Sinh học 7 Bài 63: Ôn tập
Cùng eLib tổng ôn các kiến thức về quá trình tiến hóa của giới động vật, quá trình thích nghi của động vật. Đồng thời tìm hiểu vai trò của động vật đối với con người và thiên nhiên. Mời các bạn cùng tham khảo!
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Tiến hoá của giới động vật
- Động vật hiện nay được biết đến khoảng 1,5 triệu loài.
- Trong quá trình tiến hóa, động vật tiến hóa từ chỗ cơ thể chỉ gồm một tế bào (động vật đơn bào như trùng roi, trùng biến hình) đến động vật có cơ thể gồm nhiều tế bào (động vật đa bào)
- Từ động vật đa bào có đời sống cố định, sống bám hoặc di động kém, cơ thể cấu tạo đối xứng tỏa tròn (thủy tức, hải quỳ, san hô…) đến động vật có đời sống di động linh hoạt, cơ thể đối xứng hai bên.
- Động vật từ chỗ không có bộ phận bảo vệ, nâng đỡ cơ thể như các loài giun đến chỗ cơ thể có vỏ đá vôi bên ngoài ở thân mềm, bộ xương ngoài bằng kitin hoặc bộ xương trong như Động vật có xương sống.
- Cây phát sinh tiến hoá giới động vật
1.2. Sự thích nghi thứ sinh
- Thích nghi thứ sinh là hiện tượng tổ tiên của những loài động vật có xương sống sau khi đã chuyển lên môi trường cạn và đã thích nghi với môi trường này, song con cháu của chúng lại đi tìm nguồn sống ở trong môi trường nước. Chúng trở lại sống và có cấu tạo thích nghi với môi trường nước.
- VD:
- Cá voi tuy sống hoàn toàn trong nước như cá, nhưng không có quan hệ huyết thống gần với cá lớp Cá (sống trong nước), cá voi thuộc lớp Thú và đã có cấu tạo thích nghi thứ sinh với môi trường trong nước.
- Lớp chim có chim cánh cụt có đặc điểm giống chim là mình có lông vũ bao phủ, chi trước biến đổi thành cánh dài khỏe nhưng không biết bay. Chân ngắn, 4 ngón có màng bơi sống bơi lặn ở trong nước là chủ yếu.
1.3. Tầm quan trọng thực tiễn của động vật
a. Động vật có ích:
- Thực phẩm (vật nuôi, đặc sản):
- Động vật không xương sống: Bào ngư, sò huyết, tôm hùm, cua bể, cà cuống
- Động vật có xương sống: Gia súc, gia cầm (thịt, sữa), yến (tổ yến), baba
- Dược liệu:
- Động vật không xương sống: Ong (tổ ong, mật ong), bọ cạp
- Động vật có xương sống: Tắc kè, rắn hổ mang, rắn ráo, rắn cạp nong (rượu ngâm, nọc rắn), hươu, nai, khỉ, hổ (cao)
- Công nghệ (vật dụng, mĩ nghệ, hương liệu...):
- Động vật không xương sống: Rệp cánh kiến (tổ cánh kiến), ốc xà cừ, trai ngọc, tắm, san hô
- Động vật có xương sống: Hươu xạ (xạ hương), hổ (xương), đồi mồi, trâu, báo, công (da lông)
- Nông nghiệp:
- Động vật không xương sống: Ong mắt đỏ, kiến vống, côn trùng ăn sâu, côn trùng thụ phấn, hoa
- Động vật có xương sống: Trâu bò (sức kéo, xương làm phân bón), thằn lằn, ếch đồng, cá, ếch nhái, chim ăn sâu bọ (đấu tranh sinh học), rắn sọc dưa, cứ, mèo (diệt chuột)
- Làm cảnh:
- Động vật không xương sống: Những động vật có hình thái lạ, đẹp (các loài sâu bọ), được dùng làm vật trang trí, làm cảnh
- Động vật có xương sống: Chim cảnh (họa mi, yểng, sáo...), cá cảnh (cá vàng, cá kiến...)...
Vai trò trong tự nhiên:
- Động vật không xương sống: Giun đất (cày xới đất), sâu bọ thụ phấn hoa, sâu bọ đất làm nhỏ lá rụng. Trai sò, hầu, vẹm làm sạch môi trường
- Động vật có xương sống: Chim thú phát tàn hạt cây rừng
b. Động vật có hại:
- Đối với nông nghiệp:
- Động vật không xương sống: Bướm sâu đục thân lúa, rầy xanh, sâu gai, mọt thóc, các loại ốc sên...
- Động vật có xương sống: Lợn rừng (phá nương rẫy), cu gáy, gà rừng (ăn hạt), chuột...
- Đối với đời sống con người:
- Động vật không xương sống: Mối (xông gỗ, đục đe...), mọt (xông gỗ)...
- Động vật có xương sống: Bồ nông (ăn cá), diều hâu (bắt gà, chim), chuột phá hại các vật dụng bằng gỗ, vải...
- Đối với sức khỏe con người:
- Động vật không xương sống: Amip lị, ruồi txê (gây bệnh ngủ), chấy, rận, rệp, cái ghẻ, giun sán, gián, ốc mít, ốc tai (vật chủ trung gian truyền bệnh giun sán)
- Động vật có xương sống: Chuột, mèo, chó, gà... (mang mầm bệnh có hại)...
2. Bài tập minh họa
Câu 1: Cơ quan nào làm nhiệm vụ che chở bảo vệ cơ thể tôm?
Hướng dẫn giải
Vỏ cơ thể tôm cấu tạo bằng kitin. Nhờ ngấm thêm canxi nên vỏ tôm cứng cáp, làm nhiệm vụ che chở và chỗ bám cho hệ cơ phát triển, có tác dụng như bộ xương (còn gọi là bộ xương ngoài)
Câu 2: Hệ tuần hoàn của chim có đặc điểm gì?
Hướng dẫn giải
Tim có cấu tạo hoàn thiện, với dung tích lớn so với cơ thể. Tim 4 ngăn, gồm 2 nửa phân tách nhau hoàn toàn là nửa trái (chứa máu đỏ tươi) và nửa phải(chứa máu đỏ thẫm), máu không bị pha trộn, máu đi nuôi cơ thể là máu đỏ tươi.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Đặc điểm cơ thể nào của thỏ tiến hóa hơn so với ở thằn lằn?
Câu 2: Các đặc điểm cấu tạo nào của thằn lằn thích nghi với đời sống trên cạn?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Động vật có ở khắp mọi nơi là do:
a. Chúng có khả năng thích nghi cao
b. Sự phân bố từ xa xưa
c. Do con người tác động
d. Cả a, b, c đúng
Câu 2: Trùng roi khác thực vật ở những điểm nào?
a. Có khả năng di chuyển
b. Có diệp lục
c. Tự dưỡng
d. Có cấu tạo tế bào
Câu 3: Trùng giày lấy thức ăn nhờ
a. Chân giả
b. Lỗ thoát
c. Lông bơi
d. Không bào co bóp
Câu 4: Cơ thể của động vật nguyên sinh có đặc điểm chung là
a. Có kích thước hiển vi, chỉ là một tế bào nhưng đảm nhiệm mọi chức năng sống
b. Có kích thước hiển vi, đa bào nhưng đảm nhiệm mọi chức năng sống
c. Có kích thước hiển vi, chỉ là một hoặc hai tế bào nhưng đảm nhiệm mọi chức năng sống
d. Có kích thước hiển vi, đơn bào hoặc đa bào đơn giản nhưng đảm nhiệm mọi chức năng sống
4. Kết luận
Sau khi học xong bài này các em cần:
- Nêu được sự tiến hoá của giới động vật từ thấp đến cao, từ đơn giãn đến phức tạp.
- Nêu được sự thích nghi của động vật với môi trường sống, chỉ rõ giá trị nhiều mặt của giới động vật.
Tham khảo thêm
- doc Sinh học 7 Bài 57: Đa dạng sinh học
- doc Sinh học 7 Bài 58: Đa dạng sinh học (tiếp theo)
- doc Sinh học 7 Bài 59: Biện pháp đấu tranh sinh học
- doc Sinh học 7 Bài 60: Động vật quý hiếm