc cha, đau đớn, xót xa, tủi nhục nhưng nàng đành phải câm nín chịu đựng. Để hiểu sâu hơn về tác phẩm này, các em hãy tham khảo bài soạn dưới đây nhé! Chúc các em học tốt!

Soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều Ngữ văn 9 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 99 SGK Ngữ văn 9 đầy đủ

- Ngoại hình: Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.
- Cử chỉ, hành động, nói năng: Ghế trên ngồi tót sỗ sàng; Đắn đo cân sắc cân tài - Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ; Cò kè bớt một thêm hai;…
- Tính cách: Thể hiện bản chất con buôn, bất nhân, xem con người chỉ như một món hàng hóa có thể mua bán, thậm chí cò kè bớt xén; giả dối từ việc giới thiệu lai lịch cho đến việc trình bày mục đích mua Kiều: “Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều- Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”…

- Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều là đoạn mở đầu cho thời gian mười lăm năm lưu lạc của Thuý Kiều. Trước tai hoạ ập xuống gia đình, Kiều phải bán mình cứu cha và em, nàng đã bị rơi vào tay bọn “buôn thịt bán người”.

- Đoạn trích gồm 34 câu thơ miêu tả sống động bức chân dung nhân vật họ Mã và tâm trạng đau đớn ê chề của Thuý Kiều. Những câu thơ nói về ngoại hình, cử chỉ và ngôn ngữ đối thoại đã khắc hoạ rõ nét tính cách nhân vật Mã Giám Sinh.

- Hai câu thơ mở đầu giới thiệu về Mã Giám Sinh là “viễn khách” đến “hỏi vợ” Cách giới thiệu về nhân vật có vẻ trang trọng.

"Gần miền có một mụ nào,

Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh."

- Hai câu thơ tiếp theo nói rõ lí lịch của “người viễn khách”. Nhân vật tự xưng danh là học trò trường Quốc Tử Giám (họ Mã), quê ở “huyện Lâm Thanh”. Song cách xưng tên tuổi, quê quán thì rất cộc lốc.

Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”,

Hỏi quê, rằng: “Huyện Lăm Thanh cũng gần”.

- Hai câu thơ “hỏi - đáp” này có một sự bất thường. Rõ ràng nhân vật đến với tư cách đi hỏi vợ, lẽ ra lời nói phải tế nhị và lịch thiệp với họ nhà gái, nhưng ở đây lời nói lại thiếu lễ độ, không có thưa, có gửi.

- Người xưa thường nói: “Trông mặt mà bắt hình dong”. Dáng vẻ bề ngoài của nhân vật rất chải chuốt. Những từ láy: “nhẵn nhụi”, “bảnh bao” có nhiều sức gợi hơn tả, tô đậm sự chải chuốt cầu kì về hình thức của nhân vật. Ta đều biết, kẻ sĩ thời xưa thường nho nhã trong cả trang phục và lời ăn tiếng nói. Nếu nói Mã Giám Sinh là một kẻ sĩ thì có vẻ không phù hợp cho lắm. Đặc biệt Mã Giám Sinh đã ở độ tuổi ngoài bốn mươi mà vẫn “nhẵn nhụi”, “bảnh bao” đậm vẻ trai lơ thì thật lố bịch. Tám câu thơ đầu giới thiệu về quê quán, tên tuổi nhân vật đều có vẻ bất thường, mập mờ. Ngôn ngữ cộc lốc, ngoại hình quá ư chải chuốt càng làm tăng sự hoài nghi về tư cách của kẻ tự xưng là học sinh trường Quốc Tử Giám.

"Trước thầy sau tớ lao xao,

Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng…"

→ Có một sự lộn xộn, nhốn nháo, không có sự phân biệt trên dưới, cũng chẳng có nền nếp, phép tắc gì của đám “thầy - tớ” lao xao, gây nhiều phản cảm về anh chàng họ Mã. Những từ “tót”, ngồi vào “ghế trên” cho thấy hành động thiếu văn hoá, vô giáo dục, lỗ mãng của nhân vật.

Mã Gám Sinh hoàn toàn không ý thức được rằng bản chất vô học của mình đã bộc lộ rõ, vẫn buông những từ mĩ miều, ra vẻ ta đây hào hoa, phong nhã, biết ăn nói lễ nghi, trang trọng:

Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều,

Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”

→ Mã Giám Sinh tỏ ra hào phóng khi nói đến “sính nghi”, thực chất hắn chỉ là kẻ bần tiện và bủn xỉn “cò kè” lúc “bớt một”, lúc “thêm hai”.

Khi hắn “ưa” rồi mới bắt đầu “tuỳ cơ dặt dìu” trả giá. Tuy hắn cao giọng là “mua ngọc” nhưng lại “cò kè” mặc cả đến “giò lâu” mới “ngã giá”.

"Cò kè bớt một thêm hai,

Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm."

→ Bản chất con buôn ngày càng lộ rõ. Với một từ “ngã giá” chỉ cho ta thấy “quyết tâm” kết thúc vụ mua bán của Mã Giám Sinh với một mức giá cuối cùng mà hắn có thể trả. Mã Giám Sinh hiện nguyên hình là một tay buôn người lọc lõi, ép giá chặt trước hoàn cảnh khó khăn, sa cơ của gia đình Kiều. Hắn thật đúng là một kẻ bất lương, gian xảo.

⇒ Trong Truyện Kiều, ngòi bút miêu tả nhân vật của Nguyễn Du thật độc đáo. Khi nói về nhân vật chính diện: Thuý Vân, Thuý Kiều, Kim Trọng, thi hào Nguyễn Du đã sử dụng những từ ngữ, hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng để làm nổi bật vẻ đẹp và tính cách của nhân vật. Nhưng, khi tác giả vạch trần bản chất xấu xa của những kẻ phản diện thì ông lại sử dụng tài tình ngôn ngữ dân gian, khẩu ngữ. Những từ “nhẵn nhụi”, “bảnh bao”, “tót”, “sỗ sàng”, “cò kè” đã nêu bật được bản chất con buôn của tên họ Mã, thể hiện nghệ thuật dùng ngôn từ tinh tế của đại thi hào Nguyễn Du.

2. Soạn câu 2 trang 99 SGK Ngữ văn 9 đầy đủ

 - Thúy Kiều ở vào hoàn cảnh tội nghiệp, phải bán mình, chấp nhận hi sinh tình duyên với chàng Kim:

"Nỗi mình thêm tức nỗi nhà

Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng."

→ Tâm trạng của Kiều lúc này đang ngổn ngang trăm mối giữa tình nhà và tình riêng. Kiều là một ngưòi con gái hiếu thuận, dù nàng đã quyết định “Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân” nhưng không được phụng dưỡng cha mẹ già, Kiều vẫn thấy mình chưa làm tròn đạo con. Với chàng Kim, Kiều luôn tự nhận lỗi đã không giữ vẹn chữ tình. Câu thơ “Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng” nói lên vẻ đẹp của Kiều, vừa bộc lộ nỗi đau đớn, xót xa. Những từ “thềm hoa”, “lệ hoa” là hình ảnh ước lệ, gợi nhiều hơn tả. Mỗi bước chân của Kiều đều thấm đẫm hàng nước mắt tuôn rơi, khóc cho thân phận mình.

- Kiều đau đớn, ê chề cho cảnh ngộ, trở thành món hàng cho tên họ Mã “ngã giá”, và trước những hành động buông tuồng của mụ mối:

"Mối càng vén tóc bắt tay…

Đắn đo cân sắc cân tài,

Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ."

- Nàng không chỉ đau buồn, tủi hổ vì những hành động sỗ sàng của bọn buôn người mà còn tự thấy hô thẹn với bản thân: “Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày”.

- Người con gái đẹp “nghiêng nưốc nghiêng thành” giờ đây ở trong một cảnh ngộ thật trớ trêu. Nỗi buồn, nỗi đau xót của Kiều được miêu tả bằng một loạt hình ảnh ưốc lệ: “thềm hoa”, “lệ hoa”, “buồn như cúc”, “gầy như mai”…

- Một người con gái tài sắc tuyệt trần như Kiều trở thành một món hàng trong một cuộc mua bán. Thương thân, xót phận mình là một lẽ, nhưng đó còn là cảm giác đau đớn, tái tê vì lòng tự trọng của một con người. Chỉ thoáng gợi, Nguyễn Du đã thể hiện được tâm trạng của Thúy Kiều trong một tình cảnh đáng thương, tội nghiệp.

3. Soạn câu 3 trang 99 SGK Ngữ văn 9 đầy đủ

- Thương cảm, xót xa trước thân phận nhỏ nhoi của con người, giá trị con người bị chà đạp.

- Vạch trần thực trạng xã hội đen tối, thế lực và đồng tiền lộng hành. Tác giả gián tiếp lên án thế lực phong kiến đã đẩy con người vào tình cảnh đau đớn, lên án thế lực đồng tiền hắc ám;
- Bày tỏ thái độ căm phẫn, khinh bỉ trước bọn buôn người giả dối, bất nhân.

- Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều có giá trị tố cáo đanh thép. Bằng ngòi bút miêu tả đặc sắc, tác giả đã vạch trần bộ mặt xấu xa của tên con buôn họ Mã, đồng thời khắc hoạ rõ nét tâm trạng đau đớn của Thuý Kiều.

- Nguyễn Du đã dựng nên chân dung buôn người tiêu biểu trong xã hội cũ là Mã Giám Sinh với bộ mặt đạo đức giả và bất lương. Y đã lợi dụng hoàn cảnh gia đình Kiều gặp gia biến để mua Kiều trong sự cân đo, đong đếm, ép về giá cả. Trong xã hội cũ còn có những mụ mối tiếp tay cho bọn buôn người gây thêm tội ác. Qua đó, Nguyễn Du đã lên án mặt trái của đồng tiền. Đồng tiền đã đẩy con người vào cảnh tan cửa nát nhà, người thân xa lìa nhau:

"Tiền lưng đã sẵn, việc gì chang xong."

Cũng vì đồng tiền mà gia đình Kiều bị vu oan:

"Một ngày lạ thói sai nha,

Làm cho khốc hại chang qua vì tiền."

→ Nguyễn Du đã lên án các thế lực đen tối. Thế lực đồng tiền và bọn người bất lương đã chà đạp lên nhân phẩm của người phụ nữ tài sắc, hiếu nghĩa thể hiện tấm lòng nhân đạo của tác giả. Nguyễn Du đã đồng cảm sâu sắc với cảnh ngộ của nàng Kiều mà viết ra những câu thơ đầy nưốc mắt: “Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng”. Nếu không có một trái tim yêu thương rộng lớn, nhà thơ có thể viết ra những vần thơ làm rung động lòng người đến thế.

- Trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều nói riêng và Truyện Kiều nói chung, Nguyễn Du luôn đứng về phía người phụ nữ, người lương thiện để cảm thông, chia sẻ với cảnh ngộ của họ. Đặc biệt qua cuộc đòi của Thuý Kiều, Nguyễn Du phải thốt lên:

"Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung."

→ Xã hội phong kiến tồn tại bao điều bất công: bọn quan lại bất nhân vì đồng tiền, bọn buôn người bất lương cũng vì đồng tiền, cả xã hội chạy theo tiền. Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã tố cáo xã hội bất công, tố cáo những thê lực tàn bạo chà đạp lên nhân phẩm con người. Qua đó, ta thấy được trái tim nhân đạo, cao cả của tác giả.

Ngày:25/09/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM