Tiếng Việt lớp 5 bài 9C: Bức tranh mùa thu

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em rèn luyện kĩ năng thuyết trình và tranh luận về một vấn đề nào đó. eLib đã biên soạn bài học này bám sát chương trình SGK Tiếng Việt VNEN 5. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Tiếng Việt lớp 5 bài 9C: Bức tranh mùa thu

1. Hoạt động thực hành

Câu 1.

Chơi trò chơi: Thi nói nhanh các từ ngữ chỉ sự vật có trong thiên nhiên hoặc từ chỉ đặc điểm của sự vật có trong thiên nhiên.

- Chơi theo hình thức tiếp sức, mỗi bạn nói một từ.

- Bạn nào không nói được sau khi cả nhóm đếm từ 1 đến 3 thì phải dừng chơi.

- Trò chơi kết thúc khi hết thời gian hoặc khi chỉ còn 1 bạn được quyền chơi tiếp.

Hướng dẫn giải:

Tham khảo một số từ chỉ sự vật và đặc điểm như sau:

Bầu trời – trong xanh; đám mây – bồng bềnh, hồ nước – trong veo, thảm cỏ - xanh mượt; tia nắng - ấm áp; hàng cây – khẳng khiu; thác nước – trắng xoá; con suối – róc rách; …

Câu 2.  Đọc mẩu chuyện sau:

Bầu trời mùa thu

Tôi cùng bọn trẻ đi ra cánh đồng. Buổi sáng tháng chín mát mẻ và dễ chịu. Tôi nói với các em :

- Các em hãy nhìn lên bầu trời mà xem. Mùa hè, nó rất nóng và cháy lên những tia sáng của ngọn lửa. Còn bây giờ bầu trời thế nào ? Hãy suy nghĩ và chọn những từ ngữ thích hợp để miêu tả nó.

Bọn trẻ nhìn lên bầu trời và suy nghĩ. Sau vài phút, một em nói :

- Bầu trời xanh như mặt nước mệt mỏi trong ao.

- Vì sao mặt nước lại mệt mỏi ? - Tôi hỏi lại.

- Thưa thầy, mùa hè, nước dạo chơi cùng những làn sóng. Mùa thu, nó mệt và đứng lại với màu xanh nhạt. Nó mệt mỏi!

Những em khác tiếp tục nói :

- Bầu trời được rửa mặt sau cơn mưa.

- Bầu trời xanh biếc.

Cô bé Va-li-a nhỏ nhắn đứng trầm ngâm một chỗ. Tôi hỏi:

- Còn Va-li-a, vì sao em im lặng thế ?

- Em muốn nói bằng những từ ngữ của mình.

- Em đã tìm được câu nào chưa ?

- Bầu trời dịu dàng - Va-li-a khẽ nói và mỉm cười.

Sau đó, mỗi em đều muốn nói về bầu trời bằng từ ngữ của riêng mình :

- Bầu trời buồn bã. Những đám mây xám đang từ phương bắc trôi tới.

- Bầu trời trầm ngâm. Nó nhớ đến tiếng hót của bầy chim sơn ca.

- Bầu trời ghé sát mặt đất. Mùa hè, nó cao hơn và có những con chim én bay liệng. Còn bây giờ chẳng có chim én nữa, vì thế bầu trời cúi xuống lắng nghe để tìm xem chim én đang ở trong bụi cây hay ở nơi nào.

Theo XU-KHÔM-LIN-XKI

(Mạnh Hưởng dịch)

Câu 3: Thảo luận, trả lời câu hỏi

1) Trong câu chuyện trên, có những từ ngữ nào tả bầu trời?

2) Trong câu chuyện trên, biện pháp nhân hoá được sử dụng qua những từ ngữ nào?

Hướng dẫn giải:

1) Những từ ngữ được dùng để tả bầu trời đó là: xanh như mặt nước mệt mỏi trong ao, rửa mặt, dịu dàng, buồn bã, trầm ngâm, nhớ, ghé sát, cúi xuống, lắng nghe, tìm, rất nóng và cháy lên những tia sáng của ngọn lửa xanh biếc, cao hơn.

2) Biện pháp so sánh được sử dụng qua các từ ngữ: rửa mặt, dịu dàng, buồn bã, trầm ngâm, nhớ, ghé sát, cúi xuống, lắng nghe, tìm.

Câu 4.

Viết một đoạn văn khoảng 5 câu tả một cảnh đẹp ở quê em hoặc nơi em ở có sử dụng biện pháp nhân hoá:

Hướng dẫn giải:

Quê hương em là một vùng nông thôn yên bình và vô cùng tươi đẹp. Buổi sáng, khi ông mặt trời thức dậy, cây cối cũng bừng tỉnh sau một đêm dài ngon giấc. Nắng lên, cánh đồng trải dài như tấm thảm khổng lồ. Những chú cò trắng nhởn nhơ bay dưới tầng mây rồi đáp cánh nhẹ nhàng xuống cánh đồng để ăn bữa điểm tâm. Xa xa, thấp thoáng bóng người đi tháo nước, be bờ. Tất cả đã làm cho bức tranh của làng quê thêm sống động.

Câu 5: Đọc mẩu chuyện sau:

Ai cần nhất đối với cây xanh?

Đất, Nước, Không Khí và Ánh Sáng đều tự cho mình là người cần thiết nhất đối với cây xanh.

Đất nói:

- Tôi có chất màu để nuôi cây lớn. Không có tôi, cây không thể sống được!

Nước kể công:

- Nếu chất màu không có nước vận chuyển thì cây có lớn lên được không?

Không Khí chẳng chịu thua:

- Cây xanh rất cần khí trời, không có khí trời thì tất cả các cây cối đều chết rũ.

Còn Ánh Sáng nhẹ nhàng nói:

- Cây cối dù có đủ đất, nước, không khí nhưng thiếu ánh sáng thì sẽ không thể có màu xanh . Không có màu xanh thì còn gọi là cây xanh sao được!

Câu 6. Dựa vào ý kiến của các nhân vật ở trên, em hãy nêu ý kiến của mình để tranh luận cùng các bạn: Đất, Nước, Không Khí hay Ánh Sáng cần cho cây xanh hơn? Vì sao?

Hướng dẫn giải:

+ Đất : Tôi cung cấp chất màu để nuôi sống cây. Không có đất cây không thể sống và phát triển được. Nếu bạn nhổ cây ra khỏi đất, cây sẽ chết trong một thời gian ngắn. Nếu không được cung cấp chất màu cây sẽ chết. Cũng như con người, cây cũng phải ăn thì mới sống được.

+ Nước : Nước rất quan trọng đối với cây xanh. Có những cây chỉ cần sống trong nước. Nếu không có tôi thì chất màu trong đất không thể trở thành dinh dưỡng để chuyển đến các bộ phận trong cây, nuôi cây lớn lên, như máu trong cơ thể người. Cây cũng như con người, cần thức ăn nhưng cũng phải có nước uống. Nếu không có nước cây sẽ chết khô, nếu thiếu nước cây sẽ còi cọc, chậm phát triển, héo rũ và chết.

+ Không khí : Theo tôi, cây cũng giống như con người. Cây có thể nhịn ăn, nhịn uống từ 3 đến 4 ngày nhưng không thể nhịn thở. Cây rất cần ô-xi và các-bô-níc có trong không khí để thực hiện quá trình hô hấp và quang hợp. Nếu trồng cây trong chỗ kín, bịt kín hay bọc trong túi ni lông cây sẽ chết.

+ Ánh sáng : Nếu không có tôi thì cây sẽ không có màu xanh vì làm gì có chất diệp lục. Không có ánh sáng cây sẽ yếu ớt, chậm phát triển, còi cọc.

Câu 7: Đọc bài ca dao sau và trả lời: Đèn hay trăng quan trọng hơn? Vì sao?

Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng

Đèn ra trước gió còn chăng, hỡi đèn?

Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn

Cớ sao trăng phải chịu luồn đám mây?

Đọc bài ca dao trên ta thấy, cả trăng và đèn đều có tầm quan trọng như nhau. Ở mỗi hoàn cảnh khác nhau, cả trăng và đèn sẽ thể hiện được tầm quan trọng của mình:

- Khi gặp gió, đèn sẽ tắt, trong khi đó, trăng vẫn chiếu sáng vằng vặc.

- Nhưng khi ban đêm trăng bị mây che, mặt đất tối om, không còn thấy ánh sáng trăng đâu cả thì ánh sáng của đèn rất tỏ.  

Câu 8: Trình bày ý kiến của em sao cho thuyết phục để mọi người thấy rõ sự cần thiết của cả trăng và đèn trong bài ca dao trên:

Hướng dẫn giải:                                           

Trong cuộc sống của chúng ta, ánh sáng là thứ cần thiết. Trăng có thể soi sáng nửa vòng trái đất nhưng khi có mây, trăng lại trơi chò trốn tìm lúc ẩn lúc hiện, lúc tỏ lúc mờ. Khi đó đèn sẽ sáng hơn tất cả, đèn soi sáng cho ta làm việc, đèn giúp ta nhìn rõ mọi vật hơn trong đêm tối hơn trăng. Nhưng đèn chỉ để thắp trong nhà, đèn không thể soi sáng cả bầu trời như trăng, bởi đèn luôn phải dập tắt bởi những làn gió. Khi có gió trăng sáng hơn đèn, khi có mây đèn lại sáng hơn trăng. Trăng và đèn là một đôi bạn bè sát cánh bên con người mọi lúc mọi nơi. Cả đèn và trăng đều cần thiết, đều hữu ích cho chúng ta. Trăng tỏa ánh sáng dịu nhẹ xuống khắp mặt đất nhưng đèn chỉ soi sáng được trong một phạm vi hẹp mà thôi.

2. Hoạt động ứng dụng

Câu 1.

Quan sát bầu trời và nói cho người thân những điều em quan sát được.

Hướng dẫn giải:

Bầu trời và thời tiết dường như là đôi bạn đi cùng với nhau. Những ngày thời tiết nắng đẹp bầu trời cũng vì thế mà xanh, cao và trong hơn. Từng đám mây nhẹ trôi lững lờ. Những ngày thời tiết lạnh lẽo âm u bầu trời cũng như hao gầy, trắng nhợt nhạt.Từng đám mây buồn không muốn trôi. Những ngày có mưa dông, bầu trời xám xịt, mây đen kéo về vần vũ.

Câu 2.

Nói với người thân vì sao em cho rằng trăng và đèn đều cần thiết đối với đời sống của con người?

Hướng dẫn giải:

Trăng và đèn đều cần thiết cho cuộc sống của con người.  Đây là hai vật cùng toả sáng vào ban đêm. Trăng soi sáng khắp nơi. Trăng làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp, thơ mộng. Nếu không có trăng, cuộc sống sẽ ra sao nhỉ ? Chúng ta sẽ không có đêm rằm trung thu, không được ngắm nhìn những vì sao lung linh trên trời... Nhưng đừng vì thế mà coi thường đèn. Trăng chỉ sáng vào một số ngày trong tháng và cũng có khi phải luồn vào mây. Còn đèn, đèn tuy nhỏ bé nhưng cũng rất có ích. Đèn soi sáng cho con người quanh năm, đèn giúp em học bài, đèn giúp mẹ làm việc... Nhưng đèn không nên kiêu ngạo với trăng. Đèn không thể sáng nếu không có dầu, có điện. Đèn dầu ra trước gió sẽ có thể bị gió thổi tắt. Trong cuộc sống của chúng ta, cả trăng và đèn đều rất cần thiết. Trăng đem lại cho con người ta những xúc cảm đa dạng: nhớ quê hương, yêu thiên nhiên, cảm thấy khoan khoái, thoải mái hơn,…

3. Tổng kết

Qua nội dung bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Biết cách thuyết trình và tranh luận.

- Vận dụng giải bài tập SGK một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Ngày:11/11/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM