Chạy giặc Ngữ văn 11

 Chạy giặc là bài thơ kết tinh tình yêu nước và phong cách nghệ thật của cụ Đồ Chiểu. eLib đồng hành và biên soạn nội dung bài học dưới đây với đầy đủ nội dung và rất chi tiết. Mời các em cùng tham khảo.

Chạy giặc Ngữ văn 11

1. Tìm hiểu chung

1.1. Hoàn cảnh sáng tác

- Chưa rõ thời điểm ra đời, nhưng có lẽ bài thơ được Nguyễn Đình Chiểu viết ngay sau khi thành Gia Định bị thực dân Pháp tấn công (17/2/1859). Tác phẩm là một trong những tác phẩm đầu tiên của văn học yêu nước chống Pháp cuối thế kỉ XIX.

1.2. Thể loại

- Thất ngôn bát cú Đường luật

1.3. Bố cục

- Sáu câu đầu: Cảnh đất nước và nhân dân khi giặc pháp xâm lược

- Hai câu cuối: Tâm trạng của tác giả

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Cảnh đất nước và nhân dân khi giặc pháp xâm lược

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

Một bàn cờ thế phút sa tay.

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,

Mất ổ bầy chim dáo dát bay.

Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước,

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

- Nỗi đau mất nước

  • Cảnh tan chợ: Ngay thời điểm họp chợ thì có tiếng súng nổ ra, cảnh tượng huyên náo, tan tác, hoảng loạn bắt đầu ("Tan chợ vừa nghe tiếng súng tây")

  • Tình thế đất nước: Ván cờ hiểm nghèo → sai lầm trong nước đi, người cầm quân phút sa tay, lỡ bước không thể cứu vãn được.

- Nỗi đau nhân dân:

  • Từ láy "lơ xơ", "dáo dác" + nghệ thuật đảo ngữ.

  • Từ ngữ mang tính biểu tượng "bầy chim", "lũ trẻ"

- Cảnh tan tác, chia lìa, đổ vỡ thê thảm của người dân chạy loạn. Đây là những thân phận tượng trưng cho nỗi đau chung của đất nước, của nhân dân khi giặc đến.

- Cảnh nhà cửa xóm làng: tan bọt nước >< nhuốm màu mây

- Nhà cửa làng xóm bị hủy hoại một cách nhanh chóng, tất cả đều tan hoang, đổ nát

⇒ Tất cả dường như chìm trong ngọn lửa hung tàn của giặc, sự tàn phá, hủy diệt lấp kín cả không gian. Với các biện pháp nghệ thuật: đảo ngữ, hoán dụ tác giả đã khắc họa thành công bức tranh đất nước trước thời loạn lạc.

2.2. Tâm trạng của tác giả

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,

Nỡ để dân đen mắc nạn này?

- Ở sáu câu thơ đầu: Đau đớn, xót xa trước tình cảnh của nhân dân, đất nước và lòng căm hận quân xâm lược

- Hai câu thơ cuối: bộc lỗ nỗi niềm trăn trở của tác giả:

  • Câu hỏi tu từ vang lên đầy tha thiết, không chỉ là kêu gọi mà còn là hàm ý bao thắc mắc trước sự vắng mặt của kẻ có trách nhiệm với quê hương, đất nước.

  • Câu thơ còn bộc lộ sự thất vọng sâu sắc về triều đình cũng như biểu hiện được lòng thương dân sâu sắc của Đồ chiểu.

⇒ Tiếng kêu quặn thắt của một tấm lòng trung quân đã cảm thấy đổ vỡ niềm tin đối với triều đình phong kiến nhà Nguyễn.

3. Luyện tập

Câu 1: Phân tích bài thơ Chạy giặc

Gợi ý làm bài:

Các em có thể dựa vào những gợi ý dưới đây:

- Cảnh đau thương của đất nước được hiện lên qua những hình ảnh:

Lũ trẻ lơ xơ chạy
Đàn chim dáo dác bay.
 Bến Nghé tan bọt nước.
Đồng Nai nhuốm màu mây.

- Hình ảnh chân thực dân, lên khung cảnh hoảng loạn của nhân dân, sự chết chóc, tang thương của đất nước trong buổi đầu có thực dân Pháp xâm lược.

- Tâm trạng của tác giả: Đau buồn, xót thương trước cảnh nước mất nhà tan.
Thái độ của tác giả: Căm thù giặc xâm lược. Mong mỏi có người hiền tài đứng lên đánh đuổi thực dân, cứu đất nước thoát khỏi nạn này.

- Lòng yêu nước, lòng căm thù giặc của Nguyễn Đình Chiểu.

- Tả thực kết hợp với khái quát, lựa chọn từ ngữ, hình ảnh.
- Biên pháp đối lập, câu hỏi tu từ....

Câu 2: Dàn ý bài thơ Chạy giặc của Nguyễ Đình Chiểu?

Gợi ý trả lời:

a. Mở bài

Giới thiệu bài thơ: “Chạy giặc” là bài thơ kết tinh tình yêu nước và phong cách nghệ thật của cụ Đồ Chiểu.

b. Thân bài

- Mở đầu bài thơ, Nguyễn Đình Chiểu đã gợi ra khung cảnh hỗn loạn khi tiếng súng Tây bất ngờ nổ rền trong không gian

  • Khung cảnh họp chợ nhộn nhịp, huyên náo quen thuộc bỗng trở nên náo loạn, tiếng súng Tây bắt ngờ rền vang trong sự hốt hoảng tột độ của mọi người.

  • “Một bàn cờ thế phút sa tay” gợi cho chúng ta nhiều liên tưởng, đó có thể là hình ảnh tả thực về một bàn cờ đang chơi dang dở thì bị bỏ ngang vì tiếng súng giặc, đó cũng có thể là hình ảnh ẩn dụ cho thế cuộc giằng co gay gắt

- Tiếng súng của giặc Pháp đã tạo nên sự hoảng loạn, kinh hoảng đến tột độ.

  • Hình ảnh những đứa trẻ lơ xơ chạy, đàn chim  dáo dát bay không chỉ gợi ra không khí bom đạn dữ dội mà còn tái hiện tình cảnh đáng thương của con người trước thực cảnh tàn bạo mà kẻ thù gây ra.

- Tiếp đến hai câu luận, nhà thơ đã phát triển và mở rộng ý thơ để lên án tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân, đất nước ta

  • Trong thế kỉ XIX, Đồng Nai và Bến Nghé là những vựa lúa rộng lớn, là trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất. Thế nhưng chỉ trong phút chốc, bom đạn cùng âm mưu thâm độc của kẻ thì đã phá hủy tất cả.

  • “Tan bọt nước”, “nhuốm màu mây” đã diễn tả chân thực khung cảnh điêu tàn mà Pháp đã gây ra

- Kết thúc bài thơ, tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện sự trăn trở, suy tư trước vận mệnh của đất nước

  • Câu hỏi của nhà thơ vừa là lời lên án sự nhu nhược, hèn nhát của quân lính triều đình khi để giặc chiếm đóng quê hương, bờ cõi vừa là mong muốn về một trang hào kiệt có thể cứu nước, cứu dân khỏi thực cảnh nô lệ, mất tự do.

  • “Nỡ để dân đen mắc nạn này”, câu thơ mang hình thức của câu hỏi nhưng lại thể hiện được tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ đối với những người dân cần lao.

c. Kết bài

Chạy giặc là bài thơ yêu nước tiêu biểu không chỉ ghi lại được sự kiện lịch sử đau thương của đất nước mà còn là bài ca yêu nước có thể làm sống dậy và hướng tới chúng ta khát vọng độc lập, tự do.

4. Kết luận

- Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương yêu nước sáng ngời, một ngôi sao sáng trong nền văn học dân tộc. Tuy ông bị mù nhưng tấm lòng ông lại sáng trong như gương.

- Tình yêu nước, tấm lòng yêu thương, thấu hiểu đối với cuộc sống của người dân được thể hiện trọn vẹn trong những áng thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu. “Chạy giặc” là bài thơ kết tinh tình yêu nước và phong cách nghệ thật của cụ Đồ Chiểu.

Ngày:05/08/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM