Phân tích ý nghĩa bát cháo hành trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao

Bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về ý nghĩa bát cháo hành trong tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao. Từ đó, các em có thể nhận ra được giá trị nhân đạo sâu sắc trong tác phẩm. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích ý nghĩa bát cháo hành trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao

1. Dàn ý phân tích ý nghĩa bát cháo hành trong tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao

a. Mở bài:

- Giới thiệu bát cháo hành trong truyện Chí Phèo.

- Ví dụ: Chí phèo là một tác phẩm lột tả rõ ràng và chính xác nhất số phận cùng cực và khổ sở của những người nông dân trong cuộc sống phong kiến. Những người nông dân bị xã hội chà đạp, áp bức và đưa vào những cảnh cùng đường tù tội. Bởi ấy mà con người trở nên tàn ác hơn, nóng nảy hơn và vô cùng xấu xa. Truyện Chí Phèo là tên của nhân vật chính của truyện, nhân vật này đã có những chuyển biến tâm trạng hết sức sâu sắc, một diễn biến tâm trạng thú vị là lúc Chí Phèo gặp Thị Nở và hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở chúng ta cùng đi tìm hiểu về tình hình ảnh này.

b. Thân bài: Phân tích ý nghĩa bát cháo hành trong truyện Chí Phèo:

- Bi kịch mất nhân tính của Chí Phèo:

+ Chí Phèo bị bỏ rơi bên lò gạch.

+ Từ nhỏ Chí Phèo đã sống và làm việc cho Bá Kiến.

+ Vì ghen mà Bá Kiến hại Chí Phèo đi tù.

+ Khi vào tù Chí Phèo đã bị tha hóa cả về nhân cách và nhân hình.

+ Chí Phèo trở nên nóng nảy, rượu chè và hung hăng.

+ Hắn tự hủy hoại nhân hình của hắn bởi những lần rạch mặt, đập đầu của chính mình.

- Ý nghĩa bát cháo hành:

+ Sự xuất hiện của bát cháo hành:

  • Lần sau khi Chí Phèo tỉnh.
  • Sau lần Chí Phèo gặp Thị Nở ngủ hớ hên dưới trăng.
  • Sau hôm đêm thơ mộng hữu tình Chí Phèo bị trúng gió.

+ Ý nghĩa của bát cháo hành:

  • Là sự chăm sóc tận tâm của Thị Nở.
  • Là lần đầu tiên sau bao năm cướp giật của người khác.
  • Bát cháo không chỉ giúp Chí Phèo giải cảm mà còn giúp Chí Phèo thức tỉnh.

c. Kết bài: Nêu cảm nhận của em về ý nghĩa bát cháo hành.

2. Phân tích ý nghĩa bát cháo hành trong tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao

Nhắc đến nhà văn viết về cuộc sống của những người nông dân trước Cách mạng tháng Tám không thể không kể đến nhà văn Nam Cao. Nam cao đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam một tác phẩm mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, đó là tác phẩm Chí Phèo. Các nhân vật trong truyện là những con người hiền lành lương thiện nhưng do xã hội xô đẩy khiến họ thành những con người mất hết lương tri. Hình ảnh bát cháo hành trong truyện chính là phần thưởng quý giá mà tác giả ban tặng cho nhân vật, tạo cơ hội cho nhân vật trở về với cuộc sống đời thường.

Nhà văn Nam Cao đã xây dựng hình ảnh bát cháo hành mang những ý nghĩa vô cùng sâu sắc cho toàn bộ tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao. Bát cháo hành là biểu tượng của tình người ấm nóng duy nhất còn sót lại nơi làng Vũ Đại. Có thể bát cháo với mỗi người chỉ là thứ vụn vặt. Cháo ấy có thể không ngon, nhưng chúng ta phải khẳng định bát cháo chan chứa tình người. Một tình người hồn nhiên, vô tư, không vụ lợi mà Thị Nở dành cho Chí.

Bát cháo hành là vị thuốc giải cảm cho Chí. Sau khi bị thổ, lần đầu tiên Chí tình, lần đầu tiên cảm nhận được cuộc sống, nghe thấy những âm thanh xung quanh. Và ước mơ xa xăm năm nào trở lại trong trí não của hắn. Ước mơ về gia đình nho nhỏ, chồng mướn vợ dệt vải.. Trận ốm làm cho hắn thoát khỏi cơn say triền miên mà nhận thức được mình, thấy mình đang ở cái dốc bên kia cuộc đời, biết sợ tuổi già, ốm rét và cô độc. Bát cháo khiến Chí phải ăn năn về những hành động mình đã làm. Bát cháo hành - sự chăm sóc quan tâm vô tư của Thị Nở khiến hắn nhớ tới bà ba Bá Kiến và thấy ghê rợn về một mụ đàn bà mặt hoa dạ quỷ. Bát cháo ấy tưởng vặt vãnh mà trở thành liều thuốc giải cảm hữu hiệu cho Chí.

Bát cháo hành - vị thuốc giải độc cho cuộc đời Chí. Không chỉ giải cảm, bát cháo hành - tình người duy nhất đã gợi thức phần lương tri ngủ quên trong lốt “con quỷ dữ Chí Phèo”. Từ ăn năn, hối hận, Chí bỗng thấy thèm lương thiện, thèm trở về cuộc sống ngày trước. Bát cháo hành đã dẫn đường cho hi vọng hoàn lương: Thị Nở có thể làm hòa với hắn thì mọi người cũng có thể làm hòa với hắn. Khát khao lương thiện bùng dậy mãnh liệt đã khiến Chí dồn hết hi vọng vào Thị Nở - về cây cầu đưa hắn về với cuộc đời lương thiện. Bát cháo hành đã hoàn thành thiên chức gọi chất người, khơi hòn than đỏ vùi trong lớp tro tàn đang âm ỉ, nó đưa Chí qua một cuộc lột xác để về với sự lương thiện.

Bát cháo hành mang đến cho Chí Phèo sự tỉnh táo chưa từng có. Chí đã nhận ra được âm thanh, cuộc sống xung quanh Chí. Lần đầu tiên, Chí đã biết đến cái duyên của một con người. Rồi hắn nhớ lại khi xưa, nghĩ về quá khứ của mình khi phải săn sóc cho "bà ba", phải làm những việc xấu xa, hắn đã thấy nhục hơn là thích, rồi hắn thấy sợ. Xưa kia, cũng như bây giờ, hắn thật trong sáng, lương thiện. "Vì vậy bát cháo hành của thị Nở làm hắn suy nghĩ nhiều. Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây thù?" Thật kì diệu, những sự chăm sóc giản dị đầy ân tình và tình yêu thương mộc mạc chân thành của thị Nở đã đánh thức dậy bản chất lương thiện của người nông dân lao động trong hắn. Đây là một đoạn văn tuyệt bút, đầy chất thơ.

Hình ảnh bát cháo hành rất đặc sắc trong tác phẩm của Nam Cao. Hình ảnh đó như một tia sáng thắp lên cho cuộc đời tăm tối của Chí Phèo. Tình yêu thương, sự đồng cảm của Thị Nở cùng bát cháo hành như một liều thuốc đã kéo Chí ra khỏi hàng loạt những bi kịch của cuộc đời, giúp Chí tìm lại được chính bản chất lương thiện của mình vốn từ lâu đã bị vùi lấp trong sâu thẳm tâm hồn Chí, nay bỗng được tái hiện như một tia sáng trong cuộc đời tăm tối của Chí Phèo.

3. Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận về bát cháo hành trong tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao

Hình ảnh "bát cháo hành" được tác giả dựng lên nhằm thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc. Bát cháo hành như một niềm an ủi, chăm sóc Chí - một cảm giác Chí chưa bao giờ có được trong đời. Đoạn văn tả cảnh ăn cháo của Chí khiến Chí thành con người thật đáng trân trọng. Bao ngày tăm tối của Chí giờ đã qua, Chí được trở thành một con người bình thường, được hưởng những điều kiện tối thiểu của con người. Khi thị Nở bê cháo đến bên hắn, hắn nhận bát cháo và ăn, "hắn càng ăn mồ hôi lại càng nhiều", và tât nhiên với một người cảm gió, mồ hôi ra được nhiều là sẽ khỏi. Hắn cũng thế, đỡ khỏi bệnh. Hắn đã cảm nhận được vị ngon của cháo: "Trời ơi! Cháo mới thơm làm sao... những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo ăn rất ngon... Nhưng tại sao mãi đến bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo". "Hắn tự hỏi rồi lại tự trả lời... Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một tay đàn bà...". Bát cháo hàng đã nói lên tình cảm mà thị dành cho hắn, Một tình cảm ngàn vàng giữa hai con người cùng cảnh ngộ khốn cùng. Phải nói rằng tác giả đã dành rất nhiều tình cảm cho Chí, mới có thể lột tả được nội tâm của Chí chi tiết đến như vậy. Nam Cao đã cho người đọc hình dung được bản chất tốt đẹp, rất đời thường vẫn luôn thường trực trong con người Chí, nó cần có cơ hội mới có thể bộc lộ được.

Ngày:24/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM