Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt giao thông đường bộ và đường sắt

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Để hiểu rõ hơn, mời các bạn tham khảo chi tiết nội dung tài liệu.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt giao thông đường bộ và đường sắt

CHÍNH PHỦ
-------

Số: 100/2019/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2019

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG SẮT

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

2. Các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này gồm:

a) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;

b) Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;

c) Đơn vị sự nghiệp công lập;

d) Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam;

đ) Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

e) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện);

g) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

h) Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư gồm: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam;

i) Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

3. Hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.

4. Người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lĩnh vực giao thông đường bộ:

a) Máy kéo là loại xe gồm phần đầu máy tự di chuyển, được lái bằng càng hoặc vô lăng và rơ moóc được kéo theo (có thể tháo rời với phần đầu kéo);

b) Các loại xe tương tự xe ô tô là loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ hai trục, bốn bánh xe trở lên, có phần động cơ và thùng hàng (nếu có) lắp trên cùng một xát xi (kể cả loại xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện);

c) Các loại xe tương tự xe mô tô là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh, có dung tích làm việc của động cơ từ 50 cm3 trở lên, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h, có khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg;

d) Xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h;

đ) Các loại xe tương tự xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h, trừ các xe quy định tại điểm e khoản này;

e) Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện).

2. Lĩnh vực giao thông đường sắt:

a) Dốc gù là hệ thống thiết bị phục vụ công tác dồn tàu mà khi đầu máy đẩy đoàn toa xe đến đỉnh dốc, sẽ tiến hành tác nghiệp cắt nối toa xe để các toa xe lợi dụng thế năng của đỉnh dốc tự chạy vào các đường trong bãi dồn;

b) Dồn phóng là phương pháp lợi dụng động năng của đoàn dồn để phóng toa xe hoặc cụm toa xe vào các đường trong bãi dồn;

c) Thả trôi là phương pháp lợi dụng thế năng của đường dồn tàu để thả cho toa xe hoặc cụm toa xe tự chạy vào các đường trong bãi dồn;

d) Cắt hớt là phương pháp cắt cụm toa xe khi đoàn dồn đang dịch chuyển;

đ) Chế độ hô đáp là quy định bắt buộc mà người được quy định hô các mệnh lệnh, thực hiện các biểu thị và người chấp hành các mệnh lệnh, biểu thị phải đáp lại đúng nội dung đã nhận được;

e) Cấp cảnh báo là thông báo bằng văn bản cho các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu liên quan về tình trạng bất bình thường của kết cấu hạ tầng đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt và các trường hợp cần thiết khác, kèm theo các biện pháp thực hiện nhằm bảo đảm an toàn chạy tàu;

g) Khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt là khoảng không gian dọc theo đường sắt đủ để tàu chạy qua không bị va quệt;

h) Phạm vi an toàn đường ngang là đoạn đường bộ đi qua đường sắt nằm giữa hai cần chắn, giàn chắn (bao gồm cả cần chắn, giàn chắn) hoặc nằm giữa hai ray chính ngoài cùng và hai bên đường sắt cách má ray ngoài cùng trở ra 06 m nơi không có chắn;

i) Phạm vi an toàn cầu chung là phạm vi giữa hai cần chắn, giàn chắn (bao gồm cả cần chắn, giàn chắn) hoặc phạm vi từ mép trong của mố (giáp đầu dầm) hai đầu cầu trở ra mỗi bên 10 m ở nơi không có cần chắn, giàn chắn.

Điều 4. Các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng

1. Các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt bao gồm:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

c) Buộc thực hiện biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra;

d) Buộc tái xuất phương tiện khỏi Việt Nam;

đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính;

e) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Các biện pháp khắc phục hậu quả khác trong lĩnh vực giao thông đường bộ:

a) Buộc phải tháo dỡ các vật che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông hoặc buộc phải di dời cây trồng không đúng quy định;

b) Buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, rác, chất phế thải, phương tiện, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị, biển hiệu, biển quảng cáo, đinh, vật sắc nhọn, dây, các loại vật dụng, vật cản khác;

c) Buộc phải thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định hoặc buộc phải treo biển báo thông tin công trình có đầy đủ nội dung theo quy định;

d) Buộc phải xây dựng lại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ theo đúng quy định, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật;

đ) Buộc phải bổ sung hoặc sửa chữa các biển báo hiệu bị mất, bị hư hỏng và khắc phục các hư hỏng của công trình đường bộ;

e) Buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của phương tiện, thiết bị theo quy định hoặc tháo bỏ những thiết bị lắp thêm không đúng quy định;

g) Buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện;

h) Buộc phải đăng ký, niêm yết đầy đủ, chính xác các thông tin theo quy định;

i) Buộc phải gắn hộp đèn với chữ “TAXI” hoặc buộc phải niêm yết cụm từ “XE TAXI”, “XE HỢP ĐỒNG”, “XE DU LỊCH” theo đúng quy định;

k) Buộc phải cấp “thẻ nhận dạng lái xe” cho lái xe theo quy định;

l) Buộc phải tổ chức tập huấn nghiệp vụ hoặc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe theo quy định;

m) Buộc phải ký hợp đồng với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe;

n) Buộc phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông theo quy định;

o) Buộc phải bố trí người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải đủ điều kiện theo quy định;

p) Buộc phải lắp đặt camera, dây an toàn, đồng hồ tính tiền cước, thiết bị in hóa đơn, thiết bị giám sát hành trình trên xe theo đúng quy định;

q) Buộc phải cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô theo quy định;

r) Buộc phải cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào phần mềm xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô hoặc máy chủ của đơn vị cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

s) Buộc phải lập, cập nhật, lưu trữ đầy đủ, chính xác lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề của lái xe, các hồ sơ, tài liệu có liên quan trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động vận tải của đơn vị theo quy định;

t) Buộc phải khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc buộc phải thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe;

u) Buộc phải khôi phục lại hình dáng, kích thước, tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông;

v) Buộc phải thực hiện điều chỉnh thùng xe theo đúng quy định hiện hành, đăng kiểm lại và điều chỉnh lại khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông;

x) Buộc phải làm thủ tục đăng ký xe, đăng ký sang tên hoặc thủ tục đổi lại, thu hồi Giấy đăng ký xe, biển số xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;

y) Buộc phải đưa phương tiện quay trở lại Khu kinh tế thương mại đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế.

3. Các biện pháp khắc phục hậu quả khác trong lĩnh vực giao thông đường sắt:

a) Buộc phải lắp đặt đúng, đủ và duy trì hoạt động bình thường của hệ thống báo hiệu, tín hiệu, thiết bị theo quy định;

b) Buộc phải tổ chức thử hãm hoặc tổ chức thực hiện phòng vệ theo quy định;

c) Buộc phải để toa xe chở hàng nguy hiểm (chất nổ, chất cháy) hoặc để ghi dẫn sang đường khác theo đúng quy định về dồn tàu;

d) Buộc phải ra khỏi đường sắt, cầu, hầm dành riêng cho đường sắt;

đ) Buộc phải đưa đất, đá, cát, vật chướng ngại, rơm, rạ, nông sản, rác thải sinh hoạt, chất độc hại, chất phế thải, chất dễ cháy, dễ nổ các loại vật tư, vật liệu, vật phẩm khác ra khỏi đường sắt, công trình đường sắt khác hoặc phạm vi đất dành cho đường sắt;

e) Buộc phải đưa bè, mảng, phương tiện vận tải thủy hoặc các vật thể khác ra khỏi phạm vi bảo vệ cầu đường sắt;

g) Buộc phải đưa phương tiện giao thông đường bộ, vật tư, vật liệu, máy móc thiết bị, hàng hóa, biển phòng vệ, biển báo tạm thời ra khỏi khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt;

h) Buộc phải thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn công trình đường sắt, bảo đảm an toàn giao thông đường sắt theo quy định;

i) Buộc phải dỡ bỏ vật che khuất biển hiệu, mốc hiệu, tín hiệu của công trình đường sắt hoặc đưa tấm đan bê tông, gỗ, sắt thép, các vật liệu khác (đặt trái phép) ra khỏi phạm vi bảo vệ công trình đường sắt hoặc hạ độ cao của cây trồng có chiều cao vượt quá quy định, di dời cây trồng không đúng quy định hoặc có ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt;

k) Buộc đưa phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa, chất phế thải, các vật phẩm khác (để trái phép) ra khỏi phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt;

l) Buộc phải tháo dỡ, di chuyển các công trình, nhà ở, lều, quán gây trở ngại cho việc xây dựng, cải tạo, mở rộng và bảo đảm an toàn công trình đường sắt hoặc buộc phải tháo dỡ, di chuyển lều, quán (dựng trái phép), biển quảng cáo, biển chỉ dẫn, các vật che chắn khác (đặt, treo trái phép) ra khỏi phạm vi đất dành cho đường sắt hoặc buộc phải phá dỡ công trình hết hạn sử dụng, tháo dỡ công trình bị thu hồi, hủy giấy phép;

m) Buộc phải gia cố, di chuyển hoặc cải tạo công trình gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường sắt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

n) Buộc phải tổ chức sửa chữa, bổ sung, gia cố, thay thế các hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt để bảo đảm chất lượng theo công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng đã công bố;

o) Buộc phải bố trí đủ thiết bị an toàn, tín hiệu, biển báo, tín hiệu phòng vệ theo quy định;

p) Buộc phải để phương tiện, vật liệu, thiết bị thi công theo đúng quy định, không gây cản trở chạy tàu;

q) Buộc phải lắp đầy đủ theo đúng quy định hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của các thiết bị, gồm: thiết bị hãm tự động, hãm bằng tay; van hãm khẩn cấp, đồng hồ áp suất (tại vị trí làm việc của trưởng tàu và trên toa xe khách); thiết bị ghép nối đầu máy, toa xe; thiết bị tín hiệu đuôi tàu; đồng hồ báo tốc độ, thiết bị ghi tốc độ và các thông tin liên quan đến việc điều hành chạy tàu (hộp đen); thiết bị cảnh báo để lái tàu tỉnh táo trong khi lái tàu; thiết bị đo tốc độ tàu, thiết bị thông tin liên lạc giữa trưởng tàu và lái tàu (tại vị trí làm việc của trưởng tàu);

r) Buộc phải khôi phục lại kết cấu, hình dáng, tính năng sử dụng ban đầu của phương tiện trước khi đưa phương tiện tham gia giao thông trên đường sắt;

s) Buộc phải bổ sung đầy đủ theo quy định trên tàu khách hoặc tàu hàng về: thiết bị, dụng cụ, vật liệu chữa cháy; thuốc sơ, cấp cứu; dụng cụ thoát hiểm; dụng cụ chèn tàu; dụng cụ, vật liệu để sửa chữa đơn giản; tín hiệu cầm tay;

t) Buộc phải hướng dẫn người vi phạm về vị trí quy định hoặc đưa người, hàng hóa ra khỏi đầu máy;

u) Buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của toa xe;

v) Buộc thu hồi và tiêu hủy bằng, chứng chỉ chuyên môn đã cấp trái phép;

x) Buộc phải đưa thi hài, hài cốt, động vật sống, động vật có dịch bệnh, chất dễ cháy, dễ nổ, vũ khí, hàng nguy hiểm, xuống tàu (tại ga đến gần nhất trong trường hợp tàu đang chạy), ra ga để xử lý theo quy định;

y) Buộc phải thực hiện ngay nhiệm vụ vận tải đặc biệt, an sinh xã hội theo yêu cầu của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

4. Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngày:15/07/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM