Các cách cải thiện da khô ở chân

Da khô ở chân là vấn đề về da thường xuất hiện vào những tháng mùa đông, khi độ ẩm trong không khí ở mức thấp. Bất kỳ đối tượng nào, ở độ tuổi nào và vào thời gian nào cũng có thể bị khô da ở chân. Trường hợp nghiêm trọng thậm chí có thể khiến da nứt nẻ. Cùng eLib.VN tìm hiểu về nguyên nhân và các cách cải tiện tình trạng khô da chân qua bài viết này nhé.

Các cách cải thiện da khô ở chân

1. Nguyên nhân da khô ở bàn chân

Thiếu độ ẩm

Da khô, nứt nẻ, bong tróc phổ biến ở gót chân và mu bàn chân vì những vùng này có ít tuyến dầu.

Kích ứng

Đứng quá lâu hoặc mang giày không phù hợp có thể gây áp lực liên tục lên các khu vực cụ thể của bàn chân, tạo ra ma sát với da. Kết quả là những khu vực này của bàn chân có thể trở nên khô, chai sạn hoặc nứt nẻ.

Nhiệt và độ ẩm

Những đôi giày kín như giày thể thao hoặc giày bít mũi sẽ tạo ra một môi trường nóng và hút độ ẩm từ da dẫn đến tình trạng da khô ở bàn chân.

Xà phòng

Xà phòng và các hóa mỹ phẩm sử dụng hàng ngày có thể làm mất độ ẩm của da. Việc bạn không rửa sạch xà phòng ở chân cũng có thể gây khô da.

Lão hóa

Yếu tố tuổi tác là một trong những nguyên nhân tác động đến sự khô da, làm da mất khả năng giữ nước và trở nên mỏng hơn. Người lớn tuổi có thể dễ gặp phải tình trạng khô da do quá trình lão hóa tự nhiên.

Mang giày thể thao

Các vận động viên thường xuyên mang giày thể thao tạo nên môi trường sinh sôi cho các loại vi khuẩn giữa các ngón chân và dưới bàn chân.

Thuốc

Một số loại thuốc có tác dụng làm mất nước của cơ thể gây khô da và khô ở bàn chân. Ngoài ra, da khô ở bàn chân có thể xảy ra ở một số bệnh lý như: bệnh chàm, bệnh vảy nến, suy tuyến giáp, bệnh tiểu đường.

2. Cách cải thiện da khô ở chân

Dùng sản phẩm tẩy tế bào chết

Nếu làn da khô muốn bổ sung dưỡng chất sao cho thật hiệu quả thì trước hết bạn cần tẩy tế bào chết. Hãy nhớ lớp tế bào chết ở chân có thể dày gấp nhiều lần so với vùng da khác nên muốn da không còn sần sùi bạn nên tẩy tế bào chết đều đặn hàng tuần. Cách tẩy tế bào chết vùng chân là ngâm chân sau đó dùng bàn chải mềm, muối tắm, xơ mướp rồi chà sát nhẹ nhàng để loại bỏ tế bào chết một cách dễ dàng.

Ngâm chân trong nước ấm

Hãy pha một chậu nước đủ ẩm rồi cho vào vào 2 - 3 thìa muối, ngâm chân trong 15 phút. Ngâm chân trong nước ấm giúp làm dịu da khô, cải thiện lưu thông máu đến bàn chân, giúp ngăn ngừa da khô trong tương lai. Bạn thêm một lượng nhỏ giấm vào nước ngâm chân để giúp điều trị tình trạng viêm nhẹ. Giấm có đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ giúp khử trùng bàn chân, loại bỏ mùi hôi chân. Các thành phần có lợi khác có thể xem xét thêm vào nước ngâm chân như: muối Epsom, mật ong, yến mạch, nước chanh, tinh dầu bạc hà…

Tăng cường dưỡng ẩm

Dùng kem dưỡng ẩm để thoa lên da sau khi đã chắc chắn loại sạch tế bào chết. Đừng ngần ngại bỏ ra 5 - 10 phút để massage bàn chân giúp lưu thông máu đồng thời giúp dưỡng chất thẩm thấu nhanh hơn vào da chân và phát huy hiệu quả tối đa. Tốt nhất là bạn nên tránh các loại kem, kem dưỡng ẩm có chứa cồn, hương liệu và màu nhân tạo vì những thành phần này có thể làm xấu đi làn da khô. Bạn nên sử dụng các sản phẩm có chứa các thành phần: chất làm ẩm (nha đam, axit hyaluronic…), chất làm mềm (bơ, dầu thực vật…), các chất bổ sung (lanolin, dầu dừa…).

Bổ sung nhiều nước

Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, làn da là cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng. Tình trạng mất nước sẽ nhanh chóng khiến da khô và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác. Bạn cần phải uống nhiều nước mỗi ngày để bảo vệ da và toàn bộ cơ thể. Lượng nước cần uống sẽ khác nhau tùy vào cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên, lượng nước cơ bản cần duy trì mỗi ngày chính là từ 1-2 lít nước.

Mang vớ giữ ẩm đi ngủ

Bạn có thể sử dụng vớ lót gel dưỡng ẩm chứa dầu tự nhiên và vitamin (sản phẩm này khá mới trên thị trường) giúp giữ nước và hạn chế tình trạng khô da trên bàn chân. Bạn cũng có thể sử dụng kem dưỡng ẩm da chân ban đêm sau đó mang tất với chất liệu cotton và tháo tất vào buổi sáng rồi rửa chân thật kỹ.

Massage chân với dầu dừa

Lợi ích của dầu dừa có thể giúp làm mềm và giữ ẩm cho đôi chân của bạn do cung cấp nước cho làn da. Dầu dừa còn làm cho tất cả mảng da khô bong tróc biến mất chỉ sau một vài lần thực hiện. Bạn hãy massage chân của mình bằng một ít dầu dừa cho đến khi dưỡng chất hấp thụ vào da rồi để chân qua đêm. Để giúp chữa da khô ở bàn chân hiệu quả, bạn cần nên kiên trì thực hiện các bước massage mỗi tối trước khi đi ngủ cho đến lúc bình phục. Bạn cũng có thể sử dụng dầu ô liu hoặc dầu em bé thay cho dầu dừa và thêm một vài giọt dầu cây trà vào bất kỳ loại dầu nào để có tác dụng làm dịu.

Ngâm chân trong nước giấm táo

Bên cạnh việc ngâm chân trong nước ấm, bạn có thể ngâm chân bằng giấm táo. Axit malic có trong giấm táo sẽ giúp tẩy tế bào da chết khiến da khô bong tróc và làm sạch. Giấm táo cũng phục hồi cân bằng độ pH của da và giảm khô da trong thời gian dài.

Bạn có thể làm sạch da khô ở bàn chân bằng các bước dưới đây:

  • Cho giấm vào thau nước ấm và ngâm chân khoảng 15 - 30 phút.
  • Bỏ chân ra khỏi nước và dùng tay chà sạch để loại bỏ lớp da bong tróc.
  • Rửa sạch với nước thường.
  • Lau khô và thoa kem dưỡng ẩm.

Với phương pháp này, bạn nên thực hiện hai lần một tuần để thấy hiệu quả.

Khắc phục da khô bằng dầu dừa và đường

Đường nâu có thể giúp bạn tẩy tế bào chết, loại bỏ da bong tróc dễ dàng cũng như làm cho da mềm mại và sạch sẽ. Dầu dừa hoạt động như một chất dưỡng ẩm và điều trị da khô bằng cách cung cấp cho các tế bào da các axit béo thiết yếu.

Rửa chân bằng mật ong

Mật ong chứa các chất dinh dưỡng giúp chữa lành da khô và bong tróc. Nó cũng chứa chất chống oxy hóa làm trẻ hóa làn da bằng cách đảo ngược tác hại do các gốc tự do gây ra. Bạn hãy thoa mật ong nguyên chất lên bàn chân của mình rồi massage và để trong 10 phút. Sau đó, bạn rửa sạch chân mình với nước. Làn da sẽ sớm trở nên mềm mại nếu bạn thực hiện cách này mỗi ngày.

3. Cách phòng ngừa khô da ở chân

Mang giày vừa chân.

Sử dụng nước ấm để tắm, ngâm chân chứ không dùng nước nóng.

Thay vì chà xát mạnh bàn chân khi tắm, bạn nhẹ nhàng lau khô bằng khăn sạch.

Vệ sinh bàn chân đúng cách như làm sạch chân, loại bỏ da chết, sử dụng kem dưỡng ẩm.

Tránh các loại kem, xà phòng và sữa tắm có chứa cồn, hương liệu, phẩm màu và các chất kích thích khác.

Da khô ở bàn chân gây ra cảm giác khó chịu, mất thẩm mỹ, chảy máu, tróc da, ngứa… Vì vậy việc tìm hiểu nguyên nhân và các các cải thiện khô da ở chân là vô cùng cần thiết. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn đọc cải thiện được tình trạng của bản thân.

Ngày:04/11/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM