Những thói quen sai lầm khiến tuổi thọ của máy giặt bị giảm

Ai cũng nghĩ giặt quần áo bằng máy là việc nhẹ nhàng và đơn giản. Nhưng hãy cẩn thận, vì chắc chắn bạn mắc rất nhiều thói quen có hại cho máy giặt và cả quần áo của bạn. Hãy cùng eLib tìm hiểu đó là những thói quen sai lầm nào khi sử dụng máy giặt mà bạn đang mắc phải nhé!

Những thói quen sai lầm khiến tuổi thọ của máy giặt bị giảm

1. Không để ý đến lượng quần áo khi giặt

Rất nhiều bà nội trợ không có thói quen để ý định lượng quần áo khi giặt máy. Đây là thói quen cần từ bỏ bởi mỗi máy giặt đều có một trọng lượng giặt xả nhất định.

Nếu cho quá nhiều quần áo vào một lần giặt, cùng với lượng nước được xả vào lồng giặt sẽ khiến cho trục quay trong lồng giặt quá tải, bị mắc kẹt không quay được. Tình trạng này xảy ra một vài lần sẽ dẫn đến hỏng trục xoay hoặc trục xoay bị trờn, rung lắc do lệch tâm thiết kế ban đầu. Hơn nữa, khối lượng giặt quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả giặt. Quần áo khó sạch vì bị xoắn thành một khối và không thể khuấy, lắc theo guồng quay của nước vì quá ít không gian trong lồng giặt. Vì thế, chất tẩy và bụi bẩn không được rửa trôi như khi giặt với lượng vừa đủ.

Tuy nhiên, quá ít quần áo có thể gây ra nhiều vấn đề hơn là quá tải vì quần áo có thể sẽ dồn về một phía của lồng giặt, làm cho lồng giặt mất cân đối, gây nên những cú lắc mạnh hay va đập trong khi vắt và sấy.

Để đạt hiệu quả giặt tốt nhất, nên căn đúng khối lượng quần áo cho một lần giặt. Thông thường, lượng quần áo khô cho vào lồng giặt tối đa là 4/5 so với chiều cao của lồng giặt.

2. Sử dụng bất kỳ loại xà phòng nào

Nhiều bà nội trợ Việt có thói quen sử dụng bất kỳ loại bột giặt nào cho máy giặt. Thực tế, máy giặt rất kén chất tẩy rửa, đặc biệt là các máy giặt lồng ngang. Sử dụng không đúng loại xà phòng chuyên dụng rất dễ dẫn đến những hỏng hóc không đáng có.

Công thức của bột giặt tay và bột giặt dành cho máy hoàn toàn khác nhau. Loại giặt máy thường ít bọt hơn nhưng có khả năng tẩy tốt hơn. Độ hòa tan của bột giặt sử dụng cho máy cũng tốt hơn, giúp tránh để lại các vết xà phòng vằn vện trên quần áo sau khi giặt.

Nếu sử dụng bột giặt tay, công thức quá nhiều bọt của loại bột giặt này thường ảnh hưởng đến hoạt động và độ bền của máy. Nhiều trường hợp, bọt quá nhiều sẽ tràn qua lồng giặt, làm ẩm môi trường bên trong máy và mô tơ nên máy dễ hư hỏng.

Thậm chí, nhiều nhà sản xuất máy giặt hiện nay khuyên các bà nội trợ nên chọn loại bột giặt dành riêng cho máy giặt cửa trên và máy giặt cửa ngang. Ngoài ra, khi sử dụng, bạn cũng nên sử dụng lượng chất giặt tẩy theo định lượng quy định của nhãn hàng đã ghi rõ trên bao bì hay trên thân máy.

3. Không vệ sinh máy giặt định kỳ

Máy giặt là nơi dễ bị nhiễm bẩn bởi bụi bẩn, nấm mốc, chất bẩn và mảng bám của chất thải từ việc giặt quần áo hàng ngày. Nếu không được vệ sinh thường xuyên, các loại chất bẩn dễ nhiễm vào sợi vải và gây nên các bệnh cho đường hô hấp, bệnh ngoài da và thậm chí gây bẩn ngược lại cho quần áo.

4. Sử dụng máy giặt liên tục

Nhiều người có thói quen “gom” quần áo để giặt liền một lúc. Chính thói quen này dễ gây hại cho máy. Việc phải hoạt động liên tục trong một thời gian mà không cho máy nghỉ sẽ khiến máy bị quá tải và làm hỏng các thiết bị bên trong.

Vì vậy, dù bận đến đâu, mỗi ngày bạn nên gom quần áo để giặt vào 1 lần hay chia ra hai lần với khối lượng thích hợp để không ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của máy, tránh tình trạng vừa giặt xong một mẻ lại tiếp tục mẻ giặt khác. Hãy để cho máy nghỉ một vài tiếng trước khi giặt mẻ mới.

5. Không phân loại và kiểm tra quần áo trước khi giặt

Thao tác phân loại và kiểm tra quần áo trước khi giặt rất hay bị bỏ quên. Đây là thói quen cực kỳ xấu của nhiều người.

Các bà nội trợ Việt thường ít phân loại quần áo khi giặt giũ. Thông thường, nhiều người thường giặt chung các loại quần áo vào một “mẻ” để tiết kiệm điện nước. Thế nhưng đây là một thói quen tai hại.

Mỗi loại quần áo, chất liệu vải thường đòi hỏi một chế độ giặt khác nhau, đó là lý do vì sao các nhà sản xuất cài đặt nhiều chương trình giặt. Trước khi giặt quần áo, bạn cần phân loại những thứ cần giặt thành từng nhóm, để có thể chọn chế độ giặt phù hợp. Bạn cũng nên phân loại các quần áo trắng và quần áo màu giặt từng “mẻ” riêng tránh quần áo bị phai màu.

Ngoài ra, trước khi cho quần áo vào lồng giặt, bạn cũng nên kiểm tra xem còn đồ vật gì bị lẫn hay còn đựng trong túi quần/áo hay không. Những vật dụng: chìa khóa, tiền xu... còn trong quần áo sẽ rơi ra khi máy giặt đang hoạt động dễ làm mắc kẹt và xước lồng giặt. Thậm chí, có thể dẫn đến làm chập cháy máy giặt do đang hoạt động ở tốc độ cao bị ngừng đột ngột hoặt vật lạ rơi vào khe hở trong máy.

6. Mở nắp khi máy đang hoạt động

Nhiều người có thói quen mở nắp máy giặt để cho thêm quần áo vào lồng giặt nếu lỡ quên. Việc mở máy giặt trong khi máy đang hoạt động là điều cấm kỵ mà các nhà sản xuất luôn cảnh báo người dùng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng cũng như cho thiết bị. Nếu thùng máy đột ngột bị mở khi lồng giặt đang quay, Điều này khiến mọi hoạt động bị gián đoạn, lệch trục quay của lồng giặt. Để an toàn, hãy nhấn nút “Tạm dừng” (Pause), rồi mở máy giặt, sau đó lại tiếp tục bật máy.

7. Không để ý đến hoạt động của máy giặt

Cho quần áo vào lồng giặt, cho xà phòng, nước xả, nhấn nút khởi động rồi không để ý đến hoạt động của máy là thói quen của nhiều người. Các chuyên gia máy giặt khuyên rằng trong quá trình giặt, bạn vẫn cần để mắt đến hoạt động của máy để xử lý những sự cố có thể xảy ra.

Đặc biệt, sau khi khởi động máy giặt, bạn nên chú ý đến lượng nước cấp cho máy. Nguồn nước cung cấp quá yếu mà không được xử lý kịp thời dễ làm cho máy cháy và hư hỏng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho áo quần sau khi giặt máy còn dính các vệt bột giặt. Hoặc trong quá trình giặt, nếu thấy máy nóng hoặc phát ra tiếng động lạ phải lập tức dừng ngay việc giặt để kiểm tra xem có đồ vật gì lẫn trong quần áo hay máy giặt bị quá tải hay không.

Ngày:20/09/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM