Hầu trời Ngữ văn 11

eLib xin giới thiệu đến các em bài học Hầu trời của nhà thơ Tản Đà. Nội dung bài học này đã được biên soạn bám sát chương trình Ngữ văn 11. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Hầu trời Ngữ văn 11

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Tản Đà: (1889-1939), tên thật Nguyễn Khắc Hiếu

- Quê: Khê Thượng- Bất Bạt- tỉnh Sơn Tây(nay thuộc Ba Vì- Hà Nội).

- Là một thi mang đầy đủ tính chất của “con người của hai thế kỉ”. Cả về học vấn, lối sống và sự nghiệp văn chương.

- Có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền văn học Việt Nam – gạch nối giữa văn học trung đại và văn học hiện đại.

1.2. Tác phẩm

- Xuất xứ:

+ Bài thơ được in trong tập “Còn chơi” xuất bản năm 1921.

+ Bài thơ là câu chuyện kể lên tiêm gặp trời của thi sĩ Tản Đà.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Tác giả lên hầu trời

- Trăng sáng, canh ba (rất khuya)

- Nhà thơ không ngủ được.

- Hai cô tiên xuất hiện, cùng cười, nói: trời đang mắng vì người đọc thơ mất giấc ngủ của trời, trời sai lên đọc thơ cho trời nghe!

- Trời đã sai gọi buộc phải lên!

“Đêm qua chẳng biết có hay không

Chẳng phải hoảng hốt, không mơ màng

Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!

Thật được lên tiên - sướng lạ lùng."

- Cách kể tự nhiên, nhân vật trữ tình như giãi bày, kể lại một câu chuyện có thật! (một sự thoả thuận ngầm với người đọc).

- Cách đọc thơ:

“Tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà”

- Giọng đọc vừa có âm vực (cao), vừa có trường độ(dài), vọng lên cả sông Ngân Hà trên trời

“Ước mãi bây giờ mới gặp tiên

Người tiên nghe tiếng lại như quen”

- Câu thứ nhất nội dung bình thường, nhưng đến câu thứ hai, thật lạ: quen cả với tiên! nhà thơ cũng là vị “trích tiên” - tiên bị đày xuống hạ giới. Việc lên đọc thơ hầu trời cũng là việc bất đăc dĩ: “Trời đã sai gọi thời phải lên”

- Có chút gì đó ngông nghênh, kiêu bạc! tự nâng mình lên trên thiên hạ, trời cũng phải nể, phải sai gọi lên đọc thơ hầu trời!

2.2. Tác giả đọc thơ hầu trời

- Được mời ngồi: “truyền cho văn sĩ ngồi chơi đấy”, đọc thơ say sưa “đắc ý đọc đã thích” (có cảm hứng, càng đọc càng hay) “Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi” (hài hước), “văn dài hơi tốt ran cung mây”.

- Trời khen: “trời nghe, trời cũng lấy làm hay”. Trời tán thưởng “Trời nghe trời cũng bật buồn cười”. Trời khẳng định cái tài của người đọc thơ:

“ Trời lại phê cho văn thật tuyệt

Văn trần như thế chắc có ít”

- Nở dạ: mở mang nhận thức được nhiều cái hay.

- Lè lưỡi: văn hay làm người nghe đến bất ngờ! “Chau đôi mày” văn hay làm người nghe phải suy nghĩ tưởng tượng. “Lắng tai đứng” đứng ngây ra để nghe. Tác giả viết tiếp hai câu thơ:

“Chư tiên ao ước tranh nhau dặn

Anh gánh lên đây bán chợ trời”

→ Cảnh đọc thơ diễn ra thật sôi nổi, hào hứng, linh hoạt...

⇒ Người đọc thơ hay mà tâm lí người nghe thơ cũng thấy hay! khiến người đọc bài thơ này cũng như bị cuốn hút vào câu chuyện đọc thơ ấy, cũng cảm thấy “đắc ý” “sướng lạ lùng”!

2.3. Thái độ của tác giả qua việc đọc thơ hầu trời

- Thể hiện quan niệm về tài năng (tài thơ)

+ Nhà thơ nói được nhiều tài năng của mình một cách tự nhiên, qua câu chuyện tưởng tượng Hầu trời đọc thơ:

“Văn dài hơi tốt ran cung mây

Trời nghe, trời cũng lấy làm hay”

+ “Văn đã giàu thay, lại lắm lối”

+ “Trời lại phê cho văn thật tuyệt

Văn trần như thế chắc có ít

Nhời văn chuốt đẹp như sao băng

Khí văn hùng mạnh như mây chuyển

Êm như gió thoảng, tinh như sương

Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết”

→ Tản Đà khoe tài thơ, nói thẳng ra “hay” “thật tuyệt” mà lại nói với trời.

- Trời khen: là sự khẳng định có sức nặng, không thể phủ định tài năng của tác giả - lối khẳng định rất ngông của văn sĩ hạ giới, vị trích tiên - nhà thơ.

⇒ Bài thơ thể hiện ý thức cá nhân của Tản Đà về cái tôi tài năng của mình!

- Quan niệm về văn chương:

+“Nhờ trời văn con còn bán được”

+ “Anh gánh lên đây bán chợ trời”

+ “Vốn liếng còn một bụng văn đó”

+ “Giấy người, mực người, thuê người in

Mướn cửa hàng người bán phường phố

Văn chương hạ giới rẻ như bèo

Kiếm được đồng lãi thực là khó”

→ Khát vọng ý thức sáng tạo, trong nghề văn:

Người viết văn phải có nhận thức phong phú, phải viết được nhiều thể loại: thơ, truyện, văn, triết lí, dịch thuật (đa dạng về thể loại).

⇒ Cảm hứng lãng mạn và hiện thực đan xen nhau, trong bài thơ. (hiện thực: đoạn nhà thơ kể về cuộc sống của chính mình), khẳng định vị trí thơ Tản Đà là“gạch nối của hai thời đại thi ca”

3. Tổng kết

- Thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do, giọng điệu thoải mái, ngôn ngữ tự nhiên, giản dị sinh động.

- Ý thức cá nhân, ý thức nghệ sĩ và quan niệm về nghề văn của Tản Đà.

4. Luyện tập

Câu 1. Em hãy cho biết giá trị nội dung và nghệ thuật trong bài thơ Hầu trời của Tản Đà.

Gợi ý làm bài:

- Qua bài thơ tác giả đã thể hiện Ý thức cá nhân, ý thức nghệ sĩ và quan niệm về nghề văn của Tản Đà. Một cái tôi cá nhân ngông ngạo, phóng túng, tư ý thức về tài năng, giá trị đích thực của mình và khao khát được khát vọng được khẳng định giữa cuộc đời

- Thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do.

- Bên cạnh đó giọng điệu thoải mái tự nhiên, ngôn ngữ giản dị, sống động, hóm hỉnh

Câu 2. Em hãy sưu tầm một số nhận định về tác giả và tác phẩm?

Gợi ý làm bài:

1. Nguyễn Tuân: “Trong chốn Tao Đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ suý, trong Hội tài tình, Tản Đà xứng đáng ngôi hội chủ mà làng văn làng báo xứ này, ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà?” 

2. Ngô Tát Tố: “Trong cái trang thi sĩ của cuốn Việt Nam văn học sử sau này, dầu sao mặc lòng, ông Tản Đà là một người đứng đầu của thời đại này”.

3.  Khái Hưng: "Nhưng trong làng văn nước ta, được nhiều người yêu mến thời còn sống, dễ mới có Tản Đà."

4. Hoài Thanh – Hoài Chân: “Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đang sắp sửa”.

5. Vũ Bằng: “Tôi sợ ông như một ông tiên ”.

6. Xuân Diệu: “Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám giữ một cái tôi”.

7. Lê Thanh: "Ông Tản Đà là người thứ nhất và là người độc nhất của cái thế hệ ông đã làm sống lại cái hồn thơ Việt Nam đang hấp hối…..ông đã dám ngông, dám có một bản ngã, dám công nhiên để cho cái chữ tình mê man của mình rãi trong văn thơ”.

5. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Ý thức cá nhân, ý thức nghệ sĩ và quan niệm về nghề văn của Tản Đà.

- Những sáng tạo hình thức nghệ thuật của bài thơ: thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do, giọng điệu thoải mái, tự nhiên, ngôn ngữ sinh động.

- Đọc hiểu thơ trữ tình theo đặc trưng thể loại.

Ngày:11/12/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM