Địa lí 9 Bài 39: Phát triển tổng hợp kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển - đảo (tt)

Nhằm giúp các bạn ôn tập thật tốt kiến thức về Phát triển tổng hợp kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển - đảo trong chương trình Địa lí 9, eLib.vn xin gửi đến bạn đọc nội dung bài 39 Địa lí 9. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo tại đây!

Địa lí 9 Bài 39: Phát triển tổng hợp kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển - đảo (tt)

1. Tóm tắt lý thuyết

1.2. Phát triển tổng hợp kinh tế biển

a. Khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản

b. Du lịch biển - đảo

c. Khai thác và chế biến khoáng sản biển

  • Ngành khai thác muối:

- Điều kiện phát triển:

   + Biển nước ta là nguồn muối vô tận.

   + Số giờ nắng cao.

- Tình hình phát triển:

   + Nghề làm muối phát triển nhất ở các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ.

   + Các cánh đồng muối nổi tiếng là Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cá Ná (Ninh Thuận)…

Sản xuất muối ở Cà Ná, Ninh Thuận

  • Khai thác oxit titan, cát trắng:

- Điều kiện phát triển: Nhiều bãi cát có chứa oxit titan giá trị xuất khẩu, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp thủy tinh, pha lê.

- Tình hình phát triển: Tập trung nhiều ở đảo Vân Hải (Quảng Ninh) và Cam Ranh (Khánh Hòa).

  • Khai thác dầu khí:

- Điều kiện phát triển: Dầu khí là khoáng sản quan trọng nhất ở thềm lục địa.

- Tình hình phát triển:

   + Dầu khí được khai thác ở thềm lục địa Đông Nam Bộ.

   + Công nghiệp hóa dầu đang dần được hình thành, trước mắt là xây dựng các nhà máy lọc dầu, các cơ sở hóa dầu để sản xuất chất dẻo sợi tổng hợp..., chế biến khí công nghệ cao, xuất khẩu khí tự nhiên và khí hóa lỏng. Nhà máy lọc dầu đầu tiên của nước ta được xây dựng ở tỉnh Quảng Ngãi.

d. Phát triển tổng hợp giao thông vận tải biển

  • Điều kiện phát triển:

- Gần các tuyến đường biển quốc tế.

- Ven biển có nhiều vùng vịnh, cửa sông có thể xây dựng cảng nước sâu.

  • Tình hình phát triển:

- Cả nước có 120 cảng biển lớn nhỏ (cảng có công suất lớn nhất là cảng Sài Gòn).

- Giao thông vận tải biển phát triển ngày càng mạnh mẽ cùng với sự mở rộng quan hệ quốc tế và sự hoà nhập kinh tế nước ta vào nền kinh tế thế giới.

  • Phương hướng phát triển:

- Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống cảng biển.

- Đội tàu biển quốc gia được tăng cường mạnh mẽ.

- Cả nước sẽ hình thành ba cụm cơ khí đóng tàu lớn ở Bắc Bộ, Nam Bộ và Trung Bộ.

- Dịch vụ hàng hải cũng sẽ được phát triển toàn diện.

Lược đồ tiềm năng một số ngành kinh tế biển

1.3. Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển - đảo

a. Sự giảm sút tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển - đảo

- Diện tích rừng ngập mặn giảm nhanh.

- Nguồn lợi hải sản cũng giảm đáng kể, nhiều loài hải sản giảm về mức độ tập trung, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng.

- Ô nhiễm môi trường nước biển với nồng độ cao ở các cảng và nơi khai thác dầu.

b. Một số biện pháp để bảo vệ tài nguyên và môi trường biển – đảo

- Điều tra, đánh giá tiềm năng sinh vật tại các vùng biển sâu. Đầu tư để chuyển hướng khai thác hải sản từ vùng biển ven bờ sang vùng nước sâu xa bờ.

- Bảo vệ rừng ngập mặn, đồng thời đẩy mạnh các chương trình trồng rừng ngập mặn.

- Bảo vệ rạn san hô ven biển và cấm khai thác san hô dưới mọi hình thức.

- Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

- Phòng chống ô nhiễm nước biển bởi các yếu tố hóa học, đặc biệt là dầu mỏ.

2. Luyện tập

Câu 1: Kể tên một số khoáng sản chính ở vùng biển nước ta mà em biết.

Gợi ý làm bài

Một số khoáng sản chính ở vùng biển nước ta:

- Dầu khí ở thềm lục địa phía nam.

- Muối chủ yếu ở duyên hải Nam Trung Bộ (Cà Ná, Sa Huỳnh).

- Cát trắng, titan: Khánh Hòa, Quảng Ninh.

Câu 2: Tại sao nghề làm muối phát triển mạnh ở ven biển Nam Trung Bộ?

Gợi ý làm bài

Nghề làm muối phát triển mạnh ở ven biển Nam Trung Bộ vì:

- Vùng có khí hậu nhiệt đới nắng nóng, nhiệt độ cao quanh năm nên thuận lợi cho quá trình làm muối.

- Ít cửa sông, chủ yếu các con sông ngắn nhỏ nên vùng nước ven biển có độ mặn cao hơn.

- Địa hình ven biển thuận lợi để hình thành các cánh đồng muối.

- Người dân có nhiều kinh nghiệm sản xuất muối.

Câu 3: Dựa vào kiến thức đã học, trình bày tiềm năng và sự phát triển của hoạt động khai thác dầu khí ở nước ta.

Gợi ý làm bài

Tiềm năng và sự phát triển của hoạt động khai thác dầu khí ở nước ta:

  • Tiềm năng dầu khí:

- Dầu khí là tài nguyên khoáng sản quan trọng nhất ở thềm lục địa phía Nam. Nước ta có 8 bể trầm tích: sông Hồng, Hoàng Sa, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Tư Chinh- Vũng Mây, Trường Sa, Thổ Chu -Mã Lai; trong đó hai bể trầm tích lớn nhất là Nam Côn Sơn và Cửu Long.

  • Hoạt động khai thác dầu khí:

- Dầu khí là ngành kinh tế biển mũi nhọn, chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Những thùng dầu đầu tiên được khai thác vào năm 1986, từ đó sản lượng dầu tăng liện tục hàng năm (năm 2002 đạt 16,9 triệu tấn dầu thô).

- Công nghiệp hóa dầu đang được hình thành, có các nhà máy lọc hóa dầu như Dung Quất, Vân Phong…đã góp phần nâng cao giá trị và đa dạng hóa các sản phẩm từ dầu mỏ: sản xuất chất dẻo, sợi tổng hợp, cao su tổng hợp, hóa chất…

- Công nghiệp chế biến khí bước đầu phục vụ cho phát điện, sản xuất phân đạm sau đó chuyển sang chế biến khí công nghệ cao kết hợp với xuất khẩu khí tự nhiên và khí hóa lỏng.

- Các mỏ dầu đang được khai thác là: Bạch Hổ, Rạng Đông, Đại Hùng, Rồng, Hồng Ngọc; các mỏ khí: Lan Tây, Lan Đỏ, Tiền Hải.

Câu 4: Việc phát triển giao thông vận tải biển có ý nghĩa to lớn như thế nào đối vớ ngành ngoại thương ở nước ta?

Gợi ý làm bài

Ý nghĩa của việc phát triển giao thông vận tải biển đối với ngành ngoại thương ở nước ta:

- Thúc đẩy hoạt động giao lưu, buôn bán với các quốc gia được dễ dàng hơn thông qua tuyến đường biển quốc tế.

- Vận tải biển có ưu điểm trong vận chuyển hàng hóa nặng, cồng kềnh trên những tuyến đường dài xuyên lục địa. Góp phần mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thay đổi và chuyển dịch cơ cấu hàng hóa giữa nước ta với các quốc gia trong khu vực, trên thế giới.

Câu 5: Nêu một số nguyên nhân dẫn tới sự giảm sút tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển –đảo ở nước ta. Sự giảm sút tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển – đảo sẽ dẫn đến những hậu quả gì?

Gợi ý làm bài

  • Nguyên nhân của sự giảm sút tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển -đảo:

- Khai thác nguồn lợi thủy sản vượt quá mức độ phục hồi, nhất là thủy sản ven bờ

- Khai thác bằng cách thức mang tính hủy diệt như sử dụng chất độc, chất nổ, điện ...

- Chưa bảo vệ tốt các diện tích rừng ngập mặn ven biển và các tài nguyên sinh vật khác (các loài lưỡng cư, chim biển, các rạn san hô ...) của vùng biển - đảo.

- Các chất thải từ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp của các khu dân cư, đô thị, các khu công nghiệp, các khu du lịch ở ven biển và trên các đảo.

- Hoạt động khai thác khoáng sản biển, nhất là khai thác dầu khí.

- Nạn tràn dầu từ các phương tiện vận tải biển.

  • Sự giảm sút tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển – đảo dẫn đến những hậu quả sau:

- Làm suy giảm tính đa dạng sinh vật của nước ta, cạn kiệt tài nguyên.

- Ảnh hưởng xấu tới việc phát triển tổng hợp kinh tế biển theo hướng bền vững (đặc biệt là phát triển nghề cá, du lịch biển - đảo).
- Gây khó khăn cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư vùng biển — đảo.

Câu 6: Chúng ta cần thực hiện những biện pháp cụ thể gì để bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.

Gợi ý làm bài

Các biện pháp:

- Điều tra, đánh giá tiềm năng sinh vật tại các vùng biển sâu. Đầu tư để chuyển hướng khai thác hải sản từ vùng biển ven bờ sang vùng nước sâu xa bờ.

- Bảo vệ rừng ngập mặn hiện có, đồng thời đẩy mạnh các chương trình trồng rừng ngập mặn.

- Bảo vệ rạn san hô ngầm ven biển và cấm khai thác san hô dưới mọi hình thức.

- Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

- Phòng chống ô nhiễm biển bởi các yếu tố hóa học, đặc biệt là dầu mỏ.

3. Kết luận

Sau bài học cần nắm các nội dung sau:

- Trình bày các hoạt động khai thác TN biển- đảo và phát triển tổng hợp KT biển.

- Trình bày đặc điểm tài nguyên và MT biển, đảo; một số biện pháp bảo vệ tài nguyên và MT biển, đảo.

- Phân tích bản đồ, sơ đồ, số liệu thống kê để nhận biết tiềm năng kinh tế biển, đảo Việt Nam.

Ngày:05/08/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM