Bài 6: Sự can thiệp của chính phủ vào thị trường

Nội dung bài giảng Bài 6: Sự can thiệp của chính phủ vào thị trường gồm có: Thời kỳ trước đổi mới như: Sự can thiệp trực tiếp của chính phủ: giá trần và giá sàn; Sự can thiệp gián tiếp của chính phủ: thuế và trợ cấp. Để nắm nội dung chi tiết bài giảng, mời các bạn cùng eLib tham khảo!

Bài 6: Sự can thiệp của chính phủ vào thị trường

Trong thực tế, hầu hết các thị trường không hoạt động hoàn toàn tự do. Hệ thống kinh tế ở hầu hết các nước không hoàn toàn là hệ thống kinh tế thị trường tự do thuần túy, mà là hệ thống kinh tế hỗn hợp. Chính phủ thường can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào thị trường bằng một số biện pháp. Sự can thiệp này nhằm mục đích làm thay đổi giá cả và số lượng hàng hóa và dịch vụ.

1. Sự can thiệp trực tiếp của chính phủ: giá trần và giá sàn

Đôi khi sự thay đổi trong cầu hay cung hàng hóa và dịch vụ đem đến giá cao hay thấp bất thường, có thể làm cho các thành phần nào đó trong xã hội được và mất một cách không công bằng. Chính phủ có thể can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào thị trường.

Để tránh tình trạng giá cao bất thường, chính phủ có thể ấn định giá trần, theo luật giá cả không thể tăng trên mức giá đó. Để tránh tình trạng giá thấp bất thường, chính phủ có thể ấn định giá sàn, theo luật giá cả không thể giảm dưới mức giá đó. Cả hai trường hợp, chính phủ cố gắng đạt đến mục tiêu công bằng trong phân phối hàng hóa và dịch vụ.

Sự bất lợi của giá trần và giá sàn là nó không thể ngăn ngừa các thị trường di chuyển đến điểm cân bằng. Nó có thể gây ra sự dư thừa hay thiếu hụt trầm trọng và kéo dài hơn so với tình trạng thị trường tự do.

1.1 Giá trần (hay giá tối đa - Pmax)

Khi chính phủ quy định giá trần, có thể xảy ra 2 trường hợp: Giá trần thấp hơn giá cân bằng và giá trần cao hơn giá cân bằng.

Khi giá trần thấp hơn giá cân bằng (Pmax < Po): Quy định giá trần có hiệu lực (đồ thị 2.15a)

Đồ thị 2.15a mô tả những ảnh hưởng của chính sách giá trần hay giá tối đa, P0 và Q0 là điểm cân bằng trên thị trường tự do. Nếu chính phủ qui định rằng giá không thể cao hơn giá trần cho phép là Pmax (thấp hơn giá cân bằng P0), các nhà sản xuất không thể cung ứng nhiều như trước, lượng cung giảm xuống còn và ngược lại những người mua lại muốn mua một lượng lớn hơn là Q2. Kết quả là lượng cầu vượt lượng cung, thị trường thiếu hụt một lượng hàng là (Q2 – Q1). Sự khan hiếm đôi khi thể hiện qua hình thức xếp hàng hoặc hình thức định lượng, tem phiếu.

Một số người được lợi và một số bị thiệt từ biện pháp can thiệp này. Người sản xuất chịu thiệt, nhận được mức giá thấp hơn trước và một số phải ngừng sản xuất. Một số người tiêu dùng được lợi vì được mua hàng với giá thấp, một số khác không mua được hàng sẽ thiệt thòi vì phải mua hàng ở một thị trường không hợp pháp - thị trường chợ đen - với mức giá P0 cao hơn mức giá P0 trong điều kiện thị trường tự do. Chúng ta sẽ có phương pháp để đo lường cái được và cái mất do chính sách này đem lại trong chương V.

Nếu giá trần cao hơn giá cân bằng (Pmax > Po): quy định giá trần không có hiệu lực, giá thị trường không thay đổi, vẫn là P0, thể hiện trên đồ thị 2.15b.

1.2 Giá sàn (hay giá tối thiểu - Pmin)

Khi chính phủ quy định giá sàn, có thể xảy ra 2 trường hợp: Giá sàn cao hơn giá cân bằng, và giá sàn thấp hơn giá cân bằng.

Khi giá sàn cao hơn giá cân bằng (Pmin > Po): Quy định giá sàn có hiệu lực (đồ thị 2.16a)

Trên đồ thị 2.16a, P0 và Q0 là điểm cân bằng trên thị trường tự do, nếu chính phủ qui định rằng giá không thể giảm thấp hơn giá sàn cho phép là Pmin Ở mức giá cao Pmin, lượng cung ứng Q1 nhiều hơn trước và ngược lại những người mua chỉ muốn mua một lượng ít hơn là Q2. Kết quả là lượng cung vượt lượng cầu, thị trường dư thừa một lượng hàng là (Q1 – Q2). Rõ ràng là người tiêu dùng bị thiệt từ biện pháp can thiệp này, vì phải mua hàng với giá Pmin cao hơn mức giá P0 trong điều kiện thị trường tự do. Người sản xuất nhận được mức giá cao hơn trước, nhưng giảm số lượng bán từ Q0 xuống Q2, nếu chính phủ không có biện pháp hỗ trợ bằng cách mua hết lượng sàn phẩm thừa, thì họ sẽ không có thu nhập để bù đắp chi phí để sản xuất (Q1 – Q2). Các ví dụ cho chính sách giá sàn là giá lúa tối thiểu, tiền lương tối thiểu.

Ví dụ: Các quốc gia thường đặt giá sàn cho nông sản nhằm bảo hộ người nông dân. Ở Việt Nam, chính phủ đã đặt giá sàn cho lúa. Có thể minh hoạ trên đồ thị 2.16a. Khi chính phủ chưa can thiệp thì giá lúa cân bằng ở mức giá P0 và lượng lúa cân bằng là Q0. Khi đặt giá sàn là Pmin cao hơn mức giá cân bằng, thì lượng cầu giảm còn Q2, lượng cung tăng lên là Q1. Kết quả lượng cung lớn hơn lượng cầu, gây ra lượng lúa dư thừa là AB. Chính phủ đã mua hết lượng lúa thừa AB làm lương thực dự trữ quốc gia. Trong trường hợp này người nông dân được lợi nhiều, vì bán với giá quy định cao hơn và số lượng bán lớn hơn so với trước khi có giá sàn, còn người mua bị thiệt thòi hơn so với trước.

Ngoài ra giá sàn còn được thể hiện trong chính sách tiền lương tối thiểu của các quốc gia, nhằm trợ giúp người lao động được khấm khá hơn. Cách giải thích cũng tương tự như giá sàn về lúa trên đồ thị 2.16a. Khi chính phủ định mức lương tối thiểu cao hơn mức lương cân bằng, lượng cung lao động sẽ lớn hơn lượng cầu lao động, gây ra tình trạng dư thừa hay thất nghiệp là AB lao động không có việc làm.

Nếu giá sàn thấp hơn giá cân bằng (Pmin < P0): quy định giá sàn không có hiệu lực, giá thị trường không thay đổi, vẫn là P0, thể hiện trên đồ thị 2.16b.

2. Sự can thiệp gián tiếp của chính phủ: thuế và trợ cấp

2.1 Đánh thuế

Trong thực tế, đôi khi chính phủ xem việc đánh một mức thuế trên một đơn vị hàng hóa như là một hình thức phân phối lại thu nhập, hay hạn chế việc sản xuất hay tiêu dùng một loại hàng hóa hay dịch vụ nào đó. Qua đường cung và đường cầu ta có thể xem xét tác động của một khoản thuế.

Giả sử chính phủ đánh thuế t đồng trên một đơn vị hàng hóa được bán ra, phản ứng của người bán là họ muốn được trả một mức giá thị trường cao hơn trước t đồng tại mọi số lượng được bán ra. Điều đó có nghĩa là đường cung sẽ dịch chuyển song song lên trên một đoạn bằng đúng khoản thuế t (hình 2.17a,b).

Đường cầu của người tiêu thụ không có lý do gì để thay đổi. Trên đồ thị giá cân bằng tăng từ P1 lên P2 và lượng cân bằng giảm từ Q1 xuống Q2. Giá cân bằng cao hơn trước, có nghĩa là người sản xuất đã chuyển được phần nào gánh nặng thuế sang cho người tiêu dùng:

Phần thuế người tiêu dùng chịu trên mỗi sản phẩm là tD, cụ thể là khoản E2A = tD = P2 - P1 trên đồ thị. Nhưng mức thuế mà người tiêu dùng gánh chịu qua giá mua nhỏ hơn mức thuế mà người sản xuất phải nộp (E2A < t), do đó người sản xuất cũng gánh chịu một phần thuế là tS = AB =t - E2A=P1 - PS.

Giá mà người sản xuất thực nhận sau khi có thuế là PS = P2 - t.

Như vậy ai gánh chịu nhiều hơn từ một sắc thuế của chính phủ?

Xét ba trường hợp đặc biệt sau:

Cầu hoàn toàn co giãn theo giá, thì người sản xuất phải gánh chịu toàn bộ khoản thuế Cầu hoàn toàn không co giãn theo giá, thì người tiêu dùng phải gánh chịu toàn bộ khoản thuế Cung hoàn toàn không co giãn theo giá, thì người sản xuất phải gánh chịu toàn bộ khoản thuế

Như vậy tác động của một khoản thuế là nói đến gánh nặng kinh tế cuối cùng của nó. Việc người mua hay người bán cuối cùng phải chịu khoản thuê đó phụ thuộc vào độ co giãn tương đối của cung và cầu.

Nói chung, người sản xuất sẽ gánh chịu phần lớn khoản thuế nếu cầu co giãn nhiều so với cung (\(| E_D | \)/ \(E_S\) lớn).

Ngược lại, người tiêu dùng sẽ gánh chịu phần lớn khoản thuế nếu cầu ít co giãn so với cung (\(| E_D | \)/ \(E_S\) nhỏ).

Cụ thể, phần thuế chuyển vào giá mà người tiêu dùng phải chịu (tD) có thể tính theo công thức sau:

\(t_D = t \times \frac{E_S}{|E_D| + E_S}\)                            (2.12)

2.2 Trợ cấp

Trợ cấp có thể xem như một khoản thuế âm. Do đó, ngược lại đối với trường hợp đánh thuế, chính phủ xem việc trợ cấp một khoản tiền nào đó trên một đơn vị hàng hóa như là một hình thức hỗ trợ cho sản xuất hay tiêu dùng. Tương tự như phân tích tác động của một khoản thuế, qua đường cung và đường cầu ta có thể xem xét tác động của một khoản trợ cấp.

Giả sử chính phủ trợ cấp s đồng trên một đơn vị hàng hóa đối với người sản xuất, họ có thể cung ứng mức sản lượng cao hơn trước ở tất cả mức giá có thể có trên thị trường. Điều đó có nghĩa là đường cung sẽ dịch chuyển sang phải hay dịch chuyển xuống dưới một khoản bằng đúng khoản trợ cấp s (hình 2.19).

Đường cầu của người tiêu thụ không có lý do gì để thay đổi. Trên đồ thị giá cần bằng giảm từ P1 xuống P2 và lượng cân bằng tăng từ Q1 lên Q2. Giá cần bằng thấp hơn hơn có nghĩa là người tiêu dùng củng hưởng lợi từ chính sách trợ cấp, cụ thể là họ mua sản phẩm với mức giá thấp hơn một khoản E1C trên đồ thị, do đó người sản xuất chỉ hưởng một phần trự cấp là đoạn CD = s - E1C. Giá mà người sản xuất thực nhận sau khi có trợ cấp là PS = P2 + s. Như vậy ai có lợi nhiều hơn từ chính sách trợ cấp của chính phủ?

Xét ba trường hợp đặc biệt sau:

Cầu hoàn toàn co giãn theo giá, thì người sản xuất hưởng toàn bộ khoản trợ cấp. Cầu hoàn toàn không co giãn theo giá, thì người tiêu dùng hưởng toàn bộ khoản trợ cấp Cung hoàn toàn không co giãn theo giá, thì người sản xuất hưởng toàn bộ khoản trợ cấp

Như vậy cuối cùng việc người mua hay người bán hưởng lợi từ chính sách trợ cấp của chính phủ là phụ thuộc vào độ co giãn tương đối của cung và cầu. Nói chung, người sản xuất sẽ hưởng phần lớn khoản trợ cấp nếu cầu co giãn nhiều so với cung.

Nhằm giúp các bạn sinh viên có thêm tư liệu tham khảo, eLib đã tổng hợp nội dung bài giảng Bài 6: Sự can thiệp của chính phủ vào thị trường và chia sẽ đến các bạn trên đây. Hy vọng tư liệu này giúp các bạn nắm bắt nội dung bài học dễ dàng hơn.

Ngày:07/10/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM