Hướng dẫn làm mứt dừa thơm ngon tại nhà

Nội dung bài viết được eLib chia sẻ dưới đây sẽ hướng dẫn cho bạn cách làm mứt dừa non truyền thống với công thức chuẩn. Chẳng cần phải đi mua ngoài mà Tết này bạn và gia đình vẫn được thưởng thức mứt dừa tự làm không những ngon mà còn đẹp mắt. Cùng tham khảo và áp dụng ngay nhé!

Hướng dẫn làm mứt dừa thơm ngon tại nhà

1. Nguyên liệu làm mứt dừa

  • Cùi dừa: 1 kg
  • Đường trắng: 500 g
  • 50ml sữa tươi không đường và vani

Lưu ý: Chọn cùi dừa nên còn nguyên hình của cả quả không bị vỡ, không quá già hoặc quá non.

2. Cách làm mứt dừa

2.1 Cách làm mứt dừa truyền thống

Bước 1: Nạo cùi dừa

Cùi dừa mua về gọt sạch phần vỏ nâu bên ngoài. Nạo dừa theo vòng tròn xung quanh cùi dừa để thành sợi dài mỏng.

Bước 2: Làm sạch cùi dừa

Nạo xong cho ngay vào thau nước sạch bóp đều cho dừa ra bớt dầu. Thực hiện 2 - 3 lần nước. Đun sôi một nồi nước, cho thêm thìa cafe muối, đổ cùi dừa vào trần qua khoảng 1 phút. Vớt ra rửa sạch lại rồi để ráo nước.

Ngâm dừa trong nước làm sạch và loại bỏ lớp dầu

Bước 3: Ướp cùi dừa với đường

Cho tất cả cùi dừa vào bát tô sâu lòng, loại to trộn đều với tỷ lệ 1kg dừa: 500g đường. Đảo nhẹ tay để cùi dừa không bị đứt gãy. Đảo đều xong ướp từ 4 - 6 tiếng. Đường tan thì 30 phút đảo 1 lần cho ngấm hết.

Ướp dừa với đường cho ngấm

Bước 4: Sên dừa

Đun chảo sâu lòng nóng già, cho dừa vào sên với lửa nhỏ. Đảo liên tục và đều tay, đảo nhẹ tay để dừa không bị nát, ngấm đều và không bị cháy.

Sên dừa

Khi nước đường sền sệt lại cho 50ml sữa tươi không đường và thêm xíu vani tạo mùi và sên tiếp. Bật lửa thật nhỏ để dừa không bị vàng. Tiếp tục sên khoảng 30 - 45 phút, dừa khô lại, có phấn trắng bám quanh sợi dừa thì tắt bếp nhưng vẫn đảo thêm một lúc cho dừa nguội rồi mới bắc ra.

Dàn mỏng và nong nong dừa cho nguội hẳn, để ở một nơi thoáng mát, gần ánh nắng để dừa khô hẳn lại, săn và có màu trắng đẹp.

2.2 Cách làm mứt dừa nhiều màu (ngũ sắc)

Ngoài cách làm mứt dừa truyền thống đơn giản như trên thì bạn có thể làm mứt dừa với nhiều màu sắc cũng mang tới gia đình những đĩa mứt đẹp mắt đãi khách ngày Tết. Cách làm cũng rất đơn giản như sau:

a. Nguyên liệu

- 1kg dừa, 500g đường trắng

- Nguyên liệu tạo màu:

  • Màu xanh: 1 bó lá dứa hoặc bột trà xanh
  • Màu đỏ: 3 củ dền tươi
  • Màu cam: 2 củ cà rốt hoặc 3 quả cam
  • Màu tím: 1 bắp cải tím hoặc 200g lá cẩm tím
  • Màu vàng: 150g củ nghệ tươi

b. Các bước làm mứt dừa nhiều màu:

  • Bước 1: Nạo dừa thành sợi dài sau đó rửa qua nước nhiều lần loại bỏ dầu. Luộc qua với nước sôi, rửa sạch lại lần nữa và để khô ráo nước.
  • Bước 2: Tạo màu xanh với lá dứa: Lá dứa rửa sạch, cắt thành từng đoạn nhỏ, xay nhuyễn. Dùng khăn xô lọc lấy nước, loại bỏ bã. Nếu dùng bột trà xanh thì hòa tan bột với 10ml nước.
  • Bước 3: Tạo màu hồng với củ dền: Gọt bỏ vỏ củ dền, xay nhuyễn và chắt lấy nước cốt.
  • Bước 4: Tạo màu cam: Bổ đôi quả cam vắt lấy nước cốt. Nếu làm với cà rốt thì gọt bỏ vỏ, rửa sạch, xay nhuyễn và chắt lấy nước cốt.
  • Bước 5: Tạo màu tím: Cho lá cẩm vào luộc với 1 ít nước, sôi thì lọc bỏ bã lấy phần nước màu tím. Nếu dùng bắp cải tím thì xay nhuyễn và chắt lấy nước cốt.
  • Bước 6: Tạo màu vàng: gọt bỏ vỏ củ nghệ tươi, cho vào xay nhuyễn và vắt lấy nước cốt.

Nước cốt tạo màu cho mứt dừa

  • Bước 7: Trộn dừa với đường và chia thành 5 phần bằng nhau. Cho nước cốt các màu xanh, đỏ, tím, cam, vàng vào từng phần dừa và trộn đều. Để nguyên liệu dừa ngấm đường và ngấm màu khoảng 4 - 6 tiếng hoặc qua đêm.

Ngâm mứt dừa với màu và sên từng loại để tạo thành mứt dừa nhiều màu hấp dẫn

Bước 8: Dùng chảo rộng để sên từng phần dừa. Sên với lửa nhỏ cho tới khi dừa có các lớp bột màu trắng, khô lại thì tắt bếp. Tiếp tục đảo cho tới khi nguội bớt thì bắc ra là có từng phần dừa ngũ sắc.

Lưu ý: Sên riêng từng loại dừa để các màu không pha với nhau

2.3 Cách làm mứt dừa non miếng

Mứt dừa non miếng có thể tạo làm các miếng to, dài hoặc thái thành từng hạt cỡ đầu ngón tay và dùng thêm vài màu sắc cho bắt mắt. Cách làm đơn giản như sau:

a. Nguyên liệu

  • Dừa non 1k (loại dừa chạm vào vẫn còn rất mềm)
  • Đường 500g
  • Bột trà xanh, bột ca cao mỗi loại 2 thìa cafe.
  • Sữa tươi túi 200g

b. Các bước làm mứt dừa non miếng

Bước 1: Gọt bỏ lớp vỏ còn bám bên ngoài quả dừa, thái thành từng miếng dừa dài hoặc từng hạt bằng đầu ngón tay hoặc hình trái tim tùy thích.

Bước 2: Rửa sạch dừa qua 2 - 3 lần nước. Đun nước sôi trần qua dừa khoảng 1 phút, vớt ra để ráo.

Tạo hình và rửa sạch dừa để chuẩn bị làm mứt

Bước 3: Sên mứt vị sữa: Cho ⅓ lượng đường và sữa vào chảo, đun nhỏ lửa để sữa ấm lên, khuấy cho tan hết đường sau đó cho ⅓ chỗ dừa vào chảo đảo đều, đun lửa ở mức trung bình.

Bước 4: Khi nước đường cạn sền sệt thì hạ lửa nhỏ nhất, đảo thật đều tay cho tới khi thấy các lớp áo bột trắng phủ lên mứt. Tiếp tục đảo trên bếp khoảng 10 - 15 phút nữa cho dừa khô kiệt, ăn thử thấy khô hẳn là được. Cho mứt dừa vị sữa ra đĩa để nguội.

Bước 5: Phần phấn đường còn lại hòa thêm xíu nước, cho ½ lượng đường còn lại vào đun, đảo cho tan hết thì cho tiếp ½ dừa vào sên, đảo thật đều tay. Khi nước đường sền sệt lại thì rắc bột ca cao lên, đảo đều và đun với lửa nhỏ nhất. Sên cho tới khi khô kiệt là được.

Bước 6: Dùng chảo khác hòa tan bột trà xanh với xíu nước, cho vào chảo, cho nốt chỗ đường vào đảo đều cho tan hết, đổ dừa vào sên cho tới khi nào khô kiệt là được.

Lưu ý: Mứt dừa miếng nếu không sên khô kiệt thì để ngoài nhiệt độ thường 1, 2 tiếng là chảy nước ngay. Các bạn ăn thử thấy khô rồi mới dừng sên.

2.4 Cách làm mứt dừa hoa cúc

Mứt dừa hoa cúc đẹp mắt, thêm nhiều màu sắc bắt mắt và đãi khách ngày tết vừa trang trọng, lịch sự lại rất ngọt ngào.

a. Nguyên liệu:

  • Dừa 1kg (chọn loại bánh tẻ, non non một chút)
  • 500g đường trắng

b. Các bước làm mứt dừa hoa cúc

Bước 1: Bổ cùi dừa làm 4 phần bằng nhau. Cắt thành các hình chữ nhật dài 2 đốt rưỡi ngón tay, rộng 1 đốt rưỡi ngón tay.

Bước 2: Dùng dao cắt theo chiều dài thành những miếng dừa mỏng độ dày 1mm, không được cứa đứt rời. Mỗi miếng dừa cắt được khoảng 15 - 17 cánh dừa theo hình dưới đây:

Bước 3: Rửa sạch dừa với nước ấm ấm cho bớt dầu rồi mang đi ướp đường như cách làm dừa truyền thống. Tỷ lệ 1kg dừa 500g đường. Ướp từ 4 - 6 tiếng cho đường tan hết ngấm vào dừa.

Bước 4: Sên dừa như cách sên dừa truyền thống, có thể cho thêm các loại màu để tạo thành mứt dừa hoa cúc nhiều màu đẹp mắt. Khi mứt dừa kết tinh lại, có lớp phấn trắng thì dùng bao tay nilon vừa đảo vừa rũ tới khi mứt khô hẳn.

Bước 5: Lúc dừa còn ấm, uốn cong các cánh dừa thành hình bông hoa cúc.

3. Mẹo & lưu ý khi làm mứt dừa

  • Nên mua dừa bánh tẻ tức là dừa không quá già cũng không quá non. Dừa quá già mứt sẽ bị cứng, khô, giòn dễ gãy. Dừa quá non mứt sẽ bị nhũn, dễ chảy nước.
  • Tỷ lệ đường để làm mứt dừa là 1:0.4 nghĩa là 1kg cùi dừa thì cần 0.4kg đường. Đây là tỷ lệ chuẩn đã qua các mẻ mứt dừa làm trên thực tế của những người có kinh nghiệm.
  • Nên dùng đường kính trắng để thu được mứt dừa truyền thống có màu trắng đẹp mắt.
  • Một số công thức khác khuyên bạn cho thêm sữa tươi không đường để tăng độ bùi, ngậy nhưng nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm thì tốt nhất không nên thử.
  • Với những bạn không được khéo tay hoặc để tiết kiệm thời gian thì mua cùi dừa bán sẵn ở siêu thị cũng không phải là 1 sự lựa chọn tồi. Nếu mua dừa tươi ở cửa hàng thì nên nhờ người bán bổ hộ lấy phần sọ dừa mang về, bạn chỉ việc nạo cùi dừa mà thôi.
  • Thời gian sên mứt dừa từ 45 đến 60 phút.
  • Lượng cùi dừa bạn sên trong 1 mẻ cũng ảnh hưởng đến thời gian sên và thành phẩm. Nếu sên ít quá thì đường dễ cháy, sên nhiều quá thì lâu và đường không kết tinh đều.
  • Nhiều bạn vừa sử dụng loại chảo có đáy vừa mỏng, vừa nhỏ, lại sử dụng bếp ga thì dù có hạ lửa ở mức nhỏ cũng vẫn có thể khiến đường bị cháy. Lúc này tùy theo cảm nhận, nếu thấy nhiệt độ quá cao bạn hãy tắt bếp 1 chút, nguội bớt lại bật bếp lên trong khi vẫn đảo để giữ nhiệt độ ở mức vừa phải. Nếu sử dụng bếp từ thì để lửa ở mức 1. Dùng bếp từ có lợi thế là khi để mức 1 thì bếp có cơ chế bật/tắt nên giữ nhiệt độ khá đều.

4. Cách bảo quản mứt dừa

Bảo quản mứt dừa trong túi bóng kín hoặc trong hũ thủy tinh, tránh tiếp xúc với không khí và tránh những nơi có nhiệt độ cao sẽ làm mứt dừa chảy nước.

Bạn có thể làm mứt dừa để sử dụng trong gia đình, biếu tặng bạn bè, người thân hoặc thậm chí làm để bán, không chỉ dùng trong ngày Tết Âm Lịch mà ngày thường cũng nên làm để có 1 món ăn vặt truyền thống nổi tiếng của Việt Nam. Để khám phá các cách làm khác để biến tấu cho đa dạng, mời bạn xem các cách làm khác bên dưới nhé.

5. Các lỗi thường gặp khi làm mứt dừa

Mứt dừa bị ướt, chảy nước hoặc bị mốc

Mứt dừa bị chảy nước vì trong cùi dừa còn nước. Khi tiếp xúc với không khí nước sẽ ngấm dần ra ngoài làm đường tan chảy. Để khắc phục vấn đề này, khi làm xong bạn cần bảo quản trong túi kín để tránh tiếp xúc với không khí. Mặt khác, bạn không nên nạo cùi dừa quá dày vì khi sên sẽ khó hút bớt nước ra ngoài được. Mứt dừa bảo quản tốt cũng chỉ nên sử dụng trong 10 ngày tránh bị hỏng, mốc.

Mứt dừa bị đen, vàng, cháy hoặc cứng

Với trường hợp bị cháy, đen hay vàng vì bạn để lửa quá to, đường mà dừa đều bị cháy. Cũng không nên dùng loại đường vàng hay nâu, mứt dừa sẽ không có được màu trắng đẹp mắt.

Mứt dừa bị cứng

Mứt dừa bị cứng vì bạn chọn phải quả dừa quá già. Chọn dừa bánh tẻ sẽ không gặp phải hiện tượng này.

Đường kết tinh không mịn, không bám đều

Để đường kết tinh được mịn (hay còn gọi là phấn đường) thì ngoài việc trộn đúng tỷ lệ dừa/đường, căn lửa chính xác để đường kết tinh từ từ bạn phải đảo đều tay để đường bám đều trên bề mặt. Việc sử dụng chảo lớn hay chảo bé, đáy dày hay đáy mỏng, lượng vừa sên trong 1 mẻ cũng ảnh hưởng đến việc này.

Trên đây là hướng dẫn các bước làm mứt dừa thơm ngon cho ngày Tết, cùng tham khảo để bổ sung thực đơn vào dĩa bánh kẹo ngày Tết của gia đình bạn nhé! Chúc các bạn thành công!

Ngày:15/08/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM