Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài không chỉ thành công và đặc sắc về nội dung mà cả nghệ thuật cũng được tác giả thể hiện trong tác phẩm một cách độc đáo. Hy vọng rằng bài văn mẫu này sẽ hữu ích với các em. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

1. Dàn ý phân tích nghệ thuật của Tô Hoài

a. Mở bài:

- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ nằm trong tập Truyện Tây Bắc - kết quả của chuyến đi thực tế 8 tháng cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc 1952. Tập truyện đã nhận được giải nhất về truyện kí của Hội văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955.

b. Thân bài:

- Cảnh sắc thiên nhiên:

+ Chọn thời điểm: thời điểm tết đến, xuân về là lúc Tây Bắc đẹp mất với sự gặp gỡ của cái bừng nở ở thế giới tự nhiên với cái bừng nở trong tâm hồn của con người.

+ Cách thể hiện: kết hợp giữa tả và gợi, xây dựng quan hệ tương đồng, hài hoà giữa cảnh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt của con người đã tạo lên sức hấp dẫn của bức tranh thiên nhiên Tây Bắc: sắc màu của thiên nhiên và sắc màu cuộc sống đã hòa quyện vào nhau (“khi cỏ gianh vàng ửng, hoa thuốc phiện nở đỏ, nở tím trên núi cao cũng là khi những chiếc váy hoa sặc sỡ được phơi trên mỏm đá đầu làng”).

- Cảnh sinh hoạt, phong tục:

+ Cảnh sinh hoạt ngày tết: Nhà văn chọn những chi tiết tiêu biểu nhất cho nét sinh hoạt của người dân miền núi để miêu tả (uống rượu, nhảy đồng, sân chơi chung với các trò chơi đánh pao, đánh quay, thổi sáo...). Những chi tiết được chọn và dựng lại bằng một thứ ngôn ngữ miêu tả giản dị như đời sống tự nhiên chảy vào tác phẩm.

+ Cảnh đêm tình mùa xuân: Chọn được 2 chi tiết đặc sắc nhất trong nét sinh hoạt văn hoá độc đáo này và dựng lại một cách sinh động, tự nhiên. Đó là cảnh trai gái rủ nhau đi chơi mùa xuân (thời gian là nửa đêm, tín liệu là tiếng gõ vách, hành động là dỡ cửa bước ra rừng chơi). Đó là cảnh trai gái hẹn hò, ngỏ lời yêu thương bằng quả pao, quả yến, tiếng sáo, tiếng khèn và những bài hát tỏ tình độc đáo. Tất cả làm nên màu sắc trữ tình độc đáo cho bức tranh sinh hoạt và chất trữ tình thấm thía cho trang văn Tô Hoài.

- Nhận xét:

+ Cái tài của nhà văn là đã tìm ra những chi tiết có ý nghĩa khéo léo tổ chức chúng để làm nổi bật đặc điểm chính của cảnh, của vật, của việc mà mình miêu tả.

+ Giá trị của những trang văn tả cảnh này là không chỉ dừng lại một cách sinh động cảnh trí, nếp sinh hoạt, phong tục của vùng cao Tây Bắc mà còn tạo ra một cái nền thích hợp để làm bộc lộ nét bi thảm của số phận và vẻ đẹp của sức sống tiềm tàng của con người trên vùng đất đó.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

+ Sử dụng rộng rãi thủ pháp tương phản: Nhà Pá Tra giàu có và cô Mị luôn cúi mặt, mặt buồn rười rượi; phòng giam Mị chật hẹp và không gian bên ngoài phóng khoáng, tự do; cảnh u ám, chết lặng trong buồng Mị và sự rộn ràng của những ngày xuân, những đêm tình mùa xuân.

+ Mượn hình tượng thiên nhiên để diễn tả tâm trạng (mùa xuân của thiên nhiên khơi gợi sức sống thanh xuân trong tâm hồn Mị, ngọn lửa hơ tay trong đêm mùa đông gợi ngọn lửa âm ỉ trong tâm hồn mình).

+ Trực tiếp miêu tả diễn biến tâm lý một cách hợp lý và tinh tế với từng tình huống cụ thể: trong đêm tình mùa xuân, tiếng sáo bên ngoài đã đánh thức khát khao tình yêu, khát khao sống trong Mị. Âm thanh tiếng sáo càng gần thì khát vọng trong Mị càng mạnh mẽ. 

+ Xây dựng nét tính cách ổn định, thống nhất mà cũng phong phú với những vận động, đổi thay vừa bất ngờ vừa tất yếu. Mị là cô gái có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ. Khi buộc phải sống như một con vật đã dám chết như một con người. Khi bên ngoài câm lặng là khi sức sống âm ỉ đã dồn vào bên trong để chờ cơ hội bùng phát. Khi sẵn sàng chết thay cho người khác cũng là khi quyết tâm sống trào dâng mạnh mẽ.

- Ngôn ngữ và cách kể:

+ Ngôn ngữ: Đậm chất miền núi, biểu hiện ở lối tư duy gắn liền với thiên nhiên, hòa quyện và đồng nhất với thiên nhiên. Nét đặc sắc là ở chỗ, Tô Hoài đã vận dụng cách nói hồn nhiên, giàu hình ảnh của người miền núi song không sa vào sự sao chép tự nhiên chủ nghĩa mà có chọn lọc, nâng cao đến trình độ chuẩn mực của ngôn ngữ văn học.

+ Cách kể: Xây dựng lối trần thuật linh hoạt với sự dịch chuyển của điểm nhìn trần thuật (khi đặt bên ngoài để quan sát khách quan, khi đặt bên trong để thể hiện thấm thía những suy nghĩ, tình cảm trong lòng nhân vật).

c. Kết bài:

- Những thành công về nghệ thuật góp phần thể hiện thành công ý đồ tư tưởng của nhà văn trong tác phẩm. Đó là cơ sở để tác phẩm cũng như các tập Truyện Tây Bắc được đánh giá là thành công đột xuất của nhà văn xuôi kháng chiến chống Pháp.

2. Bình giảng về nghệ thuật trong Vợ chồng A Phủ

Truyện Vợ chồng A Phủ đã rất thành công khi miêu tả chân thực số phận nô lệ cực khổ của người dân lao động nghèo Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến miền núi. Mị và A Phủ là điển hình cho những số phận khổ đau bị thần quyền và cường quyền ràng buộc, bóc lột, áp bức đến cùng kiệt.

Truyện còn phơi bày bản chất tàn bạo, bất nhân của giai cấp phong kiến thống trị ở miền núi. Cha con thống lí Pá Tra là đại diện tiêu biểu cho sức mạnh ấy. Chúng xem con người như những công cụ làm việc, như con thú được nuôi trong nhà. Chúng mặc sức hành hạ, đánh đập khi cảm thấy bực bội hoặc để làm trò vui mỗi khi chúng muốn.

A Phủ được giới thiệu là một người mồ côi, một thân một mình, bị bán xuống đồng tháp, trốn trở lại đồng cao rồi lưu lạc đến Hồng Ngài. Từ nhỏ, A Phủ đã gan bướng, dũng cảm. Chàng trai lao động giỏi, không ngại những việc nặng nhọc, nguy hiểm, là niềm mơ ước của bao cô gái. Tuy vậy, A Phủ vẫn đi chơi ngày tết, mơ ước tìm bạn kết đôi. Cho thấy đây là một chàng trai khao khát hạnh phúc và tình yêu. A Phủ như đứa con, như cánh chim của núi rừng Tây Bắc. Nhân vật A Phủ bị rơi vào hoàn cảnh bất hạnh qua vụ xử kiện vô lý của gia đình nhà thống lí Pá Tra. Từ vụ xử kiện này, A Phủ từ một chàng trai tự do yêu đời trở thành một nô lệ tàn đời mãn kiếp cho nhà thống lí. Nguyên nhân cũng chính vì A Phủ dám cả gan đánh A Sử. Trong cảnh A Phủ đánh nhau với A Sử, Tô Hoài đã sử dụng một loạt động từ mạnh: chạy vụt ra, vung tay, ném, xốc tới, nắm cái vòng cổ, kéo dập đầu xuống, xé áo, đánh tới tấp. Đọc đoạn văn này, người đọc có cảm tưởng được chứng kiến một cách đầy hả hê trận đòn của chàng trai nghèo trừng trị đám con quan cậy quyền, cậy thế.

Tuy vậy, tất cả những mơ ước khát vọng đó đã chấm dứt khi chàng trở thành nô lệ của nhà thống lí. Bản án trong phiên xử kiện này: A Phủ ban đầu bị buộc tội chết rồi lại được tha. Với thống lí Pá Tra, A Phủ sống để làm việc trả nợ (nộp vạ 100 đồng bạc trắng). Chàng trai yêu tự do ngày nào bị biến thành con nợ truyền kiếp. Tuy sự việc khác nhau nhưng cách thức bị bó buộc và hành hạ về thể xác và tinh thần của hai nhân vật vốn không liên quan là Mị và A Phủ đều giống nhau. Đó là cách bọn cầm quyền, thống trị ở các địa phương đày đọa người dân trước khi được Cách mạng giải phóng. A Phủ bị bắt làm các công việc nặng nhọc nguy hiểm, trở thành nô lệ không công do món nợ không biết đến ngày nào mới trả hết. A Phủ cũng không dám nghĩ đến việc trốn do quyền lực khủng khiếp của nhà thống lí Pá Tra. Dù làm việc vất vả, khổ cực nhưng chỉ cần một sai lầm cũng khiến A Phủ phải chịu tội. Tai họa ập đến với A Phủ khi lỡ để hổ ăn mất một con bò. A Phủ bị trói vào cọc. Tính mạng của con người bị rẻ rúng chưa bằng một con vật. Nhà thống lí mất một con bò, nhưng A Phủ lại phải trả giá bằng mạng sống của mình. Đó là một hành động dã man, mất nhân tính của bọn thống trị, coi thường mạng sống của người lao động chân chính. Nhưng cũng chính từ sự bất hạnh này đã đem đến cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và cảm xúc cho A Phủ và Mị.

Một trong những thành công về nghệ thuật của tác phẩm, còn là việc tái hiện lối sống động vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên và phong tục, tập quán của người dân miền núi Tây Bắc. Toàn bộ khung cảnh núi rừng Tây Bắc dưới ngòi bút của nhà văn trở nên tươi đẹp, hiền hòa. Con người hòa vào thiên nhiên trong những hội xuân tưng bừng. Thiên nhiên đi vào cuộc sống, tràn ngập trong từng bước chân, từng tiếng hát. “Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ con đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa. Ở Hồng Ngài người ta thành lệ cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày, tháng nào. Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới. Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi và cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội.” Điều đó là nhờ cách kể chuyện giàu chất thơ và chất tạo hình của tác giả. Khung cảnh núi rừng hiện ra đầy thơ mộng, dịu dàng.

Nét đẹp phong tục văn hóa của người dân tộc vùng cao cũng được tập trung khắc họa đậm nét. Con người khát khao được sống, được yêu, được ca hát giữa núi rừng và ánh trăng, “Đến Tết năm ấy, Tết thì vui chơi, trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi. Những nhà có con gái thì bố mẹ không thể ngủ được vì tiếng chó sủa. Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách”, đó còn là “Những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ. Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà. Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi”.

Tính cách của Mị cũng như A Phủ được nhà văn thể hiện rất độc đáo, mang phẩm chất tiêu biểu của người Mông: âm thầm mà mãnh liệt; mộc mạc, đơn sơ mà dữ dội khôn lường. Và trên hết là lối sống phóng khoáng, tự do, hồn nhiên đầy bản lĩnh của họ. Những phẩm chất này khiến người Mông mang một sinh lực dồi dào, họ có đủ sức mạnh để vượt qua bất cứ sự áp bức, đè nén nào.

Tóm lại, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ ra đời đã hơn nửa thế kỉ, nhưng cho đến nay nó vẫn nguyên vẹn giá trị và sức hút đối với nhiều thế hệ bạn đọc trong nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật; sự tinh tế trong diễn tả đời sống nội tâm và trong quan sát những nét lạ về phong tục tập quán, cá tính người Mông cùng lối trần thuật linh hoạt, lời văn tinh tế giàu chất thơ và đậm màu sắc dân tộc. Tác phẩm cung cấp cho người đọc nhiều tri thức lạ về vùng cao Tây Bắc trong quá khứ và hiện tại.

3. Phân tích giá trị nghệ thuật của tác giả Tô Hoài

Tô Hoài là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn với bút lực dồi dào. Không chỉ nổi tiếng với tác phẩm viết cho thiếu nhi “Dế mèn phiêu lưu kí” mà các tác phẩm của ông còn mang đậm nét văn hóa, lối sống, nếp cảm nếp nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Tiểu biểu là tác phẩm: “Vợ chồng A Phủ”. Trong tác phẩm, ngoài giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực, giá trị nghệ thuật cũng khiến người đọc rất ấn tượng.

Trước tiên, tác phẩm đã thể hiện được cốt truyện mạch lạc, hướng tới thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Xoay quanh câu chuyện về cuộc đời của hai vợ chồng Mị và A Phủ. Từ những người lao động chân chính trở thành nô lệ của giai cấp cầm quyền, họ đã được giác ngộ Cách mạng, đứng lên chiến đấu để bảo vệ hạnh phúc của chính mình và đồng bào.

Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên và phong tục, tập quán của người dân miền núi Tây Bắc cũng được miêu tả sâu sắc bằng tấm lòng trân trọng của nhà văn. Toàn bộ khung cảnh núi rừng Tây Bắc dưới ngòi bút của nhà văn trở nên tươi đẹp, hiền hòa như muốn che chở cho con người. Con người hòa vào thiên nhiên trong những hội xuân tưng bừng. Thiên nhiên đi vào cuộc sống, tràn ngập trong từng bước chân, từng tiếng hát. Mỗi lá cây, mỗi ngọn cỏ đều rưng rức sự sống, trở thành một phần trong tâm hồn những con người bình dị, chất phác.

Nét đẹp phong tục văn hóa của người dân tộc vùng cao cũng được tập trung khắc họa đậm nét. Dù trong đói khổ, bị áp bức tinh thần nhưng con người vẫn luôn khát khao được sống, được yêu, được ca hát giữa núi rừng và ánh trăng. Tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết. Tiếng khèn lá réo rắt gọi mời thổn thức nơi đầu non cuối bãi mãi là ấn tượng đẹp không thể quên trong lòng người đọc.

Vợ chồng A Phủ còn là bài ca ca ngợi và khẳng định mạnh mẽ niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của con người. Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến mức nào, con người cũng không mất đi khát vọng sống tự do và hạnh phúc. Trong vô thức, Mị vẫn muốn đi chơi dẫu đang bị trói và những cơn đau hành hạ. Dù không còn muốn sống nữa nhưng Mị vẫn muốn cứu A Phủ, muốn người khác được sống. Và khi thức ngộ được hoàn cảnh, Mị đã tự tìm lấy con đường sống cho chính mình.

Không chỉ vậy, giá trị nghệ thuật của tác phẩm còn được thể hiện những trang văn của tác giả thấm đẫm chất thơ. Từ phong cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc đến cảnh sinh hoạt, những phong tục của người miền núi và cả tâm hồn của con người Tây Bắc khát khao tự do và tình yêu “Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên các nhà kho. Trẻ em đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đốt những những lều quanh nương để sưởi lửa. ở Hồng Ngài, người ta thành lệ, cứ ăn tết thì gặt hái vừa đoạn, không kể ngày tháng. ¡n tết thì gặt hái vừa đoạn, không kể ngày tháng. ăn tết thế cho kịp mưa xuân xuống, đi vỡ nương mới.”, “Hồng Ngài năm ấy ăn tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, rét càng dữ. Nhưng trong các làng Mông Ðỏ, những chiếc váy hoa đã được phơi ra mỏm đá, xoè như con bướm sặc sỡ. Hoa thuốc phiện nở trắng lại nở màu đỏ hau, đỏ thẫm, rồi nở màu tím man mát. Ðám trẻ đợi tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà”.

Có thể nói, tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật đặc sắc. Đó là nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, nghệ thuật tạo tình huống truyện, miêu tả sinh hoạt, phong tục và tâm lí nhân vật. Từ giá trị nghệ thuật ấy, chúng ta có thể hiểu hơn về giá trị nhân đạo sâu sắc được gửi gắm trong tác phẩm: sự lên án tội ác của bọn thống trị và khẳng định sức sống ngoan cường, khát vọng tự do tiềm tàng ở người dân lao động vùng cao Tây Bắc. Nhờ những giá trị ấy, mà tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” vẫn luôn có sức sống bền bỉ trong tâm hồn những người yêu văn chương.

Ngày:19/01/2021 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM