Đọc thêm: Lai Tân Ngữ văn 11

Nội dung bài học Lai Tân dưới đây nhằm giúp các em nắm được giá trị nội dung nghệ thuật của bài thơ. eLib đã biên soạn nội dung bài học này bám sát chương trình Ngữ 11. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập.

Đọc thêm: Lai Tân Ngữ văn 11

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

 + Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890, trong một gia đình yêu nước ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.

+ Học ở trường Quốc học Huế rồi dạy học ở Dục Thanh (Phan Thiết).

+ Sớm có lòng yêu nước; Năm 1911, ra đi tìm đường cứu nước

+ Hoạt động cách mạng ở nhiều nước: Pháp, Trung Quốc, Thái Lan…

+ Ngày 3-2-1930, thành lập đảng cộng sản Việt Nam.

+ Năm 1941, trở về nước, lãnh đạo phong trào Cách mạng trong nước

+ Tháng 8-1942, sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của quốc tế, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam đến tháng 9-1943.

+ Ra tù, Người trở về nước, lãnh đạo phong trào CM, tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.

+ Ngày 2-9-1945, đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, giữ chức vụ Chủ tịch nước.

+ Lãnh đạo nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ.

+ Từ trần ngày 2-9-1969, tại Hà Nội.

→ Hồ Chí Minh là nhà yêu nước và nhà cách mạng vĩ đại, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào quốc tế

1.2. Tác phẩm

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác trong khoảng bốn tháng đầu của thời gian Hồ Chí Minh bị giam giữ tại các nhà tù của bọn Quốc dân đảng Trung Quốc ở Quảng Tây.

- Mảng đề tài : Bài thơ thuộc mảng thơ hướng ngoại, nội dung phê phán nhà tù và xã hội Trung Quốc với nghệ thuật châm biếm sắc sảo.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Chân dung tầng lớp chóp bu ở Lai Tân:

“Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc

Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh

Chong đèn, huyện trưởng làm công việc”

- Chúng ta thấy ba chân dung với những nét vẽ rạch ròi của những kẻ đứng đầu trong bộ máy quản lí nhà tù của Tưởng Giới Thạch ở Lai Tân ở trong ba câu thơ trên.

- Nếu như Ban trưởng ngày ngày đánh bạc.

- Thì cảnh trưởng: ăn tiền của phạm nhân.

- Còn Huyện trưởng: thì chong đèn làm việc công (  Việc mờ ám - hút thuốc phiện? )

- Chúng ta thấy lần lượt từng tên, hiện ra rõ mồn một, tất cả đều thối nát, đều hoàn toàn vô trách nhiệm. Đó là những kẻ đại diện thực thi , bảo vệ công lí, pháp luật nhưng hành vi lại phi pháp.

- Một kiểu nhà tù như thế với những kẻ cai quản như thế thì làm sao xã hội có thể thái bình thực sự được. Đó chính là một nhà tù - nơi cải hoá người xấu thành người tốt nhưng với những kẻ cai quản nhà tù như thế kia thì thực chất của loại nhà tù nàylà gì là điều dễ hiểu .

- Nghệ thuật:

+ Lối viết tự sự

+ Giọng điệu thản nhiên, có phần lạnh lùng, mỉa mai.

2.2. Đòn đả kích của tác giả:

- Ở câu thơ cuối buông ra lại quá nhẹ nhàng, mát mẻ. Đại loạn thế, thối nát thế mà “Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”.

- Câu thơ kết : là lời nhận xét, kết luận đánh giá về tình trạng bộ máy cai trị nhà tù Lai tân.

- Thông thường với lối tự sự như ba câu thơ trên, người ta chờ đợi một câu kết luận với sự lên án mạnh mẽ nhưng kết thúc cả bài thơ Lai Tân lại hoàn toàn bất ngờ.

- Người viết hạ ngay một câu thơ : “Trời đất Lai Tân vẫn thái bình” đầy dửng dưng nhưng vẫn mang đầy tính chất đả kích và tố cáo xã hội nhà tù Lai Tân đầy sắc sảo.

-Tại nhà tù Lai Tân hàng ngày những cảnh đánh bạc, hút sách , nhận tiền, bóc lột phạm nhân của các viên quan là chuyện xảy ra như cơm bữa.

→Từ đó bài thơ như bóc trần một sự thật rằng: những kẻ đại diện cho bộ máy cai trị nhà tù là những kẻ sống không có lương tâm đạo đức, vô trách nhiệm, đồng thời lên án bộ máy cai trị vốn có tại nơi đây ở thời điểm đó.

- Sức mạnh của câu thơ nằm ở chỗ, giọng điệu thơ thì nghe óc vẻ dửng dưng nhưng thực chất đằng sau đó ý thơ bộc lộ sự mỉa mai châm biếm sự thối nát của guồng máy nhà tù ở Lai Tân.

- Đặt bài thơ vào trong bối cảnh những năm 40-43 khi mà chiến tranh phát xít nổ ra rồi mà các vị quan cai ngục vẫn cứ bình chân như vại, như không hề có chuyện gì xảy ra , vẫn an hưởng một cuộc sống “thái bình”.

+ Chữ “thái bình” khi được đặt trong câu thơ và xem xét tới bối cảnh của bài thơ để mà liên hệ mới thấy hết được sự đắt giá của ý thơ. 

→ Nó càng phát huy triệt để bút pháp mỉa mai châm biếm  trong phong cách nghệ thuật của chủ tịch Hồ Chí Minh tạo ra những tiếng cười nhẹ nhàng mà không kém phần đả kích thâm thúy.

3. Tổng kết

- Bài thơ nhỏ nhưng có giá trị hiện thực lớn. Nó cho người đọc thấy được tình trạng thối nát phổ biến của bọn quan lại Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch và thái độ bất bình của nhà thơ Hồ Chí Minh.

- Nghệ thuật châm biếm nhẹ nhàng mà thâm thuý, thể hiện rõ phong cách châm biếm của Hồ Chí Minh.

4. Luyện tập

Câu 1. Em hãy nêu giá trị nội dung của bài thơ Lai Tân.

Gợi ý làm bài:

- Nghệ thuật:

+ Bài thơ Lai Tân thể hiện bút pháp châm biếm đả kích sắc sảo của Chủ Tịch Hồ Chí Minh khi vạch trần xã hội nhà tù  đương thời.

+ Bên cạnh đó bút pháp tự sự đã khắc họa chân thực bức tranh của nhà tù cùng với tầng lớp quan lại thống trị thời ấy .

+ Sử dụng từ ngữ đắt giá nhằm tố cáo và lên án mạnh mẽ cũng như tạo điểm nhấn cho cả bài thơ (“thái bình”).

Câu 2. Những đặc sắc về nội dung bài thơ Lai Tân của Hồ Chí Minh.

Gợi ý làm bài:

- Nội dung: Bài thơ Lai Tân mang nội dung châm biếm, đả kích nhẹ nhàng mà thâm thúy sâu cay , nó bóc trần bộ mặt của tầng lớp quan lại coi ngục đương thời và đồng thời lên án tố cáo một xã hội Trung Quốc của giai cấp thống trị thời bấy giờ.

5. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Thấy được tình trạng thối nát phổ biến của bọn quan lại Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch.

- Hiểu được nghệ thuật châm biếm độc đáo của bài thơ.

Ngày:13/12/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM