Công nghệ 9 Bài 5: Các đường may cơ bản
Muốn tạo thành những sản phẩm may mặc, cần áp dụng một số đường may cơ bản để may ráp các chi tiết và viền mép sản phẩm. Vậy có những đường may cơ bản nào chúng ta cùng tìm hiểu qua nội dung Bài 5: Các đường may cơ bản.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Các kiểu can vai (may can, may nối)
a. Can rẽ
- Nối rẽ là cách nối đơn giản và thông dụng nhất trong may mặc . Trước khi may nối rẽ, các mép vải nên may vắt sổ để không bị tưa vải . Nối rẽ chỉ thực hiện một đường may ở bề trái và khi may xong , các mép vải được rẽ sang hai bên.
- Quy trình thực hiện:
Úp hai mặt phải vải vào nhau, hai mép vải trùng nhau hình a. May đường may song song và cách mép vải 1cm hình b.
Mở đôi mảnh vải, cạo rẽ đường can để hai mép vải nằm về hai phía (hình 1.c). Hoặc làm ẩm mép vải rồi dùng bàn là nóng là ép cố định đường can (hình 1.d)
- Yêu cầu kỹ thuật
- Rẽ vải sát đường may, đường may thẳng không nhăn vải, các mép vải bằng mí.
- Mặt phải: Đường can thẳng, mặt vải phẳng.
- Mặt trái: Hai mép vải cách đều đường can và êm.
- Ứng dụng: Đường can rẽ dùng để may sườn tay, sườn thân, đường giàng quần, dọc quần…
- Áp dụng mũi tới , mũi đột thưa hoặc mũi đột khít khi may tay.
b. Can lộn (may nối lộn)
- May nối lộn gồm hai đường may, nhằm mục đích giấu méo vải tưa sợi vào trong đường may. May nối lộn được áp dụng trên vải mỏng để không bị dày cộm.
- Quy trình thực hiện:
- Úp hai mặt trái vải vào nhau, hai mép vải trùng nhau (hình a). May đường may thứ nhất cách mép gấp 0,3÷0,5cm để mép vải gọn vào trong (hình 2.b).
- Dùng kéo cắt hết xơ vải (nếu có), lộn vải sang mặt trái, cạo sát đường may (hình c). May đường may thứ hai cách mép gấp 0,5÷0,7cm để mép vải gọn vào trong (hình d).
- Yêu cầu kỹ thuật:
- Đường may thẳng , cách đều mép vải, không nhăn vải.
- Không để lộ sợi vải tưa ra ngoài đường may.
- Mặt phải: Đường can thẳng, mặt vải phẳng, êm, không lộ mép vải.
- Mặt trái: Đường may cách đều mép gấp.
- Ứng dụng: Đường can lộn dùng để may ống quần, đáy quần, sườn tay, sườn thân áo… khi mép vải không được vắt sổ.
c. Can cuốn phải (may nối ép)
- Trên bề mặt vải, hai đường may ở mặt phải vải song song của nối ép tạo nên những nét cứng mạnh trên áo quần. Nối ép, thường được sử dụng trên các áo sơ mi, áo bluJong (blouson) quần Jin (jean) . Cách nối này giấu được các mép vải vào bên trong và không làm dày cộm đường may nối trên vải.
- Quy trình thực hiện:
- Đặt hai mặt trái vải vào nhau, mặt phải ra ngoài, mép vải lệch nhau 0,6÷0,8cm (hình a). Gấp mép mảnh vải ở dưới úp lên sát với mép mảnh vải ở trên (hình b).
- Úp mép vải vừa gấp xuống bàn máy, may đường thứ nhất cách đều mép gấp 0,5÷0,7cm (hình c). Mở hai mảnh vải ra, cạo sát đường may, cắt sửa mép vải, cuộn mép vải vào trong (hình d). May đường thứ hai sát mí, cách mép cuốn 0,1cm. Ở mặt phải vải có hai đường may cách đều nhau 0,4÷0,6cm (hình e).
- Yêu cầu kỹ thuật
- Đường may phẳng, chắc.
- Hai đường may cách đều nhau và có cỡ mũi may bằng nhau.
- Ứng dụng: Đường can cuốn phải dùng để may quần đùi, quần pijama, quần bò, sơ mi nam…
1.2. Các kiểu viền vải
a. Viền gấp mép
Có 2 dạng viền gấp mép là: viền gấp mép không nối vải và viền gấp mép nối vải
- Viền gấp mép không nối vải
+ Mép vải được gấp vào bên trong và may viền đính mép vải vào thân áo quần. Chỉ được áp dụng viền gấp mép trên những đường thẳng hoặc hơi cong như lai áo, tay áo, lai quần…
+ Quy trình thực hiện:
Gấp mép vải vào mặt trái hai lần: lần thứ nhất gấp xuống một khoảng bằng 0,5cm (hình a). Gấp tiếp lần thứ hai theo nét vẽ phần vải chừa để may nẹp (hình b). May viền: May sát mí cách mép gấp 0,1cm (hình c).
+ Yêu cầu kỹ thuật:
- Bề ngang khoảng viền đều nhau.
- Không nhăn vải.
- Viền gấp mép có nối vải
+ Các bạn học thiết kế thời trang và học cắt may thấy đấy trên các đường cong như vòng cổ áo, ồng quần phùng trẻ em…. ta không thể trực tiếp gấp mép vải được, mà phải may nối vải để viền.
+ Thường sử dụng cho các chi tiết ạng đường cong: Cắt vải viền theo hình dạng mép vải cần viền.
+ Ví dụ: Vòng cổ thân áo (hình a)
- Úp mặt phải vải viền vào mặt phải cần viền, sắp bằng mép đường cong, may một đường cách mép vải 0,5cm (hình 5.b).
- Cắt xơ vải, sửa mép đường cong cho đều, bấm theo đường cong (cách đường may 0,2cm) để khi lộn sang trái, nẹp không bị cộm, dúm (hình 5.c).
- May nẹp viền: Cạo sát đường may, lật nẹp viền sang mặt trái vải cần viền, gấp mép vải viền, lược cố định (hình 5.d). May sát mí hoặc khâu vắt, khâu chữ V.
+ Yêu cầu kỹ thuật
- Vải nẹp cắt đúng hình dạng chỗ cần viền và có bề rộng bằng nhau.
- Đường may viền phẳng, êm, không dúm, giữ được hình dạng của chi tiết sản phẩm.
+ Ứng dụng: Viền gấp mép dùng để viền cổ áo, gấu áo, váy, quần…
b. Viền bọc mép
- Viền bọc mép được áp dụng để may những đường viền trang trí quần áo phụ nữ, trẻ em bằng vải cùng màu hoặc khác màu. Viền bọc mép là cách dùng một miếng vải canh xéo cùng màu hoặc khác màu với sản phẩm để bọc mép vải vào trong, giữ cho mép vải không bị sổ sợi, đồng thời làm đẹp cho sản phẩm.
- Quy trình thực hiện
+ Cắt vải viền canh xéo (chéo sợi): rộng 2,5÷3cm, dài bằng chỗ cần viền. Nếu không đủ chiều dài thì phải nối vải theo đường chéo để mép viền không bị cộm.
Quy ước chiều vải:
-
Canh sợi dọc:
-
Canh sợi ngang:
(a) Cắt vải viền, (b) Nối vải viền
+ May viền bọc:
- Úp mặt phải miếng vải viền vào mặt phải sản phẩm chỗ cần viền, sắp hai mép vải bằng nhau (hình a). May một đường cách mép vải 0,5cm (hình b).
- Lật miếng vải viền, dùng móng tay cạo êm đường may ở mặt phải vải; trùm vải viền qua mép vải, gấp mép úp xuống qua đường may thứ nhất 0,2cm; vê cuộn để mép vải nằm gọn ở bên trong; điều chỉnh để nẹp viền gọn, chắc, rộng bằng nhau (hình 7c).
- May đường thứ hai lọt khe đường thứ nhất ở mặt phải vải (hình 7d).
- Yêu cầu kỹ thuật
- Mũi chỉ lọt khe, thẳng đều.
- Đường viền tròn, chắc đẹp.
- Mặt trái mép vải viền không bị trượt đường may.
- Ứng dụng: Viền bọc mép dùng để viền cổ áo, nách áo, nẹp áo, cổ tay… kết hợp với trang trí.
2. Luyện tập
Câu 1: Hãy quan sát các mẫu áo, quần đùi, quần bò… và nêu tên các đường may được sử dụng để may sản phẩm:
Gợi ý trả lời
- Áo:
- Đường sườn thân, sườn vai, ống tay: may can lật đè, may can rẽ, may ép.
- Cổ, nẹp, gấu áo: may can, may can rẽ chặn hai bên, may can kê sổ,
- Quần:
- Ống quần, đũng (đáy) quần: may can lật đè,
- Gấu quần, cạp quần: may can kê gấp mép.
Câu 2:
- Viền vải có công dụng gì?
- Người ta thường áp dụng viền vải vào các chi tiết nào của sản phẩm?
Gợi ý trả lời
- Viền vải có tác dụng để vải không bị tưa sợi ra.
- Các chi tiết vòng cổ áo, ống quần phùng trẻ em thường được áp dụng viền vải.
3. Kết luận
Sau khi học xong bài này các em cần:
- Biết được thao tác và qui trình may một số kiểu can vải, viền vải thông dụng.
- Thực hiện được các đường may cơ bản đúng kĩ thuật bằng máy may để vận dụng vào sản phẩm.
Tham khảo thêm
- doc Công nghệ 9 Bài 1: Giới thiệu nghề cắt may
- doc Công nghệ 9 Bài 2: Vật liệu và dụng cụ cắt may
- doc Công nghệ 9 Bài 3: Máy may
- doc Công nghệ 9 Bài 4: Thực hành: Sử dụng và bảo dưỡng máy may
- doc Công nghệ 9 Bài 6: Bản vẽ cắt may
- doc Công nghệ 9 Bài 7: Cắt may quần đùi, quần dài
- doc Công nghệ 9 Bài 8: Thực hành cắt may quần đùi, quần dài
- doc Công nghệ 9 Bài 9: Cắt may áo tay liền
- doc Công nghệ 9 Bài 10: Cắt may một số kiểu cổ áo không bâu
- doc Công nghệ 9 Bài 11: Cắt may một số kiểu bâu lá sen
- doc Công nghệ 9 Bài 12: Thực hành cắt may áo tay liền