Ôn tập văn học dân gian Việt Nam Ngữ văn 10

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em có thể nắm vững những kiến thức về văn học dân gian. Từ đó, các em sẽ hiểu hơn về sự khác nhau giữa văn học dân gian và văn học viết. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Ôn tập văn học dân gian Việt Nam Ngữ văn 10

1. Nội dung ôn tập

1.1. Những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian

- Tính truyền miệng:

+ Văn học dân gian thường được truyền miệng theo không gian (từ vùng này qua vùng khác), hoặc theo thời gian (từ đời trước đến đời sau).

+ Quá trình truyền miệng thường được thực hiện thông qua diễn xướng - tức là hình thức trình bày tác phẩm một cách tổng hợp (nói, hát, kể).

+ Ảnh hưởng:

  • Làm cho tác phẩm văn học dân gian được trau chuốt, hoàn thiện, phù hợp hơn với tâm tình của nhân dân lao động.
  • Tạo nên tính dị bản (nhiều bản kể) của văn học dân gian.

- Tính tập thể:

+ Quá trình sáng tác tập thể: Cá nhân khởi xướng -  tập thể hưởng ứng (tham gia cùng sáng tạo hoặc tiếp nhận) cùng tu bổ, sửa chữa, thêm bớt cho phong phú, hoàn thiện.

+ Trong  khi tham gia lao động sản xuất, mọi người thường có những câu ca hay những câu chuyện hay kể cho cả một tập thể nghe. Đã có những câu hò hay những điệu nhạc reo vang, nó trở thành những tác phẩm vẻ vang trong thời kì lịch sử .

=> Tính truyền miệng và tính tập thể trở thành đặc trưng cơ bản, chi phối, xuyên suốt quá trình sáng tạo và lưu truyền tác phẩm văn học dân gian, thể hiện sự gắn bó mật thiết của văn học dân gian và các sinh hoạt trong đời sống cộng đồng.

- Ngoài ra, văn học dân gian còn có tính thực hành, là sự gắn bó và phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

- Ví dụ:

+ Bài ca lao động: Hò sông Mã, hò giã gạo,...

+ Bài ca nghi lễ: Hát mo Đẻ đất đẻ nước của người Mường,...

1.2. Những thể loại của văn học dân gian Việt Nam

- Thần thoại: 

+ Nhằm kể lại sự tích các vị thần sáng tạo thế giới tự nhiên và văn hóa, phản ánh nhận thức của con người thời cổ đại về nguồn gốc của thế giới và đời sống con người.

+ Ví dụ: Trần Trụ trời, Lạc Long Quân - Âu Cơ…

- Truyền thuyết: 

+ Là những truyện kể truyền miệng kể lại truyện tích các nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các phong vật địa phương theo quan điểm của nhân dân, biện pháp nghệ thuật phổ biến của nó là khoa trương, phóng đại, đồng thời nó cũng sử dụng yếu tố hư ảo, thần kỳ như cổ tích và thần thoại.

+ Ví dụ: An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy; Thánh Gióng….

- Sử thi: 

+ Chỉ những tác phẩm theo thể tự sự, có nội dung hàm chứa những bức tranh rộng và hoàn chỉnh về đời sống nhân dân với nhân vật trung tâm là những anh hùng, dũng sĩ đại diện cho một thế giới nào đó.

+ Ví dụ: Sử thi Đăm Săn (dân tộc Ê đê), Đẻ đất đẻ nước (dân tộc Mường)…

- Truyện cổ tích:

+ Là một thể loại văn học được tự sự dân gian sáng tác có xu thế hư cấu, bao gồm cổ tích thần kỳ, cổ tích thế sự, cổ tích phiêu lưu và cổ tích loài vật. Đây là loại truyện ngắn, chủ yếu kể về các nhân vật dân gian hư cấu, như tiên, yêu tinh, thần tiên… và thường là có phép thuật, hay bùa mê.

+ Ví dụ: Tấm Cám, Sọ Dừa, Sự tích trầu cau…

- Truyện ngụ ngôn: 

+ Là truyện kể dân gian bằng văn xuôi hay bằng thơ, mượn chuyện về loài vật, đồ vật, cây cỏ... làm ẩn dụ, hoặc chính chuyện con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện đời, chuyện người, nhằm nêu lên bài học luân lí.

+ Ví dụ: Con hổ, con trâu và người đi cày, Cáo mượn oai hùm, Rùa và thỏ…

- Truyện cười: 

+ Là một lĩnh vực truyện kể dân gian rộng lớn, đa dạng, phức tạp bao gồm những hình thức được gọi bằng những danh từ khác nhau có tác dụng gây cười, lấy tiếng cười để khen chê và mua vui, giải trí.

+ Ví dụ: Đẽo cày giữa đường, Làm theo vợ dặn, Sang cả mình con…

- Tục ngữ: 

+ Là thể loại văn học dân gian nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền...

+ Ví dụ: Kiến tha lâu đầy tổ; Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen.

- Câu đố: 

+ Là thể loại văn học dân gian phản ánh sự vật hiện tượng theo lối nói chệch. Khi sáng tạo câu đố, người ta tìm đặc trưng và chức năng của từng vật cá biệt và sau đó phản ánh thông qua sự so sánh, hình tượng hóa.

+ Ví dụ: Mình bằng hạt đỗ ăn giỗ cả làng (câu đố về con ruồi); Nhà xanh mà đóng khố xanh/ Tra đỗ, trồng hành, thả lợn vào trong (chiếc bánh chưng).

 - Ca dao: 

+ Là thơ ca dân gian Việt Nam được truyền miệng dưới dạng những câu hát không theo một điệu nhất định, thường phổ biến theo thể thơ lục bát cho dễ nhớ, dễ thuộc.

+ Ví dụ:

“Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng

Ước gì anh lấy được nàng

Để anh mua gạch Bát Tràng về xây

Xây dọc, rồi lại xây ngang

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân’’.

- Vè: 

+ Vè là thể loại tự sự dân gian, có hình thức văn vần, giàu tính thời sự, phản ánh kịp thời các sự kiện xảy ra trong làng, trong nước, qua đó thể hiện thái độ khen chê của dân gian đối với các sự kiện đó.

+ Ví dụ:

  • Vè đánh bạc: “Nghe vẻ nghe ve/ nghe vè đánh bạc/ đầu hôm xao xác/ bạc tốt như tiên/ đến khuya không tiền/ bạc như chím cú/ cái đầu sù sụ/ con mắt trỏm lơ/ hình đi phất phơ/ như con chó đói/ chân đi cà khói/ dạo xóm dạo làng/ quần rách lang thang/ lồng tay mà túm”.
  • Vè chửa hoang: “Xem thử nó giống ai/ cái đầu nó giống ông cai/ cái lưng ông xã, cái vai ông trùm”. 

- Truyện thơ: 

+ Được sáng tác bằng chữ Nôm và phần lớn được viết theo thể lục bát - thể thơ quen thuộc nhất với quần chúng. 

+ Ví dụ: Phạm Công - Cúc Hoa; Tống Trân - Cúc Hoa; Tiễn dặn người yêu…

- Chèo: 

+ Là một loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam. Chèo phát triển mạnh ở phía bắc Việt Nam.

+ Ví dụ: Thị Mầu lên chùa...

2. Bài tập vận dụng

Câu 1: Em hãy chỉ ra sự khác nhau giữa văn học dân gian và văn học viết.

Gợi ý trả lời:

- Văn học dân gian:

+ Là sáng tác của tập thể nhân dân (sáng tác vô danh, mang tính tập thể).

+ Khó xác định chính xác thời điểm ra đời.

+ Lưu truyền bằng hình thức truyền miệng, sau này được ghi chép lại.

+ Có tính không ổn định và thường có dị bản ở các vùng, miền khác nhau.

+ Mang tính thực hành, nảy sinh trong sinh hoạt phục vụ cộng đồng và phục vụ trực tiếp cho sinh hoạt cộng đồng.

+ Thể loại đặc trưng, văn học viết không lặp lại: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích.

- Văn học viết: 

+ Sáng tác cá nhân (tính hữu danh, tính cá thể).

+ Dễ xác định chính xác thời điểm ra đời.

+ Lưu truyền bằng văn tự (văn bản).

+ Chỉ có một bản duy nhất, không có dị bản.

+ Mang tính thường thức của cá nhân nghệ sĩ, nảy sinh do cảm hứng sáng tác.

+ Thể loại khá phong phú: thơ, truyện, tiểu thuyết, tùy bút…

Câu 2: Những ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học viết như thế nào?

Gợi ý trả lời:

- Về phương diện nội dung: Văn học dân gian cung cấp cho các nhà văn của mọi thời đại những quan niệm xã hội, đạo đức của nhân dân lao động, của các dân tộc. Ngoài ra, nó còn cung cấp những tri thức hữu ích về tự nhiên xã hội, góp phần quan trọng về sự hình thành nhân cách con người. Nó bảo tồn, phát huy những truyền thồng tốt đẹp của dân tộc như: truyền thống yêu nước, tinh thần hướng thiện, trọng nhân nghĩa, giàu tình thương,... Biểu hiện rõ nhất là ở đề tài, nguồn cảm hứng, tư tưởng nhân ái, tình cảm lạc quan, yêu đời, tình yêu thiên nhiên, đất nước, tình yêu con người,...

- Đề tài tiêu biểu trong văn học dân gian: Số phận người phụ nữ, thân phận người lao động nói chung, tình yêu đôi lứa, những kinh nghiệm sống quý báu, đặc biệt ngợi ca tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước,... 

- Nguồn cảm hứng: Văn học dân gian thường lấy nguồn cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống xã hội, lao động sản xuất,... Đặc biệt, ca dao Việt Nam đã đưa ra những tiêu chí về vẻ đẹp người con gái truyền thống. 

- Tư tưởng nhân ái: Văn học dân gian đề cao tình cảm yêu thương con người nhất là thân phận người phụ nữ, người lao động cùng khổ,...

- Về phương diện nghệ thuật: Văn học dân gian cung cấp cho các nhà văn một kho tàng các truyền thống nghệ thuật dân tộc, từ ngôn ngữ đến các hình thức thơ ca, các phương pháp xây dựng nhân vật, hình ảnh, cách nói, các biện pháp tu từ, thể loại, chất liệu dân gian,...

- Ngôn ngữ: Ngôn ngữ văn học dân gian mang đậm tính triết lí, giàu chất thơ song hình thức biểu đạt lại gần gũi, dễ hiểu. Người dân lao động thường dùng những cách nói trong giao tiếp hàng ngày để diễn đạt tư tưởng, tình cảm cũng như đúc kết kinh nghiệm sống.  

- Thể loại: Hơn 90% số bài ca dao sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Trong ca dao còn có thể thơ khác, như: song thất lục bát, vãn bốn, vãn năm. Nguyễn Du đã rất thành công trong việc sử dụng thể thơ lục bát của dân tộc với tác phẩm “Truyện Kiều”. Ngoài, còn có một số tác phẩm văn học viết cũng được sử dụng thể thơ dân tộc này: “Lục Vân Tiên” (Nguyễn Đình Chiểu), “Lỡ bước sang ngang” (Nguyễn Bính),...

- Chất liệu dân gian: Các nhà thơ đã sử dụng rất linh hoạt chất liệu dân gian vào tác phẩm của mình. Câu thơ:

- “Tay ai thì lại làm nuôi miệng

Làm biếng ngồi ăn lở núi non"

                      (Nguyễn Trãi)

3. Các hình thức hoạt động ngoài giờ học

- Có những hình thức hoạt động phổ biến như sau:

+ Diễn kịch dân gian từ các tác phẩm bằng hình thức sân khấu hóa.

+ Sưu tầm các tác phẩm dân gian.

+ Viết bài thu hoạch về tác phẩm văn học dân gian mà bản thân yêu thích.

- Ví dụ: Sưu tầm những bài ca dao hài hước.

+ "Hai tay cầm hai quả hồng

Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai.

Nằm đêm vuốt bụng thở dài

Thương chồng thì ít, nhớ trai thì nhiều".

+ "Chồng người đánh Bắc dẹp Đông

Chồng em ngồi bếp giương cung bắn gà".

+ "Chồng người bể Sở sông Ngô

Chồng em ngồi bếp rang ngô cháy quần".

+ "Chồng người đi ngược về xuôi

Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo".

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy sưu tầm một số câu tục ngữ nói về tính siêng năng kiên trì.

Gợi ý trả lời:

- Hết cơn bĩ cực, đến kì thái lai.

- Ai đội đá mà sống ở đời.

- Ba cái vui thì trẻ, ba cái bẽ thì già.

- Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo.

- Chớ vì nghẹn một miếng mà bỏ bữa bỏ ăn, chớ vì ngã một lần mà chân không bước.

- Có cứng mới đứng được đầu gió.

- Không vào hang hổ, sao bắt được hổ.

- Mảng lo khó, bó không chặt.

- Trăm bó đuốc cũng vớ được con ếch.

Câu 2: Em hãy nêu khái niệm tục ngữ và ca dao.

Gợi ý trả lời:

- Tục ngữ là thể loại văn học dân gian nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền. Nội dung tục ngữ thường phản ánh những kinh nghiệm về lao động sản xuất, ghi nhận các hiện tượng lịch sử xã hội, hoặc thể hiện triết lý dân gian của dân tộc.

- Ca dao là thơ ca dân gian Việt Nam được truyền miệng dưới dạng những câu hát không theo một điệu nhất định, thường phổ biến theo thể thơ lục bát cho dễ nhớ, dễ thuộc. Ca dao là một từ Hán Việt, theo từ nguyên, ca là bài hát có chương khúc, giai điệu; dao là bài hát ngắn, không có giai điệu, chương khúc.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Củng cố, hệ thống hoá các tri thức về văn hoạc dân gian Việt Nam đã học, đặc trưng của văn học dân gian, các thể loại của văn học dân gian, giá trị nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm, đoạn trích.

- Biết vận dụng đặc trưng các thể loại của văn học dân gian để phân tích các tác phẩm cụ thể.

Ngày:28/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM