Một số thể loại văn học: Thơ, truyện Ngữ văn 11

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu khái quát đặc điểm một số thể loại văn học: thơ, truyện. Từ đó, các em có thể vận dụng những hiểu biết đó vào việc đọc văn, viết bài văn nghị luận. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Một số thể loại văn học: Thơ, truyện Ngữ văn 11

1. Quan niệm chung về loại, thể văn học

- Cơ sở chung để phân chia loại thể văn học là dựa vào phương thức (cách thức phản ánh hiện thực, tình cảm của tác phẩm):

+ Loại: Là phương thức tồn tại chung, là loại hình, chủng loại. Tác phẩm văn học được chia làm 3 loại: tự sự, trữ tình, trào phúng.

+ Thể: Là hiện thực hóa của loại, nhỏ hơn loại.

- Căn cứ để phân chia đa dạng: Có khi dựa vào độ ngắn dài; đề tài; cấu trúc; tính chất mâu thuẫn; cảm hứng chủ đạo…

- Có một thể loại tồn tại độc lập: Văn nghị luận (chính trị xã hội, văn hóa).

2. Thơ

2.1. Khái quát về thơ

- Đặc trưng của thơ:

+ Là một thể loại văn học có phạm vi phổ biến rộng và sâu.

+ Thơ tác động đến người đọc bằng sự nhận thức cuộc sống, những liên tưởng, tưởng tượng phong phú,

+ Thơ ca là tấm gương phản chiếu tâm hồn, là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời.

+ Thơ chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị của tâm hồn con người và cuộc sống khách quan.

+ Cốt lõi cơ bản của thơ là trữ tình.

+ Ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm xúc, giàu nhịp điệu, hình ảnh sinh động, được tổ chức đặc biệt theo thể thơ.

- Phân loại thơ:

+ Phân loại theo nội dung biểu hiện có: Thơ trữ tình; Thơ tự sự; Thơ trào phúng.

+ Phân loại theo cách thức tổ chức có: Thơ cách luật; Thơ tự do; Thơ văn xuôi.

2.2. Yêu cầu về đọc thơ

- Cần biết rõ tên bài thơ, tập thơ, tác giả, hoàn cảnh sáng tác...

- Đọc kĩ văn bản, cảm nhận ý thơ qua từng dòng, từng câu, từng từ, từng hình ảnh, nhịp điệu…

- Đồng cảm với nhà thơ mới cảm nhận được ý thơ, thấu hiểu hình tượng thơ, cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình.

- Lí giải, đánh giá về nội dung và nghệ thuật.

3. Truyện

3.1. Khái quát về truyện

- Đặc trưng của truyện

+ Là thể loại văn học phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó qua con người, hành vi, sự kiện được miêu tả và kể lại bởi một người nào đó.

+ Thường có cốt truyện với một chuỗi các tình tiết, sự kiện, biến cố xảy ra liên tiếp tạo nên sự vận động của hiện thực được phản ánh, góp phần khắc họa rõ nét tính cách nhân vật, số phận từng cá nhân.

+ Nhân vật được miêu tả chi tiết, sống động gắng với hoàn cảnh, với môi trường xung quanh.

+ Phạm vi miêu tả không bị hạn chế bởi thời gian và không gian.

+ Ngôn ngữ linh hoạt gần với đời sống.

- Phân loại truyện:

+ Văn học dân gian: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích,..

+ Văn học trung đại: có truyện viết bằng chữ Hán và chữ Nôm.

+ Văn học hiện đại: có truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài.

3.2. Yêu cầu về đọc truyện

- Tìm hiểu bối cảnh xã hội, hoàn cảnh sáng tác để có cơ sở cảm nhận các tầng lớp nội dung và ý nghĩa của truyện.

- Phân tích diễn biến cốt truyện qua các phần mở đầu, vận động, kết thúc, với các tình tiết, sự kiện, biến cố cụ thể. Làm rõ giá trị các yếu tố trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống và khắc họa bản chất, tính cách nhân vật. Chú ý đến nghệ thuật tự sự.

- Phân tích nhân vật: ngoại hình, tính cánh, ngôn ngữ… Tìm hiểu mối quan hệ giữa nhân vật này với nhân vật khác, giữa nhân vật với hoàn cảnh xung quanh.

- Xác định vấn đề của truyện đặt ra, ý nghĩa tư tưởng, giá trị của truyện trên các phương diện: nhận thức, giáo dục, thẫm mĩ.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy cảm nhận một hình ảnh thiên nhiên bất kì trong bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư" của Lí Bạch.

Gợi ý trả lời:

Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên

(Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây)

Hình ảnh thiên nhiên được Lí Bạch tái hiện trong bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư" thật đặc sắc. Đó là hình ảnh "dải Ngân Hà" - một dải màu sáng nhạt với những vì tinh tú nhấp nháy, vắt ngang bầu trời những đêm mùa hạ, không phải là một dòng sông thực, mà chỉ là một dòng sông trong tưởng tượng. Nói cách khác, dòng Ngân Hà chỉ là một hình ảnh tưởng tượng, có tính trừu tượng. Việc nhà thơ mang một cái trừu tượng để so sánh với cái cụ thể đã làm cho cái cụ thể trừu tượng hơn. Nhưng nhờ đó mà hình ảnh thơ (ngọn thác) trở nên huyền ảo và mang một nét đẹp diệu kì. Trước vẻ đẹp ấy, người đọc bị chông chênh giữa hai chiều nhận thức: Thực - ảo; tiên giới - trần gian;... Điều đó không có gì lạ, mà nó chỉ khẳng định thêm cái cảm nhận về sự giao duyên, gặp gỡ giữa trời và đất mà chúng ta đã nói đến ở câu một mà thôi. Thơ với người là một. Nét bút bay bổng, mạnh mẽ của Lí Bạch ở đây cũng chính là tâm hồn của nhà thơ. Một tầm vóc kì vĩ, một sức mạnh hào hùng và vẻ đẹp nên thơ cũng chính là những khao khát, ước vọng mà nhà thơ Lí Bạch vẫn thường vươn tới.

Câu 2: Em hãy phân tích tình huống truyện trong tác phẩm "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân và nếu tác dụng của tình huống truyện ấy.

Gợi ý trả lời:

- Tình huống truyện trong tác phẩm "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân:

+ Tình huống truyện ở đây là mối quan hệ đặc biệt éo le giữa những tâm hồn tri kỉ (Huấn Cao, viên quản ngục và thầy thơ lại). Tác giả đặt họ trong tình thế đối địch: tử tù và viên quản ngục.

+ Huấn Cao tỏ thái độ hiên ngang, bất khuất khi tin tưởng viên quản ngục chỉ là viên quản ngục (tàn bạo, độc ác, ỷ thế, cậy quyền). Nhưng khi biết quản ngục chỉ là áo khoác phủ ngoài của một tâm hồn đẹp thì ông liền đổi hẳn thái độ. Cũng nhờ tình huống ấy mà viên quản ngục mới càng tỏ rõ là một tâm hồn biết trọng cái tài, cái đẹp, cái “thiên lương”, bất chấp luật pháp và trách nhiệm quản ngục, hết lòng biệt đãi Huấn Cao dù lúc đầu bị ông ta khinh bỉ.

- Tác dụng :

+ Tính cách của mỗi nhân vật mỗi lúc thêm đầy đủ, rõ nét và trọn vẹn hơn.

+ Từ tình huống truyện này mà Huấn Cao đã hiểu thêm về viên quản ngục. cũng từ đó, quản ngục đã trút bỏ con người bên ngoài, con người công cụ để trở về với con người thật của mình.

+ Tình huống truyện đã tạo nên kịch tính cho thiên truyện. "Chữ người tử tù" là một chuỗi những xung đột. Đó là mâu thuẫn giữa quản ngục và viên thơ lại cùng đám lính, giữa quản ngục và Huấn Cao… có thể nói "Chữ người tử tù" mở ra bằng mâu thuẫn, xung đột, cuối cùng cũng khép lại bằng mâu thuẫn, xung đột.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu khái quát đặc điểm của một số thể loại văn học: Thơ, truyện

- Vận dụng hiểu biết để đọc văn.

- Nhận diện đặc trưng của thể loại thơ, truyện.

- Phân tích, bình giá tác phẩm thơ, truyện theo đặc trưng thể loại.

- Có ý thức học tập và rèn luyện để biết cách phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ, truyện.

Ngày:05/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM